Apex Legends từ "kẻ vô danh" đến "ông trùm" battle royale một thời nhờ công thức quảng cáo cực lạ đời

Nghe có vẻ hơi nực cười nhưng chiến lược quảng cáo trong những ngày đầu xuất hiện của Apex Legends đơn giản chỉ là "ngồi chơi" mà thôi.

Trong lịch sử làng game thế giới có rất nhiều chiêu trò marketing "cực dị" khiến nhiều người phải ồ lên thích thú, Apex Legends cũng được xếp vào hàng ngũ đó nhờ khả năng "biến không thành có" vi diệu của mình. Nói một cách dễ hiểu thì Apex Legends chẳng hề chạy bất cứ chiến dịch quảng bá nào trước khi tựa game này chính thức ra mắt người chơi toàn thế giới, đội ngũ phát triển chỉ đơn giản làm một việc là up trailer và status lên twitter mà thôi.

trailer đầu tiên được up lên vào 04/02/2019 của Apex Legends

Trên thực tế, những thông tin về Apex Legends cũng rất ít ỏi vào thời gian đầu game ra mắt. Đối với bản thân người viết thì lần đầu tiên đọc được thông tin về Apex Legends là vào 05/02 nhưng đó là nhờ vào việc tìm kiếm thông tin về dự án trong mơ Titan Fall 3 đang được đội ngũ Respawn Entertainment dưới trướng EA thực hiện.

Đáng ngạc nhiên là việc "chẳng làm gì" của đội ngũ truyền thông Apex Legends lại hiệu quả đến vậy. 10 triệu người chơi chỉ sau 3 ngày ra mắt đã chứng tỏ sức hút kinh ngạc mà Apex Legends sở hữu mà không cần đến những chi phí đồ sộ, tốn kém như nhiều tựa game "bạc tỷ" khác sử dụng. Cốt lõi của chiến lược này nằm ở việc "biết người, biết ta" của đội ngũ phát triển, và nó hiệu quả.

Phải cạnh tranh với Pubg và Fortnite trong thời điểm ra mắt điều này đồng nghĩa với việc nếu chất lượng của Apex Legends không đủ thuyết phục người chơi thì tựa game sinh sau đẻ muộn này sẽ không còn đất sống. May mắn thay, thâu tóm được đội ngũ phát triển của Respawn Entertainment vốn đã tạo nên thương hiệu Titan Fall với những pha đấu súng tốc độ và hành động tuyệt hảo khiến EA hoàn toàn yên tâm với gameplay của Apex Legends. Hơn nữa, việc xây dựng tựa game mới xoay quanh vũ trụ Titan Fall giúp đội ngũ phát triển tiết kiệm được kha khá thời gian và tiền bạc biến Apex Legends thành một canh bạc có mức mạo hiểm chấp nhận được.

lootbook dựa trên chỉnh sửa mìn Tick nổi tiếng của Titan Fall 2

Yếu tố thứ hai mà EA đã lưu ý đến đó là danh tiếng của mình trên thị trường hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của người chơi khi game phát hành. Không chỉ nổi tiếng về độ "hút máu", nói riêng về quá trình làm sao để có được Respawn Entertainment cũng đủ khiến nhiều game thủ ghét bỏ mà quay lưng với đơn vị này. Trong trường hợp đó, các động thái truyền thông tích cực đi cùng mác EA chỉ khiến nhiều người khó chịu mà thôi.

Cái khó ló cái khôn, vậy nếu áp dụng một chiến lược marketing nổi tiếng trong đa cấp là "truyền thông miệng" trong trường hợp này lại trở thành hợp lí. Đây cũng là lí do lớn nhất khiến Apex Legends không có chế độ chơi solo ngay từ khi ra mắt. Một tựa game hay, gameplay cần đồng đội thì rõ ràng phải rủ ngay lũ bạn vào chơi cùng rồi...

Mấu chốt cuối cùng để khiến "bệ phóng" của Apex Legends khai hỏa nằm ngắn gọn ở 2 cụm từ đơn giản cũng không cần diễn giải nhiều đó là: "miễn phí giờ chơi" cùng một chút "may mắn điên rồ" đã khiến cho tựa game từ đâu đó xuất hiện bất ngờ lọt top hot trên nhiều bảng xếp hạng cùng con số người chơi tăng trưởng chóng mặt chỉ sau 2 tháng ra mắt người chơi toàn cầu.