Death Stranding và câu chuyện được đề cử Game of the Year nhờ… quen biết - PC/Console

Hideo Kojima và Geoff Keighley – người tổ chức The Game Awards là hai người bạn rất thân thiết, nó vô tình đem tới cho Death Stranding khá nhiều phiền phức.

Cứ tới thời điểm này thì ngoài những bom tấn lũ lượt ra mắt, cộng đồng game còn nóng lên với sự kiện quan trọng nhất trong năm đó là lễ trao giải The Game Awards – hay còn được ví như Oscar của làng game. Mặc dù hiện tại chúng ta đã có rất nhiều lễ trao giải với quy mô và độ nổi tiếng khác nhau, nhưng The Game Awards vẫn là thứ được mặc nhiên công nhận có sức ảnh hưởng và đáng tin cậy nhất.

Trong đó danh hiệu Game of the Year (GOTY) hay tựa game xuất sắc nhất luôn là niềm mơ ước cho bất kỳ nhà phát triển nào, khi nó là dấu mốc đảm bảo cho chất lượng xuất sắc của tựa game đó. Năm nay thì không có gì lạ khi Death Stranding xuất hiện với tư cách là một trong các ứng viên cho danh hiệu này, nhưng có một vấn đề là khá nhiều người cho rằng nó xuất hiện bởi vì “quen biết”.

Cốt truyện Death Stranding: BT, Death Stranding và cái chết đen hủy diệt thế giới
Trong cốt truyện Death Stranding chắc chắn bạn sẽ thắc mắc không biết BT xuất hiện từ chỗ nào, cũng như tại sao phải thiêu xác người chết.

Đầu tiên hãy nói về tầm quan trọng của giải thưởng Game of the Year đối với Death Stranding hay cụ thể hơn là cá nhân Hideo Kojima, như chúng ta đã biết thì trong vài năm trở lại đây tất cả tựa game đoạt giải GOTY đều xứng đáng là những siêu phẩm thực sự, xuất sắc toàn diện trong mọi mặt và được công nhận bởi tất cả cộng đồng. Quay trở lại với quái kiệt Kojima thì Death Stranding là tác phẩm đầu tiên của ông ta sau khi chia tay Konami, nên nó càng quan trọng hơn gấp bội.

Mọi người thường nói Kojima giống nghệ sĩ hơn là dân làm game, với nhiều nguyên tắc kì dị và tốc độ làm game chậm còn hơn rùa bò (lý do chính Konami phải chia tay ông). Death Stranding là thứ được sản xuất ra trong một thời kì rất nhạy cảm, khi nó là tựa game đầu tiên mà Kojima phát triển trong vai trò độc lập, cũng như được thỏa sức sáng tạo mà không phải lo ngại về áp lực thời gian như trước.

Death Stranding phải thành công hay nói đúng hơn là phải thành công thật to, có như thế thì Kojima mới chứng minh được triết lý của mình là đúng, cũng như các tựa game đậm chất nghệ thuật vẫn có đất sống trong thời đại này. Mà xét công bằng thì còn có thứ gì bảo chứng tốt hơn bằng danh hiệu GOTY nữa, cho nên nhìn kiểu gì cũng thấy Death Stranding cần danh hiệu này tới mức nào.

Death Stranding

Quay trở lại với The Game Awards 2019, thì ngoài việc là ứng cử viên cho danh hiệu cao nhất thì Death Stranding còn được đề cử ở 8 hạng mục khác và là game có nhiều đề cử nhất (theo sau là Control), trong đó có những mục đáng chú ý như: Giám đốc game xuất sắc nhất, Game phiêu lưu xuất sắc nhất, Âm nhạc hay nhất và dẫn truyện tốt nhất… Sẽ không có gì quá ngạc nhiên khi Death Stranding nhận được nhiều đề cử như vậy, cái vấn đề chính ở đây là có vẻ mọi thứ diễn ra quá nhanh. Cho tới tận thời điểm này thì số điểm của Death Stranding vẫn chỉ ở hai thái cực đó là cực hay hoặc cực dở, trang đánh giá game nổi tiếng như Kotaku gọi Death Stranding là một sản phẩm tuyệt vời nhưng ngược lại IGN chỉ cho nó 6,8/10 khi cho rằng có quá nhiều thứ hổ lốn khiến người chơi xao nhãng.

Tất nhiên có một điều không thể phủ nhận rằng Death Stranding là một game bom tấn AAA với số vốn đầu tư khổng lồ, nhưng việc nó nhận quá nhiều đề cử tại The Game Awards chỉ sau chưa tới 1 tháng ra mắt làm cộng đồng dậy lên một nghi vấn, đó là việc Geoff Keighley (tổ chức và dẫn chương trình cho The Game Awards) và Kojima là hai người bạn thân thiết.

Death Stranding

Cameo của Geoff Keighley trong Death Stranding

Tình bạn của Keighley và Kojima thực sự là thứ vô cùng dễ thấy, khi mà hai người bọn họ đã xuất hiện cùng nhau trong rất nhiều sự kiện trước khi Death Stranding ra mắt, thậm chí Keighley còn xuất hiện trong game dưới dạng một nhân vật cameo có tên “Ludens Fan” và “Luden” chính là tên gọi của nhân vật phi hành gia biểu tượng cho Kojima Productions. Tình bạn của hai người này nổi tiếng nhất vào The Game Awards 2015, khi Metal Gear Solid V: the Phantom Pain thắng giải game hành động/phiêu lưu hay nhất, nhưng người lên nhận giải lại không phải Kojima.

