Chú hề là một nhân vật châm biếm, có ý nghĩa mua vui xuất hiện từ rất sớm. Mặc dù có nhiều loại hề khác nhau nhưng đặc điểm chung của họ là khuôn mặt được trang điểm đậm bằng sơn trắng, đen, gắn mũi giả màu đỏ. Họ ăn vận sặc sỡ, bắt mắt và thường có tính cách hậu đậu, vụng về.
Về sau, các loại hình diễn hề ngày càng phát triển. Bên cạnh hề mua vui, những chú hề bắt chước, chú hề độc ác, chú hề mặt đen... bắt đầu ra đời. Điều này phần nào đã khiến nỗi sợ nhân vật này của con người ngày một lớn hơn.
Chú hề - nhân vật mang ý nghĩa châm biếm, làm trò tiêu khiển
Chú hề xuất hiện khá sớm trong văn minh nhân loại với vai trò là người làm trò tiêu khiển. Ở Ai Cập vào năm 2500 TCN, các Pharaoh rất thích giữ những người lùn để pha trò trong cung đình. Trong văn hóa La Mã, các chú hề được mệnh danh là những kẻ ngốc nghếch dở hơi.
Vào thời Trung cổ, chú hề còn rất được mong đợi và quý mến, là đại diện cho phần ngớ ngẩn, hài hước của con người. Ban đầu, những người diễn hề đa phần là người có năng khiếu nói chuyện, biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể để kể các câu chuyện tình dục thô tục, hoặc chế giễu người nổi tiếng. Theo thời gian, nghề này phát triển càng mạnh và câu chuyện mỗi lúc một đa dạng, phong phú hơn.
Phần lớn những nghệ sĩ đóng vai hề đều thuộc tầng lớp dân nghèo. Họ di chuyển khắp nơi để mưu sinh, mua vui, làm trò tiêu khiển cho tầng lớp trên với cái nhìn châm biếm cuộc sống hàng ngày.
Dần dần, các gánh xiếc giang hồ quyết định thu nhận những nghệ nhân đóng vai hề vào trong đoàn tạp kỹ để hút khách. Từ đây, ngoài giọng nói cùng cử chỉ vui vẻ, chú hề còn phải hóa trang khuôn mặt và học nhiều trò khác như nhào lộn, nói tiếng bụng, tung hứng, đi trên dây...
Từ nhân vật mua vui thành cơn ác mộng của nhiều người
Mặc dù được xem là nhân vật mua vui nhưng trên thực tế, chú hề lại khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi. Ghê sợ chú hề là một căn bệnh có tên khoa học Coulrophobia. Những người bị mắc chứng bệnh này mang một nỗi ám ảnh sâu sắc với gương mặt của chú hề. Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ có cảm giác bất an. Trường hợp nặng hơn, họ sẽ có phản ứng cực đoan như khóc, ngất xỉu… khi nhìn thấy khuôn mặt của những chú hề.
Trong vài thập kỷ gần đây, căn bệnh này bỗng nhiên bùng phát mạnh ở châu Âu. Những câu chuyện về chú hề hay các cụm từ "chú hề ma quái", "chú hề biến thái" ngày một phổ biến hơn khiến cho nhiều người ban đầu không sợ cũng dần cảm thấy bị ám ảnh.
Trước khi chúng ta khoác lên mình những bộ trang phục sặc sỡ và đeo những chiếc mặt nạ "hài hước" để bắt đầu hù họa mọi người, thậm chí trước khi siêu phẩm IT của Stephen King ra đời thì hội chứng sợ chú hề đã tồn tại.
Các nhà tâm lý học tin rằng Coulrophobia (chứng sợ hề) hiện nay có sự liên kết với các câu chuyện kinh dị - tương tự nhân vật Pennywise nham hiểm của loạt phim IT. Tuy nhiên, đó không hẳn là nguyên nhân chính.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 cho thấy rất ít trẻ em yêu thích chú hề khi thấy họ ở phòng khám bệnh nhi, nha sĩ hay bệnh viện. Ngay cả khi không được theo dõi tác phẩm kinh dị trên, đa số trẻ em đều cảm thấy sợ hãi với vẻ ngoài bí hiểm của các chú hề. Theo Trung tâm Sức khỏe Cảm xúc Philadelphia, có đến 12% dân số Mỹ mắc phải hội chứng Coulrophobia.
Gốc rễ của căn bệnh sợ chú hề
Để làm rõ hơn nỗi sợ của con người trước nhân vật chú hề, tiến sĩ tâm lý Stephani Lay thuộc đại học Open (Anh) đã tiến hành nghiên cứu hành vi dựa trên kết quả khảo sát. Ông đưa ra kết luận rằng tất cả mọi nỗi sợ đều bắt nguồn từ những hành động kì quặc của chú hề.
Lay cho biết rằng chú hề mua vui thường chủ động tiếp cận các khách hàng nhí, mời mọc các em cái kẹo hay quả bóng bay với một thái độ "háo hức đến đáng ngờ". Trong mắt người đối diện, biểu hiện của chú hề luôn mang yếu tố nửa đe dọa, nửa hài hước mà họ không thể đoán được.
Frank T.McAndrew - một nhà tâm lý xã hội đã bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về hội chứng sợ hề. Ông công khai đề tài nghiên cứu của bản thân vào năm 2016. McAndrew cùng đồng nghiệp khảo sát 1.341 tình nguyện viên có độ tuổi 18-77. Họ phải điền vào bảng khảo sát về tính cách và hành vi mà bản thân cho rằng nó thật sự đáng sợ.
Kết quả cho thấy những hành vi khó đoán trước sẽ làm cho người khác cảm thấy không thoải mái. Tạo hình thường thấy của những chú hề là chiếc miệng rộng, đôi mắt lồi và họ thường lựa chọn những chủ đề khiếm nhã để chọc cười. Hành động đó khiến mọi người có ác cảm đối với những chú hề.
Nhà tâm lý học người Canada - Rami Nader lý giải rằng cách hóa trang sặc sỡ của những chú hề có thể khiến chúng ta xao nhãng trong việc đánh giá tính cách của họ. Bởi vì suy cho cùng, chúng ta không biết họ thật sự là ai. Chú hề thường phải trang điểm rất đậm với mục đích phóng đại biểu cảm hài hước trên mặt. Tuy vậy, điều đó lại đẩy nhân vật này đến với một loạt biểu cảm thiếu tự nhiên và khiến người khác nảy sinh phản ứng đề phòng, khó chịu mỗi khi tiếp xúc.
"Dưới lớp trang điểm ấy là những biểu cảm mà chúng ta không thể đoán được. Không ai có thể tỏ ra vui vẻ trong ngần ấy thời gian nhưng những chú hề có thể làm được điều này. Một nụ cười hạnh phúc luôn hiện hữu trên những gương mặt bí hiểm kia", Nader chia sẻ với trang Healthy. Con người thường có xu hướng không tin tưởng những người tỏ ra quá hạnh phúc. Đây là yếu tố khiến chú hề mang đến cảm giác nguy hiểm.
Các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay có xu hướng mang chú hề ra làm chủ đề nhằm xây dựng nên hình tượng ghê rợn. Câu chuyện về kẻ xấu đội lốt chú hề để thực hiện tội ác cũng thường xuyên được nhắc đi nhắc lại, vừa là để cảnh báo, vừa là để câu khách. Lâu lâu, các nhà làm phim lại sản xuất một tác phẩm nói về tội phạm là những tên hề quái đản và bệnh hoạn. Nỗi sợ chú hề vì thế mà ngày càng trở nên sâu sắc hơn, lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
(Theo Nguyên Hanh - zing.vn)