Thông qua Sparklite, Red Blue Games muốn đưa người chơi trở về những ngày tháng xưa cũ bằng một bản old-school action-adventure mashup đầy thú vị. Nhưng khi đoạn phim kết thúc của trò chơi đã chiếu xong, chúng ta sẽ nhận ra có nhiều điều để suy nghĩ hơn là một chuyến phiêu lưu hoài cổ.
Sparklite nói riêng hay thể loại hành động/phiêu lưu đã chứng kiến nhiều sự thay đổi cả tích cực lẫn tiêu cực trong những năm vừa qua. Một vài thương hiệu lão làng như The Legend of Zelda hay Tomb Raider đã đẹp mắt đến mức người ta xem chúng như thước đo chuẩn mực để đánh giá bất kỳ kẻ hậu bối nào muốn nối tiếp truyền thống cao đẹp. Tuy nhiên đám game thủ ưa thích thể loại này không phải là những người quá khén chọn, cùng với nhiều yếu tố để một tựa game hành động phiêu lưu có thể trở nên hấp dẫn, Red Blue Games biết cách khai thác những yếu tố khác biệt để biến Sparklite trở thành một trò chơi vừa quen vừa lạ với những ai từng yêu thích các bản Zelda cổ điển.
Cốt truyện quá cũ nên không ấn tượng
10/10 game thủ khi được hỏi chắc chắn sẽ cho rằng Sparklite bê nguyên xi bản đồ cùng phong cách xây dựng bản đồ cũng như lối di chuyển né đòn hết sức đặc trưng của gã hiệp sĩ tiên xứ Hyrule. Tất nhiên không giống kiểu Zelda với bản đồ 4K FullHD hết sức tân thời như Breath of the Wild hoặc kiểu cũ đầy ám ảnh như Majora’s Mask, nói một cách chính xác Sparklite chịu ảnh hưởng cực lớn từ các huyền thoại như A Link to the Past, The Minish Cap, và đặc biệt là Link’s Awakening.
Nhân vật chính của chúng ta, Ada khi đang du hành trên không đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Geodia sau khi con tàu của cô ta vỡ tan vì bị cuốn vào một cơn bão cực lớn. Sau một đoạn giới thiệu ngắn, Ada được đi xung quanh là kiểu gì thì cô cũng tiến vào hầm mỏ và bị con boss đầu tiên hạ gục trong vài nốt nhạc. Khi tỉnh lại cô phát hiện bản thân được các cư dân tại The Refuge, một khu định cư trên không phát hiện và mang về. Trong bệnh viện Ada được giới thiệu về sparklite một loại tinh thể đặc biệt tại Geodia có chứa năng đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết của cư dân tại The Refuge. Tuy nhiên tên Baron xấu xa lại âm mưu rút sạch năng lượng từ các mỏ sparklite để phục vụ cho các mục đích đen tối của hắn. Hành vi khai thác triệt để của tên Baron khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng như đe dọa đến sự cân bằng của hệ động thực vật tại Geodia. Cùng với các cư dân của The Refuge, Ada phải tìm cách chống lại Baron và mang lại hòa bình cho vùng đất này.
Một câu chuyện kiểu mẫu điển hình nhưng không hấp dẫn bởi nó đã được kể hàng trăm hàng ngàn lần trước đây. Thực tế Mọt tui không ghét bất cứ điều gì trong phần dẫn truyện, thậm chí một vài yếu tố còn mang tính giáo dục như kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường hay bài học về luật nhân quả khi chúng ta sẽ nhận lại những gì cho đi. Chỉ đáng tiếc nếu nó không lặp lại 1999 lần trước đó trong các tựa game khác thì cốt truyện của game nhìn chung cũng khá là ấn tượng. Xin nhấn mạnh lại, Sparklite là một game hay nhưng nội dung dẫn nhập của phần cốt truyện (narrative) chỉ mới đạt mức có thể chấp nhận được.
Nhìn đâu cũng gặp những thứ vừa quen vừa lạ
Red Blue Games mô tả Sparklite là sự thay đổi đầy sáng tạo trong của những cuộc phiêu lưu hành động cổ điển. Mọt tui tán thành mô tả này. Đầu tiên đây là một IP hoàn toàn mới và rất khó để một tựa game mới toanh khiến người ta tìm lại được cảm giác quen thuộc nhưng không bị đánh giá là chôm ý tưởng hay đạo nhái một cách rẻ tiền. Tinh tế và thô thiển giống như một đĩa thức ăn chưa được nêm nếm và ăn thua các NSX có bỏ gia vị vừa đủ hay không, game thủ sẽ được thưởng thức một món ăn chuẩn 3* Michelin hay thứ rác rưởi bị nấu hỏng bởi các đầu bếp không có tâm.
