Hầu hết người dùng điện thoại đều biết rằng việc giữ thiết bị của họ tránh xa nước là điều nên làm. Tuy nhiên, có những lúc điện thoại di động bị ướt do tai nạn không lường trước được. Tất cả smartphone, dù có khả năng chống nước hay không, đều có khả năng mắc phải vấn đề này.
Đa số mọi người đều hiểu nhầm "chống thấm nước" thành "không thấm nước" và đây có thể là một sai lầm đắt giá. Trên thực tế, ngay cả những chiếc điện thoại "chống nước" nhất trên thị trường cũng chỉ có thể chịu được tiếp xúc với nước ở một mức độ nhất định trong khoảng thời gian ngắn trước khi bắt đầu xảy ra trục trặc và hỏng hóc.
May mắn thay, các thiết bị bị hư hỏng do nước có thể được sửa chữa nếu bạn hành động đúng và nhanh chóng.
Cho điện thoại vào gạo có phải một phương án?
Gạo dù hút nước tốt nhưng không thể hút hết hơi ẩm bên trong điện thoại, thậm chí chỉ cần một lượng nước nhỏ thôi cũng đủ để ăn mòn và làm hỏng linh kiện của bạn. Ngoài ra, gạo, một loại thực phẩm nhiều tinh bột, sau khi thấm nước sẽ dễ dàng dính vào giắc cắm tai nghe, đế sạc và các cổng khác của bạn và hư hỏng sẽ trở nên nặng nề hơn.
USA Today đã tiến hành một thử nghiệm để kiểm tra độ hữu ích của gạo trong vấn đề này. Họ phát hiện ra rằng gạo làm khô điện thoại chậm hơn so với việc để thiết bị ra ngoài, mặc dù cả hai cách này đều không đủ hiệu quả. Sau 48 giờ ngâm trong gạo, chỉ có 13% lượng nước được hút ra, đủ thời gian để chất lỏng làm hỏng điện thoại vĩnh viễn. Vậy người dùng nên làm gì nếu gạo không phải là một lựa chọn tốt?
Tắt máy ngay lập tức và không bật lại
Với thành phần ion hòa tan, nước có khả năng dẫn điện rất tốt. Vì vậy, nước sẽ phản ứng với dòng điện bên trong thiết bị và làm đoản mạch các bảng mạch quan trọng. Điều đầu tiên cần làm là tắt ngay lập tức và không bật lên cho đến khi nó khô hoàn toàn. Điều này có thể đồng nghĩa với việc không sử dụng điện thoại trong tối đa 48 giờ, nghe có vẻ bất tiện nhưng đó là điều bắt buộc nếu bạn muốn cứu chiếc smartphone của mình.
Loại bỏ càng nhiều nước càng tốt
Sử dụng máy sấy tóc tưởng chừng là một ý tưởng hay, nhưng thực ra nó có hại nhiều hơn là có lợi. Các luồng khí có thể đẩy hơi ẩm sâu vào trong và hơi nóng có thể làm hỏng các bộ phận của thiết bị. Vì lý do này, bạn cũng không nên phơi điện thoại ướt dưới ánh nắng mặt trời.
Thay vào đó, hãy lắc nhẹ điện thoại để loại bỏ nước khỏi tất cả các cổng và lau sạch bằng vải sợi nhỏ khô. Tiếp theo, tháo rời càng nhiều bộ phận càng tốt, bao gồm vỏ ốp bảo vệ, thẻ SIM, thẻ SD và pin (nếu có thể tháo rời). Lau sạch chúng và phơi nơi thoáng mát. Tuy nhiên, đừng tháo rời các con ốc của thiết bị, bởi điều này có thể sẽ gây ra hư hỏng phức tạp cũng như làm mất hiệu lực bảo hành của sản phẩm.
Để quá trình diễn ra nhanh hơn, bạn có thể đặt điện thoại gần cửa sổ, quạt hoặc lỗ thông hơi. Một lựa chọn khác là vùi điện thoại của bạn vào một hộp kín chứa đầy gói hút ẩm (hay còn gọi là silica gel). Chúng hút ẩm tốt hơn gạo nên sẽ hữu ích hơn nhiều dành cho điện thoại của bạn./.