Geoff Keighley sau đó đã có một màn chiếm sóng và “bóc phốt” tố cáo Konami đã cố tình ngăn cản không cho Kojima được tới nhận giải tại The Game Awards, thứ dĩ nhiên sau đó là cuộc chia tay nổi tiếng giữa Hideo Kojima và Konami, để rồi nhiều năm sau chúng ta có một game gọi là Death Stranding như bây giờ. Với The Game Awards 2019 thì Hideo Kojima cũng góp mặt trong hội đồng cố vấn cùng nhiều tay to khác như: Rob Kostich (giám đốc Activision), Doug Bowser (CEO Nintendo Mỹ) hay Phil Spencer (Microsoft EVP)…

Với những lời đồn đoán về việc nhiều đề cử của Death Stranding được đưa vào vì người bạn thân Kojima, thì Keighley cũng đã nói luôn rằng ông ta không hề tham gia vào việc đề cử các ứng viên hay quyết định người thắng cuộc. Trên thực tế thì quy trình của The Game Awards nhiều năm nay luôn là sự lựa chọn giữa hội đồng chuyên môn và cộng đồng, những ứng cử viên sẽ được một hội đồng chuyên môn (bao gồm cả những trang đánh giá nổi tiếng) quyết định, sau đó nó sẽ được đưa ra để mọi người bình chọn trực tiếp.

Nhưng có một vấn đề ở đây là vị trí “cố vấn” như Kojima lại rất mập mờ, vì theo như Keighley thì bọn họ tuy không có quyền can thiệp vào việc lựa chọn ứng viên hay kết quả, nhưng lại có thể “hướng dẫn người xem và giúp phát triển The Game Awards”. Cái cụm từ này có thể hiểu theo một nghĩa khác là những người này đang nắm trong tay khả năng định hướng dư luận theo chiều hướng mà mình mong muốn, rõ ràng khi Kojima nằm trong cái ban này, thì cộng đồng có quyền nghi ngờ về tính chất các đề cử của Death Stranding cũng không có gì lạ.

Những người nổi tiếng xuất hiện trong Death Stranding mà bạn có thể không biết
Những người nổi tiếng xuất hiện trong Death Stranding mà bạn có thể không biết
Ngoài các diễn viên chính, còn rất nhiều người nổi tiếng của làng game, phim, âm nhạc và cả… manga cũng góp mặt trong Death Stranding theo dạng cameo.

Tuy nói cả Keighley lẫn Kojima đều không có khả năng can thiệp trực tiếp vào kết quả (thứ vốn thuộc về ban chuyên môn và cộng đồng), nhưng nhiều người lo ngại rằng trên cương vị là người tổ chức và dẫn chương trình của The Game Awards 2019 thì Keighley thừa đủ khả năng để hướng sự chú ý của mọi người vào Death Stranding, qua đó giúp nó có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua tới danh hiệu GOTY năm nay.

Chúng ta đều thấy bản thân Death Stranding đã làm truyền thông tốt tới mức nào trong thời gian vừa qua, khi một mình nó chiếm sóng sạch sành sanh mọi kênh tin tức cũng như đánh giá về game với một số lượng áp đảo tuyệt đối. Kể cả xét riêng trong The Game Awards năm nay, thì cái tên với 8 đề cử là Control xét cả về mức độ nổi tiếng lẫn tầm ảnh hưởng thì phải nói là thua xa lắc Death Stranding, nên có thể nói là chỉ cần một chút sự “giúp đỡ” nhè nhẹ thôi, cái danh hiệu Game xuất sắc nhất năm 2019 khó có thể lọt khỏi tay Hideo Kojima được.

Tất nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, bạn không thể loại ông bạn thân của mình ra khỏi cuộc chơi chỉ vì mối quan hệ bạn bè với mình bất chấp sản phẩm của anh ta đủ tiêu chuẩn tham gia đúng không? Bài viết trên không nhằm mục đích trỉ trích hay vạch trần điều gì, nó chỉ là một cách nêu vấn đề trái chiều để từ đó chúng ta có được sự minh bạch trong cuộc chơi The Game Awards. Như Keighley đã tự tin tuyên bố ở trên, họ có quy trình làm việc vô tư minh bạch và vẫn phụ thuộc vào vòng bình chọn của người dùng vì vậy cuộc đua này game nào có chất lượng và làm truyền thông tốt hơn sẽ có lợi thế hơn. Hãy cùng chờ đến ngày công bố giải xem sao nhé!

The Game Wards năm nay chứng kiến cuộc đua của các tựa game đình đám, lần này ý kiến cộng đồng bị phân hóa nhiều theo kiểu mỗi khu vực thích 1 tựa game hơn các khu vực khác nên kết quả cuối cùng vẫn rất khó đoán. Các bạn có thể xem thêm thông tin về những game được đề cử hạng mục cao quý nhất “Game of the Year” tại đây.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e