Ở trường hợp này Sparklite rõ ràng xứng đáng với số tiền thực khách bỏ ra để mong chờ một bữa ăn ngon lành chuẩn vị. Vừa bước chân vào Geodia, cảm giác đầu tiên của nhiều fan Zelda kỳ cựu hẳn là sao mà quen thuộc quá vậy. Bản đồ chuyển cảnh, bọn quái đa dạng, khám phá các hầm mỏ, săn lùng vũ khí và trang bị mới hay giải quyết các nhiệm vụ dọc đường đi. Rất khó để giải thích ở chỗ này bởi các yếu tố trên game nhập vai hành động kiểu cũ nào cũng có nhưng chỉ cần chơi Sparklite, sẽ nhận ra hơi hướng của Zelda không lẫn vào đâu được dù nó là một con rouge-like 100%.
Quen thì quen nhưng Red Blue Games không ngu đến mức khiến Sparklite trở thành một con hàng clone ý xì như Zelda. Game cũng có những yếu tố mới lạ. một trong những điều khiến người ta thích nhất hẳn là cơ chế tạo bản đồ ngẫu nhiên mỗi khi nhân vật chính lỡ bỏ mình. Cứ mỗi lần khám phá lại, các bản đồ sẽ được làm mới hoàn toàn. Nếu từng đọc qua các bài viết trước đây của tui hẳn bạn sẽ biết Sin Slayer được đánh giá cao như thế nào và một trong những điều khiến nó xứng đáng với lời ca ngợi đó chính là cơ chế bản đồ đổi mới ngẫu nhiên.
Bên cạnh đó cơ chế sử dụng tinh thể sparklite như một vật phẩm trao đổi chính thức thay cho tiền cũng điểm khác biệt rõ rệt của trò chơi so với người tiền bối. Mọi hoạt động thường nhật đều cần sparklite làm năng lượng, mọi vật phẩm được chế tạo đều cần sparklite làm nguyên liệu phụ gia. Thậm chí đơn vị tiền tệ cũng là sparklite, đó cũng chính là lý do vì sao Ada rất hay “chết” khi thám hiểm nhưng hết lần này đến lần khác, sau khi hồi phục cô ta lại ngồi khí cầu đáp xuống Geodia săn lùng sparklite. Mua thêm áo giáp, sắm thêm vũ khí? Sparklite. Xây dựng nhà xưởng, phát điện cho khu dân cư? Sparklite. Nạp lại đạn cho vũ khí, ăn bánh trả tiền? Cũng vẫn là sparklite. Xét theo nhiều nghĩa sparklite trong trò chơi cùng tên không khác dòng lifestream trong FFVII là mấy. Mọi thứ trong game đều xoay quanh sparklite.
Cơ chế chiến rất đấu đơn giản nhưng vẫn hấp dẫn
Có thể bỏ qua sự thanh thoát trong phần đánh đấm trông có vẻ cục súc của Ada bởi vũ khí chính của cô nàng là búa hammer, không phải kiếm và khiên như gã tai nhọn. Là kẻ thám hiểm già đời, tất nhiên Ada cũng có đủ kỹ năng để không bó tay chịu trói trước mấy con quái dữ dằn tại Geodia. Sử dụng chiếc búa hammer làm vũ khí, Ada có thể tấn công cận chiến rất nhanh nhưng sát thương trung bình hoặc gồng vài giây để sát thương cao hơn nhưng cô ta sẽ không thể lướt đi. Nhìn chung cơ chế chiến đấu khá thú vị, đôi khi tỏ ra khó khăn quá mức cần thiết bởi ban đầu khi chưa nâng cấp gì cả, nhân vật chính chỉ có 3 giọt máu, đồng nghĩa với việc bị quái chạm trúng 3 lần sẽ phi thăng về The Refuge ngay tắp lự.
Cơ chế chiến đấu khá ngặt nghèo nhưng được cái Sparklite không trừng phạt người chơi mỗi khi họ ngủm củ tỏi, ngoại trừ việc trang bị phụ trội lượm trên đường sẽ rớt hết cũng như nhiệm vụ đã nhận trước đó mất sạch. Đây là một quá trình tương đối cân não. Bạn nhận một nhiệm vụ có phần thưởng khá ngon, bạn đã gần đến nơi giao nhiệm vụ nhưng trên đường đến đó lại cố gắng mở bản đồ chút đỉnh ở vùng đất kế bên. Vô tình bạn điều khiển hơi chậm hơn đòn tấn công của quái vật một chút, thế rồi bạn chết và mất cmn luôn nhiệm vụ. Vì thế hãy suy nghĩ cẩn trọng mỗi khi bước sang một màn hình chưa được khám phá bởi có những hang động thoạt nhìn tưởng rất chi là vô hại nhưng bất thình lình sẽ khóa cổng và dẫn người chơi thẳng đến chỗ một con boss vô cùng hung dữ. Ada chết, nhiệm vụ cũng bị mất và quan trọng hơn hết, bạn rõ ràng đang còn trẻ, đang đầy HP và muốn đi chơi tiếp chớ không có nhu cầu ăn lá ngón ngay lúc này.
Bên cạnh nỗi buồn chết chóc, có một chuyện may mắn là các tinh thể sparklite sẽ không bị mất như những trang bị tạm thời hay nhiệm vụ. Phew, dù sao trò chơi này có tên là Sparklite chớ không phải là Dark Souls hay Bloodborne thế nên ít nhất chúng ta không phải quá căng não khi tính toán từng đòn tấn công của quái vật như cách mà Neo trong the Matrix hay làm. Chung quy thì đầu game vẫn hơi bị dễ chết vì có vài giọt máu nhưng chết không rớt tiền, ấy là vạn hạnh trong bất hạnh vậy.
Kết
Một trong những thành công lớn nhất của Red Blue Games với Sparklite chính là khả năng tạo ra bản sắc rõ ràng cho một sản phẩm thoạt nhìn sẽ bị kêu là lấy cảm hứng từ Legend of Zelda. Tất nhiên không phủ nhận vụ lấy cảm hứng nhưng như đã nói ở phần trên, thật là khó để một tựa game mới toanh khiến người ta tìm lại được cảm giác quen thuộc nhưng không bị đánh giá là chôm ý tưởng hay đạo nhái một cách rẻ tiền. Tinh tế và thô thiển chỉ cách nhau có một lằn ranh mỏng manh như sợi chỉ mành thôi quý vị ạ!
Bên cạnh vụ chiến đấu hấp dẫn, khả năng sử dụng màu sắc mang đậm tính nghệ thuật của Sparklite – điều thể hiện rõ ràng nhất trong từng khu vực của Geodia, cũng là thứ khiến bài đánh giá này buộc phải đưa ra lời khuyến nghị là NÊN CHƠI. Geodia nguy hiểm nhưng cũng rất đẹp, lại hay thay đổi thất thường như những cô gái đẹp lúc vừa biết yêu.
Từ vùng đồng bằng tươi tốt với những vạt cỏ xanh mơn mởn dưới nắng mai, thứ màu khiến người ta cảm thấy nhựa sống tràn đầy. Cũng vẫn là màu xanh nhưng các khu rừng rậm đầy nguy hiểm với lũ quái vật lúc nhúc lại cho người ta cái cảm giác gai người khi bước vào. Các khu công xưởng hay vùng đất phát triển công nghiệp lại là một màu xám đầy trơ trọi, được điểm xuyết thêm một vài nét cọ với tông màu tối khiến người ta bất chợt có cảm giác vô cùng ngột ngạt. Thế giới của Sparklite như đang bùng nổ đầy cá tính thông qua các sắc màu vậy.
Tóm lại Sparklite có đồ họa pixel art, có phong cách retro, có đủ màu sắc để khám phá. Nếu có hứng thú với một trong bất cứ yếu tố nào trong đó, lời nhắn nhủ vẫn là “nên chơi thử”, còn không cảm thấy trò chơi này có điểm gì hấp dẫn thì quả thật là đáng tiếc cho một ngày tuyệt đẹp như hôm nay!
Phát hành: Merge Games
Phát triển: Red Blue Games
Ra mắt: 14 tháng 11 năm 2019
Đánh giá trên: PS4
Nền tảng khác: Xbox One, PC, Nintendo Switch, PlayStation 4