PlayerUnknown’s Battlegrounds ra mắt vào năm 2017 và nhanh chóng tạo thành một cơn sốt khủng khiếp khi nhà nhà bắn PUBG người người nhảy dù. Người ta không cách nào lý giải thấu đáo được sự thành công của tựa game bắn súng theo chế độ Battle Royale này bởi trước đó đã có hàng hà sa số những con game có lối chơi tương tự, dù có lúc chúng khá thành công điển hình như H1Z1: King of The Kill nhưng không cách nào trở thành trào lưu chủ đạo được. Hay nói như John Teasdale, một game thủ đến từ Úc khá nổi tiếng trên Twitch thì: “Mỗi trận đấu đều luôn khác nhau. Các bạn có thể hạ gục một người chơi khác bằng lựu đạn, vũ khí cận chiến, nhiều khẩu súng khác nhau. Thậm chí có những người còn đặt bẫy thông qua việc chừa lại các vũ khí để khiến người chơi khác mất cảnh khác. Để cửa mở, hay thậm chí dùng đồng đội ngã xuống để lừa đối phương. Nói tóm lại có rất nhiều cách để có thể tận dụng chúng để giành chiến thắng”. Có thể đó bí quyết kiến PUBG thành công chăng?
Thừa thắng xông lên, sau khi đã kiếm đầy bồn đầy bát cùng các phiên bản cho PC và console, Bluehole quyết định kiếm thêm bên mảng di động bằng cách bán IP cho một đối tác tại xứ gấu trúc như thông lệ từ xưa đến nay vẫn thường làm. Đáng thương cho Kim Chang-han, có lẽ ông ta không bao giờ biết được quyết định này sẽ khiến trò chơi tỏa sáng mùa xuân thứ hai, nhất là sau khi bản gốc đang bị cạnh tranh thị phần vô cùng khốc liệt bởi Fortnite. Nói về mối quan hệ giữa Kim Chang-han và Brendan Greene thì có thể xem đây là cặp Lưu Bị – Khổng Minh đích thực của thế giới game. Brendan Greene có sự nghiệp ban đầu không hề suôn sẻ, trái ngược hoàn toàn với tựa game PUBG, vừa ra mắt là nổi tiếng luôn. Ban đầu cậu thanh niên trẻ tuổi người Ái Nhĩ Lan tên Brendan quyết chí học tập để trở thành nghệ sĩ chụp ảnh và thiết kế đồ họa, sau khi tốt nghiệp thanh niên này trúng tiếng sét ái tình nên quyết định cưới vợ và chuyển đến Brazil sinh sống. Khốn nạn thay họ đã ly dị, cuộc chia tay không hề êm thấm khiến Greene không kiếm nổi một xu dính túi để mua vé máy bay về nước.
Trong thời gian nhàm chán và đầy khăn đó, Brendan đã chơi game để giải trí và cái máu của dân thiết kế bốc lên khiến gã nghiệp dư quyết định thử mày mò các mod để tạo ra một trò chơi theo ý thích riêng của bản thân. Với kĩ năng lập trình cơ bản, Brendan đã mod game bắn súng Arma 2 trở thành tựa game sinh tồn lấy cảm hứng từ phim Battle Royale của Nhật Bản. Người sống sót cuối cùng sẽ giành chiến thắng. Và có vẻ như ý tưởng này của Greene đã được khá nhiều người đón nhận khi có hàng ngàn người chơi bản mod mỗi tuần. Tất nhiên để không gặp rắc rối với nhà sản xuất tựa game Arma 2, anh đã không thu tiền mà kêu gọi donate tự nguyện để trả chi phí máy chủ. Sau khi kiếm đủ tiền trở về Ireland, anh ta tiếp tục cập nhật liên tục cho bản mod này và thậm chí ở thời điểm đỉnh cao có hơn 70.000 người tham gia vào trò chơi cùng lúc.
Sony tất nhiên không thể bỏ qua một thứ có khả năng sinh lợi lớn như vậy nên nhanh chóng đặt vấn đề hợp tác cùng Brendan Greene và cuối cùng đồng ý cấp phép để tay thiết kế có thể tự do thao túng bất cứ thứ gì mình muốn trong game, kết quả của mối quan hệ không chính thức này được trình làng với tên gọi H1Z1: King of The Kill. Với H1Z1: King of The Kill, gã tay mơ năm nào đã hoàn chỉnh công thức cơ bản của một game Battle Royale. Không có gì đặc sắc và nổi bật nhưng vẫn được người ta yêu thích cho ngày hôm nay gồm các yếu tố như di chuyển quanh bản đồ lớn, thu nhặt vũ khí và giết bất cứ ai không phải đồng đội của mình. Lúc này Khổng Minh đã nức tiếng gần xa nhưng vẫn cần Lưu Huyền Đức đến chiêu mộ để thỏa sức phát tiết tài hoa của bản thân. Có lẽ Kim Chang-han không đến nhà mời Brendan Greene đến ba lần như tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc Diễn Nghĩa nhưng chắc chắn sự hợp tác của bộ đôi này đã thay đổi rất nhiều thứ.
Lúc Brendan đang nổi như cồn nhờ H1Z1: King of The Kill, ngài Kim lúc này là giám đốc sản xuất của Bluehole đã để ý và mời anh đến Hàn Quốc. Sau những cuộc nói chuyện, hai bên cảm thấy hợp ý nhau lắm nên quyết định bắt tay vào thực hiện một game mới dựa trên những yếu tố từng làm nên thành công của H1Z1. Họ đã phát triển PUBG kể từ đầu năm 2016 và tới tháng 3.2017, tựa game này đã được bán với hình thức early access với giá khoảng 30 USD. Dù rằng tựa game này vẫn còn khá nhiều sạn với hàng loạt lỗi nhỏ cũng như vận hành không ổn định, thế nhưng nó ngay lập tức trở thành tựa game được bán nhiều nhất trên Steam, nền tảng phân phối game lớn nhất thế giới. Hàng triệu người chơi đã bị nghiện tựa game này vì lối chơi đơn giản, thiết kế thực tế và linh hoạt. Trở lại vấn đề chính sau khi giành được thành ông rực rỡ tại những địa bàn sở trường như PC và console Bluehole quyết định dấn thân sang mảng di động như thông lệ từ xưa đến nay vẫn thường làm. Phần còn lại đã trở thành lịch sử!
Bây giờ khi nhìn vào hai phiên bản PUBG người ta có thể cảm thấy kinh dị khi sớ lượng game thủ đang cày bừa trong bản di động có lúc còn vượt trội so với phiên bản gốc. Nhìn vào số liệu của PUBG Mobile, Life After, Stardew Valley hay World of Tanks nhiều người có thể nhận định rằng đây sẽ là xu thế ngược bởi vì từ trước đến nay các game PC/Console kinh điển thường được port sang di động để vớt tiền chớ hiếm khi xảy ra điều ngược lại. Thực tế chỉ với một vài tựa game “đột kích ngược” như PUBG Mobile hay After Life chưa đủ để nhận định rằng mảng di động đã phát triển đủ mạnh để có những tựa game riêng khiến các nền tảng khác thèm muốn. Cũng có thể sẽ xảy ra cái việc ấy nhưng nếu muốn nói đó là một trào lưu hay xu hướng mới thì còn phải đợi tương lai kiểm chứng thêm cái đã!