Trong ngành công nghiệp game, bên cạnh những tựa game hay đáng bỏ thời gian và tiền bạc ra để có những giờ phút giải trí khó quên thì cũng không ít tựa game chất lượng tệ hại cần phải tránh xa. Lịch sử ngành game đã chứng kiến không ít những “thảm họa cấp độ Avengers” như E.T. the Extra-Terrestrial, Superman 64, Ride to Hell Retribution,… khiến bao game thủ ngao ngán vì đã lỡ bỏ tiền ra mua chúng. Giờ đây nếu phải xếp hạng tựa game dở nhất dựa vào Metacritic thì với điểm số 8/100, Big Rigs: Over the Road Racing có thể “tạm coi” là nhà vô địch. Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua về nhà vô địch hạng mục game dở nhất mọi thời đại này, một tựa game này thừa sức khiến mọi thảm họa khác phải quỳ gối bái phục mình – Big Rigs: Over the Road Racing.
Sản phẩm Big Rigs: Over the Road Racing là một game đua xe phát triển bởi Stellar Stone và phát hành bởi GameMill Publishing. Game ra mắt vào 20/11/2003 trên PC tại thị trường Bắc Mỹ. Stellar Stone là một công ty phát triển game thành lập vào năm 2000 và đặt trụ sở tại Santa Monica, California, Hoa Kì. Tuy nhiên hãng không hề trực tiếp làm ra bất kì game nào của mình, các game đều được hãng ủy nhiệm cho các đơn vị tại Nga và Ukraine phát triển với kinh phí chỉ trong khoảng 15.000 $ tức là chỉ bằng 1/3 cho đến 1/5 chi phí của các đơn vị phát triển từ Mỹ và Châu Âu. Các game của Stellar Stone sử dụng 1 engine đồ họa tên Eternity được tạo ra bởi Sergei Titov, đổi lại Sergei sẽ “sở hữu” một phần lớn Stellar. Theo Titov cho biết, Stellar Stone muốn làm mọi thứ thật rẻ và thậm chí không muốn bỏ ra 200-300 nghìn $ để tự làm 1 engine đàng hoàng. Đồng thời theo Titov thì dù được bán cho cả công ty nhưng dường như anh gần như chả có quyền hạn gì cả. Năm 2004, Stellar chính thức phá sản, Titov cho biết không rõ nhân viên công ti sẽ đi về đâu và cũng chả muốn quan tâm. Còn về Sergei Titov, sau này anh có làm viêc cho Riot Games với League of Legends. Trong 4 năm tồn tại, Stellar Stone “đẻ” được ra 7 game, gần như tất cả đều vô danh. Tựa game duy nhất có chút danh tiếng thì đang sắp được chúng ta mổ xẻ.
Trong Big Rigs: Over the Road Racing, “theo như mô tả về game ở phía sau bìa đĩa”, người chơi sẽ chọn một 1 chiếc xe đầu kéo để tham gia 1 cuộc đua nhằm đưa 1 kiện hàng cấm về đích trước, đồng thời tránh lực lượng cảnh sát địa phương. Theo như mô tả thì như vậy, thế nhưng việc có kiện hàng nào sau xe hay không thì tùy vào cái xe người chơi chọn. Như chiếc xe trong hình trên, bạn có thể thấy nó chả chở một cái gì. Như vậy có thể coi như chả có hàng hóa gì để vận chuyển ở đây. Đồng thời dù nhấn mạnh về vai trò của cảnh sát, thậm chí xuất hiện trong ảnh bìa của game, thế nhưng trong game chả thấy bóng dáng cảnh sát đâu cả. Rốt cục game chỉ đơn giản là đua để cán đích trước mà thôi. Thì nhìn chung game đua xe nào chả thế, đua xem ai về đích trước cả thôi mà phải không.
Thành thực mà nói cái khoản duy nhất giúp cho game có chút nhận diện đó là game đua xe cũng chả nên thân gì. Game có 5 map chơi khác nhau và chúng nhìn chung chả “khác nhau” gì cả, chưa kể 1 map sẽ crash game ngay lập tức nếu chọn. Với cái nền đồ họa như cho hệ máy PS0.1 cũng như thiết kế bố cục không một chút gì nổi bật thì map nào cũng thế cả thôi. Cùng với đó 5 chiếc xe khác nhau để chọn, 4 chiếc chỉ khác về ngoại chứ không còn gì khác nhau nữa và chiếc thứ 5 cũng gây crash game nếu chọn. Đối thủ của người chơi trong cuộc đua có thể nói là không có A.I gì khi chúng luôn giữ nguyên vị trí tại vạch xuất phát trong suốt thời gian chơi, không hề nhúc nhích một li.
Người chơi sẽ luôn chiến thắng. Đúng vậy, bạn có muốn thua cũng không được bởi khi đối thủ duy nhất không thèm đua thì bạn thích làm gì chả được. Và thích làm gì chả được ở đây là hoàn toàn theo nghĩa đen vì đôi lúc đang chạy giữa chừng game cũng tuyên bố bạn chiến thắng, thậm chí đôi lúc game không thể phân biệt được vạch xuất phát và vạch đích khiến cho bạn chỉ cần qua vạch xuất phát là thắng. Game cũng không hề giới hạn nơi nào bạn không thể đến. Cái vách núi đằng kia dù có dốc thẳng đứng thì xe bạn vẫn lên dốc với tốc độ ánh sáng được, nhanh hơn cả đi đường ấy chứ. Nhà cửa công trình hay kể cả xe đối phương kiểu gì xe bạn cũng đi xuyên qua được hết, không có một cái gì có thể cản bạn. Bạn có thể đi mãi, đi mãi, băng qua mọi thứ cho đến tận cuối map, nếu không bị rơi xuống lòng đất bởi góc lag. Vâng nếu bạn rơi khỏi mặt đất thì đó là bug thật, nhưng mấy cái đi xuyên nhà cửa với leo núi kia không phải bug glitch gì mà hoàn toàn “là một phần của game”.
Big Rigs: Over the Road Racing không hề có khái niệm vật lí hay va chạm tiếp xúc với vật thể khác. Lên dốc có thể đi nhanh hơn trên đường phẳng thật, thế nhưng muốn đạt tốc độ tối đa thì hãy thử đi lùi, đảm bảo đây là cách đi nhanh nhất trong game. Nếu bạn cứ giữ nút đi lùi lại, xe sẽ không ngừng tăng tốc, đồng hồ tốc độ sẽ không ngừng tăng cho tới tận 1.98×1037 km/h, tức là gấp 1028 lần tốc độ ánh sáng, người viết không hề đùa một chút nào. Tới ngưỡng này thì game cũng coi như bạn đã thắng. Dòng chữ “You’re Winner!” sẽ hiện ra liên tục dù bạn có làm gì đi chăng nữa. Một tựa game không hề đòi hỏi một nỗ lực gì từ người chơi để giành chiến thắng thì liệu có đáng chơi.
Nghe qua chắc sẽ có nhiều người tự hỏi làm sao một game mà đến những cơ chế chức năng cơ bản nhất còn không ra gì mà vẫn được phát hành rộng rãi dưới dạng đĩa CD/DVD trên khắp Bắc Mỹ như vậy. Theo Titov thì Stellar Stone đã quyết định phát hành Big Rigs: Over the Road Racing khi nó mới ở giai đoạn pre-alpha, giai đoạn sơ khai nhất trong quá trình phát triển một phần mềm. Vâng, hãng này bán một bản mẫu chưa qua thử nghiệm hay được trau chuốt gì, sao chép hàng ngàn, có khi cả triệu bản tung ra thị trường chờ những con mồi không may cắn câu nhằm kiếm tiền một cách bất chính. Bảo là bây giờ game phát hành toàn nửa vời, vừa hoàn chính với lắm bug chả khác gì bản beta trong game ngày xưa chỉ mua đĩa về là chơi thoải mái rồi là hơi sai trong trường hợp này. Các hãng game AAA hiện tại mà nhìn vào Stellar Stone với Big Rigs: Over the Road Racing chắc còn phải xách dép chạy theo.
Điều thú vị là Stellar Stone thực sự có lắng nghe phản hồi và có tung ra patch nhằm chữa cháy. Nhưng chữa cháy ở đây giống như dùng một tách trà để ngăn cháy rừng Amazon thì đúng hơn. Patch có thực sự sửa một vài bug, thế nhưng nó vẫn coi việc xe tải leo dốc và đi xuyên nhà cửa là “một phần của game”. Cùng với đó, ít ra xe đối phương cũng di chuyển được, thế nhưng vì phương châm game là thắng mà không cần bỏ công sức gì nên một là nó đi rất chậm, hai là nó sẽ dừng ngay trước vạch đích để đảm bảo bạn vẫn sẽ thắng dù muốn hay không. Trên hết, cái meme You’re Winner! yêu thích của cộng đồng mạng bị thay thế bởi dòng chữ You Win! Thứ tử tế duy nhất của game có lẽ là âm nhạc khi nhạc nền của game nghe cũng khá là thích tai.
Về khoản meme You’re Winner!, nó còn từng trở thành một meme thịnh hành trên internet, thậm chí có cả một trang web với tên miền như vậy nhằm châm biếm nó. Big Rigs: Over the Road Racing cũng thu hút rất nhiều youtuber nổi tiếng bao gồm cả PewDiePie chơi và pha trò vì sự ngớ ngẩn đến kệch cỡm của nó. Gamespot chấm tựa game này 1/10, điểm số thấp nhất của web. Đồng thời Big Rigs cũng duy trì thành tích là game duy nhất đạt điểm 1 trên Gamespot trong 9 năm liền cho tới tận Ride to Hell Retribution ra mắt 2013 đạt điểm 1 tiếp theo. Mọi người có thể xem clip review có một không hai của Gamespot dưới đây.
Theo như Gamespot, thứ kinh tởm nhất có lẽ là việc game này thực sự bán được một lượng đĩa nào đó. Không có công bố chính xác Big Rigs bán được bao nhiêu nhưng nhiều khả năng là dưới 20.000 bản. Ngày nay nhờ vào độ dở mang tính sử thi của mình mà Big Rigs trên Amazon có giá 190$ và 40$ trên Ebay. Game không được phát hành trực tuyến nên đây là cách duy nhất để có game “một cách hợp pháp”, đồng thời “ủng hộ một nhà phát triển đã đóng cửa”. Liệu bạn có dám thử qua “siêu phẩm” một thời này?