Khi Thể thao Điện tử đang dần trở thành xu thế mới của xã hội và game thủ đang dần được xã hội công nhận như những vận động viên thể thao thực thụ của bộ môn mang tên Esports. Vì thế, cũng như đá bóng, điền kinh hay bơi lội… Esports được “đối xử" công bằng như một môn học chính quy và được đào tạo bài bản, để lớp game thủ sau khi tốt nghiệp sẽ có được kỹ năng nhất định. Nhiều ngôi trường đã được mở ra dành riêng cho các game thủ như vậy.
Trường Cao đẳng nghề tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc)
Năm 2016 khi Esports mới bùng nổ, trường Cao đẳng Sơn Tây đã mở một khóa bồi dưỡng vận động viên thể thao điện tử nhằm đào tạo những tuyển thủ game chuyên nghiệp. Đây cũng là ngôi trường có định hướng giảng dạy game rất sớm.
3 tựa game được đào tạo chính ở đây là Liên Minh Huyền Thoại, Overwatch và Hearthstone trong đó số học viên học lớp LMHT là đông nhất. Song song với việc giảng dạy lý thuyết là những giờ thực hành được tổ chức như những cuộc thi đấu chuyên nghiệp thực sự giữa các học viên giúp họ có trải nghiệm tốt nhất trong đấu trường chuyên nghiệp.
Cơ sở vật chất được đầu tư kỹ càng với nhà thi đấu Esports trang bị các trang thiết bị tiên tiến, phòng thực hành với gần 100 máy tính cấu hình mạnh phục vụ việc luyện tập của học viên.
Trường Kỹ thuật Lanxiang (Trung Quốc)
Được biết đến với điểm mạnh đào tạo chính quy game thủ, một ngôi trường khác tại Trung Quốc là Trường Kỹ thuật Lanxiang đã dành 50% thực hành và 50% là giảng dạy lý thuyết, phân tích các tựa game như LOL, Overwatch, PUBG.
Không đơn thuần chỉ tập trung đào tạo kỹ năng chơi game, sau năm học đầu tiên những người có tiềm năng sẽ tiếp tục được đào tạo thành game thủ chuyên nghiệp, các đối tượng khác sẽ được dạy những kĩ năng khác: tổ chức các sự kiện game, quảng cáo…
Game thủ ngoài chơi game vẫn phải học văn hóa như các ngôi trường bình thường.
Học viện Esports (Singapore)
Những học viên theo học tại đây đều mong muốn có được công việc ổn định trong tương lai. Họ có thể làm những công việc liên quan đến game như phát triển trò chơi điện tử, thành lập và tổ chức các sự kiện game, sáng tạo game, bình luận viên, chuyên gia đào tạo… và tất nhiên là không thể thiếu công việc là một tuyển thủ chuyên nghiệp.
Dù cho đây là một ngành cạnh tranh gay gắt và không phải ai cũng có được vinh quang nhưng vẫn có không ít người quyết tâm theo đuổi niềm mơ ước của mình
Trường đại học Chung Ang (Hàn Quốc)
Đại học Chung Ang từng làm chấn động ngành giáo dục khi xác nhận tuyển những sinh viên muốn theo đuổi con đường thi đấu game chuyên nghiệp. Những người đã là game thủ thi đấu ở những giải đấu lớn sẽ được tuyển thẳng.
The Academy of Esports (Malaysia)
Không quá nổi trội nhưng Malaysia cũng là một quốc gia có sự quan tâm lớn cho nền công nghiệp game và Học viện Esports chính là nơi Malaysia ươm mầm cho những ước mơ của game thủ.
Tại học viện, các khóa học dài khoảng 8 tháng với 2 mức học phí khác nhau dành cho sinh viên trong nước và quốc tế. Theo học ở học viện, những sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm cao nhờ việc học viện sẽ giới thiệu sinh viên cho những đối tác của họ.
The Academy of Esports (Malaysia) là ngôi trường dạy về Esports với cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.
Dù ở các quốc gia khác nhau, mô hình và phương thức học tập có thể mang tính đặc thù riêng thế nhưng đều giúp những người yêu thích game có thể áp dụng những kiến thức và nuôi lớn đam mê của mình.