Onimusha là một series ngắn nhưng sáng lòa của Capcom. Bắt đầu từ 2001 và cơ bản là kết thúc năm 2006, loạt game này gồm bốn phiên bản chính và hai tựa spin-off (một tựa game nhập vai trong khi cái còn lại là đối kháng). Có lẽ đó chính là lí do cho sự đi xuống của Onimusha, thế giới không cần quá nhiều thứ về nó như vậy trong một thời gian ngắn.
Lấy bối cảnh lịch sử pha trộn yếu tố ma quỷ huyền bí, Onimusha không may mắn như những người anh em cùng nhà như Resident Evil hay Devil May Cry để sống sót qua kỉ nguyên độ phân giải cao. Mặc dù phần game thứ hai - với cốt truyện rẽ nhánh, hệ thống mua bán vật phẩm mới lạ và nhiều nhân vậy chơi được – có thể được coi là đỉnh cao của series này, thì người tiền nhiệm của nó vẫn có thể coi là một thứ gì đó đặc biệt đến từ thời kì game kính dị với góc quay camera cố định. Bạn vào vai Samonosuke Akechi, một samurai trên đường giải cứu công chúa Yuki từ tay Nobunaga và quân đội quỷ dữ của hắn. Sau khi bị đánh bại một cách hơi nhục nhã bởi gã quỷ đầu tiên anh chạm trán, Akechi được hồi sinh và sở hữu một găng tay ma thuật có khả năng hấp thụ linh hồn quỷ bị giết.
Tựa game chặt chém năm 2001 này, không ngạc nhiên lắm, đưa tới một trải nghiệm cũ kĩ và lạc hậu ở thời điểm hiện tại. Thậm chí dù có đặt cạnh Devil May Cry của chính Capcom được ra mắt cùng năm, vốn có phông nền 3D, góc quay camera linh động và chiến đấu nhanh hơn, Onimusha vẫn mang lại cảm giác thụt lùi. Bạn chủ yếu dành thời gian loanh quanh trong những hành lang chật hẹp để dẹp quái và giải câu đố. Gọi nó là “Resident Evil với kiếm”, vốn là thuật ngữ mà giới truyền thông thời đó chủ yếu dùng, không hẳn là nói quá – tựa game thậm chí còn có mấy lá cỏ hồi máu đặc trưng, và level thì rối rắm tới mức có lẽ chẳng có người nào từng sống được ở đây.
Hệ thống chiến đấu, dù vậy, vẫn khá hay và thích tay. Đấu kiếm với kẻ thù trong Onimusha được thiết kế một cách chậm rãi và kiên nhẫn nhiều hơn so với hàng trăm nhát chém nhanh trong Devil May Cry, và bạn có thể thật sự cảm nhận được khi lưỡi kiếm chạm vào da thịt đối thủ. Kẻ thù dành nhiều thời gian đi vòng quanh để tìm kẽ hở của bạn, và một nút bấm đỡ đòn đúng lúc sẽ kích hoạt instant kill, có nghĩa rằng chiến đấu trong game có thể đòi hỏi kĩ năng khá cao. Có bốn vũ khí cận chiến để mở khóa, mỗi món lại có một thuộc tính sức mạnh và vùng sát thương khác nhau, và có một vài vũ khí tầm xa nhưng công dụng khá hạn chế. Góc nhìn cố định, mặt khác, lại tỏ ra rất ức chế trong năm 2019. Bị đánh trúng bởi một đối thủ nằm ngoài màn hình, hoặc lỡ tay đánh một tên khác ra khỏi tầm nhìn là những yếu điểm mà nhiều game góc nhìn thứ ba đã loại bỏ từ nhiều năm trước.
Lồng tiếng thì vẫn rất tệ. Thứ vốn có thể trở thành một tuyệt tác kính dị với quỷ dữ cơ bản điều khiển thế giới bị lồng tiếng thảm hại và lip-sync trật lè phá hỏng. Làm quen với việc này sẽ khá khó khăn nếu như bạn chưa từng chơi những thể loại game như thế này tầm 20 năm trước.
Phiên bản PC có vài lựa chọn tùy chỉnh nhưng rất hạn chế. Bạn có thể chỉnh lại bàn phím, cơ chế điều khiển và độ phân giải, nhưng đó là tất cả. Vấn đề lớn nhất của bản port này là hiện tượng xé khung hình, đặc biệt nhiều ở những đoạn cắt cảnh. Số khung hình trên giây luôn chạy ở 60, nhưng nó chẳng có vẻ như mượt hơn phiên bản Playstation 2 cũ là mấy.
Onimusha cũng không phải là một trải nghiệm nhiều nhặn gì. Cái giá 20USD hay 16EURO không phải là hoàn toàn vô căn cứ, nhưng có lẽ nên để dành cho những phiên bản sưu tập cả bộ game hơn, như Devil May Cry Collection vậy. Tuy thế, với những người thích sự hoàn hảo và muốn thử cảm giác trải nghiệm những tựa game cổ trên máy tính hiện đại, Onimusha là một khởi đầu không đến nỗi tệ, dù rằng khó mà đề cử được tựa game này cho những ai lớn lên với những sản phẩm được chăm chút hơn.
Điểm: 6.8/10
Theo PCGamer