Ròm là dự án điện ảnh ấp ủ và thai nghén trong gần 10 năm ròng của đạo diễn Trần Thanh Huy. Mãi đến tận tháng 04/2020, phim mới được cấp phép ra rạp. Cứ ngỡ chỉ dừng lại ở danh xưng phim đầu tiên "cả gan" đi dự thi quốc tế dù chưa được cấp phép phát hành, hóa ra Ròm lại ra mắt khán giả với khá nhiều cái "đầu tiên" đầy ý nghĩa.
Trailer của Ròm
1. Phim đầu tiên sử dụng 99% góc máy nghiêng
Theo như anh Nguyễn Vinh Phúc - Đạo diễn hình ảnh của Ròm chia sẻ, phim được sử dụng gần như 100% góc máy quay nghiêng. Kỹ thuật quay này sẽ mang lại những trải nghiệm hình ảnh mới lạ, cải thiện thị giác trong khi xem. Đồng thời, ekip cũng muốn gửi gắm hàm ý rằng góc máy nghiêng giống như cuộc đời của những người dân lao động, lúc nào cũng chao nghiêng và đầy khó khăn.
Anh Nguyễn Vinh Phúc - một trong hai đạo diễn hình ảnh của phim "Ròm"
Góc máy hơi nghiêng trong "Ròm"
Áp dụng kỹ thuật quay nghiêng quá nhiều phải đối mặt với rủi ro là khiến khán giả phân tâm, rời mắt khỏi mạch chuyện chính của phim. Nhưng đoàn phim Ròm đã chịu đánh cược, và may mắn làm sao khi ra rạp, chính cách quay này đã tạo nên sự mới lạ, thú vị về mặt hình ảnh cho Ròm.
2. Phim đầu tiên "xông pha" đi giành giải thưởng trước cả khi có giấy phép công chiếu
Tháng 10/2019, Ròm đạt giải New Currents - giải thưởng quan trọng nhất nhì tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019. Nhưng phim lại chưa được Cục Điện ảnh duyệt mà nhà sản xuất đã mang đi dự thi nên ekip đã bị phạt hành chính 40 triệu đồng. Trường hợp "tiền trảm hậu tấu" này tuy là một nước đi liều lĩnh của ekip, nhưng lại chưa có một tiền đề nào từng diễn ra. Tuy không thể nói là ekip phim Ròm đã làm đúng, nhưng có lẽ nhờ thành công gặt hái được ở quốc tế đã giúp tạo một bàn đạp cho phim được nhiều người biết tới hơn.
Mang phim đi dự Liên hoan phim khi chưa có giấy phép phát hành là một hành động vừa dùng cảm, vừa "liều". Đó là vì kiểu dự thi "chui" như vậy là trái quy định của nhà nước và Ròm phải đánh đổi nguy cơ chịu hình phạt, để có cơ hội được khán giả quốc tế biết tới.
3. Phim đầu tiên "hồi sinh" sau khi dính hình phạt "hủy tang vật", phải thay da đổi thịt đến 50%?
Hậu quả của việc đem phim chưa có giấy phép đi tham gia thi Liên hoan quốc tế là Ròm phải chịu một hình phạt cực kỳ nặng nề từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhưng đây lại là điều kiện "đòi hỏi" Ròm phải lột xác hồi sinh.
Để vượt qua cửa ải cuối cùng, "Ròm" bắt buộc phải lột xác
Trở về từ liên hoan phim quốc tế, ngày 03/01 bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo để giải đáp những câu hỏi về văn hóa, thể thao và du lịch. Trong buổi họp báo này, Bộ Văn hóa đã đưa ra một hình phạt cực kỳ nặng nề cho Ròm. Đó là đoàn phim phải đóng phạt, kèm theo đó là "hủy tang vật vi phạm". Tức là phải xóa bản phim gửi tham gia liên hoan phim của ekip. Đại diện Cục Điện ảnh lúc bấy giờ đã có thông tin chính thức đến báo chí.
Ròm chỉ còn một cách duy nhất để được ra rạp, đó là phải "thay da đổi thịt". Đoàn phim phải chỉnh sử Ròm để phù hợp với yêu cầu cấp phép. Có tin đồn rằng 50% nội dung phim ban đầu đầu đã bị thay đổi, rất nhiều cảnh quay được cho là đắt giá, mang tính sáng tạo cao của ekip đã không có cơ hội xuất hiện trước quê nhà. Thông tin này đã gây ra không ít hoang mang cho khán giả khiến chính bản thân đạo diễn Trần Thanh Huy phải lên tiếng đính chính rằng thực chất phim bị sửa đổi không nhiều.
Đứng trước công sức gần thập kỷ, ekip Ròm đã dũng cảm chọn phương án lột xác. Để phim có cơ hội được đến với khán giả. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn, để loại bớt những tinh hoa và phải quay lại những thước phim còn thiếu. Sau khi chỉnh sửa, Ròm đã được cấp phép phổ biến tại thị trường Việt Nam.
