Halloween làng game: Jump Scare, môn nghệ thuật làm cho game thủ “đứng tim” - PC/Console

Game kinh dị thường dựa dẫm rất nhiều vào các pha hù dọa jump scare đầy bất ngờ để khiến game thủ phải rú lên, nhưng làm được như vậy đâu có dễ!

Nếu bạn từng chơi game kinh dị, chắc chắn bạn từng vấp phải những pha hù dọa “hú hồn” kiểu jump scare. Đó là khoảnh khắc mà bạn nghĩ rằng mình đã an toàn, nhưng đùng một cái con ác quỷ xuất hiện trước mặt, sau lưng hoặc bên trên họ, nhảy xổ vào màn hình kèm theo những hiệu ứng âm thanh kinh hoàng nhất mà nhà phát triển có thể tạo ra. Đôi khi chúng sẽ xuất hiện khi bạn nghĩ rằng tình huống hãi hùng mình đang gặp phải đã kết thúc, và trao cho những game thủ mắc bẫy cơ hội thể hiện trình độ combo “esc, save, quit” của mình.

Sẽ không quá lời nếu Mọt nói rằng jump scare là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của một tựa game kinh dị bên cạnh âm thanh, hình ảnh và kịch bản. Nhưng những pha hù dọa đó cần gì để thành công?

Học hỏi từ phim ảnh?

Mọt tui sẽ mượn lời của tác giả kịch bản bộ phim kinh dị Sinister nói về jump scare: “điều làm jump scare thành công là việc đánh lạc hướng.” Thật vậy, các pha jump scare kinh điển nhất mà Mọt tui từng biết đến đều là những pha đánh lạc hướng game thủ kinh điển, khi họ nghĩ rằng mình đã an toàn hoặc cần phải nhìn sang hướng khác, và rồi… một thứ gì đó lao ra.

Nếu phải “mổ xẻ” một pha jump scare, có vẻ như nó bao gồm ba bước chính. Đầu tiên, nhà phát triển sẽ đẩy bạn và nhân vật chính của trò chơi vào một tình huống tiềm ẩn hiểm nguy – đó có thể là tiếng rít gào của lũ Necromorph đâu đó sau các bức tường, tiếng nước chảy trong căn bếp hay những giọng nói bí ẩn khi chẳng có ai xung quanh. Những hiểm họa đó sẽ được giải thích hoặc giải quyết trong bước thứ hai, khiến game thủ nghĩ rằng mình đã an toàn (chẳng hạn hộc tủ đẫm máu trong Silent Hill) và bắt đầu thả lỏng. Mọi thứ sẽ trông rất bình thường, rất êm đềm, cho đến khi nhà phát triển “kéo lưới” và ném con ma vào mặt game thủ cùng một hiệu ứng âm thanh đầy bất ngờ tạo ra tình huống thót tim.

Mọt tin rằng các nhà phát triển game kinh dị đã học hỏi được chiến thuật này từ những bộ phim kinh dị, bởi dù phim và game rất khác nhau, chúng vẫn có điểm chung. Bạn có thể bắt gặp các tình huống jump scare như thế này trong những bộ phim như Cat People (1970), The Nightmare of Elm Street (1984)… Có một trường hợp thú vị khác là trong bộ phim The Tingler (1959), tác giả kịch bản kiêm đạo diễn William Castle đã khiến khán giả đứng tim bằng “Percepto!”, một thiết bị khiến ghế của khán giả rung lên khi tình huống hù dọa xảy ra trên màn hình.

Halloween làng game: Jump Scare, môn nghệ thuật làm cho game thủ

Nàng ma “bám lưng” game thủ trong P.T của Hideo Kojima.

Việc hù dọa game thủ có vẻ như… dễ dàng hơn hù dọa khán giả xem phim. Nếu như các bộ phim cần phải xây dựng một nhân vật thực sự chân thực và hấp dẫn để khiến khán giả hòa nhập vào đó, trong game điều này xảy ra rất dễ dàng bởi game thủ luôn nghĩ rằng mình là nhân vật trên màn hình. Tuy nhiên sự tồn tại của phim kinh dị cũng khiến game thủ to gan hơn khi chơi game, bởi phim đã khai thác gần như mọi phương thức hù dọa và cho game thủ biết điều gì có thể sắp xảy ra. Thật ra có một tình huống hù dọa còn bị dùng “mòn mỏi” đến mức tác giả rất ít khi thấy chúng xuất hiện trong game (hoặc do Mọt tui chơi game kinh dị chưa đủ nhiều): khi nhân vật mở một cánh cửa có lắp gương phản chiếu rồi đóng lại, một bóng ma bất ngờ xuất hiện sau lưng nhân vật ở trong gương.

Song of Horror
Những cách hù dọa kinh điển nhất lịch sử trong game kinh dị
Nói về game kinh dị thì chắc chắn không thể bỏ qua vấn đề hù dọa, kể cả có qua bao lâu chăng nữa thì những thứ này vẫn luôn là yếu tố nhát ma kinh điển.

