Thủy là một vai diễn phản diện trong phim "Tướng về hưu" – bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong phim hình ảnh cô con dâu tên Thủy mang nhau thai trẻ con từ Bệnh viện Sản – nơi mình làm việc về để xay ra nuôi đàn chó béc giê nhằm mục đích kinh doanh đã gây chấn động. Đây là một việc làm động chạm đến tâm linh của người Á Đông và gây cảm giác ghê rợn đến tận cùng.
Diễn xuất rất tự nhiên với gương mặt lạnh và vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp, vai diễn đã đưa nghệ sỹ Hoàng Cúc đến một vinh quang nghề nghiệp - giải Diễn viên nữ xuất sắc tại LHPVN 1990. Nhiều diễn viên trong phim "Tướng về hưu" hiện nay đã qua đời như: NSND Mạnh Linh (ông tướng Thuấn), đạo diễn Đoàn Anh Thắng (Hòa) - vị đạo diễn sân khấu tài năng từng là người đi đầu cho thể loại kịch sân khấu nhỏ đã mất khi còn khá trẻ, nghệ sĩ Thu An...
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp quan trọng thế nào trong sự nghiệp của NSND Hoàng Cúc?
- Những người biết tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mất đều đau buồn, tiếc thương. Sự ra đi của ông là tổn thất lớn của nền văn học Việt Nam.
"Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp đã mang lại cho tôi giải thưởng lớn, đánh dấu thời kỳ rẽ ngang từ sân khấu sang điện ảnh của tôi. Việc có thể chọn lựa một người diễn cho phim truyện nhựa trước kia rất kỹ. Để chọn diễn viên tay ngang vào đó là vai chính rất ít xảy ra. Tôi rất vinh dự mặc dù không được mời đến nhận giải. Thời đó việc một vai phản diện lại nhận được giải thưởng thời đó cũng gây nhiều tranh cãi, trong bối cảnh các giải thưởng thường được trao cho các vai chính diện.
Phim "Tướng về hưu".
Thường điều sợ nhất là các nhà văn trong những giai đoạn nào đó của lịch sử sẽ một là né tránh, hai là bị chột đi ý chí hoặc mất cảm xúc. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp vẫn giữ được khí phách và lập trường riêng của mình trong mỗi tác phẩm là điều rất đáng trân trọng. Sự ra đi của ông là tổn thất lớn cho nền văn học Việt Nam.
NSND Hoàng Cúc đánh giá như thế nào về tác phẩm "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp và nhân vật Thủy nghệ sỹ đã thể hiện?
- Khi được mời vào vai Thủy tôi đã đọc truyện "Tướng về hưu rồi". Không riêng gì tôi mà tất cả những người trong văn đàn nghệ thuật, những người đã đọc và biết tác phẩm bị cấm đều thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất dũng cảm. Thời kì đó thậm chí tôi đi Pháp cầm theo kịch bản "Mùa ổi"của Đặng Nhật Minh còn bị tịch thu. Khi tôi làm vai Thủy tôi quá thích.
Giai đoạn đó là sau khi xóa bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường. Khi đó tư tưởng bao cấp bao trùm tất cả xã hội Việt Nam. Người ta phải đi nhẹ, nói khẽ, không dám cười, cái gì cũng sợ. Thậm chí một ông cụ mang 1 yến gạo đi qua một chuyến đò còn bị bắt. Vậy mà trong "Tướng về hưu" một bác sĩ trí thức lại lấy rau thai bà đẻ về nhà. Điều đó thuộc về tâm linh, tôn giáo, chỉ nghĩ đến thôi đã sợ mà cô ta làm như không, vượt ra ngoài những đạo lý.
Các nhân vật trong "Tướng về hưu" có số phận đậm nét đến nỗi sau này tôi thấy là hiếm lắm. Mỗi nhân vật là một xã hội thu nhỏ trong gia đình. Khi nhân vật xuất hiện người ta đã hình dung là toàn bộ đó là giai tầng nào trong xã hội. Từ một ông tướng về hưu bất lực. Ông bố thì thương người muốn giúp đỡ mọi người thì lại bị cô con dâu gài.
Phim thể hiện những mánh khóe của xã hội bắt đầu bung ra để làm kinh tế. Những điều trái luân thường đạo lý lại bắt nguồn từ trí thức. Trí thức này là bác sĩ cứu người, đỉnh cao của trí tuệ mà người ta còn dám làm. Như bây giờ ví dụ vụ bệnh viện Bạch Mai, hay bác sĩ thẩm mỹ Cát Tường, … Thời đó thì chỉ chạm đến một chút là đã kinh khủng lắm rồi.
Lúc đó tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không phải là dự báo mà là đi sâu trực diện vào vấn đề. Ông đánh thẳng vào vấn đề đang là ung nhọt mà không cẩn thận sẽ bung ra. Ông khắc họa nhân vật rất ít lời nhưng đâu ra đấy, rất hoàn hảo, tuyệt vời. Tôi chỉ biết đó là điều rất đáng quý. Tôi cảm thấy mình may mắn còn làm nghề khi có những tác phẩm như thế.
NSND Hoàng Cúc (bên phải ảnh) trong một lần chia sẻ về phim "Tướng về hưu" tại Ơ kìa Hà Nội.
Với bộ phim "Tướng về hưu" nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tham dự vào quá trình làm phim không thưa NSND Hoàng Cúc?
- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không giống như biên kịch khác. Có nhiều tác giả thường đến đoàn phim gây ra hiểu lầm, như đến ngồi dưới canh lời thoại của diễn viên. Đó là điều diễn viên không thích. "Tướng về hưu" được nhận xét là sau khi lên phim còn dữ dội hơn cả truyện. Tôi thấy mỗi thể loại có tầm nhìn riêng nhưng phim vẫn giữ được trọn vẹn ý tưởng của nhà văn. Phim có cái khác là làm sống động lại nhân vật từ ẩn sâu trong câu chữ thành người đi lại cụ thể.
Nguyễn Huy Thiệp không làm phiền đoàn phim và tôi thấy như vậy cũng là một nhân cách lớn. Khi đó "Tướng về hưu" là một tác phẩm gây ra tranh luận không ít. Mọi người cũng nín thở xem một người hiền lành như đạo diễn Khắc Lợi sẽ làm tác phẩm gai góc này như thế nào. Và may là "ngon lành".
Tôi không có mặt ở đoàn trong toàn bộ quá trình làm phim mà chỉ đến lúc có cảnh của tôi, và tôi không bao giờ gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở đó cả, có vẻ ông còn muốn tránh mặt, để cho mọi người không bị lệ thuộc vào tác phẩm của ông. Ông để cho mọi người thỏa sức sáng tạo.
Có phải hiện giờ đang thiếu dần đi những nhà văn có những tác phẩm như Nguyễn Huy Thiệp trong khi xã hội vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần được phản ánh?
- Đúng vậy! Hình như mỗi thời kỳ lịch sử có một lứa các nhà văn như thế. Sau Nguyễn Huy Thiệp tiếp theo có một loạt các nhà văn nổi trội với các tác phẩm phản ánh xã hội rất hay. Các nhà văn hiện nay có thể đang hụt hơi, hay "cơm áo không đùa với khách thơ". Hay mỗi thời có một lĩnh vực lên ngôi, hay sự tập trung của nhà văn ít hơn. Tôi thấy hiện nay sự nổi bật chuyển sang thể loại phim truyền hình.
Xin cảm ơn NSND Hoàng Cúc với những chia sẻ của mình!