Game kinh dị có cần đồ họa đẹp?

Liệu những game kinh dị với hình ảnh dưới mức trung bình có thể làm game thủ sợ hãi? Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời trong bài viết này.

Ngành công nghiệp game ngày nay đang phát triển một cách cực kỳ mạnh mẽ, và nhờ vào sự ra đời của hàng loạt công cụ hỗ trợ lớn nhỏ và những engine miễn phí, ai cũng có thể làm game. Bạn sẽ tìm thấy đủ mọi phong cách game trong cùng một thể loại, từ những tựa game indie với hình ảnh đơn giản, đầy pixel hoặc trực tiếp sử dụng các hình ảnh 2D truyền thống, các trò chơi có hình ảnh 3D đơn giản đến các siêu phẩm sở hữu đồ họa “thật hơn cuộc sống”. Và dù là đi theo phong cách nào đi nữa, bạn đều có thể tìm được những trò chơi hết sức thành công.

Hù, sợ chưa?

Tuy nhiên sẽ có không ít game thủ cho rằng có một thể loại game là đặc biệt: kinh dị. Khi chơi những tựa game này, chắc chắn người chơi muốn mình bị hù dọa càng ghê rợn càng tốt, chỉ cần không… bĩnh ra quần. Và còn cách nào hù dọa tốt hơn là những hình ảnh cực kỳ chân thực có thể khiến game thủ nhầm lẫn giữa đời thực với trong game? Do đó, có không ít game thủ cho rằng khi chơi game kinh dị thì chỉ những tựa game có đồ họa tuyệt đẹp, hết sức chân thực mới có thể đem lại ấn tượng tối đa, khiến cho họ thực sự cảm thấy hãi hùng theo từng bước chân của nhân vật.

Nhưng quan niệm này có đúng hay không?

Sự đa dạng của game kinh dị

Chỉ cần nhìn vào danh sách những tựa game kinh dị thành công nhất hiện tại, bạn sẽ nhận thấy rằng mảng kinh dị ngày nay đang cực kỳ phong phú. Game thuộc thể loại này có mặt ở mọi nơi, từ PC, console truyền thống với màn hình lớn đem lại cảm giác chân thực và hòa nhập đến các thiết bị mobile nhỏ gọn không thực sự khiến bạn chìm đắm vào trong thế giới của game. Tuy nhiên dù chơi trên thiết bị nào thì bạn đều có thể tìm thấy những tựa game kinh dị phù hợp với sở thích của mình, dù là thích 3D chân thực hay 2D đơn giản.

Với số lượng trò chơi được cung cấp đa dạng đến vậy, không có gì ngạc nhiên khi người chơi trở nên khó tính và kén chọn. Cách đánh giá game nhanh nhất không gì ngoài nhìn vào chất lượng hình ảnh của chúng – chỉ cần vài phút xem trailer hoặc xem screenshot là game thủ chúng ta đã có thể có được cái nhìn sơ lược về những gì trò chơi có thể đem lại cho mình.

Với những tựa game kinh dị, các đoạn trailer thường khá ngắn sẽ không thể khiến cho game thủ không kịp nhập tâm vào thế giới của game, còn những hình ảnh screenshot nếu không đủ ấn tượng cũng sẽ làm cho người chơi không mấy thích thú Vì vậy nên một yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định mua một trò chơi sẽ là vẻ bề ngoài của nó. Với những thể loại khác thì game thủ có thể cân nhắc thêm về lối chơi, thể loại hoặc cơ chế gameplay, nhưng trong mọi trường hợp, đồ họa luôn là yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu. Có thể nói rằng những tựa game kinh dị có đồ họa xấu nằm ở thế yếu ngay từ đầu.

Do đó, một trò chơi càng đẹp thì càng có nhiều người chơi mua nó là hiển nhiên. Crysis là một ví dụ: khi ra mắt hồi năm 2007, một lượng lớn người chơi đã mua tựa game này chỉ vì hình ảnh của nó, ngay cả khi máy tính của họ không đủ sức gánh tựa game này và không ít người nhận ra rằng gameplay của Crysis không phải là đỉnh mà chỉ ở mức vừa đủ.

