Ra mắt khi xì-căng-đan bủa vây, Shenmue III sẽ là bóng ma quá khứ hay người hùng tương lai? - PC/Console

Nhà phát hành hống hách và nghi vấn gian lận, nhà sản xuất tham tiền và vô ơn, đó là vài lùm xùm quanh Shenmue III trước khi game chính thức ra mắt.

Thành công ở chất lượng nhưng thất bại tuyệt đối về mặt thương mại

Với game thủ của thế hệ từ 2000 trở về sau, thật khó để hình dung vì sao một game có đồ họa “xấu quắc” như Shenmue lại được nhiều người sùng bái đến như vậy. Mọt tui cảm thấy bản thân có trách nhiệm phải giải thích một chút về lý do tại sao Shenmue, một con game ngốn tiền phát triển kinh khủng của SEGA lại được coi là huyền thoại và được tôn kính tới như vậy.

Đầu tiên Shenmue được phát hành vào 29 tháng 12 năm 1999, tại thời điểm đó, thế giới mở trong game không giống như GTA, Assassin’s Creed, Sleeping Dogs hay bất cứ trò chơi nào có mang yếu tố sandbox mà chúng ta biết đến ở thì hiện tại. Thế giới (không mở) trong các trò chơi của thập niên 90 tỏ ra nhàm chán, không thú vị và tuyến tính đến mức game thủ không thể cảm nhận được đó là một thế giới đang vận động. Nó không sống cũng không tồn tại mà gần như chỉ đứng yên ở đó đợi bạn bước vào, nhìn ngó đôi chút, rồi lại bước đi như một vị khách không mời. Nguyên nhân thì thì vô thiên lủng nhưng chung quy đều nằm ở sự hạn chế về kỹ thuật lẫn công nghệ ở thời điểm đó.

Shenmue I & II – một phiên bản chỉ dành cho những ai hoài cổ

Khi Shenmue xuất hiện, ái chà chà, lần đầu tiên đám game thủ biết như thế nào là một thế giới đang tồn tại và vận hành bên trong một thế giới khác. Ryo Hazuki có thể đi đến bất cứ nơi nào anh ta muốn mà không bị hạn chế kiểu bạn phải nhận nhiệm vụ A mới được mở cửa cho vào điểm B như các RPG truyền thống. Tuyệt vời hơn thanh niên này còn được phép làm bất cứ chuyện gì anh ta muốn ở mọi nơi như mua đồ ở cửa hàng tiện lợi, chơi điện tử tại trung tâm game arcade, tản bộ công viên, hay tìm một công việc part time kiếm tiền,… Thế giới trong Shenmue chắc chắn là thế giới ảo nhưng khi nhập vai Ryo Hazuki, ai dám đảm bảo đó không phải là thế giới thật của nhân vật mà chúng ta đang sống tạm bên trong đâu?

Cả Shenmue I và II dường như đã đi trước thời đại nhiều năm khi xây dựng những khái niệm ban đầu về một thế giới mở trong game sẽ như thế nào. Dòng game này luôn khiến cho người hâm mộ đi từ sự ngạc nhiên này tới sự kinh ngạc khác mà không phải trò chơi nào cũng làm được. Đó là lý do tại sao Shenmue lại có một vai trò đặc biệt trong tim của người hâm mộ lâu năm. Nhưng về mặt thương mại Shenmue tuyệt đối là một thất bại điển hình của việc chỉ chú trọng chất lượng và xem thường khả năng sinh lợi của sản phẩm. Với tổng kinh phí từ 46 đến 70 triệu đô la, doanh thu mà trò chơi mang lại tuyệt đối không đủ để hòa vốn chớ đừng nói đến chuyện sinh lãi. Kết quả kinh doanh tồi tệ của game là một bi kịch nhưng càng bi kịch hơn khi nó trở thành một trong các nguyên nhân dẫn đến sự kiện còn bi đát hơn cho hệ máy Dreamcast của SEGA.

