Với việc cửa hàng game của Epic ra đời và cạnh tranh trực tiếp với Steam, những tưởng cộng đồng game thủ sẽ có thêm nhiều lựa chọn với các mức giá “mềm” hơn, nhưng thực ra thì không phải vậy khi nó chỉ đem tới nhiều phiền toái hơn hơn là tiện dụng.
Có một điểm khiến cho PC bất tiện hơn console khi mua game, đó là nền tảng phân phối của nó vô cùng đa dạng, không như console chỉ có đúng 2 kênh phát hành là mua đĩa vật lý hoặc trực tiếp trên store của hệ máy đó thì PC lại “chia 5 xẻ 7” rất nhiều. Nếu như cách đây vài năm Steam gần như là ông lớn hoàn toàn độc bá dịch vụ phân phối, tất cả các game PC từ bom tấn cho tới indie đều lũ lượt xếp hàng kéo nhau lên Steam để chuẩn bị đến tay người hâm mộ, tất nhiên vẫn còn một vài hệ thống nhỏ lẻ khác nhưng không đáng kể lắm.
Nhưng nay thì thời thế đã đổi khác với sự có mặt của cửa hàng game trực thuộc Epic, tuy sinh sau đẻ muộn hơn Steam nhưng với nguồn vốn khổng lồ kèm theo vô số ưu đãi cho cả nhà phát hành lẫn game thủ, Epic đã lôi kéo được rất nhiều game độc quyền về dưới trướng mình. Trong năm vừa qua chúng ta đã thấy vô số game đã “từ bỏ” Steam để chạy sang đầu quân cho Epic, một trong đó có thể kể đến như Metro Exodus, Control hay bom siêu tấn Borderlands 3 độc quyền hoàn toàn cho Epic.
Mặc dù một số tựa game ban đầu phát hành trên cửa hàng game Epic đã chuyển lại sang Steam, nhưng nó cũng gây ra vô số phiền phức cho người dùng. Nhất là những game thủ lâu năm đã quen dùng Steam và có hàng trăm game trong thư viện, bảo họ chuyển đổi hoàn toàn qua một nền tảng mới thực sự rất lười.
Từ cuối năm tới dịp cận tết Nguyên Đán vừa rồi, Epic đã liên tục tặng game miễn phí để thu hút game thủ về nền tảng của mình, với quyết tâm cạnh tranh với Steam cho bằng được. Nhưng nó cũng dẫn tới một tình trạng là bây giờ cứ tựa game AAA nào ra mắt, game thủ cũng phải lo lắng xem nó có lại tiếp tục “chòi” lên Epic hay không. Khác với các cửa hàng game trên console, PC gặp một vấn đề rất lớn là chênh lệch giá cả cũng như phân vùng, cả Steam lẫn Epic đều có trợ giá khá tốt nhưng nếu nói cụ thể như game thủ Việt Nam, thì một vài game trên Steam lại có lời hơn Epic và ngược lại.
Điều này khiến cho nếu như không phải là một người quá dư dả, thì bạn sẽ phải đắn do suy nghĩ khi muốn gắn bó với một cửa hàng game nào đó. Hơn nữa với tâm lý của phần đông người dùng, thì việc mua game không chỉ là để chơi mà còn mang ý nghĩa sưu tầm nữa, chúng ta có thể thấy rất nhiều game thủ tự hào với thư viện hàng trăm cái tên dài dằng dặc của mình trên Steam, bây giờ bảo họ bỏ hết để qua Epic có vẻ không được khả thi cho lắm.
Chính vì lý do này mà mặc dù Epic rất mạnh tay chi tiền, tặng game miễn phí để thu hút người dùng, nhưng số lượng game thủ thực sự muốn chuyển nền tảng không nhiều, họ vẫn muốn ở lại Steam vì đơn giản nó tiện dụng. Cứ nghĩ tới việc muốn chơi game A lại phải bật Steam, xong chuyển về game B lại chờ mở Epic thì thực sự là mất hứng rất nặng rồi, mặc dù nói cho đúng nó cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian.
Đã từng có thời gian các nền tảng cửa hàng game dẫm chân nhau, như hết Steam rồi tới Itch.io, GOG rồi giờ tới Epic, đó là chưa kể đến vô vàn các launcher riêng của từng nhà phát hành để hỗ trợ game của họ như Uplay, Origin, Battle.net và thậm chí… Windows Store. Trường hợp điển hình nhất chính là Red Dead Redemption 2 vừa ra mắt cách đây không lâu, khi mà nó crash ở mức độ điên cuồng và gần như không thể chơi được, lý do vì Red Dead Redemption 2 khởi động thông qua Rockstar Launcher và chồng chéo thế nào nó lại lỗi kinh khủng. Nếu như tất cả mọi thứ đều quy về một Launcher, thì tình trạng này đã không xảy ra rồi.
Giờ hãy tưởng tượng một tựa game AAA khác chuẩn bị ra mắt trên PC, như thế người dùng sẽ phải xem giá các cửa hàng từ Steam tới Epic rồi tới shop riêng của nhà phát hành đó, sau đó tính toán thế nào cho đúng. Tất nhiên là hầu hết game bom tấm không phải lúc nào cũng làm trò con bò như vậy, nhưng cũng có trường hợp các nhà phát hành tự động nâng giá không cần biết, thì dụ như EA vừa tăng giá các game như SimCity 4 và Mass Effect Collection trên Steam lên gần gấp đôi so với Origin. Đấy là chưa nói tới việc nó bị chênh lệch giá ở từng vùng, khi mà phía Châu Á có giá cao hơn Mỹ và Châu Âu tới gần 50%, lại càng khổ sở cho game thủ Việt Nam.
Đó là chưa nói tới việc nhiều kênh phân phối như vậy sẽ khiến các nhà phát hành phân tâm, việc nhiều bom tấn lớn từ bỏ cửa hàng game này để sang phía đối thủ xảy ra như cơm bữa. Nhưng mối quan hệ này thường là không bền chặt, thành ra mới xảy ra chuyện Metro Exodus bị game thủ chửi lên bờ xuống ruộng vì “dám” bỏ Steam sang Epic, mặc dù trước đó đã cho Pre-order. Người ta thường nói các cuộc cạnh tranh bán hàng luôn giúp người tiêu dùng hưởng lợi, nhưng cũng có những loại cạnh tranh lại khiến thị trường đình đốn. Thế nên mặc dù hiện nay chúng ta có rất nhiều cửa hàng game để lựa chọn, nhưng mà có cảm giác như nó chẳng hề giúp ích được gì nhiều, mà chỉ tổ rối tung rối nùi thêm. Và rồi nhân tiện đó một số thánh nhân lại được dịp phán lời sấm truyền: “xài crack là nền tảng thống nhất duy nhất cho PC Master Race”.
Đời nó khổ thế đấy!