Hình ảnh của Crysis được người ta say sưa bàn tán, cả về ưu điểm lẫn khuyết điểm, sản sinh ra nhiều meme nổi tiếng. Nó cũng kéo theo một hệ lụy là khi nhà phát triển Crytek cắt giảm đồ họa để đưa thương hiệu này lên console (Crysis 2 và Crysis 3), game thủ thế giới mất đi sự nhiệt tình với trò chơi bởi với họ thì Crysis đồng nghĩa với đồ họa đỉnh cao mà máy tính khủng chưa chắc đã chơi được.

Đồ họa của Crysis làm game thủ say mê.

Kể từ khi Crysis ra mắt đến nay, công nghệ hình ảnh đã được cải thiện một cách hết sức đáng kể và không nhiều game còn có thể đem lại cho người chơi sự rung động như khi lần đầu nhìn thấy screenshot và trailer của Crysis. Ngày nay, chúng ta có những tựa game đẹp và chân thực đến mức khó có thể phân biệt được screenshot trong game với cảnh quay thực tế ngoài đời. Những tựa game có đồ họa như vậy chắc chắn là một điểm cộng trong mắt game thủ, bởi họ biết nhà phát triển đã trau chuốt phần hình ảnh của game công phu đến mức nào. Điều này cũng sẽ giúp trò chơi được lan truyền mạnh mẽ hơn khi game thủ cùng nhau bàn tán về hình ảnh của nó.

Tuy nhiên phải nói rằng rất khó để tạo ra một trò chơi đẹp. Ngay cả các studio lớn cũng có thể fail sấp mặt khi cố gắng làm game đẹp với kinh phí khủng, chẳng hạn tựa game Babylon’s Fail… à không, Babylon’s Fall vừa ra mắt. Được phát triển bởi studio Platinum Games dày dạn kinh nghiệm, tác giả của những Vanquish, Nier: Automata, Bayonetta,… nhưng phong cách đồ họa “sơn dầu” của Babylon’s Fall lại khiến game thủ chửi thúi đầu do quá xấu, quá phèn.

Vậy nên làm game đẹp càng khó hơn với các nhóm phát triển nhỏ. Với kinh phí hạn hẹp và không nhiều nhân sự để phát triển những tựa game đẹp, rất nhiều studio buộc phải chọn phong cách hình ảnh đơn giản hơn, có thể là 3D nhưng được cách điệu để giảm bớt nhu cầu về phần cứng hoặc thậm chí là 2D vẽ tay, pixel đơn giản. Nhà phát triển thậm chí còn có thể chọn đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, cố ý làm ra game xấu, chỉ cần phù hợp với câu chuyện của mình. Và không ít game trong số này đã thành công, ví dụ Five Nights at Freddy’s, Poppy Playtime, Who’s Lila, Power Drill Massacre,…

Vậy thì có phải là đồ họa xấu đã giúp chúng thành công?

Đồ họa xấu kích thích trí tưởng tượng

Đầu tiên cần khẳng định rằng đồ họa xấu không phải là yếu tố ngăn cản một tựa game thành công. Có vô vàn trò chơi có phần hình ảnh xấu khó đỡ trên thị trường, hoặc chỉ ở mức tạm bợ chấp nhận được nhưng vẫn thành công rực rỡ. Những ví dụ rõ ràng nhất là Minecraft, Roblox, Terraria,… Chúng đều là những tựa game có đồ họa tầm thường (nếu không muốn nói là xấu), nhưng lại thành công rực rỡ. Trong khi đó lại có hàng loạt game khác cố gắng sao chép lối chơi của những game này và nâng cấp hình ảnh lên đẹp mắt hơn rất nhiều lại không được biết đến rộng rãi.