Ngốn nhiều tiền nhưng góp phần khai tử hệ máy Dreamcast

Vào năm 1997, cuộc chiến giữa các hệ máy còn khốc liệt hơn bây giờ khi miếng bánh thị trường vẫn còn trong giai đoạn có thể chấm mút chớ chưa định hình rõ ràng. Khi ấy Nintendo dù bị Sony đàn áp tới mức khó thở nhưng ít ra hệ máy N64 của họ vẫn có một cộng đồng hùng mạnh và trung thành. Trong cuộc đấu tranh người sống ta chết ấy, xui xẻo nhất hẳn là Sega Saturn, kẻ vốn đã được dự đoán từ đầu sẽ chết từ trong trứng dù cho có bám lấy cái bóng của gã khổng lồ SEGA. Cuối cùng thì cỗ máy ấy cũng chết thật ông giáo ạ, với vỏn chỉ hơn 9 triệu máy trên toàn cầu, cái tát quá đau cho tham vọng trở thành đối thủ của N64, chớ chưa dám mơ đến ông kẹ Playstation. Sau vài bổ sung táo bạo về nhơn sự, tham vọng cuối cùng hay giấc mơ ảo mộng về console của SEGA đã được cụ thể hóa vào cuối năm 1998 với tên gọi Dreamcast.

lịch sử console war

Đây là một hệ mấy khiến cho người ta vừa tiếc vừa hận. Tiếc là vì so sánh cấu hình phần cứng với Nintendo 64 và Playstation thì Dreamcast quả thật cứ như người cõi trên vậy. Hệ máy này sở hữu cấu hình cực khủng vào thời bấy giờ như chip đồ họa PowerVR của VideoLogic, CPU SuperH SH4 200MHz, tận 16MB RAM và thậm chí là cả modem kết nối internet để chơi mạng. Với cấu hình như vậy, Dreamcast xứng đáng với tên gọi cỗ máy chơi game có cấu hình mạnh nhất lúc mới ra mắt. Còn về hận thì chỉ sau đó một năm, vào ngày 04/03/2000, Sony mở màn với phát đạn chí tử mang tên PlayStation 2. Cỗ máy sở hữu CPU Emotion 300 MHz, 32MB RAM cùng kho game đồ sộ đến từ hàng trăm nhà phát triển trên toàn thế giới. Tiếp theo đến lượt Nintendo ngại gì mà không bỏ đá xuống giếng cùng hệ máy GameCube giống cọng rơm cuối cùng đè chết tham vọng cạnh tranh trong lĩnh vực console SEGA.

Thực ra Dreamcast còn chưa chết hẳn thế nhưng nhiều sai lầm tiếp theo đã góp phần không nhỏ đẩy ngã luôn bức tường gạch vốn đã rất xiêu vẹo này. Đầu tiên là chuẩn GD-ROM có lỗ hổng bảo mật nằm ở mã boot đĩa trong BIOS khiến kẻ gian quá dễ dàng bẻ khóa nhằm chơi lậu game trên Dreamcast. Đội ngũ phát triển của hãng lại tỏ qua quá bị động khi trông chờ vào các studio phát triển đến từ bên thứ 3. Không ít tựa game đa nền đã quyết định bỏ rơi Dreamcast trong khi những phiên bản cho PS2 hay GameCube vẫn được ra mắt đều đặn. Thêm vào đó chi phí để thực hiện những tựa game độc quyền cho hệ máy này lại bị đội giá quá mức cho phép, ví dụ như Shenmue đã tiêu tốn của SEGA hơn 46 triệu đô la để hoàn thành (có nguồn còn cho rằng con số thực tế phải lên đến 70 triệu).

lịch sử console war
Lịch sử console war: SEGA đã lụn bại như thế nào
SEGA từng đập bẹp Nintendo, nhìn Sony bằng nửa con mắt và là một thế lực trụ cột trong lịch sử console war thế giới trước khi suy sụp và từ bỏ mảng cosole.

