Làm sao để hiểu game khi vốn tiếng Anh hạn chế? - PC/Console

Với việc hạn chế khả năng nghe – đọc – hiểu tiếng Anh, rất nhiều game thủ cảm thấy nản lòng trong việc tận hưởng trọn vẹn cảm xúc mà các tựa game đem đến.

Ngày nay, ranh giới giữa video game và điện ảnh ngày càng nhỏ lại. Với sự phát triển vượt bậc của nền tảng đồ họa và công nghệ motion capture, các trò chơi điện tử cũng rất chú trọng tới diễn xuất của diễn viên lồng tiếng. Từng cử động nhỏ nhất của khuôn mặt và cơ thể con người đều được các nhà làm game tái hiện lại rất chân thực trong các tựa game. Giờ đây, chúng ta không chỉ cảm nhận những tinh túy của một trò chơi thông qua gameplay, mà còn là ở những đoạn hội thoại cao trào, những màn diễn xuất đầy cảm xúc của các nhân vật game.

Tuy nhiên, đối với cộng đồng game thủ Việt, không phải ai cũng có thể nghe và hiểu ngôn ngữ tiếng Anh. Vậy nên khi chơi game, rất nhiều người đã lựa chọn nhấn skip để “chơi game cho nhanh, còn hơn ngồi nghe mà không hiểu gi”. Họ rất dễ nản trước những đoạn cutscene, dù đây thực sự là những đoạn phim đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện của một trò chơi.

Làm sao để hiểu game khi vốn tiếng Anh hạn chế?

Chính vì lẽ đó mà việc dịch thuật các đoạn text trong game ra đời, nhằm mục đích phục vụ đối tượng game thủ không hiểu được tiếng Anh. Nhưng các phiên bản Việt hóa hiện nay thường có sau khi game ra mắt một khoảng thời gian dài. Đối với một tựa game bom tấn, không phải ai cũng đủ sự nhẫn nhịn trong vài tháng, thậm chí cả năm tới vài năm trời, chỉ để chờ đợi một bản Việt hóa.

Vậy khi có vốn tiếng Anh hạn chế, làm thế nào để chúng ta có thể tận hưởng cảm xúc mà cốt truyện game đem lại một cách trọn vẹn nhất? Trên thực tế, hầu hết các game thủ đều bắt đầu chơi game kể từ khi vốn tiếng Anh kém. Có những người trải qua một thời gian dài học tập, vốn ngoại ngữ của họ trở nên tốt hơn, nhờ vậy họ có thể nghe và hiểu được những gì đang diễn ra trong game. Bên cạnh đó, cũng có những người không có cơ hội để học tiếng Anh, nhưng cuối cùng họ vẫn rất hiểu về trò chơi không kém gì những cao thủ ngoại ngữ.

Hãy tập trung vào hành động của các nhân vật game

Ngôn ngữ hình thể, cách diễn xuất của các nhân vật trong game cũng phần nào đó giúp người chơi hiểu được tính cách cũng như mối quan hệ của từng nhân vật. Bạn có thể hiểu được nhân vật này đối xử như thế nào với nhân vật kia, hay như bạn có thể hiểu được sự tàn độc hay tính thiện lành của mỗi tuyến nhân vật, cũng như những cảm xúc thực sự trong tâm trí của họ.

Làm sao để hiểu game khi vốn tiếng Anh hạn chế?

Nếu không thể biết chính xác về các tuyến nhân vật thông qua đoạn hội thoại, bạn hãy thả mình trôi theo dòng cảm xúc của nhân vật. Điều này có nghĩa người chơi để ý tới ngữ điệu trong cách giao tiếp, cách thể hiện cảm xúc họ với những người xung quanh. Sau đó hòa nhập như chính mình đang tham gia cùng nhân vật đó. Bạn có thể cùng khóc, cùng cười với các nhân vật để hiểu rõ hơn tâm tư của họ.

