quốc tế_ Là một trong bốn thị trường game di động lớn trên thế giới, Hàn Quốc luôn có nhiều nhà sản xuất game hướng đến, muốn “xuất khẩu” game.
Theo báo cáo, nhà sản xuất 37Games của Trung Quốc chinh phục thị trường Hàn Quốc trong vài năm. Một số hãng như 4399, miHoYo, NetEase cũng hướng đến thị trường này.
Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc mới đây cho thấy sự bất ngờ khi một hãng phát hành của Việt Nam là GOSU đang có ý định “lấn sân” sang Hàn Quốc với sản phẩm Cửu Dương Truyền Kỳ (tên khác là Võ Lâm Cao Thủ).
Ngày 12/04, tựa game di động MMORPG mang tên Cửu Dương Truyền Kỳ đã mở báo danh sớm tại Hàn Quốc, trở thành game RPG đầu tiên được phát hành chính thức tại thị trường Hàn Quốc đại diện bởi một công ty Việt Nam. Điều này đã “thu hút sự chú ý của giới truyền thông Trung Quốc”.
Đối với người chơi, Cửu Dương Truyền Kỳ ban đầu được ra mắt tại Việt Nam và Campuchia vào tháng 09 năm 2019 và đã đứng đầu danh sách game có doanh thu cao nhất trên iOS trong nhiều tháng với số điểm khả quan. Tại Việt Nam, game này được hãng GOSU phát hành.
Theo đánh giá của báo chí Trung Quốc, GOSU là một công ty game có tiếng của Việt Nam. “Những bạn biết một chút tiếng Việt có thể nhận ra rằng công ty này khi dịch ra cũng được gọi là Master. Được biết, công ty được thành lập lần đầu tiên vào năm 2012, đội ngũ nhân sự nội bộ đều là những người có thâm niên trong nghề game tại Việt Nam với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát hành. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, họ còn có các chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Huế” – thông tin cho hay.
Kể từ khi thành lập, hoạt động kinh doanh của GOSU đã bao gồm trò chơi web, game PC và trò chơi di động, và chủ yếu dành cho thị trường Đông Nam Á. “Nhưng điều thú vị là công ty này có vẻ đặc biệt quan tâm đến các game có chủ đề, màu sắc Trung Quốc. Hầu hết các game do công ty phát hành đều là võ hiệp hoặc Tam Quốc” – theo chia sẻ của giới làm game tại Hoa lục.
Mặc dù đang thịnh vượng ở Đông Nam Á, nhưng giờ đây để chuyển sang thị trường MMO quan trọng nhất Hàn Quốc, những thách thức mà GOSU phải đối mặt càng nhiều hơn và tất nhiên phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu game khác. Liệu hãng game của Việt Nam có “trụ vững”?