Người chơi game mobile bị kỳ thị: Liệu có đáng? - Game Mobile

Từ lâu nay, những người chơi game mobile đã phải chịu những cái nhìn đầy coi thường từ cộng đồng những game thủ "thượng đẳng". Liệu họ có đáng bị như vậy?

Khi nhắc tới cộng đồng game hay thế giới game, nó sẽ bao gồm tất cả những gì liên quan tới trò chơi điện tử, tức là cả game mobile và những game thủ mobile. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người lại không nghĩ vậy. Trong cộng đồng của chúng ta đang tồn tại một vấn đề, đó là kỳ thị game thủ mobile của những người chơi PC/Console, thậm chí là cả những người dùng các đời máy Handheld.

Người chơi game mobile bị kỳ thị: Liệu có đáng

Những người không hề coi game di động hay những người chơi nó là một phần của cộng đồng. Bất cứ vấn đề nào đưa ra đều bị đa số tỏ ra thái độ khinh khỉnh, thậm chí dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng nhất để miệt thị những người chơi game trên di động.

Chúng ta có thể thấy rằng nền tảng mobile đang ngày một phát triển. Có những hãng game nhìn ra được tiềm năng kinh doanh trên nền tảng này nên đã nhanh chóng nhập cuộc, hoặc chuyển mình hẳn sang phát triển game mobile. Tuy nhiên, có lẽ dù game mobile phát triển mạnh tới nhường nào, nó cũng không nhận được cái nhìn thiện cảm từ những người chơi game ở nền tảng khác. Vậy nguyên nhân do đâu?

Tâm lý “thượng đẳng PC/Console”

Người chơi game mobile bị kỳ thị: Liệu có đáng

Trong bối cảnh mà văn hóa mua game của cộng đồng đã ngày một tích cực hơn. Game crack vẫn sống tốt nhưng nó giờ đây không phải là thứ mà game thủ quan tâm quá vào nữa. Dường như crack chỉ là một bản test thử trước khi họ quyết định bỏ ra vài trăm cho tới cả triệu đồng mua game. Do đó, khi tâm lý cộng đồng ngày càng chuộng mua game bản quyền hơn, sẽ có nhiều người bắt đầu có tính “thượng đẳng” với tất cả những người chơi game crack, trong đó có những người chơi game mobile.

Tại sao lại là cộng đồng game mobile? Tôi không biết từ khi nào, lại có nhiều người định hình sẵn trong đầu rằng, game mobile mặc nhiên là phải miễn phí (và bị đánh đồng như những người chơi game rẻ tiền). Từ xưa tới nay, việc mua một ứng dụng với giá vài chục ngàn thôi đã bị người dùng bĩu môi dè bỉu, chứ đừng nói tới việc mua một tựa game trên di động với giá vài trăm ngàn đồng. Ngay cả những game có giá chỉ vài chục thôi, người dùng cũng đi tìm những bản apk miễn phí còn hơn bỏ tiền ra mua.

Các nhà phát triển muốn kiếm lời trên game mobile, họ buộc phải để cái giá 0đ, rồi kiếm lợi nhuận từ quảng cáo các bên thứ ba. Chất lượng nội dung, cốt truyện không được đầu tư mạnh mẽ như game của PC/Console. Vậy nên các “Thượng đẳng PC/Console” không bao giờ coi game mobile đủ trình ngồi chung mâm, và những ai chơi game trên di động thì không được coi là game thủ.

“Đa phần game mobile đều là game rác”

Người chơi game mobile bị kỳ thị: Liệu có đáng

Mặc dù trên các store như Apple hay Google Play có tới hàng trăm, hàng ngàn game hấp dẫn, đa dạng về thể loại. Nhưng ở riêng thị trường Việt Nam, chúng lại chẳng mấy khi được nhắc tới. Thay vào đó, các trò chơi thuộc dạng kiếm hiệp, cày cuốc, lên đồ. Đồ hoạ và gameplay thì 10 game phải tới 8 game giống hệt nhau, và được nhập từ bên Trung Quốc.

