Nếu những tựa game RTS (real-time strategy – chiến thuật thời gian thực) đòi hỏi sự nhanh nhạy của đầu óc và khả năng xử lý quyết đoán thì hai người anh em TBS (turn-based strategy – chiến thuật theo lượt) SRPG (strategy role-playing – nhập vai chiến thuật) lại mang nhiều yếu tố cơ bản của thể loại này hơn. Sau mỗi lượt đi của đối phương, chúng ta có khối thời gian để quan sát bản đồ, theo dõi chỉ số, điều nghiên thông tin tình báo và hàng loạt vấn đề cần chiêm nghiệm trước khi đưa ra quyết định cần phải làm gì và không nên làm gì, đó mới chính xác là game chiến thuật thuần túy.
Thực tế mà nói game chiến thuật theo lượt đã xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khởi điểm của ngành công nghiệp game, lúc đó thể loại này cực kỳ được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản với hàng loạt gương mặt đình đám như Fire Emblem, Langrisser, Ogre Battle/Tactics Ogre hay Final Fantasy Tactics. Lúc đó người ta chưa có một khái niệm chính xác để định danh cho dòng game này mà thường thì NSX thích gọi sao cho thuận miệng thì gọi. Chả thế mà nó còn mang nhiều cái tên hơi lạ khác như tactical role-playing game, turn-based role-playing… Mãi về sau này thì game giới đã có quá nhiều thể loại cần phân biệt chính xác thì nó mới chính thức được chấp nhận với tên gọi game nhập vai chiến thuật. Tuy nhiên dù có bị định danh bằng từ ngữ nào thì trong năm 2019 bạn cũng nên biết đến những cái tên bên dưới bởi nó “đặc sệt” chất game dàn trận năm nào mà chúng ta từng mê mẩn!
Fell Seal: Arbiter’s Mark – Đánh giá
Thế giới của Fell Seal: Arbiter’s Mark là một tổ hợp tương đối quen mà lạ khi kết hợp giữa chất fantasy huyền ảo trong phần kể chuyện cùng phong cách thiết kế nhân vật, cảnh quan môi trường đậm chất steampunk. Nhân vật chính trong game là Kyrie, một Arbiter vừa chính thức đảm nhận công công việc của mình nhưng nếu đã quá quen với cách dẫn chuyện đầy cẩu huyết của các RPG Nhật, hẳn bạn sẽ đoán được ngay cô nàng sẽ sớm đối mặt với khó khăn và rắc rối có liên quan đến công việc của mình.
Theo cách quen thuộc mà các RPG kiểu cũ thường dẫn dắt, sẽ có một Arbiter phát hiện ra cấp trên của mình đang lạm dụng quyền lực nhằm sách nhiễu dân chúng. Trong quá trình chống đối lãnh đạo này sẽ xuất hiện nhiều âm mưu kinh người mà có năm mơ cô Arbiter tập sự đó cũng không thể ngờ được. Với một cốt truyện tương đối cũ, điều khiến Fell Seal: Arbiter’s Mark hút khách chính là khả năng dẫn dắt câu chuyện cùng các đoạn cắt cảnh gợi nhớ theo phong cách game Final Fantasy thời SNES.
Về lối chơi Fell Seal: Arbiter’s Mark mang phong cách chiến thuật đánh theo lượt, phong cách game này có lẽ đã quá quen thuộc nếu bạn từng là fan hâm mộ của những đại diện tiêu biểu như Final Fantasy Tactics và Tactics Ogre. Với truyền thống sản xuất những tựa game mang chiều sâu về cốt truyện, Fell Seal: Arbiter’s Mark cũng không phải là ngoại lệ của 6 Eyes Studio. Với bối cảnh game là một câu chuyện phức tạp, mâu thuẫn về chính trị và lẽ tất yếu sẽ dẫn tới chiến tranh.
Pathway – Đánh giá
Trò chơi nhập vai chiến thuật pha trộn phong cách roguelike này là một bản kết hợp những yếu tố hay nhất từ các game dàn trận lừng danh như XCOM hay Faster than Light. Sản phẩm cuối cùng mà người chơi nhận được chính là một hành trình phiêu lưu hấp dẫn xuyên qua vùng sa mạc, với phong cách tạo hình của các nhân vật đặc sệt chất điện ảnh không lẫn vào đâu được của Indiana Jones.
Pathway chia mỗi màn chơi thành từng nhiệm vụ cố định, bạn sẽ được chọn các thành viên cố định ngay từ đầu và hoàn thành nhiệm vụ đó mà không được thay đổi giữa chừng. Bản đồ được biến tấu theo dạng các ô nhỏ liên kết với nhau, với mỗi ô là các sự kiện đặc biệt với đích đến thường là con trùm của màn chơi đó. Yếu tố ngẫu nhiên được tận dụng rất nhiều trong Pathway, khi mà bạn sẽ không biết cái ô tiếp theo mình bước vào sẽ có cái gì, có thể là cả một ổ kẻ địch hoặc một món vũ khí cực xịn được ẩn giấu.
Một điều cần lưu ý là mỗi khi di chuyển qua một ô, người chơi sẽ bị mất nhiên liệu (xăng) tương ứng và nếu hết xăng giữa đường thì dù party có mạnh ra sao đi chăng nữa thì cũng không thể đi tiếp được. Do Pathway không cho phép đổi nhân vật giữa chừng, nên việc lựa chọn party ra sao cũng là vô cùng quan trọng.
