Đi vào văn học
Trong số những tựa game được Sierra phát triển dựa trên nền tảng engine SCI, có một cái tên được đánh giá khá cao nhưng ít người biết đến: Gabriel Knight: Sins of the Fathers (1993). Trò chơi này chọn một hướng đi khác lạ khi có nội dung sâu sắc về một tiểu thuyết gia dính líu vào một vụ giết người bí ẩn trong đời thực (của game). Lối chơi của game khá giống với những người tiền nhiệm, nhưng về mặt hình ảnh lại là một bước tiến dài khi trông như một quyển tiểu thuyết bằng hình. Bởi phần hình ảnh của trò chơi nhận được nhiều lời khen ngợi, một năm sau đó nhà phát triển Revolution Software tung ra Beneath a Steel Sky, một trò chơi lấy bối cảnh một phiên bản cyberpunk đen tối của nước Úc với đồ họa và cách chơi tương tự.
Cả hai tựa game này đều có nội dung và đề tài rất “người lớn,” khác hẳn với quan niệm thời đó rằng game chỉ là cho trẻ con. Dù Gabrield Knight có cốt truyện khá chậm rãi và từ tốn, tiến độ của câu chuyện không bao giờ bị kéo dài hay trì trệ, mà rất lôi cuốn người chơi. Tuy nhiên tựa game này lại sử dụng một giao diện hoàn toàn mới không giống với bất kỳ một tựa game nào khác của Sierra trước đó, khiến game thủ bị chia đôi nửa khen nửa chê, bởi giao diện này vừa đem lại cho họ nhiều lựa chọn hơn, lại vừa tạo ra sự phiền hà không cần thiết.
Beneath a Steel Sky cũng tương tự: đây là một trong số ít game mà nhân vật chính có thể chết sau khi cả làng game graphic adventure đã từ bỏ yếu tố này được vài năm trời. Nhân vật chính sống sót trong một thế giới đầy ô nhiễm và phóng xạ, bị các binh sĩ từ thành phố Union bắt cóc ngay đầu game và bị bắt cóc không rõ lý do, trước khi trốn thoát nhờ may mắn và phải tìm cách chui lủi khỏi sự truy lùng của LINC, cỗ máy tính sinh học thống trị thành phố Union. Sau đó, Robert phát hiện ra rằng lý do mà LINC săn lùng mình vì nó cần thay thế thể xác đã quá già và cũ mà nó đang sử dụng – cha ruột của Robert – bằng một thể xác mới trẻ trung hơn để tiếp tục tồn tại.
Beyond the Steel Sky
25 năm sau ngày phiên bản đầu tiên phát hành, Beneath a Steel Sky sắp nhận được một phần nối tiếp có tên Beyond the Steel Sky. Trò chơi này sẽ được phát hành vào khoảng cuối năm nay.
Myst nhấn chìm làng game graphic adventure
Vào thời điểm những năm đầu thập kỷ 90, định dạng dĩa CD-ROM đã bắt đầu phát triển và trở nên phổ biến hơn trên thị trường. Với những ưu điểm như tốc độ đọc – ghi cao, dung lượng lớn, một số nhà phát triển chọn CD-ROM làm phương tiện chứa và phân phối game. Trong số đó có hãng Cyan Worlds của anh em nhà Miller với những tựa game nhắm tới giới trẻ như The Manhole, Cosmic Osmo, Spelunx… Sau những thành công nhỏ ban đầu, họ muốn có một dự án lớn và hoành tráng hơn hẳn. “Cái này dẫn tới cái kia,” Myst ra đời vào năm 1993 cho Mac với đồ họa 3D đỉnh cao, một giao diện trỏ & nhấn tối giản gây chấn động cho cộng đồng game thủ thế giới.
Myst thả game thủ vào một hòn đảo bỏ hoang đầy những công trình và cơ chế máy móc kỳ lạ, và chẳng cho game thủ bất kỳ thông tin gì ngoài việc cho bạn tự nhặt các vật phẩm trong môi trường để giải những câu đố được đặt ra. Trò chơi được khen ngợi nhiệt liệt vì đồ họa đẹp mắt, cốt truyện chín chắn và bầu không khí được xây dựng một cách trọn vẹn, và những đoạn video cắt cảnh dưới định dạng QuickTime. Game thủ chơi Myst cảm thấy mình thực sự đang bị lạc vào thế giới vô cùng chi tiết nhưng trống rỗng của trò chơi, và khiến họ bỏ qua những nhược điểm về phát triển nhân vật, tương tác hay những câu đố tối nghĩa mà trò chơi sở hữu.
