Đã đến lúc phải dẹp bỏ kiểu đánh giá game cố định và lạc hậu? - PC/Console

Trong khi ngành game đang thay đổi cách phát hành và vận hành game một cách chóng mặt, việc đánh giá chúng vẫn còn được thực hiện như hồi thế kỷ 20.

Ngày nay, việc đánh giá một tựa game đã trở nên hoàn toàn khác biệt. Chúng ta tin ai giữa “ma trận” review của các website, tạp chí, game thủ, hay những trang tổng hợp như Metacritic hay OpenCritic? Làm thế nào để phân biệt giữa bài quảng cáo được trả tiền với bài review chân chính từ những cây bút giàu kinh nghiệm? Làm sao nhận ra đâu là những dòng đánh giá khách quan của một game thủ và đâu là chỗ “xả giận” mang nặng quan điểm cá nhân của fan / anti-fan, hay một đợt “review bomb”? Hay đơn giản hơn nữa, làm sao để đánh giá một tựa game là hay hay dở khi những Early Access, Game as a Service ngày càng phổ biến, khiến nội dung và chất lượng của chúng không ngừng thay đổi theo thời gian?

Đã đến lúc phải dẹp bỏ kiểu đánh giá game cố định và lạc hậu?

Đó là những câu hỏi không dễ trả lời mà Mọt tui nghĩ đến vài ngày trước đây khi nhìn vào Ghost Recon: Breakpoint, tựa game mới nhất của Ubisoft. Hiện tại, phiên bản PC của trò chơi có điểm số 58/100 trên trang tổng hợp Metacritic, phản ánh chính xác mức chất lượng “trời ơi đất hỡi” của nó hiện tại. Nhưng Ubisoft đã đăng tải một bài blog hứa rằng họ sẽ khắc phục tất cả những gì mà game thủ phàn nàn trong thời gian tới, bất kể đó là bug lập trình hay thiết kế gameplay. Những điều này chắc chắn sẽ không được hoàn thiện một sớm một chiều, nhưng Mọt tin rằng Ubisoft có thể thay đổi cái nhìn của game thủ và báo giới về Breakpoint khi đội ngũ Ubisoft Paris có thêm thời gian đã tinh chỉnh và hoàn thiện trò chơi.

Đã đến lúc phải dẹp bỏ kiểu đánh giá game cố định và lạc hậu?

Điểm số của Breakpoint hiện khá thấp, nhưng chất lượng của trò chơi sẽ thay đổi trong tương lai.

Nhưng như Mọt đã nhắc đến bên trên, việc review một tựa game ngày nay không còn là dễ dàng. Hai năm nữa, những đánh giá mà chúng ta dành cho Breakpoint hiện tại chắc chắn sẽ không còn chính xác. Điều tương tự đã xảy ra với No Man’s Sky, khi điểm số của game trên Metacritic hiện là 61/100 (báo giới) và 3/10 (game thủ). Cả hai điểm số này đều là những điểm số dành cho phiên bản No Man’s Sky mà Hello Games cho ra mắt vào tháng 8/2016, nhưng giờ đây khi nói đến No Man’s Sky, tất cả mọi người đều đồng ý rằng trò chơi đã được cải thiện rất nhiều, khiến cuộc hành trình khám phá không gian bao la của game thủ trở nên gần sát với lời hứa ban đầu của đội ngũ làm game. Tương tự, Rainbow Six’s Siege của Ubisoft và thậm chí là… Star Wars: Battlefront II của EA đều đã được cải thiện rất nhiều sau khi ra mắt, nhưng điểm số của chúng vẫn chỉ ngưng đọng ở mức “phò phạch” mà thôi.

Halloween làng game: Jump Scare, môn nghệ thuật làm cho game thủ
Halloween làng game: Jump Scare, môn nghệ thuật làm cho game thủ "đứng tim"
Game kinh dị thường dựa dẫm rất nhiều vào các pha hù dọa jump scare đầy bất ngờ để khiến game thủ phải rú lên, nhưng làm được như vậy đâu có dễ!

