Sự kiện đáng chú ý nhất tuần vừa rồi có lẽ là việc Sekiro: Shadows Die Twice đã vượt qua Death Stranding đoạt giải Game of the Year 2019, bất chấp việc ban đầu ai cũng cho rằng tựa game của Kojima sẽ thống trị The Game Awards với 10 đề cử ở đủ các hạng mục. Nhưng có một thứ còn làm người khác bất ngờ hơn đó là Disco Elysium – tựa game giành được nhiều giải thưởng nhất ở The Game Awards lần này.
Theo đó Disco Elysium chỉ có số lượng đề cử vỏn vẹn là 4, còn chưa bằng một nửa Death Stranding nhưng nó lại chiến thắng tất cả hạng mục mà mình tham gia, vươn lên đứng đầu bảng tổng sắp và một lần nữa vượt qua Death Stranding với 3 giải thưởng. Disco Elysium có thể được gọi là dòng game “hàn lâm”, khi mà phức tạp một cách khủng khiếp và đặt ra một lối chơi mới chưa từng thấy.
Nếu nói The Game Awards là Oscar của làng game, thì Disco Elysium chắc chắn sẽ đóng vai những bộ phim hàn lâm kiểu không dành cho đại chúng. Nếu bạn nói Sekiro: Shadows Die Twice đã khó lắm rồi thì ít ra còn “chơi được”, chứ còn đối với Disco Elysium thì thậm chí bạn có thể còn không hiểu nó nói về cái gì nữa cơ. Tóm tắt đơn giản thì Disco Elysium là kiểu game kết hợp giữa Visual Novel, thế giới mở, RPG, giải đố và lựa chọn ảnh hưởng tới cốt truyện… người chơi sẽ vào vai một thám tử để đi tìm hiểu về những thứ bí ẩn xung quanh mình.
Điểm đặc biệt của Disco Elysium là nó vẫn có đầy đủ yếu tố của một game RPG, như hệ thống kỹ năng, chỉ số và các lối xây dựng nhân vật. Nhưng thay vì chiến đấu bằng đao kiếm hay phép thuật, thì cái game này lại chuyển đổi hoàn toàn sang việc… nói chuyện và lựa chọn đối thoại. Nói cho dễ hiểu khi vào trận chiến hai bên sẽ bắt đầu đưa ra các câu đố và để bạn tìm ra các giải quyết, điểm hay của Disco Elysium là tùy thuộc vào hướng xây dựng nhân vật của người chơi mà mọi thứ sẽ diễn biến khác biệt.
Game thực sự rất giống với một bộ phim trinh thám bí ẩn, khi mà bạn là người quyết định cốt truyện cũng như toàn bộ nội dung. Disco Elysium được đặc biệt khen ngợi ngay khi vừa mới ra mắt, khi nó mở ra một lối chơi mới cho toàn bộ cộng đồng RPG, một game nhập vai với các chỉ số truyền thống nhưng cho phép người chơi được tự do hoàn toàn. Lối chơi của Disco Elysium xuất sắc tới nỗi khiến nó giành luôn 2 giải quan trọng là game RPG hay nhất và dẫn truyện tốt nhất, phần nào cho thấy mức độ cách mạng của tựa game này.
Có một điều khiến Disco Elysium nổi trội hơn nữa là nó cực kỳ nhiều chữ, gần như từ đầu tới cuối bạn sẽ tương tác với hàng ngàn câu thoại dày đặc mỗi khi nhấn vào một NPC bất kỳ, mỗi lần như vậy thì nhân vật lại có khả năng “học” thêm kỹ năng mới. Đây là điểm làm Disco Elysium khác biệt với tất cả các game RPG hiện có mặt trên thị trường, cũng như cho thấy mức độ “hàn lâm” của nó.