Lấy ví dụ khi tôi chơi The Last of Us. Thời điểm game mới phát hành, vốn tiếng Anh của tôi tương đối kém. Vậy nên tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi chính xác là các nhân vật đang nói cái gì. Tuy nhiên, khi tôi tập trung hơn vào biểu cảm cũng như các hành động của nhân vật, tôi có thể hiểu được tính cách và điều họ thực sự muốn từ tận đáy lòng. Tôi không thể hiểu được chính xác Joel và Ellie đã nói chuyện gì với nhau những tôi vẫn nhìn thấy được Joel luôn coi Ellie là con gái mình. Nỗi đau mất con luôn ẩn hiện trong đôi mắt buồn của Joel.

Trong suốt chặng đường hành trình tới Fireflies, tôi nhìn thấy Joel và Ellie đã chăm sóc và bảo vệ cho nhau tốt như thế nào, từ những cử chỉ nhỏ nhất của 2 người đã nói lên điều đó mà tôi không cần phải hiểu lời thoại. Chỉ cần nhìn vào hành động, tất cả chúng ta đều biết Ellie, từ một cô bé mới quen, dần trở nên quan trọng hơn trong cuộc sống của Joel, và ngược lại.

Làm sao để hiểu game khi vốn tiếng Anh hạn chế?

Giống như khi bạn đang xem một bộ phim điện ảnh vậy, diễn xuất của các diễn viên lồng tiếng game là cực kỳ quan trọng. Nó đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra cảm xúc của game thủ khi chơi game. Bên cạnh gameplay thì diễn xuất, biểu cảm và giọng nói của các nhân vật cũng là một cách các nhà phát triển khiến người hâm mộ luôn nhớ tới trò chơi của mình. Chỉ những diễn viên đưa vào các nhân vật game những dòng cảm xúc chân thực nhất mới có thể làm lay động game thủ. Và đó chính là cách đầu tiên giúp người chơi tận hưởng được video game nếu như có vốn tiếng Anh hạn chế: Hãy tập trung vào hành động của các nhân vật.

Không cần phải hiểu tất cả những gì nhân vật nói với nhau

Trên thực tế, ngay cả những người có vốn tiếng Anh “khủng” cũng chưa chắc hiểu 100% những gì mà các nhân vật nói với nhau. Sự khác biệt về văn hóa phương Đông – phương Tây khiến nhiều game thủ cảm thấy vấn đề họ đang nói tương đối khó hiểu, dù đã sử dụng cả Google Dịch. Tuy nhiên, giống như các thầy cô dạy ngoại ngữ vẫn hay bảo chúng ta rằng cần phải tập trung vào “từ khóa” chứ không nhất thiết phải dịch 100% toàn bộ các câu nói.

Áp dụng nó vào video game, tôi nghĩ việc chơi game nhiều cũng đã vô tình tạo cho các game thủ một phản xạ về ngôn ngữ. Tức sẽ có những từ ngữ hay mẫu câu được sử dụng trong rất nhiều tựa game, nhờ đó họ có thể nhớ và hiểu rất nhanh. Bên cạnh đó, việc học ngoại ngữ ở trường lớp cũng phần nào đó giúp chúng ta hiểu được một số mẫu câu căn bản nhất, đủ để hiểu được những giao tiếp đời thường với nhau.

Làm sao để hiểu game khi vốn tiếng Anh hạn chế?

Nếu vốn tiếng Anh của bạn hạn chế, bạn không nhất thiết phải cố hiểu tường tận, cặn kẽ từng câu nói của các nhân vật. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy rất chóng nản. Bạn chỉ cần hiểu được những gì căn bản nhất, đủ để biết mình đang chơi cái gì. Còn nếu muốn hiểu chi tiết, tường tận về ý nghĩa trong những lời nói của các nhân vật, bạn có thể lên đọc Wikifandom (dĩ nhiên là bằng Google Dịch) hay tham gia các diễn đàn và hỏi những game thủ khác, hoặc xem video phân tích,…

Sẽ chẳng có ai cười chê việc bạn muốn tìm hiểu tường tận về game khi vốn tiếng Anh hạn chế cả, mà cộng đồng chỉ lên án những người hiểu sai nhưng vẫn cố tỏ vẻ là mình giỏi tiếng Anh và tự cho là mình đúng thôi. Bạn chỉ cần hiểu game theo đúng kiến thức mà mình có được, còn lại bạn có rất nhiều nguồn để tìm hiểu chuyên sâu. Chẳng ai đi dè bỉu một câu hỏi cầu thị và hỏi một cách chân thành cả, chỉ có những đứa hỏi đểu là hay bị ăn tát thôi.

