(Bài viết sẽ tập trung nhiều vào Doom 3 trong gói cải tiến đồ họa BFG phát hành năm 2012).
Nếu như phải chỉ ra một sản phẩm gây tranh cãi nhất của nhà phát triển id Software, cái tên đầu tiên bật lên chắc chắn sẽ là Doom 3. Năm 2004 là thời điểm sự chờ đợi phần thứ ba trong series game được coi là ông tổ của bắn súng góc nhìn thứ nhất kết thúc, giải tỏa cơn khát kéo dài mười năm của người hâm mộ. Nhưng Doom 3 không phải là thứ mà họ trông đợi.
Một trong những lí do chính khiến cho tựa game trở thành một cái tên gây chia rẽ đó chính là nó quá khác so với hai người tiền nhiệm. Thay vì chất hành động nhanh gọn run’n’gun vốn đã trở thành đặc trưng của series, Doom 3 mang đến những hành lang hẹp, tối và nhịp độ chậm hơn đáng kể. Và như một lẽ tất nhiên, sẽ có kẻ chê và người khen. Bản thân người viết hơn một thập kỉ sau nhìn lại, tự xếp mình vào nhóm những kẻ thứ nhất, nhưng mà vì những lí do hoàn toàn khác.
Một điều đầu tiên cần phải lưu ý, đó là sự thay đổi không đồng nghĩa với chất lượng đi xuống. Hãy nhìn vào thành công và chất lượng của những Street Fighter II hay gần đây hơn là Resident Evil 7. Sự thay đổi về hướng đi là điều rất cần thiết đặc biệt với những series lâu đời, tạo ra những trải nghiệm và công thức mới để phù hợp hơn với thế hệ game thủ đương thời. Thế nhưng lỗi lầm lớn nhất của Doom 3 không phải là việc nó trật hướng đi khỏi tổng thể chung của series, mà là việc không biết hướng đi của mình chính xác là gì. Tại sao lại nói như vậy?
Trước hết, cần xác định rằng phần chơi chiến dịch là thứ được đầu tư rất nhiều trong Doom 3, và là phần đáng đồng tiền nhất ở thời điểm hiện tại nhất là khi mục chơi mạng có lượng người chơi rất thấp. Và sự đầu tư đó được thể hiện trong hầu hết mọi khía cạnh của game, từ xây dựng nhân vật cho tới thiết kế level. Bạn đóng vai một anh lính vai u thịt bắp được gọi đơn giản là Marine mắc kẹt trên một trạm nghiên cứu của tập đoàn UAC trên sao hỏa. Những thí nghiệm nơi đây khiến cho những cánh cổng dẫn tới Địa ngục mở ra và toàn bộ căn cứ bị xác sống và quỷ dữ chiếm đóng. Nhiệm vụ của bạn là ngăn chặn kẻ chủ mưu đằng sau tất cả những hỗn loạn này bằng cách xẻ thịt hàng binh đoàn ác quỷ.
Kịch bản của game không hẳn là một đống tạp nham mất não với mục đích duy nhất là làm nền cho gameplay; Doom 3 thực ra có một cốt truyện được viết khá chỉn chu, nhưng không hàm chứa bất kì sự xuất sắc nào để in vào não bạn lâu hơn là vài tiếng. Điều duy nhất kịch bản này làm thực sự tốt, ấy là tạo nên một chủ đề chung cho toàn bộ Doom 3: sự kinh dị. Còn gì đáng sợ hơn khi bị mắc kẹt ở một nơi cách xa Trái đất, bị bao vây bởi quỷ Địa ngục và ánh sáng thì luôn luôn chập chờn?
Và đây là lúc sự thiếu định hướng của Doom 3 lộ rõ. Một mặt tựa game muốn trở nên thực sự kinh dị: thiết kế level u tối, máu me và đáng sợ, cộng với một dàn hợp âm những âm thanh rợn tóc gáy thực sự làm rất tốt trong việc tạo nên một bầu không khí dựng tóc gáy. Thế nhưng gameplay của Doom 3 nói lên điều ngược lại: số lượng kẻ thù trong game cũng nhiều như số cách người chơi có thể tiêu diệt chúng, với một bộ sưu tập những vũ khí từ cưa máy tới súng năng lượng BFG. Đa phần thời lượng game bạn sẽ chạy băng qua level này tới level khác và thổi bay hàng chục con quỷ từ lớn đến bé một cách nhanh chóng.
Vấn đề ở đây, là Doom 3 không biết mình muốn trở thành gì: một tựa game kinh dị hay là một sản phẩm bắn súng giải trí đơn thuần. Nếu như tựa game muốn trở thành điều thứ nhất, thì gameplay nên được tiết chế lại hơn là cho phép người chơi làm gỏi mấy con quỷ ăn thay bữa sáng. Còn nếu như Doom 3 quyết theo hướng hành động (dẫu cho cốt truyện có u ám đến mấy), thì những màn chơi nên được mở rộng hơn là o ép chuyển động của nhân vật trong những hành lang tối tăm chật hẹp.
Nhưng ngay cả chính bản thân gameplay đó cũng bước những bước hụt sâu. Trong Doom 3, ngoài việc bắn giết ác quỷ, bạn còn có thể nghe những băng ghi âm hoặc đọc những email bỏ lại để tìm hiểu sâu hơn về cốt truyện của game, đôi khi may mắn còn có thể tìm thấy những đoạn mã mở khóa hòm đồ chứa súng đạn và áo giáp. Thế nhưng giao diện người dùng tệ hại, vốn không sắp xếp những thứ thu thập được một cách khoa học và không cho tua băng ghi âm, lại khiến cho người chơi đa phần bỏ qua.
Điều này vô tình khiến cho gameplay đa phần chỉ còn lại yếu tố duy nhất là chạy và bắn suốt từ đầu game đến cuối, vô hình chung làm cho mạch game có phần một màu và thiếu sự đa dạng. Ấy là chưa kể vị trí spawn của kẻ thù rất dễ đoán (chỉ cần chơi một phần ba game là đã có thể biết được gần như chính xác) làm giảm đi luôn sự bất ngờ, độ thử thách và tính hấp dẫn.
Về mảng đồ họa, dù rằng engine id Tech 4 có thể đã lỗi thời, nhưng Doom 3 vẫn là một tựa game có phần nhìn chấp nhận được trong năm 2019. Thiết kế nhân vật khá tốt, cứ động mượt mà và môi trường được tạo dựng rất kì công với các nguồn sáng được đặt rất có tính toán. Một số màn hình trong game có thể tương tác được một cách khá ấn tượng, như khi ấn màn hình cảm ứng ngoài đời thật vậy. Phiên bản remaster năm 2012 thậm chí còn cho thêm tùy chọn motion blur, đẩy mọi thứ trong bản gốc lên cao nhất và cho phép game chạy ở 120FPS. Điểm trừ duy nhất nằm ở vân phủ bề mặt có chất lượng khá thấp và có thể khiến những game thủ khó tính phải nhăn mày.
Tổng kết:
Doom 3 là một tựa game lạc lối, đơn giản vì nó không biết mình muốn gì. Bạn vẫn có thể tìm thấy một chút ít thỏa mãn trong cái kinh dị và hành động nửa vời của game, nhưng đến cuối, dư vị mà Doom 3 để lại không gì hơn là một sự không rõ ràng đáng quên.
Doom 3 hiện có mặt trên PC và Xbox, trong khi phiên bản BFG đã được phát hành trên PC, Playstation 3, Xbox 360 và hệ điều hành Android.
Ưu điểm:
Kho vũ khí khá lớn và hầu hết bắn rất đã tay
Tạo dựng được bầu không khí chung đáng sợ
Đồ họa khá ổn dù rằng đã 19 năm trôi qua
Nhược điểm:
Kinh dị và hành động nửa vời
Một vài yếu tố thiếu sự chăm chút
Mạch game một màu
Tổng điểm: 6,5/10
Một số hình ảnh trong game: