Ngồi lại với Mạc Văn Khoa những ngày đầu năm, để nghe anh nói về chặng đường lập danh gian nan, về trải nghiệm làm việc với Quang Huy và về vai diễn trong 30 Chưa Phải Tết mà anh ưng ý nhất sự nghiệp.
Nụ cười của khán giả những ngày đầu xuân, với em, là một niềm may mắn
Tết của em trước và sau khi nổi tiếng khác nhau chỗ nào?
Ngày chưa nổi tiếng, Tết mình dành nhiều thời gian cho Tết, cho gia đình, cho người thân, bạn bè. Cảm giác đón chờ cũng lớn hơn. Còn bây giờ đã làm nghề rồi, Tết thì mình phải phục vụ khán giả, thỉnh thoảng thấy cũng tủi thân và buồn lắm anh. Nhưng bù lại, mình có một niềm đam mê lớn về diễn hài. Nên được nghe tiếng vỗ tay của khán giả là mình quên hết mệt nhọc, dù đó là tiếng vỗ tay ở sân khấu hay trong rạp chiếu phim. Em hay vào rạp xem phim của… chính mình, xem khán giả phản ứng thế nào với diễn xuất của mình trên màn ảnh. Cứ đến phân đoạn của mình là tim em lại đập thình thịch. Và nụ cười của khán giả những ngày đầu xuân, với em, là một niềm may mắn, giống như là khán giả lì xì cho mình vậy.
Nhưng tôi được biết là ban đầu, ước mơ của Khoa đâu có phải là trở thành một diễn viên hài?
Đúng rồi anh. Hồi còn bé em mơ trở thành cầu thủ. Quê của em (Hải Dương) toàn là đồng ruộng thôi, không có điều kiện nhưng đám trẻ nhà nghèo bọn em mê đá bóng lắm. Cứ đến chiều, phụ ba mẹ gặt lúa trễ, đám bạn đi đá rồi mà mình không được đi thì buồn ghê lắm. Ngày xưa trong làng em cũng… số má lắm đó. Em rất thần tượng thủ môn Van der Sar của Man United. Mỗi lần mà chụp được quả bóng nào thì em đều la lên: "Ta là Van der Sar đây".
Chân dung thủ môn Van der Sar - thần tượng của Mạc Văn Khoa.
Rồi em phát hiện ra đam mê diễn hài từ khi nào?
Lúc ấy là năm lớp 8. Trước đó, em là một người rất nhút nhát. Nói chuyện với bạn bè em còn ngại ngùng nữa, huống chi là đứng trên sân khấu biết bao nhiêu người. Nhưng năm lớp 8, thầy giáo vào tuyển người đi diễn kịch. Thầy chỉ định em đóng một vai chút xíu à. Vở ấy là Sơn Tinh - Thủy Tinh, em đóng vai… lính lác, có duy nhất một câu thoại là "Lính của Thủy Tinh tới rồi". Hôm ấy đạp xe về, tự dưng em nhớ hoài cái cảm giác đứng ở trên đó, phía dưới là bao nhiêu người đang nhìn lên. Hóa ra mình… thích làm diễn viên sao? Trả lời được câu hỏi này rồi, em bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn nghệ ở trường.
Rồi em biết đến chương trình "Gặp nhau cuối tuần" trên VTV. Em bị hút hoàn toàn vào đấy, cứ nhìn thấy diễn viên hài nào trên TV làm cho mình cười được, em đều khâm phục và bất giác cũng muốn mình được như họ. Trong số những diễn viên được xem thời gian ấy, em thần tượng nhất là anh Chiến Thắng. Em cố tìm xem nhiều tiểu phẩm nhất của anh ấy có thể, rồi còn bắt chước diễn theo. Và rồi hài nó ngấm vào người em lúc nào không biết.
Vì nhìn nhà quê nên chẳng ai nghĩ em đi thi diễn viên, giống giữ xe hơn
Vậy tính ra, con đường em phát hiện ra ước mơ của mình cũng khá suôn sẻ đó chứ…
Phát hiện ra ước mơ là một chuyện, chinh phục ước mơ lại là chuyện khác anh. Kết thúc năm lớp 12, em đặt mục tiêu phải trở thành diễn viên hài. Mình diễn hài trong trường, trong xóm cũng… có tiếng mà, phải tự tin chứ. Em khăn gói lên Hà Nội thi vào trường sân khấu điện ảnh. Kết quả là… rớt luôn từ vòng giữ xe. Em nhớ hôm ấy mình lên giới thiệu bản thân rồi độc diễn đoạn Chí Phèo trở lại làng Vũ Đại. Chí Phèo là đúng sở trường… ngoại hình của mình rồi. Em nhớ mình cũng… nhập vai dữ à, thoại tự tin lắm: "Ôi bao nhiêu năm trong tù, giờ làng Vũ Đại của ta vẫn thế". Thế mà… vẫn rớt.