Hãy tạo cho mình một thói quen đừng nhấn skip

Tôi biết khi vốn tiếng Anh hạn chế, rất nhiều người ngại phải ngồi xem cutscene. Ngay cả bản thân tôi cũng đã từng như vậy. Thực tế hồi mới chơi Call of Duty, tôi liên tục skip qua những đoạn cắt cảnh để tới phần gameplay đã tay. Và những gì về Call of Duty đọng lại trong tâm trí tôi khi đó chỉ là một game bắn súng hay hơn Đột Kích. Rồi tới khi tham gia cộng đồng game, tôi mới nhận ra mình đã bỏ lỡ biết bao thứ hay ho khi nhấn skip.

Làm sao để hiểu game khi vốn tiếng Anh hạn chế?

Vậy nên nếu bạn đang lăn tăn về khoản tiếng Anh kém, bạn hãy tập cho mình một thói quen ngồi xem tất cả những gì diễn ra trong game, không bỏ sót bất cứ một đoạn cắt cảnh nào dù là ngắn nhất. Điều này có thể khiến bạn hơi khó chịu lúc ban đầu nhưng dần dần, khi đã thành thói quen bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều thú vị từ những đoạn cắt cảnh đó.

Muốn hiểu được game, cảm nhận được những gì hay nhất của game khi vốn tiếng Anh còn yếu, bạn chỉ còn cách tập thói quen không skip và nghe, nhìn rồi chú ý tới những biểu cảm và hành động của các nhân vật. Nếu có từ nào khiến bạn quá lăn tăn, bạn có thể ghi lại rồi tra từ điển. Sau một thời gian, khả năng nghe hiểu của bạn sẽ dần được cải thiện hơn. Tất cả đều trở thành phản xạ của bạn và sẽ khiến bạn cảm thấy hiểu nhanh hơn và nhiều hơn tựa game mình đang chơi.

Tất cả đều cần thời gian để rèn luyện, nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là “không được nhấn skip”. Khi vốn tiếng Anh đã hạn chế mà bạn lại bỏ qua các đoạn cắt cảnh thì tôi tin rằng sẽ không bao giờ bạn có hứng với game offline hay cốt truyện của nó.

Hãy đọc cốt truyện trên Motgame

Hãy dành 5 phút cho mục quảng cáo. Còn một cách kinh điển nữa mà Mọt tui hay dùng để tìm hiểu về cốt truyện của game đó là… tìm đọc tư liệu tiếng Việt. Ngày xưa, khi internet còn sơ khai và chưa có Facebook hay các trang tin game. Nơi duy nhất có thể tìm ra các nguồn tư liệu này là các diễn đàn game, nơi tập trung chính của các game thủ anh em khắp đất nước. Những người có vốn tiếng Anh tốt sẽ chơi game và tự kể ra hoặc tìm tư liệu dịch lại trên các… diễn đàn game tiếng Anh. Đến tận bây giờ cái kho GameFAQS vẫn còn rất nhiều người tìm đến như một kho tư liệu vô cùng quý giá về video game.

Ngày nay, các trang tin và mạng xã hội phát triển kéo theo việc tư liệu dễ phát tán và truyền tải hơn, các kênh cung cấp cũng nhiều hơn. Đơn cử như Kênh Tin Game nhà ta. Các bạn có thể dạo mục cốt truyện trên trang để tìm đọc rất nhiều thông tin về cốt truyện game hay lịch sử nhân thân của các nhân vật trong cốt truyện. Bên cạnh đó, cách dự án Việt hóa game tuy khá hiếm hoi nhưng cũng cung cấp cho các game thủ một nguồn tư liệu trực quan để hiểu cốt truyện game.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e