Điện ảnh là ngành dịch vụ thuộc nhóm giải trí, nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng gián tiếp từ đại dịch Covid-19 nhưng thiệt hại nặng nề. Trên thế giới, một loạt những “bom tấn” từng được kì vọng doanh thu tỉ đô đã mạnh dạn biến mất trên lịch chiếu dài hạn lẫn ngắn hạn. Từ 007: No Time to Diecho đến Fast & Furious 9, hay Mulan, Tenet,… đều lặn mất tăm hoặc nhà phát hành cứ công bố lịch chiếu tạm thời rồi liên tục dời.
Bom tấn đầu tiên công bố dời lịch nhưng tháng 11 có chiếu thật không thì chưa ai dám chắc.
Phim lũ lượt dời lịch chiếu âu cũng là điều dễ hiểu!
Mulan giờ đây đã có kết quả sau nhiều gian truân: chiếu trả phí trên nền tảng Disney+. Tenet thì bất chấp thị trường Trung Quốc từ chối và thị trường nội địa Hollywood chưa sẵn sàng mà công bố lịch chiếu ở các nước khác, trong đó có Việt Nam vào cuối tháng 8 này. Những thương hiệu đình đám khác với lượng doanh thu cần được cộng dồn từ tất cả các thị trường quan trọng thì vẫn nằm im chờ động tĩnh.
Đó là chuyện ngoại quốc. Ở Việt Nam, khi các rạp được mở cửa lại bình thường từ đầu tháng 5, đã từng có những hy vọng về cơ hội cho phim nội địa. Cũng đã có một số phim ra mắt như Tôi Là Não Cá Vàng, Sky Tour: Movie, Bằng Chứng Vô Hình hay Đỉnh Mù Sương nhưng tình hình doanh thu đều “sương sương” hoặc rất tệ hại. Như đã từng phân tích trước đó, chất lượng phim là lý do quan trọng nhất, đặc biệt là trong giai đoạn khán giả đã quen với việc xem phim trả phí ở nhà trên các nền tảng trực tuyến. Sẽ không bao giờ có chuyện vì thèm cảm giác ra rạp mà họ bất chấp xem những phim chất lượng kém. Nếu có, đó chỉ là lượng rất nhỏ không thể cứu được tình hình doanh thu đang tụt giảm nghiêm trọng. Trong số các nước cùng khu vực, Việt Nam là nước có tình hình khả quan nhất. Nhưng nhìn chung, vẫn là một sự đìu hiu so với thời trước dịch.
Sky Tour là phim Việt có doanh thu khá ổn sau mùa dịch nhưng vẫn khiêm tốn.
Một quả “bom tấn” Peninsula có mang về hơn 80 tỷ đồng doanh thu trong thời điểm này thì cũng chỉ là tín hiệu nhất thời. Hết phim muốn xem thì khán giả sẽ tiếp tục ở nhà. Hiện thực này đã chứng minh quá rõ ràng khi trong tuần đầu tiên Đà Nẵng bùng dịch, tổng doanh thu cuối tuần ở các rạp sụt giảm trầm trọng và Peninsula chiếm đến tầm 80% trong số tiền kiếm được. Thời thế tạo anh hùng nhưng thời thế hiện nay đối với các nhà phát hành là quá “khoai” để một anh hùng nội địa nào đó xuất hiện. Ròm dời lịch khỏi 31/7. Chồng Người Ta,Tiệc Trăng Máucũng dời lịch khỏi tháng 8. Trong số đó, 2 bộ phim được giới chuyên môn trông đợi, số đông khán giả biết đến hoặc chú ý đã nhanh chóng rút lui và chưa hẹn ngày gặp lại.
Sau đó một chút, chúng ta có Song Song (25/9), Trái Tim Quái Vật (16/10) và Tà Năng - Phan Dũng (16/10) nhưng bây giờ chẳng ai dám chắc mẩm chúng có được ra rạp đúng hẹn hay không. Đến cả một phim với dàn cast đông đúc và bảo chứng phòng vé như Tiệc Trăng Máu mà còn phải sợ “trùm cuối chị Vy” thì các phim với thể loại vốn không phổ biến như hình sự, sinh tồn làm sao mà không sợ? Ở cái mùa khó khăn về kinh tế này, bài toán kinh tế chắc chắn phải được ưu tiên giải trước. Tạm thời, khán giả có thể sẽ hiểu và rất thông cảm khi các bộ phim phải “cao chạy xa bay”.
