Cuối cùng thì Assassin’s Creed cũng đến Bắc Âu
Nếu trở lại nhiều năm về trước thì người ta có thể sẽ hoang mang khi nghe tin đám sát thủ đến Bắc Âu thật vì Assassin’s Creed vốn là dòng game đề cao sự ám sát lén lút chớ không phải a-lô-xô nhào vô làm gỏi cả đám. Cứ thử nghĩ mà coi, nguyên một đám Viking ở Bắc Âu vai vu thịt bắp với mớ lông thú khoác trên người cùng đóng mũ có sừng. Giữa cái băng đảng lông lá đó mà mà khoác áo choàng sát thủ với mũ trùm che mặt thì, ok fine! Không cần bạn phải ra tay ám sát ai, nhìn cách bạn mặc đồ thì tụi tui biết bạn một ở trong đó mới ra hai là có chuyện mờ ám cần làm rồi.
Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi mãi mãi vào năm 2017, dòng game Assassin’s Creed đã có sự thay đổi lớn về gameplay khi Ubisoft đã biến trò chơi trở thành kiểu nhập vai hành động thuần túy hơn là phiêu lưu kết hợp nhập vai trước đây. Đã có những tranh cãi dữ dội khi các fan kỳ cựu cho rằng AC từ đây sẽ mất chất bởi Ubisoft vì tiền bán rẻ thanh danh. Nhìn lại kết quả kinh doanh cũng như khả năng lôi kéo người chơi mới của Origins lẫn Odyssey, có thể kết luận Ubisoft đã bán được một cái giá rất là hời luôn và một khi thay đổi sang phong cách nhập vai hành động thì bối cảnh Bắc Âu cũng không còn là trở ngại nữa.
Để xem hãng game Pháp cố tình tung hỏa mù cho chúng ta những thông tìn gì nào? Đầu tiên, để hợp với bối cảnh thiết lập, game sẽ có tên là Ragnarok. Có thể đây chưa phải là cái tên cuối cùng được in trên bìa đĩa nhưng thiết nghĩ đã lấy bối cảnh Bắc Âu thì khó có cái tên nào phù hợp hơn được. Về nhân vật thì người chơi sẽ nhập vai vào một tay sát thủ vùng băng giá có tên Jora và thằng cha này tung hoành tứ hải trong thời đại những tay cướp biển người Viking không còn an phận ở bán đảo Scandinavia mà rất chuộng cái vụ xách thuyền đi phượt khắp thiên hạ. Khác với cái tên Ragnarok, Jora là cái tên rất dễ thay đổi, thậm chí nhân vật này là nam hay nữ cũng chưa có thông tin nữa cơ mà.
Cùng với việc lấy chủ đề về Vikings, Ragnarok sẽ nhấn mạnh vào những con tàu vốn là đặc trưng văn hóa của xứ Bắc Âu lạnh giá. Đây có lẽ là một tin nửa vui nửa buồn. Không vui với những fan kỳ cựu bởi đám hải tặc Scandinavia lúc nào cũng có thiên hướng cuồng bạo. Khỏi cần nói thêm cũng biết phong cách chơi của AC Ragnarok sẽ đi theo hướng nào rồi, thậm chí có xu hướng còn Berserker hơn Origins và Odyssey gấp nhiều lần. Đây chắc chắn sẽ khiến những người mới tiếp xúc với dòng game từ bản Origins cảm thấy hào hứng. Bên cạnh đó tất cả những sự kiện trong game sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian trước khi sự kiện tận thế Ragnarok diễn ra.
Tất cả chỉ mới nằm ở mức dự đoán nếu tựa game mới lấy bối cảnh chính xác như trên, đây sẽ là một lợi thế lớn vì nguồn cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu đã xuất hiện trong vô số tựa game bom tấn đồng thời được đông đảo game thủ đón nhận. Các siêu phẩm đi theo con đường này, trước hết phải kể đến Skyrim nhấn mạnh niềm tin về các vị thần Bắc Âu trong suốt chiều dài game, sau đó chính là con hàng nổi tiếng God Of War. Tựa game thực sự đưa người chơi vào bối cảnh và những câu chuyện thần thoại của thế giới này. Cuối cùng, không thể không kể đến Tales of Phantasia hoặc Hellblade (không chắc chắn lắm) cũng ít nhiều sử dụng các khái niệm hay bối cảnh của thần thoại để sáng tạo nội dung cho riêng mình.
Khi nào thì các sát thủ mới xuất hiện ở Nhật Bản?
Trong suốt chiều dài của thương hiệu Assassin’s Creed, đám game thủ chúng ta đã du lịch qua đủ loại thời không với nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử và địa lý khác nhau. Từ vùng Trung Đông đầy nắng, gió và cát đến sự huy hoàng khi văn hóa Phục Hưng cực thịnh tại Italia. Từ cuộc khởi nghĩa giành độc lập của mười ba bang thuộc địa tại Hoa Kỳ cho đến cách mạng tư sản Pháp, gần đây nhất người ta đã chơi bời đến tận Ai Cập, Hy Lạp và vùng Byzantine cổ đại luôn rồi. Hai bối cảnh trong các phiên bản gần đây nhất đều được xem là một sự bổ sung mạnh mẽ cho dòng thời gian của Assassin Creed, tiếp đến có thể là vùng Bắc Âu lạnh giá nhưng vẫn còn chút tiếc nuối vì sao không phải là Nhật Bản.
Trong nhiều địa điểm mà fan hâm mộ mong muốn Assassin’s Creed đặt chân đến, Nhật Bản lúc nào cũng nằm trong top dẫn đầu. Tuy nhiên nếu xét về sự phổ biến và tính cạnh tranh, đất nước mặt trời mọc có lẽ không sở hữu nhiều ưu thế như vùng bán đảo Scandinavia. Trước hết, chủ đề về thần thoại Bắc Âu trong khoảng thời gian gần đây đang được xem là con gà đẻ trứng vàng của rất nhiều studio. Không ai chắc một bản AC lấy bối cảnh Nhật Bản sẽ có doanh thu kém hơn Bắc Âu nhưng rõ ràng sự thành công của God Of War cả về danh tiếng lẫn doanh thu kiểu gì cũng sẽ có sự ảnh hưởng nhất định.
Thêm vào đó nếu lựa chọn Nhật Bản làm bối cảnh cho phiên bản sắp tới sẽ mang đến một trở ngại tương đối lớn cho Ubisoft khi có quá nhiều các tựa game nhập vai khác về đất nước này đã và đang chờ đợi được ra mắt trong thời gian tới. Có thể đến Sekiro: Shadow Die Twice với giải thưởng Game Of The Year 2019 và một siêu phẩm nữa đang rất được đón chờ là Ghost Of Tsushima. Hai sản phẩm này gần như đã đạt đến độ hoàn thiện rất cao về mặt chi tiết và chất lượng, vì lẽ đó việc thêm một Assassin’s Creed bối cảnh Nhật trong lúc này chưa chắc là lựa chọn khôn ngoan. Có thể đó là những gì mà nhóm hoạch định chiến lược tổng thể tại Ubisoft đang nghĩ chăng?