Tương lai chúng ta sẽ chơi game theo kiểu nào? - PC/Console

Trong bài viết này, Mọt tui sẽ điểm lại một vài xu hướng công nghệ chơi game mà các nhà phát triển từ nhỏ đến lớn đã và đang theo đổi.

Với sự tiến bộ không ngừng của kỹ thuật, game thủ chúng ta đang ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong việc thưởng thức game của mình. Từ những phương thức đơn thuần là biến tấu của truyền thống đến gần như khoa học viễn tưởng, có thể nói rằng chỉ cần game thủ chịu chi (và có thể chi), họ sẽ tìm được những công nghệ chơi game “bá cháy” mà game thủ của khoảng 10, 20 năm trước không thể nào nghĩ ra được. Hãy để Mọt điểm lại một vài xu hướng công nghệ chơi game mà các nhà phát triển đã và đang theo đuổi.

Chuyển động cơ thể

Phải nói rằng đây không phải là một ý tưởng mới mà đã khá cũ vì ngay cả trước khi Nintendo tung ra Wii vào năm 2006, đã có không ít game sử dụng phương thức điều khiển này. Các cỗ máy arcade có lẽ là ví dụ dễ nhận ra nhất: bạn có thể tìm thấy những cỗ máy chơi game âm nhạc, đua xe sử dụng chuyển động của cơ thể ở khắp nơi, dù về mặt cơ chế thì chúng rất đơn giản nếu so với chiếc Wii Remote. Tại Nhật Bản, tựa game đua mô tô Hang-On ra mắt từ tận năm 1985 có lẽ là trò chơi khởi động cho xu thế điều khiển bằng chuyển động cơ thể.

Có lẽ là lấy cảm hứng từ xu thế này, Nintendo tung ra hệ máy Wii với những tựa game yêu cầu game thủ chơi bằng chuyển động cơ thể và đạt được rất nhiều thành công, chẳng hạn Wii Fit, Zumba Fitness, ExerBeat, Just Dance 2017,… Kể từ đó, các phương thức điều khiển game bằng chuyển động luôn hiện diện trong các hệ máy của Nintendo, từ Wii đến Wii U rồi Switch, và đều được khen ngợi vì sự sáng tạo của chúng.

Tương lai chúng ta sẽ chơi game theo kiểu nào?

Chơi game với Kinect

Sau khi Wii nhận được nhiều lời khen ngợi với Wii Remote, từng có thời Microsoft muốn làm kẻ “đi sau, về trước” trong hình thức điều khiển này khi bán kèm chiếc camera Kinect trong mỗi máy Xbox One. Ban đầu họ rất thành công khi bán được hơn 8 triệu camera Kinect trong 2 tháng đầu tiên bởi sự mới mẻ và chính sách bán kèm Xbox One của họ. Gã khổng lồ này thậm chí còn phát triển tựa game Fable: The Journey để làm bệ phóng cho trò chơi, tuy nhiên đáng tiếc là vấn đề giá cả cũng như độ chính xác của chiếc camera Kinect trong nhiều tựa game khác đã khiến cả Kinect lẫn Fable: The Journey thất bại thảm hại. Đến năm 2017, Microsoft đã chính thức công bố việc ngừng sản xuất chiếc camera này sau khi khoảng 35 triệu chiếc đã được bán ra.

Trong khi đó, Sony không quá mặn mà với hình thức điều khiển này dù vẫn đưa nó vào trong chiếc PlayStation Camera của mình. Một số tựa game của PS4 hỗ trợ việc điều khiển bằng chuyển động cơ thể chẳng hạn Just Dance 2020, nhưng nó không phải là phương thức điều khiển chủ đạo. Cho đến thời điểm này, không có một nhà sản xuất lớn nào trên thế giới chịu bỏ tiền của và công sức để phát triển hình thức điều khiển này ngoài Nintendo, mà thay vào đó bắt đầu theo đuổi những xu thế mới.