Nguyên do là bởi các nhà phát hành đã đẩy mạnh khẩu marketing. Nếu xem video trên Youtube hay thường xuyên lướt newfeed mạng xã hội, bạn sẽ thấy các quảng cáo về những game như vậy liên tục xuất hiện. Nếu như lúc trước, các game kiếm hiệp thường được chơi dưới dạng webgame, thì giờ đây, khi thời đại smartphone phát triển, người dùng có thể tải và cài đặt về điện thoại chơi rất dễ dàng. Nói không ngoa khi những trò chơi như vậy đã chiếm hầu hết thị phần game mobile.

Điều đáng nói ở đây là đối với nhiều người chơi game trên PC/Console, họ coi game online hay game mobile nhập từ Trung Quốc về chỉ là game rác không hơn không kém. Mặc dù tôi phải công nhận rằng có nhiều trò chơi kiếm hiệp thực sự hay, được phát triển rất có tâm huyết và đầu tư mạnh, nhưng nó không thể thay đổi suy nghĩ của phần đông người chơi game offline được.

Khi smartphone chưa mạnh mẽ như bây giờ, cộng đồng game offline chĩa mũi dùi vào các game online. Và hiện tại, khi thị phần game mobile ngày một lớn mạnh hơn, họ vẫn rất dị ứng với các game được nhập từ Trung Quốc về. Để rồi cuối cùng toàn bộ cộng đồng game mobile bị đánh đồng.

“Ma cũ bắt nạt ma mới”

Người chơi game mobile bị kỳ thị: Liệu có đáng

Nếu xét về chiều dài lịch sử phát triển, nền tảng và cộng đồng của game mobile chỉ là ma mới mà thôi. Tuy chỉ là ma mới, nhưng ở thời điểm hiện tại, game mobile đang phát triển một cách mạnh mẽ với một tốc độ nhanh khủng khiếp.

Còn nhớ chỉ mới vài năm đổ về trước, game mobile dường như không phải là thị phần đáng được quan tâm. Các nhà phát triển trò chơi cho điện thoại di động vẫn có, nhưng chủ yếu là những trò đơn giản, cho người dùng giết thời gian trong lúc rảnh. Khi đó, những tựa game bom tấn lại rất hiếm, hầu như chỉ một mình Gameloft là được biết tới có những siêu phẩm game mobile như dòng Asphalt, Modern Combat hay N.O.V.A,…

Còn ở hiện tại thì sao? Công nghệ smartphone phát triển vượt bậc, các món phụ kiện hỗ trợ mang lại trải nghiệm không thua gì các đời máy chơi game cao cấp. Cấu hình cũng được cải tiến ngày một mạnh mẽ hơn. Các hãng game lớn cũng bắt đầu để ý hơn tới thị trường game mobile. Giờ đây, các ông lớn của PC/Console đã cạnh tranh trực tiếp với nhau, giành nhau từng phần trăm thị phần của game mobile. Những cái tên “đi theo mobile” có thể kể cả ngày không hết như Nexon, NCsoft, Konami, Square Enix, SEGA, Blizzard, Activision…

Chính bởi sự phát triển quá nhanh và quá mạnh đó đã khiến cho những người tự xưng mình là game thủ PC/Console thấy bất mãn. Họ bắt đầu nảy sinh tâm lý “ma cũ ăn hiếp ma mới”. Đằng này ma mới, tức game mobile, lại phát triển quá nhanh và có phần hơi mạnh nên đã khiến ma cũ càng cảm thấy khó ưa.

