Là một game thủ, có lẽ bạn chẳng lạ lẫm gì với những dòng máy chơi game như Playstation, Xbox hay (các dòng máy ) Nintendo. Ba cái tên này có lịch sử phát triển lâu đời và là những đối thủ cạnh tranh thị phần của nhau. Cuộc chiến tay ba này từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu ở các thế hệ console. Trong dòng chảy của lịch sử, đã từng có rất nhiều kẻ muốn chen chân vào thị trường máy chơi game giàu tiềm năng. Thế nhưng phần lớn trong số đó đều nhận về những thất bại cay đắng và dần bị lu mờ theo thời gian. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Game4V điểm qua một số cỗ máy chơi game mà chẳng mấy người biết đến sự tồn tại của chúng nhé!
Super Lady Cassette Vision
Vào năm 1984, tập đoàn Epoch Co. cho ra mắt cỗ máy chơi game có tên Super Lady Cassette Vision. Đây là một phiên bản “đạo nhái” của dòng máy NES ( Nintendo Entertainment System) đang rất thịnh hành ở thời điểm bấy giờ. Đúng như tên gọi, Super Lady Cassette Vision nhắm đến thị phần là những nữ game thủ. Bên cạnh vẻ ngoài “toàn hường” vô cùng nổi bật, bạn sẽ được tặng kèm một chiếc ví cầm tay màu hồng và thêm cả trò Milky Princess khi mua cỗ máy chơi game này.
Super Lady Cassette Vision nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng khi chỉ có vỏn vẹn 30 đầu game từng xuất hiện trên hệ máy này. Trong đó chỉ có 16 game từng được phát hành cho thị trường Châu Âu. Đứa con của Epoch Co. thất bại ê chề ngay tại quê nhà Nhật Bản bởi sự bành trướng của dòng máy NES. Tại các quốc gia Châu Âu, doanh số bán hàng của Super Lady Cassette Vision cũng vô cùng thảm hại. Quốc gia duy nhất có vẻ quan tâm đến hệ máy này có lẽ là Pháp, thế nhưng số lượng máy bán ra tại đây cũng chẳng thấm vào đâu.
Nokia N-Gage
Trước khi iPhone xuất hiện trên thị trường, Nokia đã từng có một thời thống trị thị trường di động. Ngoài những máy chơi game đến từ Nintendo, Nokia cũng là một ông lớn trong mảng game cầm tay. Vào năm 2003, Nokia đã có một nước đi táo bạo khi kết hợp những tính năng của một chiếc console tay cầm vào điện thoại di động. Và thế là Nokia N-Gage được ra đời. Tuy nhiên, có lẽ thế giới vẫn chưa sẵn sàng đón nhận nó thời điểm bấy giờ.
Ngoại hình của chiếc Nokia N-Gage có nhiều điểm tương đồng với Gameboy của Nintendo. Tổ hợp phím bấm của N-Gage được đặt sang 2 bên để tiện cho khả năng chơi game. Theo lý thuyết, một chiếc điện thoại vừa có khả năng nghe gọi, vừa có khả năng chiến những tựa game chất lượng console luôn là điều mà game thủ mơ tới. Thế nhưng thực tế lại khác xa những gì được viết trên giấy. Chiếc máy trở thành một nỗi thất vọng tràn trề khi bị cộng đồng game thủ ghẻ lạnh. Kho game ít ỏi đi kèm với cái giá trên trời là những thứ đã khiến Nokia N-Gage mất điểm với người tiêu dùng. Sản phẩm này của Nokia sẽ được game thủ nhớ mãi như một trong những hệ máy chơi game thất bại nhất từng được sản xuất.
Nintendo Virtual Boy
Có thể bạn không biết, thế nhưng công nghệ thực tế ảo đã được Nintendo khai thác từ tận năm 1995. Trước khi những PS VR, Oculus Rift hay HTC Vive ra đời thì Virtual Boy đã trở thành kẻ tiên phong trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, công nghệ này có lẽ không phù hợp với thị hiếu của game thủ ngày ấy. Minh chứng là Virtual Boy đã thất bại thê thảm dù được Nintendo quảng bá rầm rộ.
Virtual Boy được phát hành vào ngày 21 tháng 8 năm 1995. Dù được Nintendo đặt rất nhiều kỳ vọng, doanh số bán hàng của cỗ máy này được đánh giá là thảm họa. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Virtual Boy có lẽ là giới hạn về công nghệ. Ý tưởng về một không gian chơi game mà game thủ có thể chìm đắm hoàn toàn trong đó là vô cùng triển vọng. Thế nhưng, những giới hạn về phần cứng đã khiến Virtual Boy chỉ có thể hiển thị 2 màu là đỏ và đen. Việc phải liên tục nhìn vào màn hình với khung hình thấp sẽ dễ dàng khiến game thủ chóng mặt hoặc buồn nôn. Virtual Boy nhanh chóng đi vào quên lãng khi mà Nintendo dừng sản xuất hệ máy này chỉ sau 6 tháng xuất hiện trên thị trường.
Còn tiếp…