Sau nhiều năm “ăn nằm” cùng chiếc PC èo uột không thể chạy bất cứ thứ gì được tạo ra sau thời điểm 2004, cuối cùng tôi đã tiết kiệm đủ tiền để nâng cấp dàn máy. Với trọng tâm là chiếc GTX 460, ước mơ trải nghiệm những siêu phẩm mới với sự phấn khích tột độ, cùng tốc độ khung hình lý tưởng đã ở ngay trước mắt.
Tất nhiên, như bao game thủ PC khác cùng thời, tôi đã ưu ái chọn Crysis để thử nghiệm hệ thống mới. Lý do rất đơn giản: nếu cỗ máy của bạn có thể chạy Crysis với tốc độ khung hình ổn định, thì nó rõ ràng khá “ngon lành”.
Tôi bắt đầu bật PC lên, Windows khởi động, mọi thứ đều tốt đẹp. Sau đó tắt đèn, bấm vào icon Crysis và chuẩn bị trải nghiệm những màn combat rực lửa trong khu rừng tuyệt sắc. Tôi đi qua phần mở đầu, nơi biệt đội của nhân vật chính nhảy ra khỏi máy bay. Tốc độ khung hình vẫn rất tốt. Tôi rất vui mừng. Giấc mơ đã trở thành hiện thực.
Nhưng sau đó tôi nghe thấy… một tiếng nổ, rồi trông thấy một tia sáng xanh và màn hình thì chuyển sang màu đen. Đen như một đêm thảo nguyên không trăng. Trái tim tôi đập mạnh liên hồi và nỗi sợ hãi lập tức ập đến. Phải chăng Crysis vừa “giết” chiếc PC mới toanh mà mình phải chắt chiu dành dụm mới mua được?
Thành thật mà nói, lúc đó tôi không phải một người thông thạo nhiều về việc build máy tính. Đây là chiếc PC đầu tiên tự mình dựng nên, nhưng bản thân lại chủ quan không nghiên cứu kỹ về sự quan trọng của các đơn vị cung cấp điện. Hóa ra tôi đã quá xem nhẹ đến chất lượng của PSU.
Tôi đã cố tiết kiệm thêm chút bằng cách mua một cái PSU rẻ tiền, không có thương hiệu và ở mức điện áp tối thiểu tuyệt đối mà hệ thống của tôi sẽ (về lý thuyết) cần. Nhưng việc GTX 460 phải xử lý Crysis ở mức cài đặt đồ họa gần như tối đa là quá sức cho nó. Thế nên, nó đã nổ tung theo đúng nghĩa đen và để lại khung cảnh “rùng rợn” sau đó.
Vì vậy, Crysis quả thật đã góp phần “giết” chiếc PC mới, nhưng không thể phủ nhận phần lớn lỗi là do tôi… Ừ, thì đúng vậy đấy, toàn bộ là lỗi của tôi, được chưa? GPU quá mạnh đối với PSU. PSU thì quá “rởm”. Còn Crysis thì quá ngốn cấu hình.
Kể cũng may, cứ nghĩ vụ nổ sẽ làm hỏng luôn bo mạch chủ và RAM, nhưng khi nhận về PSU mới vào cuối tuần đó, thật nhẹ nhõm khi biết mọi thứ đều hoạt động tốt. Nhưng quả thực, tôi đã có thể dễ dàng hủy hoại cả hệ thống của mình và chịu cảnh “trống vắng” PC trong vài tháng tiếp theo. Đó thật sự là điều không thể nào chịu đựng được.
“Biến cố” đêm đó làm tôi bị ám ảnh. Bất cứ khi nào mở máy chơi Crysis sau này, tôi đều có cảm giác sợ hãi khi đi qua phần mở đầu. Mặc dù PC hiện tại hoàn toàn có thể xử lý Crysis mà không gặp vấn đề gì, tôi vẫn cứ mường tượng lại tiếng nổ đó, nhìn thấy ánh sáng chớp nháy đó.
Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã được dạy cho một bài học đắt giá: Đừng keo kiệt với cái PSU của bạn. Hãy chọn mua từ những thương hiệu đáng tin cậy và được đánh giá chất lượng lâu dài. Nếu bạn đang mua một bộ phận mới cho PC, hãy đảm bảo rằng nó có thể xử lý điện áp. Đây là những sai lầm mà tôi tự hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ tái diễn.