Cũng như các loại đồ công nghệ xách tay khác, đĩa game xách tay (chủ yếu là các game console, handheld) là mặt hàng được game thủ rất ưa chuộng. Lý do là đĩa game có tính sở hữu, phù hợp để sưu tầm hoặc có thể bán lại khi cần.
Giá bán của các mặt hàng này cũng rất hấp dẫn. Chẳng hạn, một đĩa Ratchet & Clank phiên bản PS4 hiện có giá từ 7.99 USD ở nước ngoài (tùy phiên bản), được rao bán trên các trang thương mại điện tử như Tiki hay Shopee là khoảng dưới 300.000đ.
Trong khi đó, Sony Việt Nam hiện đang bán đĩa game này với giá từ 450.000đ (đã bao gồm VAT). Tình trạng này là tương tự với iPhone xách tay, vốn có mức giá hấp dẫn hơn đáng kể so với mặt hàng phân phối chính thức ở Việt Nam do không phải đóng thuế.
Giá bán một game xách tay có sự chênh lệch đáng kể giữa Shopee (hình dưới) và chính hãng (hình trên)
Theo quy định mới, đĩa game xách tay không hóa đơn được xem là hàng hóa nhập lậu với các mức phạt theo khung từ 500.000đ - 1 triệu đồng đến 40 - 50 triệu đồng tùy theo giá trị hàng hóa. Luật cũng quy định mức xử phạt hành chính tương đương đối với hành vi cố ý vận chuyển, tàng trữ hoặc giao nhận.Nhưng khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/10, những mặt hàng này có thể bị xóa sổ. Lý do là phần lớn các mặt hàng xách tay không xuất trình được hóa đơn giấy tờ đầy đủ.
Như vậy, đĩa game xách tay không giấy tờ từ 15/10 cũng sẽ được xếp vào định nghĩa game lậu, theo các quy định của pháp luật. Điều này là tương tự với cách hiểu về game lậu trên Steam gây tranh cãi lớn trong thời gian qua.
Các loại đĩa game phổ biến ở Việt Nam hiện nay tập trung trên dòng máy PS4
Trên thực tế, không chỉ có đĩa game, các máy chơi game console hay handheld cũng sẽ nằm trong diện hàng hóa không hóa đơn chứng từ sau ngày 15/10. Các sản phẩm này thường được các cửa hàng trong nước mua về là các bản đã được hack (mod chip) để tiện cho việc chép game vào máy. Hiện chỉ có Sony là nhà sản xuất duy nhất phân phối và ủy quyền phân phối các máy chơi game của hãng này ở Việt Nam.Sau thời điểm này, giới thương nhân có thể sẽ phải chuyển qua bán các đĩa game đã qua sử dụng. Tuy nhiên, đĩa game bản quyền thường gắn kèm mã code chỉ kích hoạt một lần cho chơi mạng (multiplayer), do đó thị trường buôn bán đĩa game đã qua sử dụng ở Việt Nam không quá sôi động hay đủ hấp dẫn các con buôn.