Trong những ngày huy hoàng của game thùng, thể loại đi cảnh đấm đá chính là vua của các vị vua. Nhưng bây giờ điều ấy không còn nữa và River City Girls ít nhiều gợi lại cho các game thủ lớn tuổi chút gì đó hoài niệm về những ngày xưa thân ái với các nữ sinh ham mê bạo lực.
Khoan nói về River City Girls, hãy quay về hai mươi lăm năm về trước, lúc đó chẳng có thằng nhóc nào mà không mê điện tử thẻ/game thùng/máy xèng/arcade (cỗ máy này còn tên gọi nào khác tại Việt Nam chăng?). Những đứa còn lại bảo không mê điện tử, một là thật sự… không mê bộ môn ăn chơi này, hai là không được cho tiền để mà đam mê. Mọt tui may mắn hơn, thuộc nhóm thứ ba vừa mê vừa được cho tiền (tùy tâm trạng của phụ huynh) để thỏa mãn cái đam mê con con những ngày còn thơ dại. Khi đó hầu như tui chỉ ôm đồm quanh những tựa game đi cảnh đập nhau kiểu beat ‘em up như Bộ đội (Cadillacs and Dinosaurs); Tây Du Ký (Oriental Legend), Chiến binh đường phố (Final Fight) và nhiều trò tương tự.
Vì sao tui thích chơi đi cảnh? Vì với 200 đồng bạn có thể chơi gần tiếng đồng hồ nếu là một pro game thùng và cũng không ai có thể lấy chỗ của bạn, nhiều nhất thì họ cũng chỉ có thể ngồi xuống cùng chơi mà thôi. Trong khi đó nếu dám bén mảng đến lãnh địa Hiệp sĩ mù (Samurai Shodown), Hoàng Phi Hồng (Last Blade) hay Siêu cấp (King of Fighters) sẽ rất dễ trở thành mồi ngon cho mấy tay biến thái có tiền nhưng không mua thẻ chơi ngay, cứ chăm chăm rình coi có ai vô đánh để thách đấu ăn thẻ của người ta. Mọt tui ngày đó đánh game fighting cũng không tệ nhưng chẳng là cái đinh gì so với mấy khứa quái thai đó (bạn có biết huyền thoại NixWater bên LOL cũng từng là huyền thoại món Tekken game thùng trong xóm ngày còn chưa bén duyên với eSports?) nên sau chục bận thua game mất thẻ, đành ngậm ngùi chơi game đi cảnh cho nó lành.
Vật cực tất phản cái gì cũng có thời, tui ghét câu này nhưng phải chứng kiến nó quá nhiều đến nỗi chai cmn lì luôn cảm xúc. Từ việc hàng ngày tụm năm tụm qua nơi quán game arcade, khi cuộc sống khấm khá hơn người ta bắt đầu ngồi một mình trong phòng để chơi game. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ cũng dần đào thải những chiếc máy game thùng ngày một lỗi thời. Giờ đây muốn chơi game thùng ở Việt Nam chắc có nước chui vô mấy trung tâm thương mại lớn mới có nhưng cảm giác cũng không hào hứng như hồi trước nữa, có lẽ vì trình độ xử lý ngày càng gà trong khi xèng thì lại ngày một đắt. Thật may mắn khi chúng ta không cần tốn 10 ngàn 1 xu nữa khi Arc System Works phối hợp cùng WayForward Technologies mang đến một trò chơi gợi nhớ về một thời vàng son cùng những ngày xưa thân ái nơi quán game. Đó chính là River City Girls với những cô nữ sinh trung học có hứng thú nồng hậu cùng quyền cước và bạo lực.
Khi cứu người yêu không còn là đặc quyền của nam giới
Đầu tiên River City Girls chắc chắn là một trò chơi hoài cổ khi hai nhân vật chính của game gồm Kyoko và Misako lại là hai nữ quái nổi tiếng khắp các trường cấp 3 đồng thời có mối quan hệ đặc biệt với Kunio và Riki trong các tựa game thuộc series Kunio-kun. Giống như những ngày tháng hoàng kim xưa cũ, các nhân vật chính sẽ nhận được tin người yêu bị bọn xấu bắt cóc và alê hấp, thế là lên đường đập tan mọi thứ đi thôi. River City Girls cũng vậy khi hai chị đang bị cấm túc, bỗng nhiên cả hai nhận được tin khẩn thông báo rằng bạn trai của hai người đã bị đối tượng thù địch bắt cóc. Vậy là một cuộc chiến căng thẳng với một mục đích duy nhất là cứu lại người thương vượt qua tất cả, tìm manh mối những kẻ bắt cóc và giải cứu bạn trai nhanh chóng diễn ra. Trò chơi tiếp tục mang đến trải nghiệm chặt chém trong không gian mở quen thuộc của không ít tựa game thuộc series này.