Rồi em rời khỏi đó, cảm thấy quả thực mình không thuộc về nơi này. Vì em nhìn nhà quê và lạc lõng hoàn toàn so với những bạn khác. Mọi người nhìn em không ai nghĩ là em đi thi diễn viên cả, giống giữ xe hơn. Từ Hà Nội trở về quê, em cảm thấy buồn kinh khủng.
Nhưng rõ ràng là em đã không bỏ buộc, nếu không chúng ta đã không có Mạc Văn Khoa của ngày hôm nay.
Dạ, em về quê rồi năm sau lại nộp đơn thi ở trường Nha Trang, ngành đạo diễn sân khấu. Em học ba năm ở đây, có bằng rồi, có chút tích lũy rồi, sự tự tin tan biến ở Hà Nội đã phần nào được khôi phục rồi bèn vào Sài Gòn nộp đơn vào trường sân khấu Cống Quỳnh thi tiếp. Em chọn một tiểu phẩm đã diễn rất trôi chảy ở trường Nha Trang. Lúc diễn tiểu phẩm này trong trường ai cũng cười và tán thưởng hết. Nên em chắc mẩm là ban giám khảo ở Cống Quỳnh sẽ… chết với mình. Ai dè em rớt tiếp!
Lúc đó, nhờ thông tin trên mạng, em mới tìm đến học thêm ở sân khấu của cô Trịnh Kim Chi. Rồi từ từ em nhận ra: phong cách hài của miền nam hoàn toàn rất khác với miền bắc, và khác hoàn toàn với những gì mình mới biết về hài. Em bắt đầu chú tâm quan sát. Cái máu thi thố vẫn còn đó, cứ thấy chỗ nào có thi là em đăng ký. Lúc đó em cũng chưa mong nổi tiếng gì đâu, em chỉ cố làm sao có được công ăn việc làm đúng sở thích, để bố mẹ đỡ vất vả là mình mừng lắm rồi.
Trong suốt những năm tháng thi đâu rớt đó ấy, bố mẹ có khuyên em bỏ nghề không?
Em có may mắn là bố mẹ rất ủng hộ sở thích của mình. Năm đầu tiên thi rớt về, em buồn một thì bố mẹ buồn mười. Vì bố mẹ rất kỳ vọng ở em. Trong làng, bạn bè cứ đậu hết trường này đến trường kia. Cứ ai đậu là gia đình ấy lại đãi tiệc mời cả xóm để tiễn con lên đường đi học đại học. Vậy mà mình diễn kịch rần rần trong trường trong xóm mà lại rớt. Hỏi sao bố mẹ không buồn? Nhìn nỗi buồn của bố mẹ, em thực sự không biết phải làm gì. Đã có lúc em phải xin đi làm cho mấy công ty ở quê để đỡ cho bố mẹ có cải cảm giác em là một đứa thất bại, trong lúc chờ ngày thi lại. Sau khi thi đậu vào trường Nha Trang, em nhớ bố đã phải làm… mười mấy mâm để đãi cả làng.
Nhiều năm liền thi đâu rớt đó nhưng em vẫn thấy mình thật may mắn
Nếu phải chọn một khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời mình thì đấy là khoảnh khắc nào?
Thời gian đầu ở Sài Gòn em cũng bươn chải đủ nghề hết để sống. Một hôm nọ em đi phụ lấy gạch với ông anh bán vật liệu xây dựng ở quận 7 xong thì về nhà tắm. Em nhớ lúc đó mình còn đang ở trần, mặc một cái quần đùi màu xám, lướt Facebook và nhìn thấy cuộc thi "Cười xuyên Việt". Em tin đấy là khoảnh khắc đã làm thay đổi cuộc đời mình.
Đăng ký thi "Cười xuyên Việt", em có niềm tin không, một kiểu dự cảm rằng đời mình chuẩn bị thay đổi?
Dạ không đâu anh ơi. Em… rớt nhiều quá rồi mà. Nhiều lúc em nghĩ chắc mình không hợp với mấy màn thi thố. Vậy mà không hiểu sao vẫn có cái gì đó thôi thúc mình. Có lẽ là tâm lý cùi không sợ lở, thi đại có mất gì đâu, cùng lắm… rớt thêm lần nữa.
Mạc Văn Khoa thời thi Cười Xuyên Việt.