Roblox “xấu nhưng kết cấu nó đẹp”

Sự thành công rực rỡ của những tựa game vừa được chúng tôi nhắc đến cho thấy rằng hình ảnh đẹp không phải là yếu tố nhất định phải có trong một tựa game thành công. Đồ họa là một phần quan trọng của game, nhưng lối chơi hoàn toàn có thể bù đắp cho hình ảnh không được lý tưởng như mong đợi. Các phiên bản copy của Minecraft không thành công dù có hình ảnh đẹp hơn đơn giản là vì chúng không sao chép được lối chơi tự do, đầy sáng tạo của Minecraft, trong khi các game ăn theo Terraria lại không có được cảm giác phiêu lưu, khám phá nhiệm màu dù bản thân Terraria chỉ là một game 2D hết sức đơn giản.

Thật ra, đồ họa xấu còn có cả… thế mạnh của nó. Nếu được sử dụng đúng đắn, nó có thể toát lên vẻ cổ điển mà rất nhiều tựa game muốn có được.Nét đồ họa này sẽ rất phù hợp với những tựa game kinh phí thấp nhưng muốn đem lại cho game thủ cảm giác cổ xưa, bí ẩn, ví dụ những tựa game lấy bối cảnh các ngôi nhà cổ bỏ hoang hay trực tiếp đưa bạn về quá khứ.

Bất cứ khi nào ai đó nghĩ về các trò chơi cũ, một trong những điều đầu tiên họ sẽ nhớ là pixel. Các trò chơi ban đầu có đặc điểm chung là luôn thiếu đường cong và hình ảnh của chúng được tạo thành từ các hình khối, đa giác đơn giản, “vuông thành sắc cạnh”. Các giới hạn của công nghệ cũ khiến cho các tựa game cổ điển không thể tạo ra bất cứ thứ gì ở độ chi tiết mà chúng ta thấy bây giờ. Nó dẫn tới một kết quả thú vị là bộ não người chơi thường phải làm rất nhiều việc nặng nhọc khi tưởng tượng ra những thế giới kỳ ảo mà họ đang khám phá.

Devastated Dream, một game kinh dị 2D đơn giản.

Đối với hầu hết các thể loại thì việc có đồ họa xấu và ép game thủ phải tưởng tượng là một gánh nặng, thường phải được bù đắp bằng các khía cạnh khác của trò chơi. Nhưng game kinh dị là một ngoại lệ cho quy tắc này, bởi khi người chơi càng tưởng tượng nhiều thì game càng trở nên đáng sợ. Như Steven Spielberg đã nói về một trong những bộ phim kinh dị nổi tiếng nhất mọi thời đại, “Jaws đáng sợ vì những gì bạn không thấy chứ không phải vì những gì bạn làm”.

Trí tưởng tượng của con người có sức mạnh to lớn. Khi có một nền tảng để dựa vào – ở đây là hình ảnh của các tựa game kinh dị, nó có thể tạo ra những hình ảnh khơi dậy nỗi sợ hãi một cách hết sức dễ dàng. Điều này cũng đúng trong các bộ phim, nhưng nó thậm chí còn phù hợp hơn với trò chơi, nơi người chơi phải chủ động lựa chọn để tiếp tục tiến lên phía trước và tiếp tục nhìn chằm chằm vào thứ khiến họ sợ hãi.

Mỗi khoảnh khắc lần mò trong một tựa game kinh dị là một khoảnh khắc e ngại rằng có thứ gì đó có thể đang chờ bạn khuất sau tầm mắt; trong khi những tiếng động (hoặc sự tĩnh lặng xung quanh) khiến bầu không khí ngột ngạt ngày một tăng cao. Trí tưởng tượng của chúng ta thậm chí làm mọi thứ còn đáng sợ hơn là những hình ảnh 3D được trau chuốt cẩn thận bởi chỉ có bộ não của chúng ta mới biết mình e ngại điều gì, và trí tưởng tượng của bạn sẽ luôn không tự giác tạo ra những hình ảnh đó.

Trí tưởng tượng khiến chúng ta sợ hãi hơn cả những hình ảnh rõ nét.

