Tencent hiện đang là nhà phát hành game lớn nhất thế giới, thống trị thị trường game – internet tại Trung Quốc và đang không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra toàn cầu. Họ đã đầu tư vào khoảng… hơn 300 công ty khác nhau trên toàn thế giới, không chỉ trong ngành công nghiệp game. Nhưng trong bài viết này, Mọt sẽ điểm ra cho các bạn biết về những gì Tencent đang sở hữu trong đế chế game của mình.
Riot – 100% thuộc về Tencent
Lịch sử mối quan hệ giữa Tencent và Riot khởi đầu từ năm 2008 khi Liên Minh Huyền Thoại còn chưa ra đời. Vào thời điểm đó, các sếp Riot chỉ mới lên được một ý tưởng về trò chơi free to play nhưng sẽ bán rất nhiều vật phẩm mà họ sẽ thực hiện, và mang nó ra kêu gọi đầu tư. Sau vài lượt gọi vốn, Riot nhận được số tiền tổng cộng 8 triệu USD từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có Tencent. Số tiền này cho phép các nhà sáng lập Riot biến tựa game của mình thành hiện thực.
Đến đầu năm 2009, Liên Minh Huyền Thoại được mở cửa thử nghiệm open beta, và 6 tháng sau đó nó chính thức được phát hành vào ngày 27/10/2009. Trò chơi được Riot phát hành tại các nước phương Tây, trong khi Tencent tận dụng lợi thế đầu tư của mình để trở thành nhà phát hành LMHT tại Trung Quốc. Đến tháng 2/2011, thấy rõ tiềm năng của LMHT, Tencent lập tức chi 400 triệu USD để mua 93% cổ phần của Riot, trở thành cổ đông lớn nhất của Riot. Bốn năm sau đó, Tencent lại bỏ ra một số tiền không được tiết lộ để mua nốt 7% còn lại và là chủ sở hữu của Riot kể từ đó đến nay.
Mối quan hệ giữa Tencent với Riot không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt” – thực ra có khá nhiều lần “gấu ó” giữa hai công ty này, chẳng hạn như khi Riot từ chối lời đề nghị làm LMHT Mobile của Tencent khiến gã khổng lồ Trung Quốc tự làm ra Vương Giả Vinh DIệu và biến nó thành một trong những tựa game mobile thành công nhất thế giới. Những mâu thuẫn đó đã được Mọt nhắc đến trong những bài viết trước: phần 1 và phần 2.
Cho đến lúc này, những mâu thuẫn đó đã dịu đi nhiều khi Tencent “bỏ rơi” Vương Giả Vinh Diệu ở thị trường phương Tây còn Riot bắt tay vào thực hiện LMHT Mobile (Tốc Chiến).
Grinding Gear Games – 80% thuộc về Tencent
Cái tên này có thể hơi xa lạ với bạn, nhưng tựa game mà họ làm ra thì không – Path of Exile, một trong những tựa game được cộng đồng game thủ xem là kẻ kế vị xứng đáng nhất của Diablo 2 (bên cạnh Grim Dawn). 80% cổ phần của nhà phát triển game New Zealand này bị Tencent mua lại hồi năm 2018, khiến game thủ Path of Exile lo ngại rằng tựa game của họ sẽ bị ô nhiễm với các biện pháp microtransaction và “hút máu” mạnh tay. Nhưng cũng như nhiều phi vụ khác mà Tencent thực hiện, họ chỉ mua cổ phần để… ngồi đếm tiền, và Path of Exile vẫn nằm trong tay của Grinding Gear Games và gần như không có gì thay đổi về phương thức “hút máu” hay cách vận hành game.
Epic Games – 40% thuộc về Tencent
40% lợi nhuận mà Epic Games thu được từ Epic Games Store và Fortnite đang làm giàu cho Tencent, tất cả khởi nguồn từ một khoản đầu tư trị giá 330 triệu USD hồi tháng 6/2012. Vào thời điểm đó, nhà sáng lập Epic là Tim Sweeney nhận thấy rằng mô hình bán game cũ không còn đem về đủ lợi nhuận, và quyết định chuyển sang tìm hiểu những hình thức thu phí mới bằng cách hợp tác cùng Tencent.
Với khoản đầu tư từ Tencent, Epic tự tin hủy bỏ phương thức thu phí hàng tháng cũ của Unreal Engine 4, và thay thế nó bằng việc cho các nhà phát triển game dùng miễn phí, nhưng sẽ phải trả tiền cho Epic sau khi game được hoàn thành và bán ra thị trường (con số 5% mà Epic thường đem ra “dụ dỗ” các studio làm game đem lên Epic Games Store đến từ đây). Đây là một quyết định khôn ngoan, bởi dù các nhà phát triển phải trả nhiều tiền hơn về lâu về dài, nó cho phép họ bắt tay vào làm game mà không cần chi ngay một khoản phí khổng lồ để được sử dụng engine. Điều này cũng giúp Unreal 4 trở thành đối trọng của Unity trong vai trò là engine tốt nhất cho các nhà phát triển vừa và nhỏ.
