Công nghệ tiến bộ đã giúp game trở nên ngày càng hiện đại, chân thực, “chăm chút” tới trải nghiệm của người chơi từng li từng tí – người chơi hẳn có thể biết ngay đến những Steam, PSN, Xbox Live, Wifi, Bluetooth… và những công nghệ thời nay, nhưng chỉ dân 9x mới liên tưởng tới được những món “đồ hàng” cũ mà chất này. Mời các bạn xem qua 10 trải nghiệm game thời 9x do kênh YouTube Gameranx đánh giá nhé:
1: Thẻ nhớ
Vào cái thời mà bộ nhớ trong của console còn rất hạn chế thì thẻ nhớ là công cụ tuyệt vời để lưu trữ, bảo quản và trao đổi dữ liệu savegame của game thủ, một chiếc thẻ có thể chứa save của vài 3 game tùy theo dung lượng file cụ thể. Nhược điểm: Nhỏ gọn nên dễ mất, mang đi đâu cũng phải bảo quản cẩn thận và lỡ mà để bạn bè “format” mất thì ôi thôi mất trắng công sức cày cuốc bao nhiêu game. Nay thì chúng đã không còn hữu dụng do console có ổ cứng dung lượng khủng và lưu trữ đám mây thuận tiện hơn nhiều
2: Thuê console
Nếu game thủ Việt được trải nghiệm “đánh điện tử ngoài quán” thì game thủ Mỹ có thú vui khác là thuê console về nhà trải nghiệm game trực tiếp, quy trình cũng giống hệt như thuê băng đĩa game ở các đại lý Blockbuster vậy, dù rằng tiền cọc cao có thể là một trở ngại cho các gia đình không dư dả về kinh tế. Tiện cái là bạn có thể thuê cả handheld như Gameboy để mang theo các chuyến du lịch ngắn ngày giải trí với giá không đáng kể, đỡ hơn phải mua đứt nhiều.
3: TV, chỉ có 1 TV
Không chỉ console đắt đỏ mà TV cũng chưa phổ cập vào những năm 90 do giá cao, vì vậy có console ở nhà là một chuyện mà có chơi được trên TV hay không là chuyện khác khi bạn phải chia sẻ chiếc TV duy nhất ở phòng khách với phụ huynh và anh chị em, ai cũng muốn xem chương trình riêng của mình.
4: Đèn backlight
Do hạn chế về công nghệ nên các thế hệ handheld đời đầu không được trang bị đèn backlight, bạn chỉ có thể chơi trong môi trường đủ sáng nên dù có thể mang theo người dễ dàng nhưng lúc tối trời ở ngoài đường hay cúp điện trong nhà thì… chịu, chẳng thể giải trí được dù pin và băng game có đầy đủ.
5: Sách hướng dẫn
Thời nay muốn trải nghiệm game nào thì chúng ta chỉ cần vào google hay youtube là có đầy đủ đánh giá, thông tin, bình luận và cả spoiler của game đó, còn xưa kia thì các NSX rất chăm sóc cho sách hướng dẫn đi kèm băng đĩa game của mình. Đây là nơi chứa đầy đủ thông tin game, từ cốt truyện, nhân vật, hướng dẫn cơ bản tới các bí mật, cheat code hay thông tin lung tung khác mà game không truyền tải được cho bạn. Nay thì chẳng ai còn muốn cầm những quyển hướng dẫn này lên tay mà đọc nữa vì xem online… tiện hơn nhiều.
6: Game nhiều người chơi
Chơi game cùng nhiều người khác giờ là quá bình thường với công nghệ online và VOIP, bạn có thể chiến game cùng các bằng hữu ở bên kia thế giới mà vẫn trao đổi, tán gẫu với nhau dễ dàng, còn ngày xưa chỉ có hẹn nhau đến nhà thằng bạn nào đó rồi mỗi đứa một tay cầm, chơi game trên màn hình chia từng ô thì mới trải nghiệm được đầy đủ cảm giác chiến đấu tại chỗ với nhau, tuy phiền toái nhưng cũng khá thú vị.
7: Đĩa game demo
Demo là các bản chơi thử của một tựa game nào đó mà người chơi có thể sử dụng trên PC / Console của mình để trải nghiệm và đánh giá game trước khi quyết định xem có nên mua hay không. Khi mà Internet chưa phổ cập thì đĩa Demo là một tài sản quý hiếm của nhiều game thủ, thường được tặng kèm với các tạp chí game hay khuyến mãi, quảng cáo khi mua hàng ở đâu đó. Ngày nay vẫn còn khá nhiều game hỗ trợ demo, cho bạn tải miễn phí bản đánh giá để trải nghiệm trước khi mua online đấy.
8: Tay cầm “có dây”
Bluetooth chưa phổ cập vào những năm 90 còn hồng ngoại thì không ổn định, kém chính xác nên tay cầm chơi game vẫn phải được “nối đuôi” với console hoặc PC qua giao tiếp USB hoặc cổng riêng biệt của từng NSX. Ngoài việc dây rợ rườm rà trong phòng thì hẳn bạn cũng đã từng trải nghiệm cảm giác ai đó “vấp” phải dây gamepad của mình làm gián đoạn cuộc chơi và xui hơn là “lôi” cái rầm chiếc console yêu quý của mình xuống sàn.
9: Tạp chí game
Khi chưa có Internet thì game thủ chỉ biết dựa vào báo chí để nắm bắt thông tin các game đang hot trên thị trường, game đáng chú ý, sắp phát hành, cũ mà hay… để xem có nên chạy ra hàng đĩa mua thử hay không. Ngoài việc cung cấp đánh giá chi tiết thì tạp chí game còn truyền đạt các thông tin cần lưu ý khi chơi game đó, chẳng hạn cấu hình, cài đặt, các rắc rối có thể gặp phải và cách khắc phục. Đĩa Demo cũng là miếng mồi hấp dẫn để game thủ chịu khó mua tạp chí game thường xuyên hơn, và điều này đã từng được TGVT Thế Giới Game ở Việt Nam áp dụng khá thành công.
10: Cheat Code
Thế hệ 9x hẳn không thể quên các “mã” nổi tiếng giúp trải nghiệm game được mới lạ hơn như thêm mạng, mở sẵn power up, qua màn… và các game console lẫn PC lúc đó đều chú trọng tích hợp cheat code vào giúp người chơi “quậy” game thoải mái khi đã chán chơi theo phong cách chính thống. Dù vẫn tồn tại nhưng hiện nay cheat code không còn tích hợp trong nhiều game nữa vì các NSX có xu hướng thích bán DLC và Microtransaction để “kinh doanh” hơn.