Có người cho rằng những thứ cơ bản như beat ‘em up, đi cảnh hay platform đã chết chìm trong dòng sông thời gian và sự đào thải của công nghệ. Thế nhưng River City Girls đã chứng tỏ rằng những yếu tố xưa cũ vẫn có khả năng hút fan rất mãnh liệt, miễn là được đặt đúng chỗ với nhau. Điểm khác biệt lớn nhất của River City Girls so với những tựa game đánh đấm khác trên thị trường đó là các giữ thái độ tương đối trung lập khi không ép buộc người chơi cứ phải tiến lên phía trước theo kiểu truyền thống. Giờ đây Kyoko và Misako có thể quay trở lại những khu vực từng đi qua để thu thập cho đủ những thứ nhiệm vụ yêu cầu hoặc hoàn thành thứ gì đó còn bỏ sót lại trong lần trước đó. Một điểm mới là nữa chính là đôi khi không cần thiết phải động quyền động cước để qua màn ở mọi nơi. Vụ phi bạo lực vốn không lạ nhưng phi bạo lực trong game beat ‘em up thì quả thật là hơi khó để hình dung. Nói chung cứ vào game trải nghiệm bạn sẽ biết nó quái đến mức độ nào.
Tương tự như Terminator: Dark Fate, River City Girls là một game đánh đấm đề cao nữ quyền khi hai nhân vật chính đều là nữ sinh trung học. Trong đó, Kyoko sở hữu cá tính tươi sáng, vui vẻ, yêu thích thời trang theo trào lưu cùng mọi hành vi có liên quan đến làm đẹp. Đây chắc chắn là mẫu hình mà bất cứ thằng nhóc nào đang học cấp 3 cũng ưa thích bất chấp việc cô ta là chị đại của một băng xã hội đen nhí trong trường. Trái ngược với Kyoko, Misako thể hiện rõ sự bạo lực thông qua tính tình nóng nảy cùng khả năng sử dụng tay chân thành thạo hơn mồm miệng. Sự tương phản của hai người bạn này luôn là điểm nhấn quan trọng cho các trường đoạn hội thoại quan trọng của River City Girls. Những câu thoại đối nhau chan chát giữa một người thích lấy đức phục người cùng một kẻ đánh người đến khi phục sẽ khiến sự trải nghiệm trở nên vô cùng hài hước.
Về mặt đồ họa, dù được xây dựng theo phong cách pixel art với những khối vuông tối giản để hiển thị các hình ảnh phức tạp thế nhưng River City Girls tiếp tục khiến bàn dân thiên hạ ngạc nhiên đến trầm trồ. Vì sao? Vì nó giống thật quá, từ những tiệm ramen, nơi các cô gái có thể trả tiền cho một mì nóng hổi để phục hồi lượng máu (nghe có mùi Yakuza đâu đây), cho đến các tiệm quần áo thời trang, nơi sẽ khiến Kyoko như lạc vào thế giới thiên đường và chúng trông giống bất kỳ cửa hàng quần áo nào tại Kamurocho. Hình ảnh ngon lành, lối chơi của của River City Girls tiếp tục thừa thắng xông lên khi kết hợp khá hoàn hảo lối chơi chặt chém với các yếu tố nhập vai và thiết kế màn chơi mở, mang đến trải nghiệm khá hấp dẫn và quen thuộc với những ai từng yêu thích series Kunio-kun.
Cơ chế trừng phạt khắt khe quá mức cần thiết
Dù xuất sắc là vậy nhưng River City Girls vẫn tồn tại những điểm trừ khiến người chơi cảm thấy phiền lòng. Một trong số đó chính là hình phạt quá mức khắt khe khi trừ tận 30% tổng số tiền đang có ở trên người. Vậy là một phần ba số tiền dày công kiếm được từ mồ hôi nước mắt cùng những pha căng cơ ngón tay từ nãy tới giờ sẽ mất đi dù công sức chiến đấu vẫn được ghi nhận và không phải chơi lại quá xa. Mặt khác, một vấn đề mà tôi không biết nên gọi là tính năng hay lỗi thiết kế nằm ở hệ thống đồng bọn. Về cơ bản, một số kẻ thù khi bị đập ra bã sẽ xin bạn tha mạng. Nếu đồng ý, các NPC này có thể trở thành đệ tử và chạy ra phụ bạn một đấm hoặc đá mỗi khi được gọi. Vấn đề ở chỗ, chúng chỉ tung một đòn tấn công ngẫu nhiên rồi chạy mất, nhưng người chơi gần như không thể canh chính xác vị trí chúng ra đòn nên trật nhiều hơn trúng, khá là vô tích sự.
Một điểm khiến Mọt tui cảm thấy hơi quái đản chính là hệ thống chiêu thức và vật phẩm không hiển thị bất cứ gợi ý gì khi còn ở trong cửa hàng. Chiêu thức này có tác dụng ra sao, nó thuộc thể loại nào, có phù hợp hay không, hoàn toàn chẳng có chút tin tức gì để nhận dạng và bạn chỉ còn cách tặc lưỡi chi tiền để xem vận may của mình ra sao. Nếu đúng là thứ đang cần hoặc có thể cần trong tương lai vẫn còn đỡ, đen đủi nhất vẫn là chi những khoản tiền khá phí phạm vì mua nhầm một món không ưng ý. Đơn cử như có một cửa hàng bán trò chơi điện tử với mức giá khủng bố nhưng thứ mà bạn nhận được chỉ là hồi toàn bộ máu và với cùng số tiền đó, người chơi đã có thể mua thêm tuyệt kỹ mới thiết thực cho trải nghiệm hơn từ Dojo. Tóm lại các cửa hàng trong River City Girls sẽ khiến người chơi khá bất ngờ khi mọi thứ đều rất đắt đỏ cứ như mức sống ở Nhật.
Trong khi đó, tiền mà bạn kiếm được không nhiều như mong đợi. Và số tiền mà người chơi kiếm được còn phải chia sẻ cho cả hai nhân vật chứ không được tính riêng. Giả sử đang cày Misako đến cấp độ 10 và vượt qua một con trùm khó nhằn bỗng nhiên có một ông bạn muốn sử dụng Kyoko để chơi cùng. NSX rất tiếc phải báo rằng xin lỗi, ở đây chúng tôi *** làm thế. Điều này mang ý nghĩa Kyoko phải được luyện cấp lên bằng Misako nếu muốn chơi co-op hai người còn không thì miễn. Với vụ án phát tiền 30% mỗi lần chết, cộng thêm việc phải chia tiền luyện cấp mua đồ cho hai cô gái, một quãng đường cày cuốc không ngắn hứa hẹn sẽ chào đón người chơi trong River City Girls. Bạn có thể chơi solo cho đỡ nhọc vụ này nhưng thật đáng tiếc nếu làm như vậy bởi nhiều trải nghiệm hấp dẫn chỉ xuất hiện khi đánh game 2 người. Điều này có thể nằm ở thiết kế hướng đến trải nghiệm co-op hơn khi độ khó trong game nhiều khi mang cảm giác thiếu cân bằng trong trải nghiệm solo, đặc biệt là những trận đánh boss. Kẻ thù thường khá cục súc, không bao giờ đứng yên nhìn bạn giã gạo đồng bọn mà luôn lao vào ăn hôi bất kể lúc nào.
Nhìn chung cảm giác đấm đá trong River City Girls là rất hấp dẫn nếu bỏ qua cái vụ cày cuốc cùng trừ tiền quá đáng khi chết. Không chỉ chân đá tay đấm, với những game thủ beat ‘em up kỳ cựu, việc dùng vũ khí gần như là một trải nghiệm phải thử qua mỗi khi rớ vào thể loại game này. River City Girls đáp ứng điều đó khi Kyoko và Misako không chỉ động chân động tay mà còn có thể vận dụng rất nhiều vũ khí thô sơ xuất hiện dọc màn chơi để dọn dẹp nhanh kẻ thù. Nhiều món đồ trong đó khá hài hước về ý tưởng, chẳng hạn như trái banh tennis, yoyo, thùng rác hay thậm chí ghế và rất nhiều thứ tưởng chừng vô hại khác đều có thể biến thành vũ khí trong chớp mắt. Chính nhờ những thiết kế thú vị này mà trải nghiệm River City Girls gần như không tạo cảm giác lặp lại nặng nề rất đặc trưng của thể loại này bất chấp vụ chết trừ tiền nhiều và bắt cày cả hai nhân vật.
Lại nói về vụ cày mà không cày thì River City Girls chưa đạt đến đẳng cấp của Fight’N Rage, bên cạnh đó một vài ý tưởng mà WayForward Technologies cho rằng rất thú vị lại khiến game thủ cảm thấy vô cùng khó hiểu như kẻ thù thông thường không có thanh máu trong khi boss lại có. Hai người sẽ giải quyết vấn đề trong game nhanh hơn solo thì thật khó để nhận xét là ưu điểm hay khuyết điểm nhưng ở góc nhìn của bản thân Mọt tui cho đó là một điểm cộng, ngoại trừ chút phiền phức khi không rủ được ai rảnh để co-op khi cần thiết, do game chỉ hỗ trợ co-op local chứ không hỗ trợ online. Tóm lại dù có than vãn hơi nhiều nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là những khiếm khuyết nhỏ nếu so với nhưng khía cạnh được thực hiện hết sức tuyệt vời về đồ họa, nhạc nền và lối chơi hấp dẫn gợi nhớ lại một thời vàng son của game arcade năm nào.
Phát hành: Arc System Works
Phát triển: WayForward Technologies
Ra mắt: 5 tháng 9 năm 2019
Đánh giá trên: PS4
Nền tảng khác: Xbox One, PC, Nintendo Switch, PlayStation 4
–
Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame