Bloodstained: Ritual of the Night và sự lựa chọn của game thủ - PC/Console

Bloodstained: Ritual of the Night là ví dụ rõ ràng nhất cho việc game thủ chẳng quan tâm tới nhà phát hành lớn, mà người làm ra tựa game đó là ai mà thôi.

Đối với game thủ, một tựa game “thừa kế tinh thần” như Bloodstained: Ritual of the Night nhiều khi còn đáng giá hơn bất kỳ bom tấn nào, đơn giản chỉ vì nó đến từ chính cha đẻ của seri Castlevania. Cộng đồng game thủ không chọn nhà phát hành, họ luôn giành tình cảm của mình cho những lập trình viên đã thổi hồn vào những seri huyền thoại nổi tiếng qua nhiều năm.

Konami - Những ấn tượng xấu xí và tai tiếng nhất
Konami không phải là một công ty có môi trường tốt cho nhân viên phát triển. Rất nhiều bằng chứng cho thấy họ hành xử xấu xí như nào với nhân viên.

Bloodstained: Ritual of the Night là thí dụ rõ ràng nhất cho việc một tựa game có thể thành công ra sao dựa vào hào quang trong quá khứ, chỉ cần cộp cái mác “truyền nhân của Castlevania” và có một nhân vật nổi trội đứng sau, hứa hẹn sẽ làm mọi thứ để đưa đứa con của mình trở về – là đã đủ cho game thủ phát cuồng lên rồi. Kể từ khi Bloodstained: Ritual of the Night còn chưa ra đời nó đã nhận được sự chú ý đặc biệt, chủ yếu đến từ Koji Igarashi – một trong những người đã tạo ra Castlevania: Symphony of the Night.

Khi một seri game nào đó đạt tới tầm huyền thoại, rất nhiều game thủ sẽ bắt đầu thuộc tên và nhớ rõ ràng đến từng chi tiết cũng như các nhân vật chủ chốt của tựa game đó. Thí dụ như khi nhắc tới Metal Gear Solid là Hideo Kojima hay các bản nhạc kinh điển của Final Fantasy là Nobuo Uematsu (với đỉnh cao là bài Suteki Da Ne trong FFX)… khi những người này rời bỏ hãng game mà họ cộng tác, thì cộng đồng mặc nhiên đánh tụt seri đó xuống một cách thảm hại, bất chấp lý do bên trong đúng sai ra sao.

Bloodstained: Ritual of the Night

Chả nói đâu xa cứ nhìn Konami trở thành nhân vật phản diện trong năm khi Hideo Kojima bỏ đi, cũng như sau đó Metal Gear Survive trở thành một đống rác rưởi bị ăn chửi từ trên đầu cha chửi xuống là thấy cộng đồng phản ứng mạnh mẽ cỡ nào. Vấn đề đặt ra ở đây là đối với một số seri game, các fan trung thành của nó sẽ đi theo người nào có thể đưa tựa game đó tới đỉnh cao, chứ không phải một ông lớn nào đó đứng sau phát hành.

Không có Konami cũng chẳng sao cả, Hideo Kojima vẫn tuyên bố sẽ phát hành một tựa game cho riêng mình và đó là Death Stranding mà chúng ta đã thấy. Ngay từ khâu đầu tiên cái game này hệt như một đống hổ lốn, với nhân vật lối chơi cùng cốt truyện được xây dựng theo kiểu có trời mới biết được nó muốn nói về cái gì. Nhưng bất chấp những điều đó thì Death Stranding vẫn là một hiện tượng thu hút sự chú ý, một cái hắt hơi của nó thôi cũng đủ để cộng đồng phát điên cả lên.

Ngay cả khi Death Stranding đã ra một cái trailer giới thiệu cùng ngày ra mắt chính thức, thì mọi việc vẫn mù tịt như đêm 30, đó là chưa kể cái hình nộm kinh dị đi kèm nữa. Sức ảnh hưởng của Hideo Kojima đủ sức che lấp mọi vấn đề, như kiểu chỉ cần dán tên ông ta lên thì bạn có thể lấy một củ khoai tây ra bán cũng có lời được, Bloodstained: Ritual of the Night chưa đạt tới tầm siêu sao như vậy nhưng cũng chả kém mấy đâu.

