Chú ý: Bài viết có tiết lộ tình tiết của phim!
Ra mắt năm 2017, Wonder Woman dù không phải là một phim quá xuất sắc nhưng lại là một nước đi toàn thắng của Warner Bros. và DC. Sau thất bại trước đó của Batman vs. Superman, Wonder Woman như một cú vươn lên ngoạn mục khi nhân vật Diana Prince do Gal Gadot thủ vai có được sự đón nhận lớn từ truyền thông lẫn khán giả. Thần thái của Gadot cùng cách xây dựng một nữ siêu anh hùng vừa mềm mại lại vừa cứng cáp đã khiến khán giả cảm thấy tươi mới, mang họ thoát khỏi sự nam tính vốn dĩ đã là nét đặc trưng của dòng phim này. Bên cạnh đó, Wonder Woman còn là một phim mang tính cột mốc (iconic) khi vừa là phim về nữ siêu anh hùng đầu tiên trong hơn một thập kỷ, vừa là phim siêu anh hùng đầu tiên do một đạo diễn nữ cầm máy. Chính vì sự thành công đó, mọi kỳ vọng đều hướng về phía WW84 vừa để xem một bom tấn, vừa để xem tiếp hành trình của một nhân vật rất thú vị và những kỳ vọng trên còn được nhân gấp đôi trong bối cảnh năm 2020 trải dài một màu xám trên nền điện ảnh thế giới.
Trailer của Wonder Woman 1984
Đáng tiếc thay, WW84, phần tiếp theo của Wonder Woman lại là một bước lùi. Những sản phẩm truyền thông được tung ra trước đó, kèm nhiều lần phải hoãn lịch vì COVID-19 thật sự đã tác động ít nhiều vào tâm thế xem phim của khán giả, nên khó mà nói WW84 là một bộ phim mang đến sự thỏa mãn. Phim không những đi lùi về sự phát triển nhân vật mà còn bị sáo mòn trong cách xây dựng các nhân vật phản diện và sến sẩm trong cốt truyện phụ. Sau tất cả, hồi 3, thường là hồi để chuộc lỗi của thể loại hành động bằng cao trào hay hiệu ứng kỹ xảo, đặt dấu chấm cho phim trong sự ngao ngán của khán giả bởi bài học đạo đức cũ kỹ và gây hẫng không hề nhẹ.
Phản diện và kẻ xấu gượng gạo, kém thú vị
Một nhân vật phản diện, một kẻ xấu thú vị tạo nên một siêu anh hùng đáng nhớ. Một phim siêu anh hùng xuất sắc là một phim khiến khán giả luôn nhớ đến và luôn bàn luận đa chiều về những kẻ dám đứng lên chống lại lý tưởng của con người, khai thác những nỗi sợ của vô thức tập thể và khai mở phần “người” của siêu anh hùng. WW84 không có những nhân vật như thế.
Phim giới thiệu một kẻ xấu là Maxwell Lord (Pedro Pascal) và một phản diện là Barbara Minerva. Trước tiên phải nói về Lord. nhân vật này là một dạng từ số 0 trở thành trùm cuối. Lord không có khả năng gì đặc biệt. Hắn chỉ là một “doanh nhân rởm đời” biết đến sự tồn tại của một viên đá kì diệu có thể ban cho mọi người điều ước của họ. Từ một gã gàn dở, tếu táo, Lord trở thành một thực thể quyền năng khi ước được trở thành… chính viên đá đó. Tưởng chừng như đó là một tiền đề hấp dẫn, xuyên suốt gần 3 tiếng của phim, chúng ta không nhìn thấy sự phát triển của một kẻ xấu bệnh hoạn mà chỉ thấy một kẻ đáng thương đang chứng minh cho bài học đạo đức đã cũ: đừng tham lam vì mọi thứ đều có cái giá phải trả.
Rất tiếc là cho đến khi Lord bung hết quyền năng của mình để thao túng thế giới trên diện rộng, hắn vẫn không toát lên tổ chất của một kẻ xấu, vì mọi thứ hắn làm không thật sự mang sức nặng tâm lý hay sức nặng của sự độc ác có thể gây tổn hại to lớn đến người anh hùng. Như chưa đủ để diễn tả hết sự “tầm thường” của nhân vật này, biên kịch quyết định cho thêm màn đối thoại cha con ở cuối phim giữa Lord với con trai hắn cùng mô típ quen thuộc: sự hoàn lương, hướng thiện và xin lỗi vì những gì đã gây ra. Chemistry (mối liên kết) giữa hai cha con không được gieo đủ trước đó để khán giả xúc động với chủ đề tình cha con này của hai nhân vật.
Nếu Lord gây thất vọng một, Barbara Minerva (Kristen Wiig) còn gây thất vọng mười bởi Cheetah vốn dĩ đã là kẻ thù không đội trời chung với Diana trong nguyên tác truyện tranh. Nhân vật Barbara lần này là một phản diện bất đắc dĩ. Vốn là một cô gái vui tính, hiền lành, cô đã ước gì mình “được như Diana” mà không hề biết Diana không chỉ có ngoại hình đẹp. Barbara vì không muốn điều ước bị phá bỏ mà đã ra sức bảo vệ Lord, trở thành cánh tay của hắn, và chỉ tới hồi 3 của phim, Cheetah mà khán giả chờ đợi mới xuất hiện, theo cách khiên cưỡng nhất có thể.
Trước khi biến chuyển thành Cheetah, Barbara là một phụ nữ hơi lập dị, không có ngoại hình cũng như phong cách ăn mặc. Cô vụng về trong giao tiếp, ứng xử và luôn bị đồng nghiệp lạnh nhạt. Đặt kế Barbara, phim thầm đưa đến khán giả một lời khẳng định: bạn biết ai là người đẹp hơn rồi đấy. Chính ở điểm này, WW84 phát triển nhân vật Barbara theo một hướng đi ngược với những làn sóng nữ quyền trên phim ảnh. Lời ước của Barbara thành hiện thực đồng nghĩa với việc cô bị “tình dục hóa” để trông giống Diana hơn.
Ở phần trước, nhiều học giả và nhà phê bình cho rằng đạo diễn Patty Jenkins đã phần nào chống lại việc “vật hóa” (objectification) phụ nữ trên phim ảnh. Ở phần này, Jenkins để một nhân vật nữ đạt được sự hài lòng với bản thân bằng cách cho cô ta có eo thon, chiều cao, thần thái, cách phối đồ gợi cảm, thị lực 10/10 và đặc biệt là được trai công sở vây quanh 24/24. Từ rập khuôn “cô gái nerd”, Barbara chuyển thành một “sex bomb”. Điều này hoàn toàn có thể giải quyết nếu Barbara không ước mình trở thành một “thú săn mồi cấp cao”, một điều ước vô cùng vô lý, một hướng đi tuyệt vọng để biến Barbara thành Cheetah. Khi bộ phim khép lại, trận chiến giữa thiện và ác đã ngã ngũ, Barbara vẫn không có lối thoát cho chính mình. Mọi thứ về cô đều bỏ ngỏ và khán giả thật sự không thể kết nối với nhân vật này, một nhân vật phản diện tiềm năng đầy tiếc nuối.
Cốt truyện phụ dấn quá sâu vào yếu tố tình cảm
Một trong những chủ đề xuyên suốt của WW84 là “đối diện với sự thật”. Ở cảnh mở màn, Diana lúc trẻ nhận được bài học về việc đạt được điều mình muốn bằng sự thật, không phải bằng sự giả dối. Chỉ đến khi sẵn sàng, cô sẽ nắm giữa tinh thần chiến binh của Asteria, người mạnh nhất của Themyscira. Bài học này được lồng ghép vào cốt truyện phụ của phim khi Diana đã ước Steve Trevor (Chris Pine), người tình cũ đã hy sinh ở phần 1, quay trở lại với mình. Việc đưa Steve quay lại cùng cái giá phải trả cho điều ước đó là một phép thử thú vị dành cho Diana, nhưng phim đã quá sa đà vào chuyện tình cảm này và quên mất một điều: khán giả không sẵn sàng tâm thế để xem một bộ phim siêu anh hùng đặt nặng yếu tố tình cảm. Những khoảnh khắc tình tứ của Diana và Chris dù rất thật, rất người, nhưng không phải là yếu tố khiến thương hiệu Wonder Woman nổi bật, mà là những cảnh đánh nhau rất bad-ass của một nữ thần chiến binh, bad-ass như cách chị xõa tóc xông ra chiến trường “no man’s land” hay làng Veld ở phần 1.
Sẽ không sao nếu phần hành động đủ mãn nhãn để khán giả tha thứ cho những phân đoạn tình cảm đó, nhưng tiếc thay, ới sức mạnh đã bị cắt mất 1/2 (cái giá của điều ước), Diana của WW84 trông thật kém hấp dẫn. Hơn phân nửa các cảnh đánh nhau đều trong lúc thể trạng cô không ổn, để khán giả phải chứng kiến màn “anh hành” khá lâu và hồi hộp chờ đợi đến hồi 3 để giải tỏa hết tất cả cơn kìm nén. Lúc Diana đã buông bỏ được bóng ma của Chris, sức mạnh cô trở về cùng với khả năng mới cũng là lúc khán giả hò reo vì cuối cùng cô cũng khoác lên mình bộ giáp của nữ thần chiến binh Asteria, báo hiệu một hồi 3 thật máu lửa.
Nhưng ước gì mọi thứ được như vậy...
Điểm cao trào là một chuỗi thất vọng
Điểm cao trào ở hồi 3 của phim là một chuỗi thất vọng.
Thất vọng 1: bộ giáp mới của Wonder Woman thật sự là một món đồ để trang trí. Đôi cánh đó rất cồng kềnh và không có chức năng gì. Chúng bị xé toang chỉ sau 3 phút “debut”, và Diana phải tháo chúng ra để bớt cồng kềnh. Có vẻ như mục đích chính của chúng là để thêm phần hoành tráng và mong đợi vào poster.
Thất vọng 2: màn đánh nhau với Cheetah ngắn ngủi. Sự xuất hiện của Cheetah cũng chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 phút. Khi Cheetah bị đánh bại, Barbara Minerva không có lối thoát, không rõ đường hướng tương lai mà DC và Warner Bros. muốn dành cho nhân vật. Thất bại này dẫn đến kỳ vọng tiếp theo: màn đối đầu với Lord, lúc này đã gần như là quyền năng vô cùng.
Thất vọng 3: cách tháo gỡ mọi vấn đề bằng “dây thừng sự thật của Hestia” khá bất ngờ. Điều này cho thấy một hướng xử lý vấn đề mới, không cần dụng sức mà dụng lý tưởng. Có lẽ đây là hướng đi mà studio muốn dành cho nhân vật Wonder Woman. Tiếc thay, với một bộ phim đã thoại quá nhiều và không gây được cảm giác “đã” cho khán giả suốt 2 tiếng rưỡi, cách giải quyết đậm mùi “giáo dục công dân” này là giọt nước tràn ly đối với trải nghiệm điện ảnh và kỳ vọng mà khán giả đang có cho bộ phim siêu anh hùng khép lại năm 2020.
Sau khi mọi thứ đã được giải quyết, khán giả được xem một cảnh phim rất Giáng Sinh khiến không ít người tự hỏi liệu có phải là cảnh quay được quay bổ sung để phim ra mắt trên nền tảng streaming đúng dịp hay không. Cảnh phim đó không khác gì một phim Giáng Sinh nhẹ nhàng, ấm áp và lãng mạn, hoàn toàn thoát khỏi lớp vỏ siêu anh hùng. Tới đây chúng ta tự hỏi, liệu Wonder Woman 1984 gây thất vọng là vì chúng ta đã quá kỳ vọng vào nó đến mức không thể đón nhận hướng xây dựng này cho câu chuyện, hay thật sự phim đã có hướng xây dựng sai và dẫn đến một bước lùi dành cho thương hiệu Wonder Woman? Dù không thể chối cãi rằng Gal Gadot luôn đẹp, nhưng nét đẹp ấy có thể cứu thương hiệu này và những câu chuyện này đến chứng nào? Tất cả những gì đọng lại ở WW84 là sự dài dòng, lệch nhịp về thể loại và những bài học đạo đức đã cũ cùng những nhân vật khó có thể cảm thông.
Wonder Woman 1984 hiện đang được chiếu tại rạp từ ngày 18/12.
Nguồn ảnh: Warner Bros.