Trong ngành công nghiệp điện ảnh, có lẽ các bộ phim được chuyển thể từ video game luôn gặp phải “dớp”, hay còn gọi là lời nguyền. Gần như tất cả các bộ phim dựa trên video game đều bị đánh giá tệ tới rất tệ, rất hiếm có bộ phim nào có chất lượng ở mức vừa tầm chứ đừng nói là xuất sắc. Điểm xuyết thêm vào lời nguyền đó là ông trùm Netflix với bộ phim The Witcher khiến game thủ ngày càng ái ngại ngay cả khi phim chưa trình chiếu.
Trên thực tế thì điều này cũng dễ hiểu. Trải nghiệm của video game là sự chủ động, tức người chơi sẽ tự cảm nhận thông qua các nhiệm vụ hay lựa chọn tương tác với các NPC trong cốt truyện. Trái ngược với game thì trải nghiệm điện ảnh lại là bị động, tức khán giả chỉ có thể xem những gì mà biên kịch cho họ xem mà không có sự lựa chọn nào khác. Bên cạnh đó, thời lượng quá khác biệt giữa 2 hình thức giải trí cũng là vấn đề khiến các bộ phim ăn theo game không đạt được chất lượng như mong muốn.
Half-Life
Mặc dù cả Half Life 1 và 2 đều cho người chơi những trải nghiệm về mặt cốt truyện ấn tượng. Tuy nhiên, để đưa Half-Life lên phim lại là một vấn đề khác, toàn bộ cả 2 phần game đều để lại những câu hỏi chưa có lời giải đáp cụ thể. Nếu có Half-Life the movie bám sát với trò chơi điện tử, tôi dám chắc nó sẽ không phải là một bộ phim hấp dẫn với dân hâm mộ điện ảnh.
Có thể nói bối cảnh của Half-Life rất phù hợp để làm một bộ phim khoa học giải tưởng. Nếu muốn hấp dẫn với đa số người xem, có lẽ nhà sản xuất phải thay đổi khá nhiều tình tiết trong trò chơi gốc, mang lại một bộ phim trọn vẹn chứ không phải bỏ ngỏ như trò chơi hiện tại. Nhưng nếu vậy, các fan lâu đời của Half-Life sẽ chẳng chấp nhận được 1 bộ phim như vậy, và cũng chẳng mấy khi đức ngài GabeN lại cho spoil cốt truyện của Half-Life 3 qua phim như vậy.
Fallout
Về cá nhân tôi thấy Fallout nếu được phát triển thành một phim truyền hình nhiều tập sẽ hợp lý hơn. Chúng ta có thể thấy phạm vi câu chuyện của Fallout rộng lớn tới mức nào, và nó không thể nào được (bị) nhồi nhét vào một bộ phim điện ảnh với thời lượng chỉ 3 tiếng đồng hồ. Và cũng như Mass Effect, bạn phải nhặt nhạnh rất nhiều tư liệu rải rác khắp game để hiểu về thế giới của Falout, một khi hiểu cặn kẽ bạn mới thấy nó… hay.
Bên cạnh đó, bạn có biết trải nghiệm mà các phần Fallout (trừ Fallout 76) muốn hướng tới cho game thủ là gì không? Đó là sự cô lập. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác một mình đi qua những vùng đất hoang tàn, cằn cỗi sau khi bom hạt nhân nổ. Mặc dù sự tương tác với những người chơi khác cũng có, nhưng sự hấp dẫn của Fallout nằm ở việc mỗi người chơi cô lập đi lại trong thế giới hoang sơ đổ nát đó. Và thật khó để đưa sự cô lập đặc trưng đó của trò chơi lên màn ảnh rộng.
Hơn nữa, ai lại cần một bộ phim Fallout khi chúng ta đã có Mad Max cơ chứ.
Metroid
Vào thời điểm giữa năm 2016, Nintendo có chia sẻ rằng họ muốn làm một bộ phim dựa trên nhượng quyền thương mại mang tính biểu tượng của mình. Tin tức này ngay lập tức khiến người hâm mộ cả video game lẫn điện ảnh phải “rùng mình” nhớ lại Super Mario Bros.: The Movie kinh điển một thời. Đó thật sự là bộ phim không ai muốn nó tồn tại một chút nào. Thế quái nào Mario mà lại sợ nhảy???
Quay trở lại với Nintendo, khi đó Metroid là cái tên ứng cử sáng giá nhất cho một bộ phim chuyển thể. Bối cảnh khoa học viễn tưởng hấp dẫn, cuộc chiến đầy gay cấn giữa thợ săn tiền thưởng Samus Aran với lũ người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, cũng giống như Fallout tôi vừa đề cập ở trên, hầu hết mọi người đều không đồng tình việc đưa Metroid lên màn ảnh rộng.
Dòng game Metroid cũng tập trung cho người chơi một trải nghiệm cô lập. Các bộ phim điện ảnh thường yêu cầu rất nhiều đối thoại tương tác giữa các nhân vật. Tuy nhiên cốt truyện của Metroid lại rất khó để phát triển theo chiều hướng tương tác nhiều như vậy. Nói cách khác, một bộ phim Metroid là điều không ai khuyến khích Nintendo làm làm gì cả.
Kingdom Hearts
Chắc chắn rồi, một hoặc loạt phim dựa trên trò chơi Kingdom Hearts gần như là điều không thể. Cho dù đây là màn cross-over cực đỉnh của các nhân vật Nhà Chuột. Nhưng đó cũng chính là vấn đề khi có quá nhiều nhân vật của Disney sẽ khiến cho bộ phim bị loãng. Tỷ lệ lên hình của các nhân vật sẽ không có nhiều.
Bên cạnh đó, series Kingdom Hearts còn sở hữu một cốt truyện rối rắm và phức tạp khét tiếng trong làng game. Các trò chơi trong series không thiếu những bất ngờ (thậm chí là quá nhiều bất ngờ không cần thiết). Người chơi liên tục phải đặt mình trong tâm thế hồi hộp, vì không rõ trò chơi sẽ lại “sáng tạo” thêm diễn biến gì. Chưa kể tới những trò chơi ăn theo Kingdom Hearts trên các nền tảng khác liên tục bổ sung vào cốt truyện chính, tạo thành một mớ bòng bong mà game thủ không bao giờ có thể thoát được.
Tin tôi đi, nếu có một ngày Kingdom Hearts được làm thành phim, khán giả trong rạp chỉ có thể hô “What the f***?” trong suốt toàn bộ 120 phút thời lượng phim. Rồi sau đó bước ra khỏi rạp với bộ mặt không thể đần hơn vì chẳng hiểu được Kingdom Hearts the movie nói tới cái gì.
Call of Duty
Có thể nhiều bạn sẽ thấy lạ lẫm khi có tên Call of Duty trong danh sách này. Thương hiệu này có đầy đủ những tiêu chí để được phát triển thành một bộ phim điện ảnh bom tấn. Cốt truyện hấp dẫn, tình tiết gay cấn, có đầy đủ các Plot Twist làm điểm nhấn, mối quan hệ giữa các nhân vật được phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu để sản xuất thành một bộ phim, tôi không nghĩ Call of Duty sẽ thành công.
Đầu tiên là do thời lượng của một bộ phim có lẽ chỉ bằng 1 phần 3 thời lượng của game, nên chắc chắn Call of Duty movie sẽ rơi vào tình trạng giải thích cốt truyện một cách khá chung chung. Với chỉ khoảng 2 tiếng, nhà sản xuất buộc phải phân bổ đều cho việc xâu chuỗi các tình tiết cùng với các phân cảnh hành động bắn súng (đặc sản của Call of Duty). Vậy nên bộ phim sẽ khó có thể đẩy được cảm xúc của khán giả lên cao nhất.
Còn nếu Call of Duty Movie được xây dựng theo chiều hướng thiên về hành động, kịch bản cốt truyện được làm đơn giản đi thì có lẽ nó không phải là một bộ phim chuyển thể từ game, cái chất của Call of Duty nằm ở cốt truyện về những người lính lại chỉ được làm qua loa, đại khái là không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, ngành điện ảnh cũng đã có rất nhiều những bộ phim thiên về hành động và cháy nổ rồi.
Call of Duty có thể là một thương hiệu game quen thuộc với cộng đồng game thủ. Nhưng nếu thành một bộ phim, nó sẽ chỉ là một cái tên mới mà nhiều người còn dè dặt, phân vân về chuyện bỏ tiền ra rạp mà thôi.
Tạm kết
Cho tới giờ, những bộ phim được chuyển thể từ video game vẫn là một thứ gì đó khiến người hâm mộ phải dè chừng. Mặc dù hiện nay, các trò chơi đều được phát triển theo hướng đậm chất điện ảnh, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó có thể được gói gọn lại từ 15 tiếng xuống còn hơn 2 tiếng đồng hồ.
Trải nghiệm các trò chơi điện từ vẫn khác biệt hoàn toàn so với trải nghiệm điện ảnh. Và việc hòa hợp được 2 kiểu trải nghiệm đó lại thành một tới giờ vẫn là một bài toán khó với các nhà sản xuất. Trong lịch sử cũng đã có không ít những sản phẩm ăn theo game nhưng chất lượng cực kỳ tệ hại. Nó ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của các bản game gốc.
Với cá nhân tôi, có những tựa game không bao giờ được phép chuyển thể thành phim. Ấn tượng, cảm xúc của người hâm mộ về một trò chơi điện tử sẽ không bao giờ có thể bù đắp được bởi một trải nghiệm ăn theo hời hợt và tệ lậu. Tất nhiên cũng có những sản phẩm hiếm hoi đạt được một số thành công nhất định, nhưng đáng tiếc nó quá ít và người làm nên nó hầu như phải làm một cuộc thay máu toàn bộ dàn nhân vật cũng như thế giới như Resident Evil hay phải là một thiên tài như Steven Spielberg để làm nên một cú “nhào trộn” thần thánh như Ready Player One. Nhưng hãy nhớ rằng phim Resident Evil lệch hẳn ra khỏi thế giới game tạo thành một “vũ trụ thứ 2” còn Ready Player One là phim được tạo ra dành cho game thủ hơn là một phim chuyển thể từ game.
- Có những tựa game không nên chuyển thể lên phim – P.1
- Có những tựa game không nên chuyển thể lên phim – Phần cuối