Sự thất bại của Ghosts đến từ đâu?
Ghosts không phải là cái tên người ta nghĩ ngay khi nhắc đến Call of Duty. Thành thực mà nói thì có bao nhiêu ví dụ khác nổi trội hơn, từ Black Ops cho đến Modern Warfare, hay thậm chí là Infinite Warfare. Với 19 triệu bản bán ra tính đến 2014, nhưng hiếm khi cái tên Ghosts được nêu lên như một thành công thực sự của Infinity Ward và Activision, và có lẽ lí do cho sự đi xuống ấy không đơn giản chỉ là do chất lượng của tựa game. Hãy cùng chúng tôi giải mã bí ẩn mang tên Ghosts – đứa con ghẻ của Call of Duty.
Sự nửa vời trong thiết kế
Call of Duty: Ghosts ra mắt cho Playstation 3, Playstation 4, Xbox 360, Xbox One, Wii U và Microsoft Windows vào tháng 11/2013. Chừng ấy nền tảng và thời gian phát hành là đủ để thấy sự pha trộn và lai tạp của hai thế hệ phần cứng. Điều này được thể hiện trong hầu như mọi khía cạnh của Ghosts, từ gameplay, thiết kế level cho đến hiệu ứng đồ họa.
Phần chơi đơn chính của game kể về những đặc nhiệm huyền thoại Ghosts trên hành trình ngăn chặn người đồng đội cũ Rorke với kế hoạch thôn tính nước Mỹ bằng vũ khí hủy diệt. Nó không hẳn là một cốt truyện tệ; có hàng tá những ví dụ còn khủng khiếp hơn, nhưng kịch bản của Ghosts chỉ là sự xào nấu lại những công thức cũ đã được làm hàng trăm lần trong các tựa game quân đội trước đó. Ấy là chưa kể những cú twist (nút thắt trong câu chuyện) chẳng bất ngờ tẹo nào và chẳng được kể một cách đúng đắn. Cốt truyện của game đơn giản chỉ là cái cớ, đủ tốt để lôi người chơi từ địa điểm này đến địa điểm khác để diệt kẻ xấu.
Lần đầu người viết thử qua Call of Duty: Ghosts là thời điểm một tuần sau ngày game ra mắt trên hệ PC, và thực sự rằng ấn tượng lúc đó không có gì là tốt. Nhưng sáu năm sau chơi lại, cảm giác không chỉ gói gọn trong chữ “tệ”, mà thay vào đó là “bối rối”. Nhìn kĩ lại, Ghosts mang trong mình kha khá đặc điểm của Call of Duty từ trước đến 2013, nhưng cùng với đó là khá nhiều yếu tố mới lạ.
Về cơ bản lối chơi của game không có nhiều sự thay đổi so với mặt bằng chung của Call of Duty. Phần lớn thời gian bạn vẫn chỉ chạy loanh quanh những level tuyến tính và bắn thẳng mặt kẻ xấu cho đến khi chúng chết hết. Nhưng đôi khi sẽ có những trường đoạn điều khiển chú chó Riley hạ gục kẻ địch, hoặc lén lút trong một level khá mở với nhiều chỗ để ẩn nấp. Những phân đoạn này có số lượng đếm được trên đầu ngón tay, nhưng đủ để làm mạch game không lặp lại. Sự thêm thắt chế độ Squads và Extinction (cơ bản là chế độ Zombie của Black Ops nhưng là bắn nhau với người ngoài hành tinh) cũng là những bước đi thú vị.
Không chỉ gameplay, đến cả nền đồ họa và thiết kế bối cảnh của game cũng cho thấy một sự thay đổi nhất định. Thừa nhận rằng có những lúc game nhìn không hề giống một sản phẩm next-gen với hàng loạt những hiệu ứng filter, bloom và cháy nổ lỗi thời, nhưng vẫn biết cách thêm vào god ray (giả), motion blur, TXAA hay thảm thực vật động tương tác được. Những yếu tố này đôi lúc thậm chí không hoạt động do game chạy trên bộ engine IW cũ kĩ (dựa trên id Tech 3 từ tận 1999 vốn ngay từ ban đầu đã không thích hợp cho video game hiện đại), nhưng dù gì vẫn hiện hữu và làm tăng thêm phần nào đó sự hoành tráng của phần nhìn.