Ví dụ rõ nhất về việc “ma cũ ghét ma mới” có thể kể tới thể loại Battle Royale và PlayerUnknown’s BattleGrounds (PUBG). Trò chơi của Bluehole đã phát triển quá nhanh, nó gần như đã đánh bại tất cả những trò chơi ra mắt cùng thời điểm, khiến toàn bộ thị trường phải xoay quanh thể loại Battle Royale. Do đó trò chơi có một lượng anti-fan cực kỳ hùng hậu, chuyên đâm chọt, đá xoáy về sự ăn may trời cho của nó. Chỉ cần một động thái (có vẻ) không tốt của PUBG là sẵn sàng có một đội quân cà khịa từ diễn đàn này tới group nọ. Từ chê bai, chửi rủa cho tới miệt thị nặng nề những ai chơi PUBG khi đó.

Game thủ mobile bị kỳ thị: Liệu có đáng?

Người chơi game mobile bị kỳ thị: Liệu có đáng

Chẳng ai muốn mình là nạn nhân, bị kỳ thị bởi những người khác cả. Khi đã gọi cộng đồng game thủ, nó bao hàm những người có niềm đam mê với trò chơi điện tử dù trên hệ máy nào đi chăng nữa. Tất cả đều là những mắt xích nhỏ, có vai trò quan trọng để phát triển cả một cộng đồng lớn mạnh.

Hơn nữa, PC/Console và Mobile là 2 thị trường có thị hiếu hoàn toàn khác nhau. Vậy nên việc có nhiều người thích cà khịa, tỏ ra thượng đẳng hay ra vẻ ta đây nó chỉ là tâm lý rất trẻ trâu, thích bắt nạt đứa mới nổi hơn mà thôi. Tôi thấy khá buồn cười ở chỗ, nhiều game thủ PC/Console luôn đem khía cạnh mạnh nhất như đồ họa, gameplay hay cốt truyện ra để “chứng tỏ” với cộng đồng game mobile rằng họ mới là nhóm “chất hơn”, mà không biết rằng hướng đi của nền tảng di động là hoàn toàn khác. Đối tượng game thủ mà các hãng làm game mobile muốn nhắm tới cũng khác luôn. Vậy “khè” nhau như vậy có ích gì không?

Góc nhìn về Sử Hộ Vương – Vì đâu nên nỗi và phải làm sao?
Góc nhìn về Sử Hộ Vương – Vì đâu nên nỗi và phải làm sao?
Với nhiệt huyết tuổi trẻ muốn thay đổi xã hội, nhưng cũng vì tuổi trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nên dường như team Sử Hộ Vương đã tự vấp vào chân mình.

Bên cạnh đó, những game thủ mobile, họ đang cố gắng từng ngày để phát triển đam mê của mình, phát triển nền tảng trò chơi điện tử trên điện thoại. Giờ đây, bên cạnh những game mobile dùng để giết thời gian, nền tảng này đã có cho mình được các game eSports. Game thủ mobile Việt Nam đang bước những bước đi đầu tiên trên con đường chinh phục thế giới. Tôi không rõ liệu những người “cà khịa” game mobile liệu đã có đóng góp nhỏ nào để phát triển cộng đồng hay chưa? Tôi biết, hình ảnh một nhóm 4 – 5 thằng nhóc ngồi giữa đấu trường bấm bấm cái điện thoại sẽ khiến bạn so sánh và thấy không “cool ngầu” với 5 người trẻ ngồi bấm máy tính trong The International. Nhưng căn bản chúng ta vẫn là những người chơi game, chỉ là cách chơi khác nhau mà thôi.

Cũng thật may, qua thời gian rồi người ta cũng phải chấp nhận. Ngày xưa game online từng bị kỳ thị nhưng rồi dần dần ai cũng chấp nhận nó như một phần của thế giới game. Game Mobile cũng vậy, ngày càng nhiều game thủ các hệ PC/Console biết và có chơi sang nền tảng mobile, hố sâu ngăn cách dần dần được lấp đầy. Các ngôn từ hay thái độ kỳ thị cũng đang có chiều hướng giảm dần. Và đúng lúc đó, ông game VR xuất hiện…

Tới lúc kỳ thị rồi bà con!