Tương lai chúng ta sẽ chơi game theo kiểu nào?

Thiết bị điều khiển Omni của hãng Virtuix.

Bù lại, nhiều công ty khác vẫn đang cố gắng phát triển những phiên bản cao cấp hơn của thể loại điều khiển này nhưng không phải như một phần không thể thiếu của một hệ máy chơi game, mà là một sự bổ sung. Mọt có thể kể đến Virtuix và thiết bị có tên Omni cho phép game thủ… chạy bộ như thật trong các game bắn súng, nhưng bởi nó được thiết kế để khóa cứng phần hông của game thủ, bạn sẽ không thể thực hiện các thao tác như ngồi, trườn, ẩn nấp, cúi người… Nó quá đắt tiền để là một biện pháp tập thể thao, và quá bất tiện để làm một thiết bị chơi game có khả năng đem lại cho game thủ trải nghiệm như đang thực sự sống trong thế giới ảo.

Tương tự, ý tưởng về độ trang phục chơi game Tesla Suit sử dụng công nghệ haptic cũng tỏ ra khá đắt đỏ và rườm rà để làm công cụ chơi game chính, nó chỉ có thể là một phụ kiện độc lạ về công nghệ mà thôi.

Chơi game trên “mây”

Cloud gaming – hay chơi game trên “mây” chính là xu thế mà các công ty lớn trong làng game lẫn ngoài làng game đều đang theo đuổi. Cũng như việc điều khiển game bằng chuyển động cơ thể, hình thức chơi game này không mới mà đã tồn tại từ tận những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên do nhiều vấn đề khác nhau, phương thức này không thực sự lan rộng và những công ty cố gắng theo đuổi nó đều đã thất bại trong quá khứ, bị giải thể hoặc trở thành mồi ngon cho những công ty lớn hơn.

Lợi ích chính của công nghệ chơi game mới này là việc nó không đòi hỏi một cỗ PC khủng hay một console đúng nghĩa để chơi game, mà chỉ cần màn hình và đường truyền internet. Nó mở ra cánh cửa bước vào thế giới game cho những người ngại ngần đầu tư một số tiền lớn vào việc chơi game khi khoản chi phí cần bỏ ra hàng tháng chỉ vào khoảng vài đến vài mươi USD. Đây chắc chắn là một lượng khách hàng khổng lồ, và vì thế nên tất cả những ông lớn “có máu mặt” của làng game đều đang đổ xô vào việc phát triển những dịch vụ chơi game trên mây.

Tương lai chúng ta sẽ chơi game theo kiểu nào?

Stadia nhảy ra sớm, nhưng chưa chắc sẽ ở lại được lâu.

Hiện tại, chúng ta đã có một vài dịch vụ cloud gaming đang vận hành, dù có thể hình thức hoạt động của chúng là khác nhau. Stadia của Google vừa là cửa hàng bán game vừa là nền tảng chơi game, GeForce Now cho phép chơi những tựa game bạn đã sở hữu trên các cửa hàng khác, PlayStation Now dành cho game của PlayStation. Tuy nhiên mỗi dịch vụ này đều có điểm yếu riêng: Stadia có chi phí rất cao cộng thêm kho game hạn hẹp do các trò chơi phải được phát triển thêm phiên bản dành cho nó, GeForce Now bị các nhà phát triển e ngại vì nó có tiềm năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ (khi game thủ có thể chơi bản PC của game X trên điện thoại, họ sẽ không muốn mua bản mobile của trò chơi), còn PS Now chỉ phục vụ game của Sony.

Nhiều dịch vụ khác đang nằm trong quá trình phát triển bao gồm Project xCloud của Microsoft và một dịch vụ chưa được đặt tên của Amazon, nhưng Mọt chưa thể nói gì về ưu nhược của các dịch vụ này bởi thông tin về chúng còn rất ít ỏi. Nếu phải dự đoán về tương lai của hình thức chơi game này, Mọt xin nói rằng nó hẳn sẽ là một trong những hình thức chơi game phổ biến trong tương lai, chỉ là chúng ta chưa biết được những cái tên nào sẽ thống trị thị trường đó.