Sau sự thành công của phiên bản Mac, Cyan Worlds nhanh chóng chuyển hệ nó lên PC. Trò chơi thống trị các bảng xếp hạng về doanh thu và điểm số, trở thành tựa game bán chạy nhất mọi thời đại và giữ ngôi vị này cho đến khi The Sims ra đời. Đây cũng là tựa game đóng vai trò rất quan trọng trong việc khiến CD-ROM được sử dụng rộng rãi trên thị trường, thay vì bắt game thủ phải liên tục đổi dĩa mềm khi chơi.
Myst tạo ra nhiều… tác hại cho thị trường game graphic adventure, bởi nó quá thành công. Nó bóp chết những công ty nhỏ và tạo ra rất nhiều tựa game ăn theo tràn ngập thị trường, khiến game thủ nhìn đâu cũng chỉ thấy Game-Giống-Myst. Bản thân Cyan Worlds cũng tạo ra một phiên bản nối tiếp Myst có tên Riven, và tựa game này cũng rất thành công khi ra mắt vào năm 1997. Nhưng cũng như Myst, có vài chục tựa game ăn theo khác nhanh chóng được phát hành sau thành công của Riven.
Sau Myst, không phải chỉ toàn đồ bỏ
Thật may mắn là không phải tựa game nào sau Myst cũng tệ. Có thể kể đến bộ ba game Journeyman Project (bản đầu ra mắt trước Myst, vào tháng 1/1993) là đối thủ xứng tầm của Myst ở thị trường phương tây. Trong khi đó tại Nhật Bản, Déjà Vu tiếp tục lôi cuốn game thủ vào thế giới diệu kỳ. Cái tên Hideo Kojima bất ngờ xuất hiện trong làng graphic adventure khi tựa game Snatcher được phát hành tại phương tây vào năm 1994. Một loạt game dựa trên thế giới fantasy Discworld cũng được khởi động vào năm 1995 và đạt được nhiều thành công lớn.
Cũng phải nhắc đến Bad Mojo một tựa game khá dị ra mắt vào thời kỳ này. Nó cho game thủ làm con gián và bắt bạn phải tìm cách trở lại thành người khi phiêu lưu trong khu nhà mình thuê trọ. Dưới góc nhìn của một con gián, tất cả những thứ quen thuộc bỗng trở nên lạ lẫm, và những gì vô hại bỗng trở nên nguy hiểm chết người gián. Hay I Have No Mouth and I Must Scream (tôi không có miệng và tôi phải hét), một tựa game tương đối khá, lấy đề tài kinh dị khai thác những yếu tố như đạo đức, nhân tính và ác quỷ tiềm ẩn trong mỗi người.
Sau thành công của Beneath the Steel Sky, Revolution Software tiếp tục đưa ra hai tựa game Broken Sword là Shadow of the Templar và The Smoking Mirror. Shadow of the Templar cho game thủ theo câu chuyện của George Stobbart, một du khách Mỹ tại Paris vừa suýt chết trong một vụ đánh bom và quyết định tự mình điều tra, dẫn đến một cuộc hành trình vừa hồi hộp lại vừa vui thú, hòa quyện với những thuyết âm mưu về các Hiệp Sĩ Dòng Đền (Knights Templar). Phần 2 của Broken Sword lấy mốc thời gian 6 tháng sau đó, khi George phải cứu cô bạn gái Nicole Collard và vướng vào một cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ để tìm kiếm một cổ vật Maya.
Cả hai tựa game Broken Sword đều đạt được thành công rực rỡ vì sự hài hước đầy sáng tạo và một kịch bản thông minh nhiều nút thắt. Theo các số liệu thống kê, hai tựa game này đã bán được hơn 2 triệu bản tính đến năm 2001, và dẫn đến sự ra đời của 3 phiên bản nữa trong nhiều năm về sau.
(Còn tiếp)
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.1
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.2
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.3
- Graphic Adventure – lịch sử dòng game khai phá trí tưởng tượng – P.4