Giữa việc cầm kiếm đánh trùm và giải đố giữa một rừng thoại cả ngàn chữ, rõ ràng là cái đầu tiên sẽ dễ hiểu hơn nhiều rồi, vì ít nhất chúng ta còn biết mình làm sai ở đâu. Còn đối với Disco Elysium thì mọi việc khác hơn nhiều, vì bạn phải có một số vốn kiến thức đáng nể để cảm nhận nó – đặc biệt là khả năng đọc hiểu tốt. Kể cả với những game thủ Việt Nam ham mê thể loại giải đố thì Disco Elysium vẫn là cái gì đó thực sự thử thách, cho nên đây chắc chắn là game kén người chơi nhất 2019.
Bản thân tôi khi trải nghiệm Disco Elysium cũng phải thốt lên “cái nồi gì đây”, vì số lượng thoại cùng thông tin khổng lồ mà nó nhồi nhét ngay từ đầu game. Kể cả những thứ Tutorial khó nhất như Nioh hay Dark Souls thì cũng chỉ là đánh quái mà thôi, còn với cái game này thì bạn phải đọc cả đống text dày như núi để lựa chọn hướng đi cho nhân vật, mà đó là ở thời điểm mới bước vào game có 1 phút thôi đấy. Không phải ai cũng thích thể loại dài lê thê như vậy, cho nên chỉ nhìn thôi cũng thấy Disco Elysium “khó” tới mức nào.
Về cơ bản thì cộng đồng game thủ Việt Nam rất hiếm người biết tới Disco Elysium, vì kể cả bạn có giỏi tiếng Anh tới mấy thì lối chơi kì cục của nó cũng sẽ khiến chúng ta nản lòng. Hơn nữa khác với các game thuần túy cốt truyện thì Disco Elysium lại có chiến đấu, không hiểu được lời thoại nói gì sẽ khiến bạn chẳng thể xây dựng sức mạnh nhân vật được, qua đó mất hết cái hay của game.
Lúc cài Disco Elysium vào máy, tôi cơ bản cũng không thể cảm thụ nổi kiểu chơi quá sức kì dị của tựa game này, chính xác là bản thân hoàn toàn chẳng hiểu nổi nó đang có diễn tả cái gì. Thoại của Disco Elysium không hề giống như bất kỳ game nào mà bạn từng chơi, vì nó không những dài dòng mà còn một đống từ chuyên ngành liên quan tới tôn giáo hơn nữa chúng ta không skip được, kiểu như game hành động thì còn cố sống cố chết cày đồ đánh trùm, chứ game giải đố chiến thuật mà làm vậy thì bảo đảm là khỏi chơi luôn.
Là một game thủ đúng kiểu “mỳ ăn liền” thì lúc đó tôi không đánh giá cao Disco Elysium cho lắm, nghĩ rằng với cái kiểu chơi như vậy không sớm thì muộn nó sẽ bị tiêu tùng mà thôi. Nhưng bất ngờ là Disco Elysium lại được đánh giá siêu cao, cao tới mức bất thường bởi gần như tất cả các trang tin uy tín với đỉnh điểm là 4 giải từ The Game Awards, cho thấy nó thực sự có tiềm năng.
Cái này thực tế chẳng khác gì cầm gạch chọi thẳng vào mặt tôi cả, vì nó cho thấy rằng mình là một thằng không biết thưởng thức nghệ thuật. Phần nào đó Disco Elysium khiến tôi liên tưởng tới các bộ phim hàn lâm chuyên dành để tranh giải Oscar, tức là nội dung của nó không hướng tới đại chúng và vô cùng khó hiểu, nhưng kiểu quái gì cứ ra tranh giải là chiến thắng ầm ầm. Thực ra ngành game cần những sản phẩm như vậy, nhưng tôi vẫn không thể bỏ được ý nghĩ những thứ này rõ ràng đang chỉ trích trí thông minh của mình.
Nếu có điều kiện bạn nên chơi thử Disco Elysium một lần để hiểu khái niệm “game hàn lâm” là như thế nào, chứ như tôi trước khi viết bài này cũng thử bật nó lại một lần và tiếp tục phải… chịu chết đi ra – một đả kích nặng nề khác cho độ ngu bản thân.