Phần mềm chống cheat của Valorant bị "bóc phốt" - Liệu Riot có bị mắng oan?
Rất nhiều game thủ đang "nã pháo" vào Riot vì phần mềm chống cheat Vanguard mà Riot tạo ra cho Valorant tỏ ra đáng ngờ, liệu sự tức giận đó có xứng đáng?

Các công nghệ thực tế AR/VR

VR là một phương hướng đang được nhiều hãng theo đuổi, trừ Microsoft. Xbox Series X sẽ không có VR và ông Phil Spencer, giám đốc mảng Xbox của Microsoft giải thích rằng họ nghĩ “không ai cần VR cả.” Đối thủ của Xbox Series X là PS5 sẽ có VR – chiếc kính PSVR hiện tại vẫn chạy được trên PS5, nhưng có tin đồn rằng Sony cũng đang thiết kế một chiếc kính VR mới cho hệ máy mới.

Nhưng kẻ hào hứng nhất với VR có lẽ không ai khác ngoài Valve. Họ đã đổ tiền của và công sức vào việc tạo ra Half-Life: Alyx – tựa game VR có thể được gọi là hay nhất thế giới hiện tại – để thúc đẩy sự lan tỏa của VR vào cộng đồng game thủ. Cái tên Half-Life và chất lượng của trò chơi đã giúp Valve thành công khi hàng trăm ngàn chiếc kính VR Index bị hốt sạch, Vive và Oculus cũng trở nên hiếm hàng.

Toàn tập về Half-Life: Alyx, tựa game mà Valve cho ra mắt sau 12 năm chờ đợi

Half-Life: Alyx.

Thật ra đó có thể chưa phải là điểm dừng của Valve, bởi trong một buổi phỏng vấn, sếp Valve là Gabe Newell đã từng nói rằng với những công nghệ hiện tại, chúng ta gần với Ma Trận hơn những gì mình vẫn tưởng. Ông tiết lộ rằng Valve đang có hứng thú với những công nghệ cho phép sử dụng bộ não để điều khiển game, điều đã được chứng minh là hoàn toàn khả thi qua một số tựa game đang tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên khoảng cách từ ý tưởng đến thực tế còn khá xa, nên chúng ta vẫn còn phải chờ đợi.

Trong khi không có hứng thú với VR, Microsoft lại đang đổ tiền vào AR (thực tế tăng cường). Ngoài việc phát triển chiếc kính AR Hololen (nay đã tới đời 2) có khả năng chơi game, họ còn sử dụng Minecraft làm một bước đi dò đường trong thị trường mới mẻ này. Tựa game AR có tên Minecraft Earth vừa được mở cửa thử nghiệm beta gần đây cho thấy rằng cộng đồng game thủ thế giới rất sẵn lòng đón nhận hình thức chơi game này. Thật ra Minecraft Earth cũng không phải là tựa game AR lớn đầu tiên, mà Pokemon Go mới là kẻ giữ danh hiệu đó.

Tương lai chúng ta sẽ chơi game theo kiểu nào?

Lời kết

Trong ba công nghệ chơi game trên, ngoài chuyển động cơ thể đã chín muồi (dù không được nhiều hãng yêu thích), cloud gaming lẫn AR/VR đều còn trong giai đoạn trưởng thành. Nhưng còn non trẻ cũng đồng nghĩa với việc chúng có rất nhiều tiềm năng, và theo ý Mọt, những bước đi đầu tiên của hai hình thức chơi game này đã được thực hiện với một số thành công. Chúng ta đã có một nền tảng công nghệ đủ vững chắc để chúng tồn tại và phát triển, và cả cloud gaming lẫn AR/VR đều sẽ trở thành những phương thức chơi game phổ biến trong tương lai.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e