Cùng lúc với việc thay đổi mô hình trao quyền sử dụng Unreal 4, Epic cũng thử làm game dịch vụ với những tựa game như Paragon và Fortnite. Fortnite này là phiên bản Save The World chứ không phải Fortnite Battle Royale mà chúng ta biết đến ngày nay, nó là một tựa game sinh tồn kết hợp với xây dựng bắn zombie. Khi PUBG xuất hiện và thành công, Epic nhanh chóng chuyển hướng Fortnite sang thể loại Battle Royale và tạo ra hiện tượng lớn nhất của làng game trong vài năm trở lại đây, thể hiện qua khoản doanh thu 2,4 tỉ USD trong năm 2008.
Bluehole – 11.5% của Tencent
Ban đầu, mối quan hệ giữa Tencent với Bluehole đơn thuần là nhà phát triển game và nhà phát hành game (tại Trung Quốc). Theo trí nhớ của Mọt, Tencent đã nhiều lần muốn tái hiện phi vụ Riot với Bluehole khi PUBG thành công rực rỡ vào đầu năm 2017, nhưng chủ nhân của Bluehole là tỉ phú Hàn Chang Byung-gyu muốn giữ con gà đẻ trứng vàng này trong tay mình. Phải đến tháng 8/2017, Tencent mới mua được một số cổ phiếu của Bluehole, nhưng cả số cổ phiếu lẫn số tiền Tencent bỏ ra đều không được công bố. Ban đầu, Bluehole từ chối điều này, nhưng sau đó xác nhận vụ giao dịch là có thật. Phải khá lâu sau chúng ta mới được biết rằng Tencent đã mua 1,5% cổ phần của Bluehole với giá 70 tỉ won.
Một thời gian sau đó, Tencent lặp lại rằng họ vẫn đang muốn “nuốt trọn” Bluehole vào tháng 11/2017, trong khi Bluehole được định giá vào khoảng 5,2 ngàn tỉ Won. Vào khoảng tháng 4/2018, Tencent lại đầu tư thêm 500 tỉ Won để mua 10% cổ phiếu của Bluehole, nâng số cổ phần của họ lên 11.5%. Với phi vụ này, Tencent là cổ đông lớn thứ 2 của Bluehole chỉ sau ông Chang Byung-gyu, người giữ 20.6% cổ phần và nắm chiếc ghế chủ tịch công ty.
Ubisoft – 5% của Tencent
Hồi năm 2018, gã khổng lồ truyền thông Pháp là Vivendi (chủ nhân của những Dailymotion, Gameloft, Havas, Universal Music Group… và cũng từng là chủ của Blizzard) muốn bổ sung thêm Ubisoft vào bộ sưu tập của mình. Họ chưa từng che giấu tham vọng của mình và công khai mua lại rất nhiều cổ phiếu Ubisoft với hi vọng “đá đít” nhà sáng lập Ubisoft là ông Yves Guillemot, khiến tình thế tỏ ra rất nguy hiểm cho Ubisoft. Tuy nhiên Ubisoft và Vivendi đã đạt được một thỏa thuận nào đó, và theo thỏa thuận này Vivendi sẽ bán lại số cổ phần Ubisoft của mình cho một loạt nhà đầu tư nước ngoài bao gồm Tencent. Điều này giúp Tencent có được 5% cổ phần của Ubisoft.
Tuy nhiên theo điều khoản của thỏa thuận trên, Tencent chỉ là một cổ đông nhận tiền lời chứ không được phép tăng cường cổ phần hay tiếng nói của mình trong Ubisoft, nên một vụ “nuốt chửng” tương tự như họ từng làm với Riot là bất khả thi. Việc Tencent nắm cổ phần của Ubisoft thực ra còn đem lại cho nhà phát hành Pháp thêm một lợi thế nữa: Tencent sẽ phát hành game của Ubisoft tại Trung Quốc, điều sau này gây ra một vài tai tiếng vì kiểm duyệt trong Rainbow Six: Siege.
Activision Blizzard – 5%
Vivendi không chỉ muốn Ubisoft, mà trước đó họ còn từng muốn thâu tóm Activision Blizzard về tay mình. Hồi năm 2007, Activision rơi vào tay Vivendi khi họ sáp nhập với Vivendi Games nhằm chuẩn bị cho vụ sáp nhập lớn hơn sau đó với Blizzard. Khi liên doanh Activision Blizzard được thành lập, họ vượt qua EA để trở thành nhà phát hành game lớn nhất thế giới một thời gian trước khi mất ngôi vào tay Tencent.
5 năm sau đó, vào ngày 25/7/2013, Activision Blizzard công bố họ đã mua lại hơn 50% cổ phần của mình trong tay Vivendi với giá 5,83 tỉ USD, khiến số cổ phần mà Vivendi sở hữu chỉ còn 11.8% và trở thành một công ty độc lập. Tencent đã chớp ngay lấy cơ hội này để mua 5% cổ phiếu Blizzard bằng một số tiền không được công bố. Đến tháng 5/2014, Vivendi bán 6% cổ phần nữa và hoàn toàn rời khỏi Activision Blizzard vào năm 2016 khi bán nốt 5.8% cổ phần cuối cùng. Đến thời điểm này, phần lớn cổ phần của Activision Blizzard nằm trong tay các cổ đông bên ngoài, trừ 24.4% nằm trong tay của Bobby Kotick và Brian Kelly.
Nhiều phi vụ khác
Tencent còn sở hữu nhiều cổ phiếu của những công ty khác hoạt động trong lĩnh vực game, bao gồm:
84.3% của Supercell: Khoản tiền mà họ bỏ ra để sở hữu số cổ phần này là 8.6 tỉ USD. Đây là một trong những phi vụ mua sắm lớn nhất không chỉ của Tencent mà còn của cả ngành công nghiệp game, nhưng chỉ riêng cái tên Clash of Clans có lẽ đã xứng đáng để Tencent chi số tiền này.
29% của Funcom: Đây là phi vụ mua sắm mới nhất của Tencent diễn ra hồi cuối tháng 9 vừa qua. Funcom là nhà phát triển và phát hành của Na Uy có liên quan đến những tựa game như Conan Exiles, The Secret World.
9% của Frontier Development: Nhà phát triển này có những tựa game xây dựng, mô phỏng rất hấp dẫn như Elite Dangerous, Roller Coaster Tycoon, Planet Coaster, Planet Zoo… Tencent đầu tư 17.7 triệu Euro vào công ty này hồi năm 2017 nhằm kiếm lời từ sự hứng thú của game thủ Trung Quốc với thể loại game xây dựng.
13.5% của Kakao: Đây là một công ty internet và giải trí Hàn Quốc, nhà phát hành PUBG tại Hàn Quốc và cũng là chủ sở hữu của Pearl Abyss. Tựa MMORPG Black Desert do studio này tạo ra đã đem về hơn 1 tỉ USD doanh thu cho Kakao vào năm 2018.
36% của Fatshark: Tencent “hốt hàng” studio này sau khi tựa game co-op Warhammer: Vermintide 2 ra mắt và được game thủ đón nhận nhiệt liệt vào đầu năm nay. Số tiền mà họ phải bỏ ra là 56 triệu USD.
5% của Paradox Interactive: Mã Hiểu Dật, giám đốc phát hành của Tencent Games là một fan bự của tựa game Hearts of Iron 2, nên Tencent chi 21 triệu USD để mua 5% cổ phiếu của Paradox vào năm 2016 lúc studio này lên sàn giao dịch lần đầu tiên.
100% của Sharkmob: Studio này được tạo nên bởi các cựu binh của Hitman và The Division, rơi vào tay của Tencent vào đầu năm 2019 dù chưa công bố bất kỳ tựa game nào. Có lẽ trò chơi mà họ đang phát triển hấp dẫn đến mức Tencent nhìn thấy một LMHT hay PUBG thứ hai.
Discord: Hồi năm 2018, Discord nhận được 158 triệu USD đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có Tencent nhưng chúng ta không biết được số tiền mà Tencent đã chi ra là bao nhiêu.
SEA: Có thể bạn không nhận ra cái tên SEA, nhưng đây chính là tên mới của Garena khu vực Đông Nam Á (ngoài Việt Nam). Tencent từng sở hữu đến gần 40% Garena trước khi công ty này lên sàn chứng khoán. SEA cũng là chủ sở hữu của những công ty con như giaohangtietkiem và foody tại Việt Nam.
Ngoài ra, có một câu chuyện bên lề khác không thể không nhắc đến nhưng lại không thể đưa vào nội dung chính của bài viết này. Theo một số báo cáo nước ngoài, Tencent công bố đã mua 20,2% vốn của một công ty internet tại Việt Nam hồi năm 2008, tên chính xác của công ty này không được Tencent nhắc đến, các chuyên gia cho rằng công ty này là VNG. Cũng trong năm này, cựu giám đốc sáp nhập và thu mua (M&A) của Tencent đã trở thành giám đốc tài chính của VNG và nắm 1,74% cổ phần nhưng thuộc diện sở hữu cá nhân. Cho đến nay thông tin về Tencent có cổ phần ở VNG gần như không được xác nhận của cả 2 bên khi Tencent không nhắc đích danh công ty kia còn VNG không nhắc đến Tencent trong báo cáo thành phần cổ đông của mình và nó vẫn là một dạng tin đồn đầy chất huyền bí hơn là chính thức.
–
Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame