Trở thành vận động viên chuyên nghiệp liệu có phải là con đường "đổi đời" của game thủ?

Việc tham gia các giải đấu chuyên nghiệp, trở thành một vận động viên chính hiệu liệu có phải là định hướng phù hợp để tiến thân, làm giàu của game thủ hiện đại?

Kề từ khi eSports (thể thao điện tử) ra đời và có những bước phát triển đáng kể, người ta cho rằng Gaming đã trở thành một nghề, một cơ hội làm việc kiếm sống và... làm giàu. Nhưng trên con đường đó, không ít những khó khăn đặt ra, đòi hỏi người chọn lựa và theo đuổi kiên trì, bền bỉ, luôn giữ được lửa nhiệt huyết.

Để trở thành game thủ chuyên nghiệp, được tham gia những giải đấu quốc tế uy tín, người chơi sẽ phải đi trên con đường đồng hành cùng các tựa game eSports đang phát triển hiện nay. Những bộ môn thể thao điện tử này đòi hỏi tính tư duy chiến thuật, sự phối hợp đồng đội và cả kỹ năng cá nhân điêu luyện. Nếu như trong thể thao có các bộ môn thể lực thì đánh giải eSports cũng như một môn thi đấu trí lực giữa các cá nhân và đội chơi. Hiện nay, chúng ta vẫn thường biết đến hệ thống giải đấu lớn của Liên Minh Huyền Thoại, CS: GO, DOTA 2, PUBG (PC, Mobile), Fortnite, CrossFire, Liên Quân Mobile (Arena of Valor), Garena Free Fire...

Trở thành vận động viên chuyên nghiệp liệu có phải là con đường đổi đời của game thủ? - Ảnh 1.

The International 2019 - giải đấu DOTA 2 có giá trị tiền thưởng tới 34,3 triệu USD

Không thể phủ nhận, các giải đấu eSports (ở quy mô quốc tế) có số tiền thường cực kỳ lớn. Nếu xuất sắc lọt vào vòng Chung kết, chiến thắng với các hạng mục team Quán quân, Á quân thì game thủ có cơ hội "đổi đời". Điều này thực sự là một động lực và sự kích thích đáng kể để cho những ai có đam mê với thể thao điện tử, muốn trở thành vận động viên eSports đúng nghĩa có thể dấn thân.

Ngay ở giải Chung kết Thế giới League of Legends năm 2019 vừa qua, Riot đã bạo chi với mức 2.225.000 USD để làm quỹ thưởng. Doinb và các đồng đội sau khi chiến thắng đã đem về khoảng 19,3 tỷ đồng (tương đương 834.375 USD). Trong khi đó, đội về Nhì G2 Esports nhận được 13,5% tiền thưởng, khoảng gần 7 tỷ đồng (có giá trị 300.375 USD). Hay giải MLG Columbus đã có thời điểm chạm mốc 1 triệu USD để trao cho các vị trí. Đó là chúng ta còn chưa kể đến hàng loạt giải đấu lớn nhỏ của các game eSports nêu trên trong năm hoặc các giải đấu quốc gia tổ chức tại địa phương...

Trở thành vận động viên chuyên nghiệp liệu có phải là con đường đổi đời của game thủ? - Ảnh 2.

Team Flash được đánh giá là đội tuyển eSports thành công của Việt Nam

Có thể thấy, riêng ở các nước nền thể thao điện tử phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, các nhà đầu tư, tổ chức không ngần ngại bỏ ra khoản kinh phí lớn và tiền thưởng khủng để mang đến những cuộc thi ấn tượng nhất. Nếu bạn có kỹ năng tốt, đội của bạn sở hữu chiến thuật thượng thừa và may mắn giành được suất đoạt giải, chẳng mấy chốc cuộc sống vật chất của bạn sẽ thay đổi!

Không chỉ có vậy, chuyện kiếm tiền khi tham gia các giải đấu eSports cũng đem về cho riêng cá nhân game thủ nguồn lợi khổng lồ. Điều đầu tiên chúng ta có thể nhắc đến là những phần thường dành cho cá nhân. Thông thường, trong mỗi giải đấu, ban tổ chức sẽ tìm ra người chơi xuất sắc nhất (gọi là MVP của giải) để trao thưởng. Đây cũng là một trong những hạng mục đoạt giải của các cuộc thi eSports. Tất nhiên, số tiền họ nhận được cũng không phải nhỏ. Những cái tên như Faker, Doublelift, Lee Young-Ho, Peter Dager, SofM, mới đây như Kyle "Bugha" Giersdorf (game thủ vô địch Fortnite khi mới 17 tuổi)... số tiền họ nhận được lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm, hay mỗi giải có thể là hàng trăm triệu...

Trở thành vận động viên chuyên nghiệp liệu có phải là con đường đổi đời của game thủ? - Ảnh 3.

Kyle "Bugha" Giersdorf sinh năm 2002, giành chức vô địch Fortnite với tiền thưởng lên đến 3 triệu USD năm 2019

Ngoài ra, những nhân vật nổi tiếng như vậy có thể kiếm tiền thêm thông qua nhiều cách khác như các hợp đồng quảng cáo, huấn luyện viên (như một nghề tay trái) hoặc tổ chức những buổi livestream và nhận được những khoản donate cực khủng. Thử hỏi game thủ chuyên nghiệp và có tiếng bỏ túi mỗi năm bao nhiêu? Con số chắc chắn sẽ rất khổng lồ.

Nhìn một cách tổng quát, với một gamer thực sự, việc tiến thân theo còn đường thi đấu chuyên nghiệp nếu bạn có tài năng thì việc giàu có nhanh chóng là điều không phải khó khăn. Nhưng thực tế, con đường để có được điều đó lại không phải dễ dàng. Trở thành một siêu sao eSports cần hội tụ quá nhiều yếu tố như môi trường gaming, điều kiện luyện tập và quan trọng nhất là khả năng bản thân, yếu tố thiên bẩm nữa. Không cá nhân nào có thể duy trì phong độ liên tục nếu không phải thành viên của một đội tuyển chuyên nghiệp. Có thể nói. eSports là con đường dành cho bất kỳ ai có đam mê, tài năng nhưng không hề dễ dàng!

Ý kiến của các bạn thế nào? Hãy comment cho mọi người cùng biết nhé.