Bạn có thể lựa chọn một đội hình thuần tấn công, xen kẽ những healer hoặc sniper để hỗ trợ từ xa, còn không thì chơi kiểu hardcore với toàn những nhân vật cận chiến cho nó máu lửa. Pathway có một danh sách lên tới 16 nhân vật để người chơi lựa chọn, bảo đảm bạn sẽ xây dựng một đội hình ưng ý theo sở thích của mình.
Divinity: Original Sin 2 – Đánh giá
Có lẽ nhắc tới cái tên Original Sin thì chẳng ai còn xa lạ với tựa game đã quá quen thuộc, đặc biệt là với những người chơi game PC kỳ cựu trong quá khứ. Thậm chí, theo một cuộc khảo sát nho nhỏ, có khá nhiều người bị cuốn vào tựa game này tới mức chơi liên tục 12, thậm chí là 14 và có khi còn là 16 tiếng một ngày mà chưa thấy chán. Chỉ riêng chi tiết này thôi có lẽ cũng đã đủ để hình dung về mức độ hấp dẫn của Divinity: Original Sin 2 rồi nhỉ.
Mà thực tế, thì Divinity: Original Sin 2 hay thật. Nó là sự kết hợp giữa những gì sâu sắc nhất trong Baldur’s Gate II, cùng sự hỗn loạn có chủ đích của Ultima Underworld, trên hết là sự giải trí, tính hài hước vô cùng sáng tạo và cuốn hút của tựa game này. Và chắc chắn rằng, không riêng gì cậu chàng kể trên đâu, còn vô vàn những game thủ khác cũng đang nghiện dần Divinity Original Sin 2 rồi đấy. Về cơ bản đây là một game nhập vai nhưng với chế độ Game Master Mode, với khả năng thao túng, xây dựng và chỉnh sửa màn chơi tùy thích thì Divinity Original Sin đâu khác biệt lắm với các tựa game dàn trận đâu?
Into the Breach – Đánh giá
Bạn đang tìm một game cực khó để chơi sao, hãy thử qua Into the Breach – một game chiến thuật theo lượt vừa ra mắt trong thời gian này. Với lối chơi cực khó và đa dạng, Into the Breach là game đòi hỏi người chơi phải là các nhân tài có IQ rất cao mới đủ sức mà chơi nó nhé. Mục tiêu của Into the Breach trong từng màn chơi là làm sao thủ vững hệ thống năng lượng (các nhà dân hoặc nhà máy) khỏi bị phá hủy, nghe đơn giản thế thôi nhưng khi vào chơi bạn sẽ thấy nó là cả một công cuộc gian khổ đấy.
Vậy tại sao Into the Breach lại khó? Đầu tiên là do cơ chế “chấp một lượt” của game khi quái vật luôn được quyền đi trước, điều này khiến cho người chơi ngay lập tức rơi vào thế bất lợi. Thứ hai là số năng lượng được tính theo tổng thể chứ không nạp đầy qua màn, hãy tưởng tượng bạn có 10 cục năng lượng và 10 màn chơi, thì chuyện xui xẻo mất 1, 2 cục/màn là chuyện bình thường. Quái vật trong Into the Breach cực khôn, chúng chỉ tấn công thẳng vào các nhà dân mà bỏ qua người chơi, nên việc lính thì còn nguyên nhưng vẫn cứ thua vì hết năng lượng.
Game không có cơ chế load, đồng nghĩa tất cả sai lầm là vĩnh viễn và không thể phản hồi. Bạn tính toán một cách cực kỳ điên cuồng trong việc vừa phải làm sao bảo vệ năng lượng, tiêu diệt quái vật trong khi vẫn bảo đảm mình không đi sai bất cứ nước nào. Mỗi khi gameover bạn sẽ phải quay lại từ đầu, game chỉ đền bù một chút là cho phép bạn chọn 1 phi công để đem theo vào lần chơi tiếp theo.
Valkyria Chronicles 4
Valkyria Chronicles 4 được đặt trong cùng mốc thời gian với các game trước, diễn ra trong các sự kiện của game đầu tiên. Nó mô tả các trận đánh giữa Liên bang Đại Tây Dương và Liên minh Hoàng gia Đông tự trị ở phía Đông. Trong một nỗ lực cuối cùng để chấm dứt chiến tranh và chiếm được kinh đô, Liên bang Đại Tây Dương đã thực hiện Chiến dịch Bắc Thập tự. Bạn sẽ bắt đầu game với tư cách là Tư lệnh Claude Wallace và những người bạn của mình trong Squad E, người được gửi đến để chiến đấu chống lại binh lính hoàng gia và Valkyria.
Giống như bản gốc, Valkyria Chronicles 4 được phân chia giữa lối chơi của RPG chiến thuật theo lượt và trò chơi bắn súng với góc nhìn của người thứ ba. Bạn chỉ huy các đơn vị trên bản đồ hướng tới các vị trí chiến lược, nhưng khi bạn di chuyển một đơn vị, bạn trực tiếp kiểm soát chúng và thực hiện các hành động trong thời gian thực.
Đi cùng với cách chơi này là sự bổ sung của lớp Grenadier, cùng với một bộ các tùy chọn hỗ trợ nâng cấp cho các chiến hạm. Ngoài ra, nó giới thiệu một tính năng được gọi là hệ thống Brace, chức năng của nó khi được sử dụng là cho phép bạn tăng cường khả năng của quân đội khi một người lính bị giết hoặc bị thương nặng trong khi đang chiến đấu.
(Còn tiếp)
- Game dàn trận và những cái tên bạn tuyệt đối không nên bỏ lỡ – P.1
- Game dàn trận và những cái tên bạn tuyệt đối không nên bỏ lỡ – P.Cuối