Vì vậy, có lẽ việc review game cần phải thay đổi. Không phải thay đổi kiểu… dẹp luôn review lẫn diễn đàn như Epic Games Store đang làm, mà là những thay đổi nhằm bắt kịp những gì đang xảy ra với trò chơi. Đây là một điều không dễ dàng ngay cả với những trang tin game hạn chế về nhân lực như Mọt, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều với những nền tảng phát hành kiểu Steam, nơi luôn luôn có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu game thủ sẵn sàng đóng góp đánh giá của mình về trò chơi cho những game thủ khác cùng đọc. Và Mọt tui khá bất ngờ khi biết được rằng Steam đã biến điều này thành hiện thực với một tính năng mới: sau khi game thủ đã trải nghiệm trò chơi một thời gian dài, một thông báo sẽ hiện ra hỏi họ có muốn thay đổi thông tin bài review của mình hay không.

Dĩ nhiên là thay đổi này của Steam vẫn chưa phải là phương thức hoàn hảo để việc đánh giá, review game thích nghi với ngành công nghiệp game hiện đại. Những game thủ được mời thay đổi bài review của mình có thể vẫn giữ nguyên ý kiến ban đầu của họ về trò chơi, hoặc phớt lờ những thay đổi mang hướng tích cực mà nhà phát triển đưa ra nếu những thay đổi đó không giải quyết được vấn đề mà game thủ đó chỉ trích ban đầu. Các đánh giá của game thủ sẽ vẫn mang đậm ý kiến cá nhân, thể hiện sự yêu – ghét mà họ dành cho sản phẩm cũng như sở thích của mỗi người. Mọt không cho rằng “ý kiến cá nhân” là xấu, vì game là sở thích và sở thích chắc chắn phải chịu sự ảnh hưởng từ ý kiến cá nhân. Ngay cả những bài review chuyên nghiệp của báo chí hay các trang tin vẫn có thể mang theo ý kiến cá nhân không nhiều thì ít, thể hiện qua điểm số mà trò chơi nhận được.

Đã đến lúc phải dẹp bỏ kiểu đánh giá game cố định và lạc hậu?

Steam “dụ dỗ” game thủ cập nhật đánh giá của mình.

Bên cạnh đó, thời gian chơi hay “thumb up, thumb down” trên Steam cũng chưa hẳn là thước đo chính xác cho chất lượng của game. Nếu bạn muốn nói với Mọt rằng “nếu đã chơi nhiều thì chắc chắn phải thích game,” Mọt xin nói rằng điều đó chưa chắc đã đúng cũng vì một lẽ đơn giản: game không ngừng thay đổi. Một tựa game MMORPG kinh điển như World of Warcraft cũng có thể bị chê tơi tả vì Battle for Azeroth ngày nay không phải là Wrath of the Lich King ngày nào. Ngay cả khi họ tiếp tục bỏ ra hàng ngàn giờ cày cuốc bản Battle for Azeroth, đó có thể chỉ là tác dụng của “ngụy biện chi phí chìm” (sunk cost fallacy), khi một game thủ muốn chơi tiếp vì tiếc số tiền mà họ đã bỏ ra vào trò chơi đó hay gắn bó với nhân vật mà mình đã dày công tạo ra.

Đã đến lúc phải dẹp bỏ kiểu đánh giá game cố định và lạc hậu?

Không phải ai cũng có thể bỏ qua những gì mình dày công cày cuốc.

Thật ra, có lẽ không có một phương thức nào là hoàn hảo ngoài việc để game thủ… tự tìm đến với những thông tin họ cần. Thật may mắn là ngày nay chúng ta có rất nhiều nguồn thông tin đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của game thủ, từ diễn đàn và phần đánh giá của Steam, các MXH như Facebook hay Reddit, các nền tảng đăng tải video như YouTube, hay lời truyền miệng từ các game thủ đã thưởng thức qua trò chơi đó. Cái khó của phương thức này là làm thế nào game thủ có thể gạn lọc ra được những điểm chính yếu, đáng tin cậy của những gì mình được đọc, được nghe và được xem, trong khi loại bỏ những gì mang đậm tính thiên vị, bị ảnh hưởng mạnh bởi cảm xúc kiểu “Blizzard cấm Blitzchung, nên game của họ sắp tới chỉ toàn rác” hay đại loại thế.

Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame