Thể loại Shonen của Shonen Jump đã luôn đi theo một công thức xoay quanh nhân vật chính mang trong mình sức mạnh, hoài bão to lớn. Ngày qua ngày, họ luyện tập không ngừng nghỉ và trải qua vô vàn thử thách khác nhau về cả thể chất lẫn tâm trí để rồi cuối cùng đạt được đích đến cuối cùng như trở thành Hokage hoặc Vua hải tặc vậy. Bên cạnh họ còn có gia đình và những người bạn kề vai sát cánh, tiếp thêm niềm tin vượt qua mọi chướng ngại vật. Chính công thức này đã đánh dấu thời đại thành công của bộ tam Naruto, Dragon Ball và One Piece.
Nhưng bất kì thứ gì cũng đều phải có sự đổi mới để đáp ứng thị hiếu của độc giả, và Shonen Jump hiện tại đang đi theo con đường như vậy. Gần đây, Từ những tên tuổi vừa mới kết thúc như Yakusoku no Neverland, Kimetsu no Yaiba cho tới siêu tân binh gồm Jujutsu Kaisen và Chainsaw Man đều là các ấn phẩm có sự hòa trộn rõ nét giữa Shonen với kinh dị. Phong cách mới này chính là quân bài quan trọng nâng tầm vị thế của thể loại Shonen.
Một số tác phẩm Shonen Jump trước đây cũng từng đưa yếu tố đen tối vào bên trong nội dung để tăng thêm sự kịch tính. Arc Chimera Ant trong Hunter x Hunter là một ví dụ điển hình khi được đánh giá là đen tối nhất cả loạt truyện. Hay như Death Note là cuộc đấu trí căng thẳng giữa những người mang lý tưởng đối lập, không tồn tại tốt và xấu. Loạt Jojo Bizarre Adventure cũng có thể được xem là vị tiền bối của những Chainsaw Man khi áp dụng hình ảnh kinh dị. Mãi cho đến thời điểm hiện tại, thì yếu tố kinh dị mới được lồng ghép một cách rõ ràng hơn trong các tác phẩm Shonen và dần chiếm lấy ánh đèn sân khấu.
Nói về kinh dị, thì thể loại có lịch sử khá lâu đời này vốn không có quá nhiều người ưa chuộng so với các thể loại khác. Thể loại kinh dị vốn là sự kết hợp giữa việc tác động đến tâm lý, đan xen các yếu tố siêu nhiên và kì dị để tạo ra nỗi sợ hãi từ người xem. Với kinh dị, thì sự hù dọa cũng như cửa tử luôn rình rập trước mặt của mỗi nhân vật là chất xúc tác quan trọng nhất để tạo nên sức hút cho mạch truyện. Nên có nhiều người cho rằng, việc áp dụng kinh dị vào Shonen là một điều khó khăn.
Khó khăn là thế, nhưng xu hướng đưa yếu tố kinh dị vào Shonen chính thức nổ những phát súng đầu tiên với cái tên Attack on Titan. Shonen Jump từng từ chối đứa con tinh thần của tác giả Isayama Hajime, nhưng họ đã phải nhanh chóng cảm thấy hối hận khi Attack on Titan đạt được thành công vượt cả kì vọng ban đầu. Chính những cái tên tiên phong trong việc kết hợp hai thể loại khác nhau vào như vậy đã thay đổi quan điểm của Shonen Jump, khi ngày càng có nhiều độc giả tỏ ra cực kì hứng thú.
Chính sự đổi mới này bắt đầu đem lại quả ngọt. Hai ấn phẩm đình đám gồm Jujutsu Kaisen và Chainsaw Man đều đã truyền tải tới độc giả phong cách đặc trưng của thể loại Shonen thường thấy nhưng lại hòa trộn thêm sự u ám, hình ảnh máu me không thua kém gì manga thuần kinh dị cả. Trong đó, thì Chainsaw Man còn gai góc và tàn bạo hơn cả. Chính màn kết hợp này đem lại một góc nhìn thực tế hơn như muốn nói rằng bất kì hành động nào cũng có hậu quả và việc sở hữu sức mạnh luôn đi kèm theo cái giá mà người sở hữu gánh phải. Ví dụ như trong Jujutsu Kaisen, việc hấp thụ ngón tay của Sukuna có thể giúp cho Itadori có được nhiều khả năng đặc biệt nhưng đồng thời thì Vua của Nguyền hồn đôi lúc cũng sẽ chiếm đoạt lấy tâm trí của cậu.
Hay như trong Kimetsu no Yaiba, thì sức mạnh của Nezuko (đặc biệt là kháng lại tia mặt trời) hỗ trợ cho Tanjiro rất nhiều trong từng tình cảnh khác nhau, nhưng lại là mục tiêu bị săn đuổi.
Phát triển thế giới cũng như hệ thống sức mạnh của dàn nhân vật cũng sẽ là bước đệm vững chắc giúp thể loại Shonen-kinh dị đạt được thành công. Việc đưa hình mẫu nhân vật luôn có niềm tin, lý tưởng cao cả vào thế giới thêm thắt yếu tố kinh dị có thể sẽ là một điều khó khăn. Cái hay ở chỗ, là nhân vật chính vẫn sẽ luôn nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại vật, đạt được lý tưởng cao cả nhưng theo một góc nhìn mang tính thực tế hơn trong một thế giới đầy sự u ám, đen tối.