Khi xem xét từ khía cạnh này, hình ảnh không rõ nét của những tựa game có đồ họa đơn giản là một điều may mắn. Do công nghệ mà nhà phát triển sử dụng không thể tạo ra những con quái vật đủ khủng khiếp, trí tưởng tượng của người chơi có thể vượt qua trở ngại này theo cách không thể thực hiện được nếu độ trung thực của đồ họa quá cao. Một trong những tựa game khai thác sức mạnh này rõ ràng nhất có lẽ là trò chơi kinh dị indie có tên No One Lives Under the Lighthouse.

Một tựa game thể hiện rõ ràng ưu điểm của đồ họa xấu

No One Lives Under the Lighthouse là một game kinh dị ngắn được phát hành vào năm 2020. Cùng với câu chuyện thú vị và vòng lặp chơi thay đổi một cách tinh vi, nó có lẽ đáng chú ý nhất vì đã dùng đồ họa cổ điển, truyền thống một cách nghệ thuật. Không giống như các trò chơi phong cách pixel hiện đại khác trông rất đẹp mắt trên màn hình độ phân giải cao, No One Lives Under the Lighthouse sử dụng hình ảnh cổ điển, đầy răng cưa và cục mịch, nhưng cũng nhờ đó mà nó tạo ra một trải nghiệm kinh dị vượt xa những ấn tượng đầu tiên mà game thủ có được khi nhìn thấy hình ảnh của nó.

No One Lives Under the Lighthouse xấu đến bất ngờ!

Khi con quái vật trong No One Lives Under the Lighthouse xuất hiện, nếu có thể kềm chế nỗi sợ hãi và chú tâm vào hình ảnh, game thủ sẽ thấy rằng nó trông quá xấu xí (không phải theo nghĩa tốt phù hợp với một tựa game kinh dị), được dựng hình một cách thô kệch và các động tác của nó trông như được tạo ra bởi một “tay mơ” vừa tập tành làm chuyển động 3D. Màu da và hoa văn trên da của con quái trông có vẻ như cũng thay đổi theo góc nhìn, nhưng thật ra đó chỉ là vấn đề do độ phân giải của vân bề mặt quá thấp. Nếu bạn tình cờ nhìn thấy nó trong một phiên bản remake của Resident Evil hay giữa đàn quái vật địa ngục gớm ghiếc của Doom Eternal, có thể bạn sẽ… bật cười chứ không hề cảm thấy sợ hãi.

Nhưng đội ngũ làm ra No One Lives Under the Lighthouse biết rõ đâu là thế mạnh của mình. Khi chơi tựa game này, bạn sẽ chỉ gặp gỡ con quái sau một thời gian chơi game, và nó cũng chỉ xuất hiện ở rìa của khung hình (bởi game chỉ có thể dựng hình các vật thể cách bạn vài mét). Nó đứng ở một khoảng cách vừa đủ để đồ họa hạn chế của game che khuất hầu hết những thứ khác trong môi trường, để hướng toàn bộ sự chú ý của bạn vào con quái vật.

Trong bất kỳ tình huống nào khác, con quái vật sẽ trông rất buồn cười nhưng trong No One Lives Under the Lighthouse, khi tất cả các khoảng trống của khung hình được lấp đầy bằng những hình ảnh cục mịch, đầy hình khối và có thể đếm rõ số pixel, trí tưởng tượng của người chơi được dịp hoạt động hết công suất để tạo ra một khung cảnh, một thứ gì đó kinh hoàng độc nhất vô nhị. Thay vì tập trung vào tất cả những điểm không hoàn hảo trong khung hình mà chúng ta có thể nhìn thấy, người chơi cuối cùng sẽ sợ hãi tất cả những thứ mà họ không thể nhìn thấy.

Có gì ẩn sau màn sương kia?

Đặt vào một tình huống mà lựa chọn duy nhất là bỏ chạy càng nhanh càng tốt sẽ càng khiến mọi người không muốn xem xét kỹ con quái vật này, giúp nó trở thành một thứ gì đó hoàn toàn khác biệt với hình hài thực sự của nó. Nhờ vậy, không có hai người chơi No One Lives Under the Lighthouse nào sẽ phải đối mặt với cùng một con quái vật trong tựa game này. Tùy thuộc vào sức mạnh của trí tưởng tượng của riêng bạn và những gì bạn e sợ, con quái này sẽ luôn trở thành cơn ác mộng đáng sợ nhất của bạn khi chơi game. Đây là điều mà một trò chơi có đồ họa 3D rõ ràng không thể làm được.