4. Phim đầu tiên "xông pha" phòng vé, mở đường cho phim Việt trở lại rạp sau dịch
Gọi Ròm là phim "tiên phong" mở đường cho phim Việt trở lại rạp sau dịch là không sai. Dù Bằng Chứng Vô Hình đã ra rạp trước vào tháng 8, nhưng dịch lại bùng phát lần 2 khiến các nhà phát hành phim thực sự "nhát tay". Ra rạp vào thời điểm này không có một yếu tố đảm bảo thành công nào, nhưng đẩy phim ra rạp là cần thiết vì khán giả cần có động lực, một phim mới để đến phòng chiếu bóng.
Công chiếu vào thời điểm này, đi trước cả những phim đầy hứa hẹn như Tiệc Trăng Máu, Chồng Người Ta... là một hành động dũng cảm của ekip Ròm và các nhà phát hành. Với vai trò là người tiên phong, cùng với kịch bản mới lạ, Ròm có thể trở thành nguyên nhân giúp cho người xem chủ động trở lại rạp phim. Đây là một quyết định liều lĩnh bởi tình hình xã hội hiện nay. Nếu chẳng may dịch lại chuyển biến xấu, Ròm sẽ phải chịu số phận giống như Bằng Chứng Vô Hình, phòng chiếu rơi vào tĩnh lặng. Điều này đối với Ròm sẽ là tổn thất vô cùng lớn, vì công sức gần 10 năm của quá nhiều con người sẽ vì thế mà tiêu tan. Canh bạc mà nhà phát hành cùng với đoàn phim Ròm đang đánh liều đang thực sự rất rủi ro.
"Ròm" phải đối mặt với rủi ro rất lớn khi làm phim đầu tiên trở lại rạp sau mùa dịch
5.Phim đầu tiên sử dụng "loạn xạ" các loại máy quay, hiệu quả không thể ngờ tới
Cũng theo đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ, do quay trong thời gian dài nên phương tiện kỹ thuật của phim không được ổn định. Trải qua thời gian làm phim 7 - 8 năm, khá nhiều các loại máy quay khác nhau đã được sử dụng để quay Ròm. Kết quả là chất lượng hình ảnh không hề giống nhau. Khán giả đi xem có thể thấy nếu tinh mắt, đó là hình ảnh ở những khung hình đôi lúc có sự khác biệt về độ sắc nét, màu sắc v.v...
Nội trong năm 2011 và 2016, "Ròm" đã được quay bằng 3 loại máy khác nhau
Nếu không gặp được một chuyên viên chỉnh màu phim giỏi, trường hợp của Ròm là anh Bùi Công Anh, thì chất lượng hình ảnh của phim sẽ trở nên rất "lôm côm". Tức là khi xem sẽ thấy hình ảnh khác nhau, ghép lại thành những mảng màu đầy chắp vá, khó tiếp thu. Không còn cách nào khác, đây là điều mà đoàn phim kiểu "du kích" phải chấp nhận. Không phải thời điểm nào cũng có máy móc ưng ý để thực hiện phim. Chấp nhận sự chênh lệch về chất lượng hình ảnh để có phim ra rạp, là một hành động mang tính hy sinh, sẵn sàng đối mặt với rủi ro mà các thành viên trong ekip đã chấp nhận.
Anh Bùi Công Anh - chuyên gia chỉnh màu cho phim "Ròm"
6. Phim đầu tiên khai phá chủ đề khó: "bán vé số, đánh đề"
Nói chủ đề về cuộc sống của những người bán vé số, ghi số đề là đề tài khó không phải vì nhạy cảm mà vì nhóm chủ đề này cần nhiều nguyên liệu thực tế. So với các đạo diễn khác, chọn vùng "an toàn" để khai thác thì đạo diễn Trần Thanh Huy đã chọn một lối đi riêng, tiến vào những khu nhà của những người lao động. Ở đó, anh ghi nhận những trải nghiệm thực tế để truyền tải đến khán giả một cách chân thực nhất. Đồng thời, nam đạo diễn cũng mở ra một vùng trời đề tài mới với nhiều khía cạnh mới lạ cho các nhà làm phim tiếp theo tìm thấy nguồn cảm hứng. Không chỉ "khai quốc" ở mảng kinh tế, Ròm còn mở rộng chân trời ý tưởng cho các nhà làm phim sáng tạo.
Đoàn phim Ròm
Ròm là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa. Đó là sự cô đơn của đạo diễn Trần Thanh Huy khi đi tìm mãi mới gặp 1 - 2 người cùng niềm tin với mình. Đó là sự kiên trì, lòng tin mạnh mẽ và là tuổi trẻ các thành viên trong ekip. Ròm còn là thành quả của lòng dũng cảm, chấp nhận đối diện rất nhiều rủi ro, thậm chí là hình phạt để có thể thành công hộ tống phim ra rạp. Nhiêu đó đã là quá đủ cho những giá trị đáng quý của phim.
Ròm công chiếu tại các rạp toàn quốc từ ngày 25/09.