Công ty tiếp thị và PR Big Games Machine đã khảo sát 1.000 người chơi game tại Hoa Kỳ về cách họ tìm các tựa game mới để mua và chơi, trong đó 64% cho biết họ tìm kiếm qua YouTube.
Theo báo cáo, TikTok là nền tảng được sử dụng nhiều thứ hai với 36%, tiếp theo là Instagram (35%), Facebook (34%) và truyền miệng (32%). Nền tảng truyền thông xã hội ưu tiên thiết bị di động phổ biến hơn với game thủ trẻ tuổi, ví dụ: 58% người từ 18 đến 24 tuổi sử dụng TikTok so với 29% ở người từ 34 đến 44 tuổi.
Các nguồn ít phổ biến nhất là các bài đánh giá chuyên môn của Metacritic với tỷ lệ 3%, đánh giá của người dùng trang web là 4% và tạp chí in là 5%. Trong số những người trả lời khảo sát, người chơi trung bình sử dụng từ 4-5 kênh khám phá khác nhau để tìm hiểu về trò chơi mới.
Ngoài việc phổ biến nhất, YouTube còn được tin cậy nhất theo 52% số người được khảo sát. Ở phía ngược lại, quảng cáo trực tuyến là nguồn tìm kiếm ít đáng tin cậy nhất với 17%, tiếp theo là X (trước đây là Twitter) với 19%.
Nghiên cứu cũng hỏi những người trả lời về những tác động thúc đẩy họ mua hoặc chơi một trò chơi mới, với 40% nói rằng một tựa game thuộc một thương hiệu quen thuộc là động lực lớn nhất. 30% cho biết họ quan tâm đến trò chơi nếu game đó có gói đăng ký Premium, trong khi 30% cũng cho biết đánh giá tích cực của người dùng là một yếu tố để game thủ xuống tiền. 25% cho biết được thúc đẩy bởi đánh giá của người nổi tiếng khi chơi sản phẩm đó (KOLs, streamer, ca sĩ, diễn viên…).
“Rõ ràng rằng các nền tảng đăng ký và nhượng quyền thương mại là lựa chọn hàng đầu trong việc tìm kiếm, khám phá trò chơi”, James Kaye, đồng sáng lập của Big Games Machine, nói với báo chí. “Trên thực tế, nhiều nhà phát triển sẽ không có được lợi thế từ nhượng quyền thương mại hoặc quan hệ đối tác với nền tảng đăng ký, đòi hỏi họ phải xem xét các phương pháp thay thế để nâng cao độ phổ biến đối với sản phẩm của mình”.
Sự khác nhau giữa các kênh và ảnh hưởng cho thấy rằng tiếp thị trò chơi hiện đại có nhiều phương thức và các nhà phát triển không nên đặt cược toàn bộ vào một chiến lược tiếp thị duy nhất. Thay vào đó, nên chọn một cách tiếp cận kết hợp tận dụng lợi thế của nhiều kênh đặc biệt là mạng xã hội. Tiếp thị trò chơi đòi hỏi cách tiếp cận đa kênh, trọng tâm hơn để mang lại kết quả tốt nhất cho nhà phát triển.