Fortnite phiên bản mobile đã bị gỡ khỏi App Store lẫn Google Play Store

Sau bản cập nhật cách đây ít hôm Fortnite, Epic Games đã làm một hệ thống thanh toán riêng trong game và khuyến khích người dùng thanh toán trực tiếp với họ (với giá được giảm 20%) thay vì dùng hệ thống thanh toán của Apple, để khỏi phải trả 30% tiền hoa hồng.

Hậu quả của việc này là Apple đã gỡ bỏ tựa game đình đám này khỏi App Store vì vi phạm chính sách. Không lâu sau đó Google cũng gỡ bỏ tựa game đang có hơn 350 triệu người chơi trên toàn cầu khỏi Google Play Store với lý do tương tự.

Epic nói rằng họ sẽ đệ đơn kiện cả hai công ty này sau khi đứa con cưng Fortnite bị gỡ bỏ khỏi hai kho ứng dụng lớn nhất hiện tại vì bất đồng trong điều khoản thanh toán theo đạo luật chống độc quyền của Mỹ. Theo quy định, các ứng dụng trên App Store và Google Play phải được thanh toán trực tiếp bởi bởi hệ thống thanh toán của họ, và số tiền được chia hoa hồng bao gồm phí mua app, chi phí thanh toán các vật phẩm hay dịch vụ bên trong ứng dụng.

Epic cho rằng Apple đang kiểm soát thị trường, ngăn cản sự cạnh tranh và kiềm hãm những công ty phải phụ thuộc vào họ. Về phía Apple, họ cho rằng Epic đang muốn tự sở hữu một sự "ưu đãi đặt biệt" so với các lập trình viên khác khi họ đã khuyến khích người dùng bỏ qua hệ thống thanh toán của Apple mà thanh toán trực tiếp với họ với số tiền rẻ hơn.

Xét ở thời điểm hiện tại, việc gỡ Fortnite xuống không ảnh hưởng đến quá trình chơi game của người dùng, họ sẽ vẫn có thể vào game và chơi. Tuy nhiên việc bị gỡ xuống đã làm cho ứng dụng này không thể được cập nhật nữa, hay nói cách khác, Epic đang bị gián tiếp bỏ rơi người dùng của mình. Không như Android, chẳng có cách nào để cài đặt hay cập nhật một ứng dụng không có trên App Store cả, thế là sự đấu đá này lại dẫn đến thiệt thòi cho người chơi.


Thật ra, không phải chỉ có mỗi Epic là công ty duy nhất cảm thấy "chướng mắt" do phí hoa hồng. Nhiều nhà phát triển ứng dụng cũng đã không ít lần nói về các mức phí hoa hồng của các kho ứng dụng và điều đó ảnh hưởng họ như thế nào. Lấy ví dụ, nếu Apple ra mắt dịch vụ nhạc với giá 10 đô mỗi tháng, một công ty khác muốn làm với chất lượng tương tự thì theo lý thuyết, giá của họ sẽ đắt hơn Apple ít nhất 3 đô, một con số đủ để người dùng biết phải chọn bên nào.

Một ví dụ điển hình là Netflix và Spotify, hai công ty lớn trong lĩnh vực stream phim và nhạc. Từ lâu họ đã không bán các gói đăng kí dịch vụ trong App Store. Để trả tiền và thanh toán, anh em cần phải truy cập vào trang web riêng và thanh toán. Spotify cũng đã ít nhất một lần đệ đơn khiếu nại lên Cơ quan chống độc quyền của Châu Âu. Còn Apple thì không ít lần phải tham gia các phiên điều trần về vấn đề tương tự khi bị cho rằng đã kiềm hãm sự cạnh tranh công bằng.

Tuy nhiên, cả Netflix và Spotify đều không "chơi lớn" như Epic Games khi họ dằn mặt Apple một cách trực diện: Hỏi người dùng muốn mua 1000Vbucks với giá 9.99 đô trên App Store hay 7.99 đô thông qua giao dịch trực tiếp. Hiện tại, Epic đang đứng trước một canh bạc lớn, nếu họ kiện thắng, toàn bộ hệ thống thanh toán trực tuyến của các kho ứng dụng sẽ thay đổi trong tương lai mà Epic sẽ là người đi đầu. Còn nếu họ thua, số phận của Fortnite sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.

Tham khảo Recode, CNET, TheVerge. Tinhte