Trải qua một quãng đường dài: xã hội phát triển, cuộc sống thay đổi, ngay cả làng game Việt cũng có nhiều biến chuyển theo thời gian. Tính đến thời điểm này nhìn lại, “văn hoá game" đã bị "đô thị hóa" rất nhiều, đồng nghĩa với sự phát triển bùng nổ của các thể loại game khác nhau. Giờ đây, nhìn lại những hình ảnh này, các game thủ 8x, 9x không khỏi lưu luyến bởi rất khó để bắt gặp lại một lần nữa…
Những “tượng đài" một thuở
Nhiều năm về trước, trong ký ức của những cậu bé mê game thời bấy giờ, Contra, Mario, “Rambo Lùn”…với nền đồ họa 8 bit nhưng những tựa game chẳng khác nào là những “tượng đài” để mà tiết kiệm từng đồng lẻ bố mẹ cho tiêu vặt hay ăn sáng để đắm chìm vào trong. Tuy chúng chẳng thể nào so sánh được với những quả bom tạ, bom tấn của thời kỳ 64 bit hiện tại, nhưng đối với lũ trẻ, đó là tất cả những gì đẹp đẽ, lưu giữ sâu đậm nhất trong tâm khảm kể từ khi bắt đầu làm quen với game.
“Cắm rễ" chơi game ngoài quán net
Đây chắc chắn là điều yêu thích nhất của các “game thủ” khi ấy trừ việc phải trả 3 ngàn đồng/ 1 giờ ngồi máy.
Việc được tụ tập cùng các “đồng đội” chí cốt để thả mình vào những trận game nảy lửa. Nào là những trận Warcraff căng thẳng, những kèo Counter Strike đầy khốc liệt, những pha "tính gió, căn góc" đầy hack não khi bắn Gunbound, tay mỏi rã vì nhảy Audition, hay những trận đấu FiFa Online 2 tưng bừng cùng đám bạn thân. Đó có thể là những trận đấu cân sức, những chuyến đi Tẩy tủy tuy đơn điệu nhưng không hề nhàm chán vì có bạn đồng hành để tán gẫu.
Chơi game ở quán nét cũng có thể gặp những ức chế, khó chịu khi một ngày đường truyền dở chứng, hay lỡ gặp phải những cheater phá đám game. Hay đôi lần, đứng trước quán game nồng mùi mồ hôi, khói thuốc và những tiếng la hét om sòm, dù có phần tiêu cực nhưng đó là một thời để hoài niệm.
Quán nét xưa và nay.
Những chiếc máy tính “cổ lỗ sĩ"
Ngày ấy, những chiếc máy tính đời đầu, nặng trịch và cồng kềnh nhưng là tuổi thơ của rất nhiều người trong chúng ta. Trên mỗi màn hình còn dán lời nhắc nhở “đình đám": “Nghiêm cấm truy cập những trang web phản động, đồi truỵ" mà hiện nay chẳng mấy cyber nào còn áp dụng.
Chưa kể, do quá lỗi thời nên bộ bàn phím đi kèm cũng tàn tạ không kém. Còn nhớ, mỗi lần chiến Audition thì sau những tiếng “cạch cạch" combat có thể phím sẽ tung lên đầy “bất hạnh".
Sau này, những chiếc laptop với cấu hình vừa tầm, cùng với sự hoà nhập của việc “internet về làng”, người chơi game có thể đắm chìm trong những tựa game mình yêu thích mà không phải lo lắng về giờ giấc hay tiền bạc như khi còn chơi game ngoài quán.
Bị phụ huynh "tóm gáy"
Một tình huống quen thuộc: Bạn đang hết sức tập trung, tinh thần tập trung tột độ, gào thét khản cổ, tay di chuột, tay múa phím liên tục. Tưởng như chiến thắng đã đến rất gần rồi thì… “có bàn tay lặng lẽ" cảm giác quen thuộc đặt lên vai, bạn bực bội chẳng thèm quan tâm gạt ra, bạn cố gắng chiến đấu tiếp, nhưng bàn tay đó lại tiếp tục đặt lên vai bạn, không còn cách nào khác, bạn quay lại xem ai mà dám to gan phá đám đến vậy. Và ngay giờ phút ấy, cảm giác như tất cả mọi điều tồi tệ ập đến cùng một lúc, bạn bị lôi xềnh xệch về nhà và một trận đòn nhớ đời là điều khó tránh khỏi…
Cụm từ “game thủ"
Bản thân những người mê game khi ấy chỉ dám tự nhận mình là một người chơi game, đam mê game, thay vì tự gán cho mình cụm từ mang ý nghĩa vô cùng to lớn: Game thủ Việt. Sở dĩ nói vậy là vì, thời đó việc ra quán nét còn coi là “tội đồ", đốt tiền vào những trò chơi vô bổ, không lợi ích gì mà kết quả học tập đi xuống. Nếu phụ huynh biết con mình đặt chân đến chốn đó, nhẹ cũng có ngay một trận đòn nhừ tử.
Định nghĩa "game thủ" không giống nhau.
Tính ra, bước chuyển mình từ thời kỳ SNES đến Internet cũng phải mất đến chục năm. Manh nha bắt đầu xuất hiện những quán café internet phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, truy cập mạng toàn cầu, nhưng phổ biến nhất thời đó vẫn là… chat chit qua Yahoo Messenger, một công cụ đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dùng internet Việt Nam. Internet cũng là công cụ thúc đẩy sự phát triển của game online.
Hơn 20 năm trước, Việt Nam lần đầu tiên tiếp cận Internet cùng thế giới, xem lại biết bao thăng trầm vui buồn ngày xưa được tái hiện qua những hình ảnh thân thuộc này.
Tính đến năm 2021, Việt Nam đã bước sang năm thứ 24 từ khi chính thức hòa mạng Internet với thế giới. Có mặt ở Việt Nam từ những tháng cuối năm 1997, tuy nhiên đến những năm 2000, Internet mới dần trở nên phổ biến ở nước ta. Thêm 1 năm nữa trôi qua, những thế hệ đầu 8x, đầu 9x vẫn đang ngày ngày đón nhận những thay đổi mới của khoa học, hiện đại, nhưng tin chắc rằng khó ai có thể quên những ngày đầu dùng Internet chơi game thế này. Xem lại thấy bồi hồi, xao xuyến quá!