Ngay từ khi dự án bắt đầu đi vào sản xuất, điều mà trước đây Square Enix luôn lấy làm lí do để trì hoãn giờ đây đã thành vấn đề đầu tiên đội ngũ phát triển phải đối mặt. Đó là lượng nội dung của Final Fantasy VII gốc gần như không thể đưa hết vào trong 1 tựa game AAA hiện đại, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt bớt nội dung của bản gốc. Để giải quyết việc này, Square Enix đã đưa ra quyết định cuối cùng: Final Fantasy VII Remake sẽ được chia ra làm nhiều phần. Ban đầu, mỗi phần của loạt game remake này sẽ có thêm tiêu đề như 1 cách “đánh dấu thứ tự”, thế nhưng đội ngũ phát triển không đồng tình vì cho rằng sẽ có người nghĩ rằng chúng là sequel hoặc spin off thay vì remake. Cuối cùng cái tên Final Fantasy VII Remake được ấn định. Kitase biết rằng đây là lựa chọn đúng đắn khi thấy mọi người hò reo lúc dòng chữ Remake hiện lên trong buổi công bố tại E3 2015.
Với việc trở thành giám đốc dự án, Nomura quyết định tìm và xem hàng loạt các video walkthrough của bản gốc trên mạng. Nomura nhận ra trung bình cần 10 giờ để hoàn thành Midgar, trong khi đó nhiều người chơi muốn khám phá thành phố nhiều hơn nhưng tựa game cũ không cho phép. Nomura cũng không hài lòng với việc game thủ trải nghiệm khu vực trên cao của thành phố quá ít so với khu ổ chuột. Để giải quyết vấn đề này, Nomura muốn làm mới một cách toàn diện cho khu vực Midgar, từ khu trên cao cho tới dân cư thành phố.
Để tái hiện những cảnh vật ở Midgar một cách tốt nhất dưới nền đồ họa 3D chân thực, đội ngũ hình ảnh phải tự giải quyết câu hỏi được đặt ra, đó là nó sẽ trông như thế nào nếu tồn tại ngoài đời. Giám đốc chỉ đạo môi trường trong game là Takako Miyake quyết định chỉ đơn giản tham khảo lại phiên bản PS1. Bà tập trung kĩ vào những khu vực không được hiện trên màn hình, thoáng qua trong cutscene, tất cả những nơi không được game thể hiện chi tiết và buộc người chơi dùng trí tưởng tượng khi nghĩ về chúng. Tất cả chúng được tập trung tái hiện trong bản remake theo kiểu “lấp đầy khoảng trống”, khiến cho thế giới trong game chi tiết và đáng tin hơn.
Về phía mô hình nhân vật, đội ngũ phát triển vốn dự định sử dụng lại những mô hình nhân vật trong bộ phim 3D Final Fantasy VII Advent Children ra mắt năm 2005. Thế nhưng thời điểm phát triển lúc bấy giờ đã là 10 năm sau bộ phim, các mô hình không còn đáp ứng yêu cầu để làm game. Bởi vậy, toàn bộ các nhân vật trong game cũng vì thế mà phải bắt đầu được thiết kế lại từ con số 0. Công nghệ làm game hiện đại ngày nay có thể giúp nhà làm game tự do hơn trong việc phát triển. Thế nhưng thời kì PS1, do hạn chế phần cứng mà thiết kế các nhân vật phần nào cũng bị giới hạn theo. Điển hình như trang phục Aerith được thiết kế nhằm tối thiểu hóa lượng đa giác xuất hiện trên màn hình.
Để bù lại cho việc bị xấu đi do đồ họa giới hạn, nhà phát triển lúc đó đã thiết kế mỗi nhân vật thật tỉ mỉ với nét đẹp và sự duyên dáng độc đáo không đụng hàng, điều đã làm nên cái chất của Final Fantasy VII. Giám đốc dự án Nomura nhận thấy rằng nền đồ họa mới chân thực và sống động thật đấy, nhưng thực tế quá sẽ làm mất đi cái chất vốn có của mỗi nhân vật. Vậy nên việc cân bằng giữa chân thực và phong cách trong thiết kế là điều cần thiết. Từ đó việc hiện đại hóa diện mạo của các nhân vật trong game là phải làm nhưng cũng đồng thời phải giữ được cái chất cổ điển của game.
Về phần bộ phim Final Fantasy VII Advent Children, nhóm phát triển vốn dự định mời các diễn viên lồng tiếng của phim về tham gia dự án, thế nhưng về sau dàn diễn viên lồng tiếng được thay mới hoàn toàn. Việc bổ sung và làm mới tính cách các nhân vật trong game cho phù hợp với hướng phát triển game khác phiên bản gốc cũng đặt ra nhiều vấn đề. Trưởng nhóm biên kịch Kazushige Nojima nhận thấy cần thêm vào yếu tố backstory cho Cloud để cho thấy nó tác động thế nào đến Cloud cũng như cách nhân vật này tương tác với bạn bè, người lạ mặt và thế giới xung quanh, kèm theo đó là nhiều câu thoại mới được viết thêm vào. Nhóm phát triển cũng phải xem xét những yếu tố nào từ bản gốc có thể đưa trở lại bản remake và cái nào cần phải chỉnh lại do sự thay đổi về văn hóa xã hội trong suốt 20 năm qua.
Khi biết việc Final Fantasy VII Remake sẽ chỉ là phần đầu trong loạt game remake của Final Fantasy VII, nhiều fan cảm thấy lo ngại việc phiên bản remake này sẽ chỉ bao gồm khu vực Midgar của phiên bản gốc. Các nhà phát triển của dự án đã trấn an các fan và cho biết họ hướng tới việc tạo ra đủ nội dung để người chơi hài lòng, cụ thể hơn là tương đương với lượng nội dung của Final Fantasy XIII. Việc Square Enix không thể nhét hết toàn bộ bản remake vào 1 đĩa khiến nhóm phát triển phải bổ sung thêm nội dung tương đương 2 đĩa Bluray để lấp đầy khoảng trống. Nomura cho biết:
“Kể cả khu vực Midgar này thôi, mật độ và diện tích của nó lớn đến mức tôi phải trực tiếp chỉ đường cho cả nhóm”
Và đó chưa phải là tất cả những gì mà đội ngũ Square Enix phải đối mặt để có thể tái hiện là được siêu phẩm 1 thời này với game thủ hiện đại.
(Còn tiếp)
- Final Fantasy VII Remake và giấc mơ sau 20 năm trở thành hiện thực – P.1
- Final Fantasy VII Remake và giấc mơ sau 20 năm trở thành hiện thực – P.2