Sau gần hai tuần phát hành tại rạp, bom tấn Avatar: The Way of Water của đạo diễn James Cameron đã thu hơn 880 triệu USD từ phòng vé toàn cầu (theo số liệu của Box Office Mojo) và được dự báo sẽ sớm cán mốc 1 tỷ USD vào ngày đầu năm mới 2023. Đây là tốc độ gia tăng doanh thu đáng nể mà trong những năm qua, khán giả thường chỉ thấy gắn liền với thành công thương mại của các bom tấn siêu anh hùng do Marvel Studios sản xuất.
Trong một thập kỷ mà cả việc xem phim lẫn làm phim đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự bành trướng của dòng phim siêu anh hùng - mà Vũ trụ Điện ảnh Marvel là đại diện có sức chi phối mạnh mẽ nhất - Avatar: The Way of Water và đạo diễn James Cameron đã tạo ra một màu sắc khác biệt. Đóng vai trò hậu truyện của Avatar (2009) và khởi động cho chuỗi phim mới kéo dài bốn phần, Avatar: The Way of Water cho thấy cả sự kỳ công và cả liều lĩnh mà hiếm bom tấn siêu anh hùng - đang dần trở thành một thứ "mỳ ăn liền cho tâm hồn" - nào có được.
Bộ phim đề cao "hàng thật, giá thật"
Xem Avatar và Avatar: The Way of Water, khán giả có thể cảm nhận rõ rệt quan điểm làm nghệ thuật của James Cameron: Tại sao phải làm một bộ phim nếu nó không thể trở thành tác phẩm vĩ đại nhất? Thay vì dựa vào dàn nhân vật khán giả đã quen mặt nhớ tên, một vũ trụ điện ảnh bất tận với danh sách phim mới dài dằng dặc được bài binh bố trận kỹ càng, James Cameron lựa chọn gói gọn mọi thứ trong một tác phẩm duy nhất để tập trung đầu tư phát triển câu chuyện theo cả chiều sâu không gian lẫn chiều dài sự kiện. Mọi thứ được đẩy lên đến cực hạn với cả nhà làm phim lẫn các diễn viên tham gia dự án.
Nhắc đến thương hiệu Avatar, không thể không nhắc đến sự đầu tư khổng lồ cho công nghệ làm phim tân tiến. Theo SlashFilm, đạo diễn James Cameron là người sẵn sàng chờ đợi công nghệ hiệu ứng hình ảnh (VFX) phát triển cho tới khi bắt kịp tầm nhìn của mình về tác phẩm muốn thực hiện mới bắt tay thực hiện. Để chuẩn bị cho một bộ phim lấy bối cảnh thế giới dưới lòng đại dương, ông đã dành nhiều năm trời cùng các nhà khoa học thiết kế, chế tạo thiết bị lặn tối tân để khám phá khe nứt sâu nhất rãnh Mariana dưới lòng đại dương.
Theo Business Insider, khán giả tận hưởng khung cảnh đại dương trong The Way of Water, cảm thấy chúng hiện lên thật chân thực bởi James Cameron đã từ chối những điều dễ dàng. Thay vì sử dụng công nghệ màn hình xanh, vị đạo diễn đã cùng ê-kíp phát triển công nghệ bắt chuyển động dưới nước dùng riêng cho bộ phim. Ông cũng cùng các diễn viên ngụp lặn trong một bể nước có thể tích lên tới 3,4 triệu lít để ghi hình.
Bộ phim duy nhất phát hành trong năm 2022 có thể cạnh tranh với The Way of Water về sự đầu tư công phu tới mức điên rồ không phải Doctor Strange in the Multiverse of Madness hay Black Panther: Wakanda Forever từ vũ trụ Marvel mà là Top Gun: Maverick với dàn diễn viên chính phải học cách lái phi cơ chiến đấu song song cách sử dụng máy quay để tự ghi hình các phân cảnh bay lượn của mình.
Quy mô hoàng tránh và sự kỳ công mà các nhà làm phim đổ vào Avatar: The Way of Water hay Top Gun: Maverick đối lập với phong cách làm phim "nhanh, gọn, nhẹ" của Marvel Studios thời gian gần đây. Việc quá lệ thuộc vào công nghệ đồ hoạ vi tính trong khâu hậu kỳ đã phần nào giết chết cảm hứng sáng tạo của các diễn viên và hạ thấp chất lượng của tác phẩm.
Christian Bale từng chia sẻ với GQ anh phát ốm khi liên tục phải diễn trước phông xanh trong lần thủ vai phản diện của Thor: Love and Thunder (2022). Việc khán giả tinh mắt chỉ ra những lỗi dựng cảnh, lỗi thiết kế nhân vật trong phim Marvel những năm trở lại đây đã thành chuyện… xưa như diễm. Điều này tạo ra một nghịch lý đáng buồn: Những bộ phim được khán giả háo hức mong chờ nhất lại không phải sản phẩm được đầu tư công phu nhất.
Một bộ phim xuất sắc đáng giá tương đương vũ trụ điện ảnh triệu đô
Có một điều không thể phủ nhận là thương hiệu Avatar lép vế trong nền văn hoá đại chúng muôn màu muôn vẻ. Phim thiếu vắng những câu thoại, những khoảnh khắc đi vào lịch sử sẽ khiến người hâm mộ thổn thức rất lâu sau này như câu thoại "I love you 3.000" hay cái búng tay kèm câu thoại "I am Iron Man" của Tony Stark (Robert Downey Jr.) trong Avengers: Endgame (2019). Tuy nhiên, khuyết điểm này vẫn không thể ngăn Avatar trở thành phim ăn khách nhất lịch sử - ngôi vị mà Avengers: Endgame chỉ suýt soát chạm tới. Điều này phản ánh một sự thật - khán giả lựa chọn gắn bó với Avatar vì những giá trị to lớn hơn.
Chia sẻ với IndieWire, James Cameron cho biết ông đã xây dựng một nhóm biên kịch đông đảo để cùng mình lên ý tưởng cho các phần phim hậu truyện của Avatar. Đội ngũ này đã cùng Cameron xây dựng cốt truyện cho ba phần phim dựa trên 1.500 trang ghi chú được tổng hợp trong suốt một năm ròng. Từ cốt truyện này, họ mất thêm bốn năm nữa để cho ra đời một kịch bản hoàn chỉnh.
Đây rõ ràng là điều không thể xảy ra với một vũ trụ điện ảnh cần trung bình 2-3 phim mới ra rạp mỗi năm như Marvel. Guồng máy của Marvel Studios đã dẫn đến tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh - chỉ khoảng 40% (tương đương 2-3 tác phẩm) số phim siêu anh hùng Marvel ra rạp mỗi năm được đầu tư sâu về kịch bản, cốt truyện. Số còn lại chỉ là phim mang tính "lấp đầy chỗ trống" như Thor: Love and Thunder, Eternals (2021) hay Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings (2021)… khiến người xem hụt hẫng và dần dà bào mòn kỳ vọng của họ vào MCU.
Tất nhiên, The Way of Water, giống như đa phần phim siêu anh hùng Marvel ra rạp những năm trở lại đây, cũng không thể làm hài lòng 100% khán giả. Nhưng tỷ lệ phản hồi tích cực 79% với giới phê bình và 93% từ khán giả cho tác phẩm trên chuyên trang chấm điểm phim Rotten Tomatoes vẫn có thể coi là một bảo chứng cho chất lượng tác phẩm và thương hiệu điện ảnh trong lần trở lại sau 13 năm. Avatar là siêu phẩm. The Way of Water cũng không hề kém cạnh, thậm chí còn vượt trội về mặt công nghệ. Đây giống như những bậc thang tăng tiến, giúp khán giả còn nhớ vào thêm hào hứng vào những phần phim tiếp theo thay vì vẽ ra một đại phản diện chi phối tất cả hay cái kết còn bỏ dở theo lối hạ hồi phân giải.
Xem The Way of Water, khán giả dễ dàng nhận ra sự "biến mất" của một yếu tố quen thuộc với dòng phim bom tấn nhiều phần - các cảnh hậu danh đề lôi kéo sự chú ý của khán giả cho những phần kế tiếp. Phần phim Avatar đầu tiên không có cảnh hậu danh đề, và hậu truyện của nó cũng vậy. Trang Inverse gọi đây là "cuộc chiến giữa James Cameron và các cảnh hậu danh đề" đáng được ngợi khen. Nó trao cho bộ phim cơ hội được tồn tại độc lập, với cái kết trọn vẹn của chính nó thay vì trở thành một mắt xích trong một dây chuyền đồ sộ tới điểm đến không ai biết trước.
Để tận hưởng trọn vẹn Avatar hay Avatar: The Way of Water, khán giả buộc phải tới rạp, ngồi trong phòng chiếu với màn hình khổng lồ trước mắt và dàn âm thanh nổi xung quanh. Trải nghiệm ấy là thứ mà các dịch vụ giải trí tại gia đình không thể nào mô phỏng, nhưng dường như đang bị xem nhẹ trong những năm trở lại đây. Chống lại xu hướng ấy, gợi nhớ khán giả vẻ đẹp của điện ảnh truyền thống là điều mà nhiều nhà làm phim danh tiếng tại Hollywood đã và đang nỗ lực thực hiện trong những năm qua: Christopher Nolan đấu tranh với hãng phim để Tenet (2020) được phát hành tại rạp, câu chuyện tương tự cũng từng xảy đến với Denis Villeneuve và Dune (2021).
Khán giả có thể xem phim Marvel tại rạp, có thể xem ở nhà, có thể xem phim điện ảnh, có thể xem TV series thậm chí bỏ qua một vài tác phẩm trong chuỗi vì MCU luôn có cách giúp họ khoả lấp những khoảng trống thông tin khuyết thiếu bằng vũ trụ điện ảnh khổng lồ, không ngừng bành trướng của mình. Nhưng việc cho khán giả quá nhiều lựa chọn cũng đồng nghĩa khuyến khích họ trì hoãn - mình có cần thiết phải ra rạp xem ngay bộ phim này ngay không? Nhưng điều ấy khó xảy ra với Avatar hay Avatar: The Way of Water bởi người xem hiểu rằng nếu bỏ lỡ cơ hội thưởng thức tác phẩm trên màn ảnh rộng, họ đã bỏ lỡ một trải nghiệm điện ảnh có một không hai.