“Kẻ kế thừa” bất thành của Black Myth: Wukong
Kể từ khi ra mắt, Black Myth: Wukong đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên toàn cầu. Có nhiều nguyên nhân giúp trò chơi này thành công đến vậy. Bên cạnh việc sở hữu đồ họa đỉnh cao, cốt truyện lôi cuốn và lối chơi chiến đấu đầy hoa mỹ, Black Myth: Wukong còn sở hữu một yếu tố khác biệt hoàn toàn so với đại đa số bom tấn AAA đối thủ. Đó chính là “tính dân tộc”, tái hiện rõ nét bản sắc văn hóa Trung Hoa trong từng phân cảnh đắt giá.
Thật vậy, khó có thể tìm kiếm một tựa game này mang đậm yếu tố quốc gia như Black Myth: Wukong ở thời điểm hiện tại. Những danh lam thắng cảnh, những điển cố điển tích của dân gian Trung Hoa đều đã được NPH game khéo léo lồng ghép và gửi gắm tới người chơi. Thậm chí, sự ra mắt của bom tấn này còn kích cầu làn sóng du lịch ở Trung Quốc. Những địa danh như Sơn Tây, phố Đại Đồng, chùa Tiểu Tây Thiên… bất ngờ trở thành tâm điểm bàn tán và đón nhận lượng du khách cực kỳ đông đảo chỉ trong thời gian ngắn.
Ngược trở lại câu chuyện về game, rõ ràng, sau những gì mà Black Myth: Wukong tạo ra thì rất khó để các trò chơi khác có cơ hội cạnh tranh sóng phẳng. Dù vậy, vẫn có nhiều tân binh đáng chú ý, được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” trong thời kỳ “hậu Black Myth: Wukong”. Nổi bật nhất phải kể tới Guilongchao, siêu phẩm Gacha với phong cách cực kỳ mới lạ.
Thế nhưng thực tế, Guilongchao lại không thể làm nên chuyện chứ đừng nói so với Black Myth: Wukong
Tại sao nhiều game thủ lại cho rằng Guilongchao là “kẻ kế thừa” xứng tầm của Black Myth: Wukong? Không phải bởi vì tựa game này có quy mô đầu tư khủng, cũng không phải bởi đồ họa game đẹp khó rời mắt. Câu trả lời chính là “tính dân tộc” mà Guilongchao sở hữu, cũng đặc sắc không thua kém gì Black Myth: Wukong ở thời điểm hiện tại.
Ở Guilongchao, yếu tố văn hóa chính là sự nổi bật nhất mà trò chơi này sở hữu. Tựa game xây dựng thành phố Hakoniwa theo phong cách của thành phố Trùng Khánh, lồng ghép rất nhiều đặc điểm riêng của Trung Hoa như một cách quảng bá ấn tượng tới với cộng đồng game thủ.
Dù vậy, đáng buồn rằng đó lại là điều duy nhất Guilongchao làm tốt. Tờ Sohu Game đánh giá rằng, tất cả các mặt thể hiện khác của Guilongchao đang tỏ ra cực kỳ bất ổn và “không đạt yêu cầu”. Trên MXH Baidu Tieba, tựa game này chỉ đạt khoảng 10 nghìn người theo dõi. Theo Appmagic, xếp hạng ứng dụng của tựa game đang tụt dốc thảm hại, từ vị trí 2 xuống hạng 360 sau 16 ngày ra mắt.
Nhìn chung, Guilongchao đang gây ra một sự thất vọng lớn với những người từng đặt kỳ vọng trước đó. Ở bài tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích sâu hơn nguyên do vì sao tựa game này lại thất bại tại chính sân nhà. Độc giả hãy cùng tiếp tục theo dõi để không bỏ lỡ những thông tin thú vị trong thời gian tới.