Thời gian gần đây, một loạt trào lưu nhảm nhí, thậm chí gây nguy hiểm cho người thực hiện, tạo ra những phiền hà không đáng có cho người xung quanh liên tiếp xuất hiện trên TikTok. Có thể kể đến việc quay clip trên sân bay bất chấp quy định, ngồi trên băng chuyền hành lý tạo dáng như chiến tích hay thử đi chợ với 5.000 đồng để xem phản ứng của người bán,...
Gen Z - những người dành nhiều thời gian nhất cho MXH này đã có phản ứng. Hầu hết đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ , một số người tuyên bố sẽ bấm nút chặn thẳng tay bên cạnh những bạn trẻ chọn cách không quan tâm để nội dung kém chất lượng tự "chìm".
Bên cạnh Gen Z, chúng tôi cũng đã liên hệ với một số TikToker nổi tiếng đang hoạt động trên nền tảng này, có nội dung được đánh giá là chất lượng - tích cực, để lắng nghe những suy nghĩ của họ trước những “con sâu làm rầu nồi canh".
"Tây Ba lô" Rufino Aybar: Tạo ra view "bẩn" sẽ hại chính mình
Rufino Aybar (SN 1998) - chủ kênh TikTok cùng tên có 2,9 triệu người theo dõi cho biết những trào lưu này hiện không ảnh hưởng trực tiếp đến mình nhưng khi xem cũng ít nhiều khó chịu. Và anh chàng không đồng tình, bất kể đó là để câu view hay chỉ là hài hước:
"Thực tế thì đây là vấn đề không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình nhưng khi xem những video như vậy ít nhiều mình cũng bị khó chịu.
Mình chưa bao giờ đồng tình với việc bất chấp câu view. Những view đó không phải là view 'sạch', nó không giúp gì cho mình cả mà thậm chí còn hại mình khi lọt vào mắt người xem. Còn nếu những người thực hiện hành động đó không phải muốn câu view mà chỉ đơn giản là thấy hài hước thì cũng nên xem lại cái khiếu hài hước của mình. Vì vui phải vui đúng nơi đúng chỗ, vui mà làm ảnh hưởng đến cơ sở vật chất ở nơi công cộng, ảnh hưởng người xung quanh thì cũng không còn gọi là vui nữa rồi.
Từ trước đến nay, ở đâu cũng có người này người kia nhưng mình mong những người thực hiện theo trào lưu đó sẽ nhận ra mình sai và quan trọng là rút kinh nghiệm cho lần sau. Không ai hoàn hảo cả, còn thở là còn gỡ mọi người ơi!".
"Bà hàng xóm" Phạm Vinh: Cập nhật trào lưu phải chọn lọc
Đồng tình với Rufino Aybar là "bà hàng xóm" Phạm Vinh (SN 1999). Ngoài ra, TikToker có 2,8 triệu người theo dõi này còn mong rằng mọi người nên chọn lọc trào lưu khi muốn làm theo.
"Cập nhật trào lưu thì bạn nên biết chắt lọc cái nào nên học theo, cái nào không. Ví dụ như clip ở sân bay rất nguy hiểm. Với bản thân mình, trào lưu như vậy không ảnh hưởng nhiều. Và mình nghĩ một khi bị cộng đồng lên án và phản đối mạnh mẽ thì sớm muộn gì cũng sẽ bị loại bỏ mà thôi. Tuy nhiên chẳng may ai đó chưa có nhận thức đầy đủ làm theo trào lưu thì đáng quan ngại thật.
Có nhiều thứ tưởng chừng như vô hại nhưng lại rất sai, gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người. Lo ngại hơn nữa, người dùng TikTok có nhiều em nhỏ tuổi, sợ nhất là các em học theo".
Kênh Cơm Tuổi thơ: Người xem rất thông minh, sẽ bị lên án ngay nếu cố chấp làm sai
Chấn Nam (SN 1998) - chủ kênh Cơm Tuổi thơ với gần 905k người theo dõi cho rằng những trào lưu này chủ yếu để câu view. Tuy nhiên người xem bây giờ cũng rất thông minh, họ biết chọn lọc và đánh giá nên nội dung độc hại sẽ rất khó mà tồn tại lâu được:
"Mình nghĩ những người làm vậy chủ yếu là bất chấp để câu view, chỉ không rõ họ cố tình hay vô ý không biết quy định của những nơi như sân bay thôi. Bởi hành động này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân họ mà còn làm liên lụy đến nhiều người khác.
Về phía người xem, bây giờ người xem rất thông minh, biết chọn lọc và đánh giá nội dung. Nội dung độc hại họ sẽ lên án, phê bình ngay còn nội dung chân chính, lành mạnh vẫn có chỗ đứng và được đánh giá cao".
Chấn Nam cũng có cùng sự lo lắng với Phạm Vinh về chuyện người dùng nhỏ tuổi có thể học theo và gây ra hậu quả đáng tiếc: "Ở vị trí 1 TikToker, mình nghĩ các bạn làm sáng tạo nội dung nên xây dựng cho mình 1 hình ảnh đẹp, lành mạnh thì chắc chắn sẽ có 1 chỗ đứng nhất định trong lòng người xem, không cần phải câu like. Vì với những clip này, có 1 lượng người xem không nhỏ là trẻ em. Các em chưa suy nghĩ thấu đáo, khi xem những clip độc hại sẽ dễ xảy ra trường hợp bắt chước làm theo và có thể gây ra hậu quả đáng tiếc".
Trần Duy - kênh Nghệ Nhân Duy: Cái nào dễ làm quá, thì cũng dễ mất đi
Trần Duy (SN 1997) - chủ kênh Nghệ Nhân Duy với 312k lượt theo dõi cho biết anh thấy ngại giùm những người quay clip. "Những clip đầu thì có thể các bạn vô tình hoặc không biết đến ảnh hưởng tiêu cực của nó. Nhưng về sau khi loạt clip đó nổi, bị chỉ trích mà vẫn làm theo thì chắc chắn các bạn cố tình. Tất nhiên đó là sự lựa chọn của các bạn còn mình thì thấy nó lố thật, đặc biệt là clip ngồi trên băng chuyền hành lý. Mình ngại dùm các bạn chủ clip luôn nhưng có lẽ chủ clip không thấy thế" - Duy chia sẻ.
Về sự ảnh hưởng của trào lưu vô bổ, Duy bổ sung thêm rằng những trào lưu nhảm nhí có thể khiến người xem dễ đánh đồng và có cái nhìn không tốt về các TikToker nói chung. Anh chàng cho biết:
"Mình không nghĩ nội dung độc hại sẽ ảnh hưởng tới những người làm nội dung lành mạnh. Giả sử nội dung lành mạnh mà không ai xem là do nội dung ấy chưa đủ hấp dẫn, chứ không phải do trào lưu nhảm nhí chiếm sóng. Nhưng cũng có thể nội dung độc hại lên xu hướng nhiều quá, sẽ làm người xem có cái nhìn không tốt về TikTok và TikToker. Họ có nhiều khả năng đánh đồng đây là nền tảng toàn nội dung bẩn hoặc sẽ nghĩ TikToker chỉ là nhóm những người suốt ngày làm trò lố, nội dung vớ vẩn".
"Nội dung độc hại thì dễ làm, dễ lên xu hướng còn nội dung lành mạnh thì cần nhiều chất xám hơn, đầu tư hơn, tốn thời gian hơn và có thể lên xu hướng chậm nhưng khi đã có cộng đồng thì rất bền vững. Cái nào dễ làm quá, dễ đến quá thì cũng dễ đi. Vì vậy mọi người cần cân nhắc một chút trước khi theo bất kỳ trào lưu nào trên TikTok. Nếu người ta chỉ nhớ mình vì một clip mà mình theo trào lưu, lại là trào lưu nhảm nhí, vô bổ thì hơi bị buồn" - Duy nói thêm.
Cách hạn chế những trào lưu nhảm nhí khi lướt TikTok
Trước đó, trong bài đăng về những content độc hại trên TikTok vào hồi tháng 4/2022, Duy Muối - founder group DCGR và những idol TikTok, nhân vật được ví như "ông trùm" trong giới TikToker cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Duy Muối
Về cách hạn chế những nội dung này, Duy Muối chia sẻ: "Hiện tại cơ chế đề xuất video trên mọi nền tảng đều rất thông minh, TikTok cũng không ngoại lệ. Với 1 chủ đề nếu bạn nhấn bỏ qua nhiều thì TikTok sẽ hạn chế hoặc không cho xuất hiện lại với bạn nữa.
Tuy nhiên với người dùng là trẻ em, chưa nhận biết được mức độ phản cảm hay độc hại của video thì cần tinh vi và cẩn thận hơn. Những content phản cảm này hay nằm ở hashtag và link nhạc, không được đề xuất lên xu hướng nên bố mẹ cần lưu ý cài đặt thời gian cho con sử dụng dưới quyền kiểm soát của mình".
https://kenh14.vn/va-lay-vi-loat-clip-tiktok-nham-nhi-nhung-nguoi-lam-noi-dung-sach-noi-gi-20220729220220222.chn