Tất cả những điều trên ủng hộ một luận điểm duy nhất: Call of Duty: Ghosts là một sản phẩm bị mắc kẹt trong thời kì console cũ và thất bại trong việc làm mới mình cho hệ console mới. Sự nửa vời là nguyên nhân chính khiến cho tựa game thất bại trong việc lôi kéo người chơi, khi mà một số thứ được làm rất tốt trong khi một số khác thì chẳng ra đâu với đâu. Cố gắng đẩy Call of Duty bắt kịp với xu hướng gameplay tự do, đa dạng và nền đồ họa khá khẩm hơn của đội ngũ Infinity Ward là rất đáng ghi nhận, nhưng cố gắng đó là không đủ, nhất là khi còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến Ghosts.
Sự chán nản của game thủ và chiến lược marketing nực cười
Không nói ngoa khi bảo rằng rất nhiều người của thời điểm hậu Black Ops 2 (2012) đã ngán Call of Duty đến tận cổ. Series game nổi tiếng lúc này đã bước sang tuổi thứ chín với hàng loạt phần game lớn nhỏ với cùng một lối chơi và đồ họa na ná nhau. Khi bạn làm một thứ gì đó lặp đi lặp lại trong suốt chín năm, có lẽ bạn sẽ bắt đầu thấy chán. Trên những diễn đàn lớn, người ta bắt đầu kêu gào về cái sự không chịu thay đổi của Call of Duty và việc Activision cứ hàng năm lại đẻ ra một phiên bản mới. Nhưng mặc kệ người ta nói gì, game bán vẫn chạy, và việc gì hãng phải dừng việc thu trứng vàng lại?
Tuy nhiên họ không hiểu rằng game thủ đang mong chờ một điều gì đó thật sự khác biệt. Series Modern Warfare đã khép lại, còn Black Ops thì đang mải mê với bối cảnh tương lai, điều mới lạ tuyệt vời gì đang chờ làng game thế giới trong năm 2013? Câu trả lời là một Call of Duty đặt trong một tương lai gần với cái sự tương tự Modern Warfare là 80%. Phản ứng của game thủ chẳng có gì là khả quan khi Ghosts được công bố, nhất là khi những đoạn gameplay quảng cáo không cho thấy bất kì sự khác biệt gì với những phần trước. Tại sao họ phải chơi tựa game này trong khi có những Battlefield 4, Crysis 3 hay thậm chí là BioShock Infinite để thay thế?
Mọi chuyện tồi tệ hơn khi Activision phát hành một vài đoạn clip và bài quảng cáo giới thiệu những tính năng đồ họa mà hãng cho là tiên tiến được tích hợp vào trong Call of Duty: Ghosts, khoe khoang nào là công nghệ dựng lông và tóc Nvidia Hairworks hay khói tương tác được. Nhưng chẳng mất bao nhiêu thời gian để cộng đồng chỉ ra những thứ vớ vẩn bị quảng cáo quá đà như god ray giả (ánh sáng chiếu một chỗ trong khi mặt trời ở một chỗ) hay nổi tiếng nhất là trí thông minh nhân tạo tân tiến của cá. Infinity Ward khoe rằng khi bạn tiến đến chỗ mấy con cá nhỏ, chúng sẽ bơi đi chỗ khác. Đây là điều đã xuất hiện từ tận thời Super Mario 64 (1996), và đương nhiên Call of Duty: Ghosts trở thành trò cười cho thiên hạ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không hề nhỏ đến doanh số của Ghosts, vốn bị coi là giảm mạnh so với Black Ops 2 ra mắt trước đó một năm.
Kết
nhiều hơn là có ích. Infinity Ward có lẽ đã làm hết sức mình để làm mới Call of Duty, nhưng cái tên Ghosts có lẽ sẽ chẳng gợi nên điều gì ngoài một nỗi thất vọng trong tâm trí của nhiều người.
Một số hình ảnh trong game: