The Social Dilemma - bộ phim tài liệu mới nhất của Netflix giúp khai mở câu chuyện phía sau những tác động của mạng xã hội lên con người, đã cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Mạng xã hội đang kiểm soát con người như thế nào?". Có lẽ sau khi xem xong sản phẩm của đạo diễn Jeff Orlowski, khán giả sẽ muốn tắt ngay và luôn những thông báo trên Facebook, xóa các ứng dụng không cần thiết hay tránh xa điện thoại vài thước.
Trailer giới thiệu The Social Dilemma
Tất nhiên, trốn tránh không phải cách giải quyết. Phải thực sự hiểu vấn đề, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi viễn cảnh u ám được. Giống như câu thoại trong một bộ phim kinh điển: "Làm sao chúng ta có thể thoát ra khỏi được ma trận nếu không biết mình đang ở trong một ma trận?".
Làm sao chúng ta có thể thoát khỏi được vấn đề nếu né tránh và không hiểu điều gì đang kiểm soát mình?
Nếu chỉ xem bộ phim lớt phớt, tua nhanh đoạn này đoạn kia hay vừa làm gì đó vừa xem, rất khó để bạn có thể nắm rõ được thông điệp của bộ phim tường tận. The Social Dilemma lặp đi lặp lại một thông điệp đã xuất hiện suốt nhiều năm qua - chúng ta cần cẩn trọng khi sử dụng công nghệ và mạng xã hội: Những ứng dụng đó thu thập dữ liệu của người dùng, việc dành quá nhiều thời gian với điện thoại không tốt cho sức khỏe tinh thần và mạng xã hội là không gian để tin giả có thể truyền đi nhanh chóng.
Tất nhiên, với The Social Dilemma, những vấn đề trên được khắc họa một cách rõ nét và đi sâu vào chi tiết thông qua việc phỏng vấn với chuyên gia tới từ chính những mạng xã hội ấy. Người trong cuộc từ Facebook, Google, Twitter, Instagram, Pinterest,… đưa ra cảnh báo cho người xem về chính những hệ thống mà họ xây dựng. Họ là Tim Kendall - cựu chủ tịch Pinterest và cựu giám đốc mảng Monetisation trên Facebook, Jaron Lanier - tác giả cuốn sách 10 tranh luận về việc xóa tài khoản mạng xã hội ngay bây giờ và Tristan Harris - đồng sáng lập trung tâm Công nghệ con người, cựu nhân viên của Google.
The Social Dilemma từng ghi dấu ấn tại LHP Sundance
Chúng ta - Những người dùng lại là "hàng hóa" của mạng xã hội
Mạng xã hội không đơn thuần là công cụ chỉ chờ người đến và sử dụng, nó có những mục tiêu riêng mà chúng ta thường không để tâm đến. Google không đơn thuần là một công cụ tìm kiếm và kết nối xã hội chỉ là một mặt của Facebook, Snapchat và Instagram. Những nền tảng này liên tục kết nối với khán giả, câu dẫn người xem để mọi người chi nhiều tiền hơn. Lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất với các nền tảng này.
"Sự chú tâm của chúng ta chính là món hàng được bán cho các nhà quảng cáo", "Chúng ta là hàng hoá", "Thay đổi thói quen của mỗi người, cách bạn suy nghĩ và cả con người bạn" là những điều được hầu hết các chuyên gia nhắc đi nhắc lại trong bộ phim. Dữ liệu người dùng sẽ chuyển hóa thành các mô hình thói quen để các công ty công nghệ biết đâu là nơi để gửi đến những bài quảng cáo. Tristan Harris giải thích 3 mục tiêu lớn nhất của các công ty công nghệ: Mục tiêu gắn kết - bạn càng lướt mạng xã hội nhiều càng tốt, mục tiêu tăng trưởng - bạn sẽ quay trở lại với mạng xã hội mỗi sáng thức dậy và mục tiêu quảng cáo - tiền ở đây mà ra chứ đâu. Những mục tiêu này được hỗ trợ bởi các thuật toán để biết chính xác thứ mà bạn muốn xem.
Tristan Harris là "diễn giả" chính của The Social Dilemma
Đã bao giờ bạn nghĩ về việc tại sao những tỷ phú công nghệ lại dành nhiều thời gian và năng lượng vào người dùng như bạn - tất cả chúng ta? Nó có kỳ quặc quá không? Sự thật rằng họ biết mọi điều, rằng tôi thích xem hoạt hình vào mỗi tối, tôi nhìn những bức ảnh chó mèo trên Facebook, thật sự đáng sợ. Chúng ta có thể vô hình trong mắt những tỷ phú công nghệ nhưng dữ liệu của chúng ta thì không.
The Social Dilemma đã đưa cho người xem những cái nhìn cụ thể hơn về các vấn đề liên quan tới dữ liệu. Mạng xã hội không thực sự bán dữ liệu người dùng. Cái họ thực sự "bán" là khả năng để chi phối con người, như một chuyên gia công nghệ trong bộ phim có đề cập: "Những thay đổi nhỏ, dần dần, khó nhận biết trong hành vi và nhận thức của người dùng là thứ duy nhất giúp họ kiếm ra tiền". Các nền tảng mạng xã hội không phải những thứ xấu xa, các mô hình kinh doanh đang "gặm nhấm" khách hàng mới đáng sợ. Đó là lý do ở bộ phim, "Liệu những sản phẩm như vậy có thể được thiết kế nhân văn hơn?" là câu hỏi được đặt ra bởi nhiều chuyên gia trong bộ phim.
Mạng xã hội không xấu, chỉ có những kẻ lợi dụng nó cho những công việc đen tối mới đáng lo ngại
Mạng xã hội ảnh hưởng và chi phối nặng nề đến thế hệ Gen Z
Tim Kendall đã kể lại một tình huống khi ông không thể rời mắt khỏi điện thoại dù đã về nhà. Với cựu chủ tịch Pinterest, ông đã sáng tạo ra một thứ để làm việc vào ban ngày và rơi vào cái bẫy của chính nó vào ban đêm. "Tôi không thể rút ra khỏi vũng lầy", Tim cho biết.
Đó là cảm giác bạn thấy quen thuộc, tôi thấy quen thuộc và chúng ta đều thấy đồng cảm, dù không cần là chủ tịch của một tập đoàn lớn. Chúng ta đều trở thành "con mồi" của mạng xã hội và công nghệ, hoàn toàn nhận thức được nhưng gần như không thể thoát ra. Cảm giác thôi thúc muốn lướt newsfeed đi cùng với lượng dopamine tăng cao mỗi khi chúng ta thấy một thông báo mới có lẽ là một điểm tương đồng trên toàn thế giới với bất cứ người dùng mạng xã hội nào. The Social Dilemma đã dấy lên những mối lo ngại hơn về mạng xã hội đối với gen Z: Một thế hệ trở nên lo lắng, mỏng manh và ngày càng căng thẳng với các vấn đề liên quan tới mạng xã hội.
Mạng xã hội đang có ảnh hưởng lớn, chi phối đời sống của thế hệ Gen Z
Thời điểm ra bộ phim tài liệu này được đánh giá phù hợp, đúng trong giai đoạn bùng nổ dịch bệnh khiến con người gắn kết hơn với công nghệ. Chúng ta lệ thuộc nhiều hơn vào mạng xã hội để nói chuyện với bạn bè, giải trí, đọc tin tức, học online,... Nhưng đồng thời, sự xuất hiện của Covid-19 như chất xúc tác để mọi người có thể nhìn sâu hơn vào vấn đề của công nghệ: Sự lan truyền của tin giả và các nền tảng như Whatsapp hay Facebook được sử dụng để phát tán tin tức. Theo các nghiên cứu, tin giả trên Twitter có tốc độ lan nhanh gấp 6 lần so với tin thật. Facebook hay các thuật toán không có khả năng phân biệt tin giả hay tin thật nếu chúng ta có một khái niệm tương đối về "sự thật". Các thuật toán chỉ biết đâu là tin tức được nhiều người đọc và có khả năng lan truyền nhanh cũng như thói quen của người dùng như thế nào.
Việc nhận định tin thật và tin "fake" luôn là bài toán hóc búa dành cho người dùng mạng xã hội
Mạng xã hội đang ăn sâu bám rễ vào tâm trí của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tước đoạt dần những giá trị nội tại và danh tính của từng cá nhân. Người trẻ hoài nghi về bản sắc chính mình, bản sắc cá nhân liên tục được các mạng xã hội gợi ý. Chúng được đề xuất trên dòng newsfeed, tạo ra những hoài nghi cho từng cá nhân về danh tính: Liệu tôi là ai? Những thông tin tôi xem có phản ánh con người tôi? Những điều tôi từng cho là đúng liệu còn đúng không? Sự hoài nghi ấy, theo như những chuyên gia công nghệ, dần dần dẫn đến chia rẽ ngày càng sâu sắc. Chúng ta đang sống trong một thế giới tưởng chừng như rất phẳng nhưng newsfeed của một người được "chăm bón" bởi những thông tin khác nhau, được tính toán chính xác bởi những thuật toán. Sự phân cực trong thế giới ngày càng mạnh, con người càng mất kết nối với thế giới thực, bám víu vào thế giới ảo và một vòng lặp bế tắc lại diễn ra.
Người dùng mạng xã hội dần hoài nghi về bản sắc của chúng mình, dẫn đến câu hỏi "Tôi rốt cuộc là ai?" đầy nghiệt ngã
Đằng sau mạng xã hội là những câu chuyện "ảo nhưng không ảo"
The Social Dilemma đã khéo léo đan cài những câu chuyện thực tế, các ví dụ trực quan nhằm đưa người xem đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác. Đó là những câu chuyện không ảo khi các thuật toán, học máy và trí thông minh nhân tạo thực sự đã gây nên những vấn đề trong cuộc sống thực. Sự nổi dậy của phong trào Thế giới phẳng? Đó là nhờ một thuật toán YouTube đề xuất những video thuyết âm mưu cho hàng triệu người dùng trên thế giới. Thuyết Pizzagate nhắm vào đảng Dân chủ Mỹ? Nó bắt đầu từ một thuật toán Facebook hướng với những đối tượng tin vào các thuyết âm mưu, kích động một người đàn ông cầm súng máy tới nhà hàng pizza để “giải thoát” cho những đứa trẻ bị bắt cóc từ một tầng hầm tưởng tượng.
Không chỉ xoáy sâu vào những hệ luỵ của mạng xã hội, phim còn đề cập đến những câu chuyện thực tế đầy nhức nhối
Những câu chuyện như vậy thuộc về đời thực. Hôm nay, người ta có thể thuyết phục mọi người rằng thế giới phẳng nhưng ngày mai, họ sẽ thuyết phục mọi người vào những thứ kinh khủng hơn. Nhiều người đã bắt đầu lo lắng việc biến đổi khí hậu sẽ khó có thể tìm được sự đồng thuận chung và giải pháp chung khi tình trạng phân cực về quan điểm ngày càng mạnh. Mạng xã hội giờ đây đã trở thành một mối đe dọa hiện sinh với sự tồn tại của mỗi quốc gia chứ không còn chỉ với từng cá nhân nữa.
Tuy nhiên, người ta vẫn thấy nhen nhóm một thứ "hàng hoá" quý hiếm giữa bối cảnh cuộc sống hiện tại: Niềm hy vọng. Tristan Harris đã nhấn mạnh. "Chúng ta là người đã tạo nên mạng xã hội và phải có trách nhiệm thay đổi chúng". Bạn không thể trốn chạy bằng việc xóa app Facebook hay Instagram sau khi xem xong bộ phim. Những thứ cực đoan, tin giả, diễn ngôn thù địch, khủng hoảng sức khỏe tinh thần, sự cô độc, lạc lõng,… vẫn tồn tại nếu chúng ta chỉ chọn cách né tránh. Như câu chuyện của anh chàng trong bộ phim, chỉ cần một thông báo mới thôi cũng khiến anh ta bị kéo lại thế giới mạng.
Phải biết rằng mình đang ở trong một ma trận, nhận thức được những vấn đề ở trong đó thì bạn mới có thể thoát ra được
The Social Dilemma có thể mang nặng tính học thuật do là một bộ phim tài liệu thuần được tổng hợp từ những nghiên cứu sâu đến từ loạt chuyên gia. Thế nhưng, đây lại là 1 tiếng 33 phút đầy thấm thía mà bất kì người trẻ nào cũng nên xem ít nhất 1 lần. "Mạng xã hội là con dao hai lưỡi" - câu nói được lưu truyền suốt nhiều năm giờ đây lại hiện hữu rõ ràng và đang sợ hơn hết. Trong đó, chúng ta, người dùng và cũng là kẻ lệ thuộc vào mạng xã hội, vào một thời điểm nào đó sẽ phải đưa ra sự lựa chọn "sinh sát" đối với hàng hoá mà chúng ta đã tạo ra từ nhiều thập niên về trước.
The Social Dilemma chính thức ra mắt vào ngày 9/9/2020.
Nguồn ảnh: Netflix