Thậm chí ở thời điểm năm 2019, việc tiêu tốn 46 triệu đô la để hoàn thành một con game vẫn là con số hơi bị khủng hoảng chứ không cần nói đến vật giá ở thập niên 90 làm gì. Tất nhiên Shenmue không phải là kẻ chịu trách nhiệm chính trong việc khai tử Dreamcast thế nhưng chắc chắn việc tiêu tốn quá nhiều tài nguyên của công ty để đầu tư cho trò chơi độc quyền đắt đỏ này cũng góp phần không nhỏ khiến SEGA phải tuyên bố ngừng sản xuất Dreamcast và chính thức khai tử hệ máy này vào ngày 31/1/2001. Không phủ nhận Shenmue là một trò chơi hay ho đồng thời đưa ra nhiều ý tưởng mới lạ về thể loại game thế giới mở nhưng có lẽ công trạng lẫn tội trạng của trò chơi vẫn sẽ là một vấn đề gây tranh luận trong nhiều năm nữa, mỗi khi có ai nhắc đến vụ án Dreamcast bị khai tử.

Shenmue III chưa kịp ra mắt đã dính phốt đầy mình

Sau nhiều năm chờ đợi dự án gọi vốn cho Shenmue III ra mắt mau chóng thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng động game thủ. Người ta vẫn còn rất nặng tình với sản phẩm của Yu Suzuki, bằng chứng là dù liên tục bị trì hoãn ngày ra mắt, dự án gọi vốn trên Kickstarter đã quyên góp được 7 triệu USD. Những khoảng tiền đó sẽ được NSX hứa hẹn dùng để đầu tư xây dựng Battle System Expanded: AI Battling, một hệ thống mà theo thông tin từ trang chủ của trò chơi cung cấp, sẽ hỗ trợ khá đắc lực cho những ai vốn không thật sự quen thuộc với việc chiến đấu trong trò chơi. Thậm chí Yu Suzuki đã nâng mục tiêu gọi vốn lên 11 triệu USD để đội ngũ phát triển có thêm kinh phí nhằm hoàn thiện những bản đồ mở rộng, các lớp nhân vật mới cùng một vài mini-games thú vị mà game thủ có thể trải nghiệm khi trò chơi chính thức ra mắt.

Giá như mọi chuyện cứ mãi như thế thì rất tuyệt vời nhưng cuộc đời mấy ai biết được chữ “ngờ” nó tròn méo ra sao. Giữa tháng 6/2019 rất nhiều fan hâm mộ đã phản đối dữ dội khi có thông tin rò rỉ về việc Shenmue III thay vì phát hành trên Steam sẽ trở thành tựa game độc quyền của nền tảng Epic Store. Cơn giận dữ của những người hâm mộ lẫn các backer từng quyên góp rất nhiều tiền cho phi vụ gọi vốn trên Kickstarter kinh khủng đến nổi Ys Net, nhà phát triển độc lập do Yu Suzuki sáng lập phải nhanh chóng đăng đàn để đưa ra thông báo trấn an cộng đồng.

Để độc quyền Shenmue III, Epic Store sẵng sàng hoàn tiền Kickstarter cho game thủ

Trong thông báo vào tháng 6, Ys Net từng nói rằng mọi chuyện chỉ mới nằm mức thảo luận và cân nhắc, rằng Epic Store hay Steam đều là những nền tảng phát hành game có cơ sở vững chắc nhưng chung quy mọi thứ còn phải chờ quyết định sau nhiều cuộc thương thảo. Bản thân Yu Suzuki cũng cho rằng còn quá sớm để nói rằng Shenmue III sẽ thuộc về ai và ông cùng các đồng nghiệp tại Ys Net luôn quan tâm cũng như lắng nghe mọi đề xuất từ phía người hâm mộ.

Mọi chuyện nghe có vẻ rất xuôi tai cho đến những ngày đầu tháng 7/2019 khi nhà sáng lập Epic Store là Tim Sweeney đã đăng lên Twitter một nội dung khẳng định rằng Shenmue III phải thuộc về họ và những ai từng góp tiền ủng hộ cho Yu Suzuki trên Kickstarter nếu không thích chơi game trên Epic Store sẽ được hoàn trả lại tiền. Rất nhanh chóng sau đó, Ys Net cũng đăng tải một thông tin lý giải cho việc hợp tác độc quyền cùng Epic Store cũng như chính sách hoàn lại tiền cho các backer của Kickstarter.

Có nên mua Shenmue III? - Hãy đọc và quyết định nhé!