Quả nhiên là em… xem rớt thiệt, mà ngay vòng sơ tuyển luôn mới ghê. Anh Đức là người chấm vớt em, em là người cuối cùng của 27 hay 29 người chi đó. Ảnh còn nói với em: "Bạn này cần phải cố gắng rất nhiều". Qua cái truông đó, em nghĩ là mình may mắn thôi, cũng chả có hy vọng tiến xa gì. Nhưng cứ sau mỗi một vòng thi, em tự tin hơn, nghĩ ra được nhiều thứ hay ho hơn. Và em kết thúc cuộc thi với giải nhì. Bây giờ, nhìn lại chặng đường đã qua, dù suốt nhiều năm liền thi đâu rớt đó nhưng em vẫn thấy mình thật may mắn.
Rồi sau đó, sự nghiệp của em, từ sân khấu đến điện ảnh, chỉ có tiến lên mà thôi. Vậy cơ duyên nào đưa em tới với "30 chưa phải Tết"?
Anh Trường Giang gọi em lên casting phim của anh Quang Huy. Thì ảnh kêu thì em đi thôi, chứ em đâu có biết là mình sẽ đóng vai gì. Đến khi biết mình cast vai thầy chùa thì… hết hồn, vì em không bao giờ nghĩ là mình hợp với một vai như vậy. Nhưng khi đọc kịch bản thì em thích kinh khủng. Em chưa từng đọc một vai diễn nào thú vị như vậy. Và đọc xong thì em hạ quyết tâm phải được đóng vai Thích Tu.
Em đã cầu nguyện, cuối cùng cũng có một điều kỳ diệu diễn ra
Hãy kể lại quá trình Mạc Văn Khóa hóa thành Thích Tu…
Để hoá thân thành nhân vật trong bộ phim em đã phải cạo đầu đến 9 lần. Cạo xong thì đi đến đâu em cũng phải đội mũ và đội tóc giả, để giữ bí mật cho vai diễn chứ không phải sợ xấu. Lúc đầu nhìn cái đầu trọc của em hàng xóm còn nhận không ra, có mấy đứa bé vốn rất thương chú Khoa thì nay khóc òa lên vì sợ. Quay phim xong phải 3 tháng tóc mới dài ra và mọi người lại nghĩ đó là… tóc giả.
Nhưng đấy chỉ là bề ngoài, còn nội tâm thì thật sự khó khăn. Ngồi đọc kịch bản rồi dợt thoại, em cứ thấy mình không thể vào được nhân vật. Chắc tại tính mình còn… sân si trong khi Thích Tu là một người đã ngộ đạo. Nhưng không hiểu sao khi lên trường quay, mặc bộ đồ nhà tu vào, trong không gian trang nghiêm của ngôi chùa, em thấy mình bỗng hòa nhập vào nhân vật ngay cảnh đầu tiên. Da gà nổi lên rần rần, em tự nhủ: vậy là vai diễn Thích Tu đã chọn em rồi. Chị Phương Thanh sau đó còn nói: "Nhìn mày có căn tu". Lúc đó, em mới tin là mình sẽ làm được vai này 100%.
Vậy liệu có thể nói: đây là bộ phim em hài lòng nhất trong sự nghiệp?
Đây là bộ phim mà em mong chờ được xem nhất thì đúng hơn. Em đếm ngược thời gian để được xem, vì anh Quang Huy quay kỹ ơi là kỹ. Em chưa thấy một ê kíp nào mà tỉ mỉ như vậy. Từng câu thoại, từng hơi thở, cái liếc mắt, ảnh cũng chỉnh từng tí một. Có những cảnh phải quay đi quay lại chừng nào anh cảm thấy ưng mới thôi. Những lúc ấy, hai anh em thường đập tay nhau "yeah" một cái. Với sự chỉn chu của anh Huy, với sự chỉ dẫn của anh Trường Giang nữa, nên em càng thêm tự tin và háo hức.
Vậy mà sản phẩm tinh thần được em kỳ vọng nhất đang đứng trước khả năng không kịp ra rạp dịp Tết…
Bàng hoàng và buồn lắm anh. Trong bữa tiệc cám ơn của đoàn, em không biết nói gì cả, dù bình thường nói cũng nhiều. Bộ phim mà mình mong đợi nhất có thể không kịp chiếu, cứ như sét đánh ngang tai. Và em đã cầu nguyện, cuối cùng cũng có một điều kỳ diệu diễn ra.
Cám ơn Mạc Văn Khoa vì buổi phỏng vấn, chúc cho bạn có năm 2020 thật rực rỡ và bùng nổ!
"Thích Tu" Mạc Văn Khoa chúc Tết độc giả
30 Chưa Phải Tết hiện đang công chiếu trên các rạp toàn quốc.