Bạn nghĩ trong khoảng 20 năm chúng ta có thể đạt được những gì ? Nhìn lại từ những năm 90 cho đến nay chúng ta đã có vô vàn thành tựu trong mọi lĩnh vực, thay đổi bộ mặt cuộc sống của con người. Trong ngành game nói riêng thì đã có sự chuyển mình, thay đổi đến kinh ngạc. Điển hình là những GTA, DOOM, Fallout,… cho thấy ngành game đã tiến bộ như thế nào. Cũng trong 20 năm đó, có một tựa game đã âm thầm được phát triển và phải đến gần đây mới được ra mắt. Đó là tựa game nào ?
Development Hell là cách để gọi quá trình phát triển kéo dài, nhiều khó khăn cũng như không định trước được thời điểm cho ra sản phẩm. Trong ngành công nghiệp game, thường những dự án kéo dài quá 4 năm và không có deadline cụ thể sẽ được cho là Development Hell. Một số ví dụ điển hình như DOOM (2016) , Spore, Team Fortress 2 tốn 8 năm phát triển; The Last Guardian và Final Fantasy XV tốn 10 năm phát triển; Prey tốn 11 năm phát triển; Diablo 3 tốn 12 năm phát triển; Nioh tốn 13 năm phát triển; Duke Nukem Forever tốn 15 năm phát triển. Quá trình làm một tựa game dù chuyên nghiệp đến đâu cũng không phải là luôn suôn sẻ, từ việc lên những concept đầu tiên cho đến lúc trau chuốt để đưa ra sản phẩm cuối cùng.
Thường sẽ có rất nhiều nội dung được thêm vào hoặc cắt ra vì nhiều lí do, mỗi một nội dung cũng cần có thời gian thử nghiệm cũng như xem xét độ khả thi. Nhiều trường hợp nhà phát triển đã tạo ra rất nhiều các phiên bản khác nhau của game để rồi lần lượt gỡ bỏ toàn bộ để làm lại từ đầu, không ít các phiên bản không may đó đã gần như là một game hoàn chỉnh. Đôi lúc phiên bản cuối cùng của game đã hoàn toàn là game khác với ý tưởng ban đầu của nó. Bỏ ra ra một khoảng thời gian dài để phát triển một game đã khó khăn và tốn kém nhưng sản phẩm cuối cùng chưa chắc đã đạt được chất lượng như ý. Đó là chưa kể đến việc đã có không ít game trong trạng thái Development Hell và mãi mãi không bao giờ được ra mắt.
Đầu tiên cần phải nhấn mạnh rằng tựa game này do đúng một người phát triển. Việc game do một người làm cũng không có gì quá xa lạ, Minecraft và Undertale đều được phát triển bởi một người và giờ chúng đều có thể coi là những huyền thoại, cột mốc lớn của ngành game. Và thời gian phát của chúng cũng khá là ngắn, điển hình là Undertale với hơn 2 năm. Giờ đây với mã nguồn mở vô cùng phong phú và chất lượng cùng nhiều phần mềm miễn phí dễ tiếp cận cho việc phát triển game, cộng thêm các trang web giúp kêu gọi ủng hộ ngân sách phát triển thì việc tạo một game indie cũng không còn quá khó khăn. Nếu hơn 2 năm mà có được Undertale thì chắc 24 năm phải ra được một kiệt tác sống mãi với thời gian chứ nhỉ.
Grimoire: Heralds of the Winged Exemplar là một tựa game nhập vai với đồ họa và cách chơi tương tự với các game nhập vai thập niên 90 trên nền AmigaOS, MacOS, MS-DOS và SNES. Game do một lập trình viên tên Cleveland Mark Blakemore phát triển. Vốn làm việc cho một hãng phần mềm tên Sir-Tech cùng dòng game nhập vai Wizardry của hãng. Sir-Tech dự định phát triển phần 8 mang tên Wizardry: Stones of Arnhem và Blakemore sẽ là người tư vấn. Tuy nhiên do khó khăn trong công việc, Blakemore từ bỏ dự án nhằm tự tạo ra tựa game riêng. Về phần dự án Wizardry thứ 8, cả nó và công ty của nó sau này đều bị chấm dứt.
Grimoire được bắt đầu phát triển vào 1993. Đến năm 1997 game được công bố và dự kiến được phát hành cuối năm đó, đương nhiên điều đó đã không xảy ra. Một năm sau, một đợt thử beta của game được tung ra và lại có thêm tin đồn về ngày phát hành của game ngay trong năm. Sau đó chả còn tăm hơi gì về tựa game, Blakemore đang làm gì với game thì có Chúa mới biết.
Đến năm 2012, Blakemore gây quỹ trên IndieGoGo nhằm kiếm thêm ngân sách cho dự án của mình. Với mục tiêu đạt 250.000$ tiền quỹ, Grimoire cũng “khá thành công” khi thu về… 10.000$. Đến 2017, game được khởi động trên Steam Greenlight, cùng năm đó Blakemore dự kiến game chính thức ra mắt vào 7/7, rốt cuộc game lại phải dời lịch một lần nữa sang 4/8. Dù game chậm đến hơn 20 năm rồi, delay thêm 1 tháng cũng chả khác là bao. Tựa game được hứa hẹn sẽ không uổng 20 năm chờ đợi với hơn 600 giờ chơi, đồ họa vẽ tay và gameplay đậm chất cổ điển cho những người hoài cổ.
Và giờ đây, câu hỏi lớn nhất được đặt ra, game có đáng với hơn 20 năm phát triển không. Rất tiếc là không, game bị cho là ở mức trung bình bởi cả giới chuyên môn lần người chơi, chả có gì quá thú vị về nó ngoại trừ 24 năm để làm ra nó. Khá là tội cho Blakemore khi anh đã đổ ra bao nhiêu thời gian và công sức cho tựa game con cưng. Với giao diện và cách chơi đã quá cũ kĩ, game dường như rất kén người chơi và chỉ dành những ai muốn hoài cổ. Tháng 1/2019, game đã update bổ sung hướng dẫn, bổ sung nội dung và cơ chế mới cũng như sửa nhiều lỗi, phần nào cải thiện chất lượng game lên đáng kể. Game đang có đánh giá 67% tích cực trên Steam.
Sau khi nghe xong, sẽ có người thán phục với tâm huyết và đam mê của Blakemore, sẽ có người gọi anh là thằng dở hơi. Bạn nghĩ sao về Blakemore và tựa game chửa trâu của anh ?