Và một ưu điểm khác của đồ họa đơn giản

Ngoài việc kích thích trí tưởng tượng của người chơi ra thì đồ họa đơn giản còn có một ưu điểm nữa là không đòi hỏi cấu hình máy cao. Lý do chúng tôi nói đồ họa đơn giản chứ không phải đồ họa xấu là vì xấu không đồng nghĩa với nhẹ – một lần nữa chúng tôi lại lôi Babylon’s Fall ra làm ví dụ, bởi nó xấu khó tả nhưng vẫn là một tựa game đòi hỏi cấu hình máy tương đối cao.

Nhờ vào đồ họa đơn giản và thân thiện với những máy tính, điện thoại cấu hình thấp, các tựa game kinh dị indie có được khả năng “phủ sóng” rộng rãi hơn, đến được với nhiều game thủ hơn và nhờ đó xây dựng được một cộng đồng đông đảo. Những người bị chinh phục bởi trò chơi sẽ giúp thông tin về nó được lan truyền rộng rãi hơn, dụ dỗ thêm nhiều người có cùng sở thích đến với trò chơi, giúp game có cơ hội thành công cao hơn nữa.

Five Nights at Freddy’s không đẹp nhưng chính vẻ bẩn bẩn, cũ cũ này đã khiến nó trở nên đáng sợ.

Dĩ nhiên là để làm được điều này, bản thân game cũng phải có chất lượng xứng đáng, khiến người chơi muốn chia sẻ nó với bạn bè. Game thủ ngày nay đã sáng suốt hơn rất nhiều và cũng có nhiều lựa chọn hơn, khiến họ có tiêu chuẩn cao hơn khi chọn lựa một trò chơi.

Đồ họa đẹp đem lại trải nghiệm trực tiếp

Con người luôn thích có được thông tin từ càng nhiều giác quan càng tốt, chẳng hạn khi ăn uống thì người ta thích món ăn có đủ sắc, hương, vị,…. Nhưng vấn đề với game là nó làm mất đi khứu giác và xúc giác của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ có thể có thị giác và âm thanh (và có một chút xúc giác nếu chơi các game có hỗ trợ rung bằng tay cầm).

Thể loại game kinh dị cực kỳ phụ thuộc vào hai yếu tố này, nên sẽ là dễ hiểu khi vô vàn game thủ ưu ái game có đồ họa đẹp, chân thực hơn là những tựa game có hình ảnh kém hơn và đòi hỏi trí tưởng tượng. Hình ảnh đẹp, chân thực sẽ khiến người chơi bị cuốn vào cuộc ngay lập tức, cảm thấy như mình đang ở ngay trong thế giới của game, trong khi nếu chơi “game xấu” thì chúng ta phải chờ đến khi trí tưởng tượng vào cuộc và tạo ra những hình ảnh đáng sợ dựa vào các thông tin thô kệch mà game cung cấp trên màn hình.

Những tựa game kinh dị tâm linh (psychological horror) có thể dùng được hình ảnh xấu, nhưng các game máu me be bét, xương thịt nội tạng rơi vương vãi, hoặc dùng những pha hù dọa bất ngờ, trực tiếp (jump scare) để tạo ra nỗi sợ cần phải có đồ họa đỉnh để làm game thủ thực sự cảm thấy kinh hoàng. Lấy ví dụ một trò hù dọa rất cổ điển là “Scary Maze”, khi bạn rê chuột tránh chạm vào các bức tường của một mê cung, nếu khuôn mặt đáng sợ xuất hiện ngay cuối cùng là hình ảnh một con creeper trong Minecraft thì bạn sẽ chẳng có cảm giác gì, phải là khuôn mặt chân thực và đáng sợ đi kèm tiếng hét kinh hồn thì mới “đủ đô”.

Do đó, dù làm ra một tựa game kinh dị thực sự đáng sợ với đồ họa đơn giản là khả thi, những trò chơi được đầu tư tiền của và công sức để tạo ra hình ảnh “khủng” vẫn có chỗ đứng riêng, và thậm chí còn chiếm vai trò chủ đạo. Đại đa số game kinh dị thành công trên thị trường hiện nay đều là những trò chơi được đầu tư lớn, thiết kế hình ảnh công phu bởi chúng đem lại cho game thủ trải nghiệm trực tiếp và chân thực, truyền tải được trọn vẹn ý đồ của nhà phát triển chứ không cần phải dựa dẫm vào trí tưởng tượng của người chơi.

Ngay cả những game thủ có trí tưởng tượng phong phú cũng sẽ thích những tựa game đẹp mắt như Resident Evil 2, 3 (bản Remake), SOMA, Little Nightmare,… bởi trong những trò chơi này, đồ họa đẹp và phong cách hình ảnh độc đáo hòa trộn với nhau một cách tuyệt vời để tạo ra trải nghiệm thú vị và thót tim mà bạn sẽ nhớ mãi, rất lâu sau khi đã “phá đảo” trò chơi.

Cả hai đều cần thiết

Trong số các tựa game đồ họa đơn giản, vẫn có rất nhiều trò chơi có thể được coi là đáng sợ hơn No One Lives Under the Lighthouse. Nhưng đối với một tiêu đề được phát triển bởi ba nhà phát triển độc lập đến từ Ukraine, nó tạo ra một cú đấm đáng ngạc nhiên nhờ tất cả những thứ mà nó không hiển thị cho bạn. Một điều đơn giản như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu thời gian dành nhiều hơn để làm cho trò chơi trông đẹp hơn hoặc tinh tế hơn.

Tuy nhiên dù có nhiều ưu điểm như vậy, việc chơi No One Lives Under the Lighthouse trên một màn hình độ phân giải cao hiện đại không phải là một việc dễ dàng. Một vài phút đầu tiên của game trông thực sự hơi… nhức mắt nếu bạn là một game thủ yêu thích hình ảnh đẹp. Nếu bạn có thể vượt qua phản ứng ban đầu của mình về sự “xấu xí” của One Lives Under the Lighthouse, thì chính phong cách nghệ thuật đó sẽ góp phần giúp bạn trải nghiệm được một câu chuyện kinh dị hấp dẫn sâu sắc.

Nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng bỏ qua nhược điểm về đồ họa để chìm đắm vào lối chơi của một tựa game. Ngay cả Minecraft – tựa game lôi cuốn hàng chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu game thủ ở mọi lứa tuổi cũng có “anti fan”, những người không thể nuốt trôi các hình khối cục mịch của nó. Thay vào đó, họ tìm đến những game xây dựng, sinh tồn có lối chơi ít tự do hơn nhưng lại đẹp mắt hơn như State of Decay, Ark: Survival Evolved,…

Vậy nên việc có những game thủ không nuốt nổi các game kinh dị có hình ảnh được đầu tư kinh phí thấp như No One Lives Under the Lighthouse, Five Nights at Freddy’s hay Devil Came Through Here mà chỉ muốn chơi những game đẹp, đồ họa khủng như Alan Wake, SOMA, hay chờ đợi được chơi Dead Space bản làm lại là rất đỗi bình thường. Đây là một nhu cầu hoàn toàn hợp lý bởi chơi game là để thư giãn, và mỗi người có một sở thích khác nhau. Tựa game nào không giúp bạn có được cảm giác thích thú, hài lòng thì đó là một tựa game không cần phải chơi, dù nó có nổi tiếng đến mức nào.

Bạn thấy bài viết này thế nào:
Đánh giá
UPDATE NGAY lịch đăng video mới trên Kênh Tin Game Channel vào 12h00 thứ 3 - 5- 7 - Chủ Nhật hàng tuần nào.

Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpage Gosugamers Vietnam khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.

Cuối cùng bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?