Tuy nhiên, một tương lai “loạn xà ngầu” cũng là chuyện có thể đoán trước
Nếu phim dời, thì sẽ dời đến khi nào? Câu hỏi này có lẽ chính những người trong cuộc cũng phải đau đầu. Khi trước mắt có đến tận 5 phim đang chen chúc nhau chờ lịch mới. Tình hình chưa biết khi nào khả quan, mà phim lại không thể đổ dồn cùng nhau ra mắt với thị trường nhỏ như Việt Nam. Chưa kể tháng 12 vốn đã có Chị Mười Ba 2 “đặt gạch” từ trước. Nếu dồn một loạt 5, 6 phim vào thời điểm gần nhau, chiếc bánh thị phần vốn chưa phục hồi lại tiếp tục chia nhỏ, rõ ràng là một câu chuyện buồn dễ dàng biết trước.
Sau dịp cuối năm, sẽ là dịp Tết, thời điểm “vàng” của phim Việt mọi năm. Tạm cho là qua năm chúng ta sẽ hết dịch, hay đã có cách sống chung với nó thì lịch phim mùa Tết năm nay vốn cũng đã rất căng với phim Việt chờ sẵn. Trong đó có Lật Mặt 5: 48hvà Trạng Tí vốn dời từ dịp 30/4 năm nay sang và mới đây có Gái Già Lắm Chiêu 5 ghi danh vào hội. Thế là các phim đang chờ lịch kia chẳng còn cách nào ngoài việc phải tiếp tục dời. Valentine, 8/3, Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4,… nếu ổn thoả, mỗi phim chia nhau một cái lễ có lẽ là an toàn nhất.
Nhưng đấy là chúng ta đoán với tư cách khán giả. Nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà phát hành, đủ thứ “nhà” quan tâm đến doanh thu liệu có chấp nhận dời phim lâu đến thế không cũng là vấn đề. Ví dụ như Tenet, với kinh phí hơn 200 triệu đô, dường như những nhà đầu tư cũng sốt ruột nên nhất định cho các nước khác chiếu trước kể cả khi Mỹ và Trung Quốc chưa chiếu.
Với một thị trường vốn rất khắt khe với phim nội, ít khi nào khán giả sẵn sàng xem nhiều phim Việt cùng lúc thì tương lai sắp tới thực sự hơi loạn vì chẳng ai muốn dời mà cũng chẳng ai muốn giành. Chưa kể việc không có bom tấn ngoại quốc ở rạp thường xuyên cũng đã chứng minh sức hút của rạp giảm đáng kể. Éo le thay khi phải thừa nhận có những lúc phim Việt cần phim ngoại cạnh tranh với mình đến thế. Ngành điện ảnh đang phát triển, chưa có văn hóa xem phim rõ rệt như chúng ta chưa thể nào tự vận hành trơn tru chỉ với phim trong nước, phải chấp nhận sự thật.
Rõ ràng vấn đề về doanh thu sẽ là thứ khiến tất cả phải đau đầu. Trong khi đó thị hiếu và thói quen của khán giả thì thay đổi và thích nghi từng ngày. Việc ở nhà xem phim dần dà sẽ trở thành một loại hình giải trí thay thế mới với rất nhiều phim chuyển sang phát hành trên định dạng này và đã thành công như Trolls World Tour hay dự kiến sắp tới là Mulan. Chẳng ai dám đoán được khi phim mình ra mắt trong mùa dịch này thì sẽ kiếm được bao nhiêu tiền nữa. Cũng chẳng ai dám mạnh dạn chiếu đại, chiếu liều mà không nghĩ đến doanh thu nữa. Khi dịch vừa bùng phát, có lẽ mọi người vẫn còn hơi lạc quan và cho rằng cuối năm nay mọi thứ sẽ ổn thoả. Rốt cục thì thực tế khắc nghiệt đã khiến tất cả thi nhau tháo chạy. Để rồi đến giai đoạn sau đó, không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế, sẽ là những “cuộc chiến” khó lòng khoan nhượng để giành lịch chiếu mới. Một năm quá buồn cho điện ảnh!
Nguồn ảnh: Tổng hợp