Các seri game huyền thoại rất khó để giữ được sức hút của chúng theo thời gian, khi mà nhà phát hành phải tìm cách cân bằng lối chơi cổ điển và làm cách nào đó để hút thêm fan mới (trừ trường hợp của những thể loại khốn nạn như EA đã làm với Dead Space). Nó tạo ra sự xung đột với các lập trình viên gạo cội như Hideo Kojima và Koji Igarashi, cho đến khi hai bên không thể cùng hợp tác và đổ vỡ. Cách giải quyết là phải tìm cách “remake” lại cái game đó, nhưng hầu hết là không thành công như cách mà Konami đã làm với Castlevania.

Các nhân vật như Hideo Kojima hay Koji Igarashi là điển hình của văn hóa “người sáng tạo huyền thoại” mà game thủ tôn sùng, chỉ có họ mới có thể vỗ ngực xưng tên rằng mình là người đã đưa các seri đó lên đỉnh cao mà thôi. Có thể trong tương lai một tựa game khác sẽ thay thế cho những huyền thoại cũ, hay thứ gì đó với lối chơi tương tự ra đời nhưng di sản mà bọn họ để lại gần như vĩnh cửu.

Bloodstained: Ritual of the Night và sự lựa chọn của game thủ

Koji Igarashi cũng tách ra làm một studio mới nhưng thay vì phát triển một tựa game độc lập thì ông ta lại chọn cách thường thấy là hồi sinh đứa con của mình, việc này về cơ bản nó là một cú khởi nghiệp với tỉ lệ rủi ro rất nhỏ. Cộng đồng luôn muốn tìm kiếm lại kỷ niệm, bọn họ cũng rất dễ tính với các huyền thoại đang tìm kiếm sự hỗ trợ. Không phải ngẫu nhiên mà Bloodstained: Ritual of the Night gọi vốn được tới hơn 5,5 triệu USD thông qua Kickstarter và trở thành tựa game đứng thứ 2 trong lịch sử về mức độ gây quỹ. Chỉ cần riêng cụm từ hồi sinh lối chơi cũ của Castlevania, là đã đủ gây hứng thú cho game thủ rồi, chứ chưa cần bàn tới nó còn được thực hiện bởi Koji Igarashi.

Tất nhiên mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy, trường hợp của Mighty No. 9 cũng như vậy khi nó có xuất phát điểm y chang Bloodstained: Ritual of the Night – đó là cũng xuất phát từ việc kế thừa một seri huyền thoại (Mega Man), do cha đẻ của nó chính tay thực hiện (Keiji Inafune), đạt được sự kỳ vọng lớn của cộng đồng cùng hàng tá tiền thu về thông qua việc gây quỹ. Mighty No. 9 cũng lập kỷ lục, nhưng là kỷ lục tựa game có trailer bị ghét nhất mọi thời đại, hình ảnh xấu nhất, tiêu pha tốn kém thừa thãi nhất và gây thất vọng nhất dưới cái mác “hồi sinh”.

Bloodstained: Ritual of the Night và sự lựa chọn của game thủ

Kỳ vọng càng lớn thì tất nhiên áp lực cũng càng lớn, Bloodstained: Ritual of the Night cũng từng phải hoãn ngày ra mắt, chỉnh sửa lại đồ họa trước khi đạt được thành công như hiện tại. Hideo Kojima hay bất cứ ai khác từng tạo nên các seri lớn, nói chính xác thì khi ra riêng họ đang tự đánh cược với danh tiếng mà mình đã tạo dựng qua suốt bao nhiêu năm. Cộng đồng game có thể mặc xác các nhà phát hành lớn và đi tới ủng hộ những nhân vật quen thuộc, chỉ có điều mọi thứ phải được trả giá tương xứng – bạn làm ngu thì coi như sẽ chẳng có cơ hội mà sửa chữa đâu.