Nói chung nguyên nhân mà họ vẽ ra thì nhiều lắm, nào là ban đầu chúng tôi định phát hành trên Steam nhưng sau khi thương thảo cùng Deep Silver và Epic Games thì thấy chuyện đó không thật sự hợp lý. Nào là Deep Silver không đơn thuần là một đối tác phát hành, ngoài đội ngũ tiếp thị và quảng bá sản phẩm lành nghề, họ còn là một đơn vị giàu kinh nghiệm có thể giúp bổ sung các phần còn thiếu sót cho Ys Net. Hay Epic Games đã đồng hành cùng Ys Net ngay từ khi bắt đầu dự án và Shenmue III sử dụng Unreal Engine 4 nên được Epic hỗ trợ rất nhiều. Thôi thì một lô một lốc các lý do nhưng lý do quan trọng nhất là TIỀN ăn chia được Epic trả cao hơn Steam thì chẳng mảy may đả động câu nào.

Cũng giống như các tựa game khác, Shenmue III sẽ có nhiều phần thưởng hấp dẫn dành cho những ai đặt hàng trước. Nhưng buồn cười ở chỗ, ngay cả khi bỏ tiền ra ủng hộ dự án từ trứng nước lúc còn vật vã gọi vốn trên Kickstarter, nhà phát hành vẫn chẳng thèm tỏ chút lòng biết ơn nào khi không có nổi một món quà nho nhỏ để tri ân những ngày còn hàn vi. Nếu đặt mua từ trên Amazon, game thủ sẽ nhận được một bộ trang phục khá đẹp có tên Kenpogi. Nếu mua từ Best Buy, game thủ sẽ được tặng một steelbook (hộp đĩa bằng kim loại) phiên bản giới hạn. Còn nếu bạn mua Shenmue III từ GameStop, phần quà sẽ là một tấm mề đay khắc hình “cái gương rồng phượng” trong game để làm kỷ niệm. Vâng, có vẻ hoành tráng và những người từng ủng hộ Yu Suzuki thuở còn hàn vi thì chẳng có nổi một chiếc tăm xỉa răng để làm thuốc, thật hoang đường!

Kết

Đến lúc này khi chính thức ra mắt Shenmue III vẫn chưa thoát khỏi các xì-căng-đan như bị tố thuê người clone tài khoản hàng loạt để vote điểm cao trên trang tổng hợp đánh giá Metacritic. Vụ việc được phát hiện bởi một người dùng Reddit mang tên Nogebator18, sau khi nghi ngờ của anh ta được đăng tải, cộng đồng lao vào lùng sục và nhanh chóng phát hiện quá nhiều điểm đáng ngờ xung quanh trò chơi này. Đầu tiên hầu hết các tài khoản chấm điểm 10 cho Shenmue III đều mới được đăng ký đồng thời chỉ chấm điểm cho mỗi tựa game này. Đáng ngờ hơn, các tài khoản mới tạo này còn chấm điểm cho Shenmue III trên cả hai nền tảng PC và PS4.

Ra mắt khi xì-căng-đan bủa vây, Shenmue III là bóng ma trong quá khứ hay người hùng của tương lai?

Thật quá sức chịu đựng khi họ nghĩ họ có thể lừa gạt người khác bằng cách đó. Lấy ví dụ đơn giản nhất là một fan hâm mộ kỳ cựu của Red Dead Redemption 2 cũng không bao giờ mua hai bản game cho hai nền tảng khác nhau. Shenmue III tuổi gì để đạt cảnh giới như vậy? Rõ ràng Epic Games (chưa rõ Yu Suzuki và bộ sậu tại Ys Net có dính líu vào vụ fake review này hay không) thật thô bỉ khi nghĩ rằng họ có thể lừa gạt người chơi theo cách như vậy. Bản thân Mọt tui chưa chơi qua Shenmue III nhưng theo đánh giá của những người từng trải nghiệm nó, đây là một tựa game khá kén người chơi. Nếu là fan hâm mộ trung thành, người ta sẽ chấp nhận khoan thai bước đi cùng Ryo Hazuki đến điểm cuối cùng của chặng đường phiêu lưu. Nhưng một khi đã không ưa từ giây phút ban đầu, Shenmue III sẽ chẳng còn ưu điểm gì để bạn không buông lời cay đắng với trò chơi.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e