Sợ nhưng mà… vui!

Với lịch sử lâu dài của thể loại game kinh dị, chúng ta có thể thấy rõ ràng là game thủ thích bị hù, chỉ cần những pha hù dọa đó thực sự sáng tạo. Nói một cách hàn lâm, việc sợ hãi các pha hù dọa khiến chúng ta sản sinh ra các hormone adrenaline, dopamine và endorphins, tạo ra sự căng thẳng ngắn nhưng sau đó lại phóng đại cảm giác an toàn, hưng phấn khi nhớ ra rằng mình chỉ đang chơi game, và chúng ta thích những cảm giác đó. Theo người cha của phân tâm học hiện đại Sigmund Freud, con người thích tham gia vào những hành vi nguy hiểm nếu nó có thể đem lại sự hài lòng nhất thời, từ nhảy bungie đến nhậu nhẹt bê tha, phóng xe tốc độ cao… nên không có gì lạ khi rất nhiều game thủ chẳng thể nào bỏ qua jump scare.

Ngoài ra, một số game thủ còn yêu thích việc “thăm dò cực hạn,” tìm kiếm sự gay cấn, hồi hộp và xem mình có thể lớn gan đến mức nào. Sau khi đã trải qua sự tấn công của căng thẳng, hồi hộp và sợ hãi mà trò chơi tạo ra qua ba bước jump scare hoặc đè ép được sự kinh hoàng sau pha hù dọa, game thủ chắc chắn sẽ tự hào vì họ vừa vượt qua được một thử thách nữa của nỗi sợ. Mọt tui không nghĩ nhiều về điều này, nhưng giờ đây khi ngẫm lại những tình huống đáng sợ mình từng gặp trong quá trình chơi những tựa game kinh dị, cảm xúc mình nhận được chắc chắn là sự tự hào.

Halloween làng game: Jump Scare, môn nghệ thuật làm cho game thủ

Amnesia: The Dark Descent.

Chính bản thân sự tò mò của người chơi cũng là một điều được khai thác nhằm đem lại niềm vui cho game kinh dị. Sợ hãi những điều chưa biết là một trong những bản năng của con người, và chúng ta luôn phải đối mặt với những điều chưa biết trong game kinh dị. Pha jump scare kế tiếp là lúc nào? Điều gì đang chờ đợi mình sau cánh cửa kia? Con quái đang đuổi theo mình sẽ xuất hiện từ đâu? Thứ gì đang ẩn nấp dưới mặt nước? Game kinh dị không ngừng đặt ra những câu hỏi khiêu khích trí tò mò của game thủ, và thưởng cho những ai muốn thỏa mãn trí tò mò của mình bằng đáp án là các pha jump scare xuất hiện đầy rẫy trong game.

Chân thực hay huyễn tưởng?

Với sức mạnh của trí tưởng tượng và thế giới ảo mà máy tính tạo ra, gần như không có một giới hạn nào cho các pha hù dọa mà nhà phát triển có thể đưa vào game của mình. Nó có thể là bạo lực máu me hay sự sợ hãi từ tâm linh; từ những con người bình thường hoặc bất thường đến ác thú kinh hoàng hay ma quỷ siêu thực, tất cả đều có thể xuất hiện trong game để hù dọa bạn. Một tiếng động ghê tởm có thể đến từ kẻ giết người hàng loạt lẩn khuất đâu đó trong nhà, nhưng cũng có thể là từ một con ma có thể đi xuyên tường (nhưng bằng cách nào đó vẫn gây chấn động không khí và chạm được vào bạn), hay từ một con quái vật chui rúc trong khe hở giữa các bức tường, tất cả đều có thể đem lại trải nghiệm kinh hoàng cho game thủ. Chúng có thể không đủ đáng sợ trên phim bởi người xem biết mình là kẻ ngoài cuộc, nhưng với game thủ, việc những thứ đáng sợ đó luôn hiển hiện quanh nhân vật của mình đồng nghĩa với việc những thứ đáng sợ đó đang ở quanh mình, và vì thế luôn khiến bạn phải lưu tâm.

Halloween làng game: Jump Scare, môn nghệ thuật làm cho game thủ

Fatal Frame 2.

Vậy nên trong mùa Halloween này khi bạn chơi một trong những tựa game kinh dị mà Mọt tui nhắc đến, hãy nghĩ về những gì mình đang cảm nhận được và những gì đang xảy ra trong cơ thể mình sau mỗi pha jump scare. Bạn có cảm thấy hào hứng hơn không? Bạn có cảm thấy thích thú không? Bạn có thở phào nhẹ nhõm vì nó đã kết thúc? Bạn có hài lòng với thành tựu “số lần bị hù +1” của mình? Hãy thử nhìn lại trải nghiệm của mình sau pha hù dọa đó, và cho Mọt biết cảm nhận của mình trong phần comment dưới đây!

Siêu phẩm kiếm hiệp hot nhất cuối năm 2019 – Bấm liền tay nhận ngay quà tân thủ: https://go.onelink.me/WOzv/MotGame