Từ trước đến nay Game luôn được cho là nguyên nhân chính dẫn đến chuyện chểnh mảnh học hành và lơ là việc học của game thủ. Thậm chí game thủ còn phải hứng chịu vô số cái nhìn thiếu thiện cảm từ phía xã hội khi cho rằng game là một “tệ nạn” trong thời đại bùng nổ công nghệ. Nhưng sự thật lại trái ngược hoàn toàn khi game không phải là “tệ nạn” mà lại còn là phương pháp giáo dục vô cùng hiệu quả nếu được khéo léo đưa vào giảng dạy đúng cách.
Game có phải là tệ nạn?
“Tệ nạn” vốn là danh từ dùng để chỉ những thói quen xã hội xấu và thật không may khi Game luôn nhận được những cái nhìn đầy ác cảm của xã hội và bị đánh đồng với hàng loạt tệ nạn khác trong bộ “tứ đổ tường” nổi tiếng xưa nay. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, nhiệm vụ của game là đem lại những giây phút giải trí và trải nghiệm tốt nhất cho người chơi sau những giờ phút đầy áp lực trong học tập và công việc.
Có khác chăng đôi khi game thủ đã lạm dụng “thuốc bổ” quá liều và phản tác dụng nhưng nếu so với những lợi ích to lớn khi vận dụng Game đúng cách vào giáo dục thì đây lại là một câu chuyện khác.
Game thủ tiếp thu kiến thức chuyên môn qua game ra sao?
Học luôn phải đi đôi với “hành” và đối với game thủ thì việc học lại càng khó nhai hơn “hành” trong game bội phần. Tuy nhiên cả hai trường phái trái ngược nhau này lại có thể hợp nhất và đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cũng như kiến thức cho game thủ.
Dễ thấy nhất chính là việc sử dụng những trò chơi đơn giản và trực quan để dạy cho trẻ mẫu giáo nhận thức thế giới. Rất nhiều trò chơi đúng kiểu “học mà chơi – chơi mà học” từ xếp các hình giống nhau vào chung một nhóm, nhét các khối hình vào khe tương ứng để bỏ lọt vào thùng, các bộ lắp ráp hình từ khối vuông, khối gỗ… Dần dần theo sự phát triển của trẻ, trò chơi được số hóa lên các thiết bị và áp dụng tiếp theo dạng trò chơi điện tử. Rất nhiều trường học trên thế giới đã trang bị thiết bị học tập tiên tiến cho trẻ như máy vi tính, máy tính bảng để giúp việc học tập thêm sinh động.
Cho đến các cấp cao hơn ví dụ như môn học khô khan như lịch sử sẽ khá ít game thủ nào để ý đến những cột mốc phát triển trong lịch sử loài người và những cuộc chiến lớn đã gây thiệt hại ra sao. Nhưng đối với game thủ đã từng kinh qua những tựa game như Call of Duty, Battlefield, Brother in Arms… những cột mốc lịch sử trong thế chiến thứ 2 vốn không phải là vấn đề gì quá to lớn với họ.
Thậm chí chính những tựa game này còn là nguồn cảm hứng để game thủ nghiên cứu thêm và củng cố thêm những kiến thức mà họ không được dạy chi tiết trên trường lớp như “Bên cạnh trận bãi biển Omaha – Normandy lịch sử còn có trận Pointe du Hoc. Đổ bộ Normandy (chiến dịch Overlord) không phải là trận duy nhất quân Đồng Minh tràn vào Châu Âu theo số lượng lớn mà bên cạnh đó còn có chiến dịch Market Garden. Hay chiến dịch tấn công nước Nga của Đức được lấy tên Barbarossa từ vị vua vĩ đại của Đức đồng thời là hoàng đế La Mã vào thế kỷ thứ 12.”
Không chỉ hữu ích trong việc giảng dạy bộ môn lịch sử, Game còn là công cụ giảng dạy hiệu quả nhất đối với những bộ môn khó nhằn như kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt trong vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris, khi cả thế giới còn đang hoang mang trong việc phục dựng lại nhà thờ và thương khóc cho số phận của công trình gắn với câu chuyện tình Quasimodo và Esmeralda thì Ubisoft lại khiến cả thế giới bất ngờ khi hỗ trợ toàn bộ bản phục dựng 3D chi tiết đến từng họa tiết nhỏ nhất trong nhà thờ của họa sỹ Caroline Miousse trong tựa game Assassin’s Creed: Unity của họ.
Những bài thi mang đậm dấu ấn game thủ thành công ra sao?
Với tầm ảnh hưởng to lớn trong cộng đồng, game dần dần chuyển mình mạnh mẽ hơn đồng thời trở thành cầu nối kiến thức giúp game thủ có thể tự tin bước vào đời. Và những bài thi trong trường học cũng đồng thời tiến hóa để giúp game thủ dễ dàng thích nghi và kích thích khả năng tìm tòi học hỏi của họ.
Năm 2018, một trường đại học ở Tây Ban Nha đã mạnh dạn đưa vị tướng Nami trong Liên Minh Huyền Thoại và đề thi môn cơ học chất lỏng (Lý):
Tạm dịch:
“Trong trò chơi khá phổ biến trên máy tính League of Legends (LMHT), vị tướng nhân ngư Nami có chiêu cuối là tạo ra một trận Đại Hồng Thủy.
Nàng nhân ngư tạo được cơn sóng nhờ xoay mạnh quyền trượng có độ dài L , tạo ra một sự nhiễu loạn đối với vùng nước xung quanh cô.
Gọi tốc độ lan truyền của sóng là V và áp lực của sóng sau khi va chạm là P , cả hai đều phụ thuộc vào trọng lực G , độ sâu của nước bên dưới sóng là H. Hãy tính mật độ của nước và sức căng bề mặt của nước-không khí.
Trong LMHT, khoảng cách được đo bằng “unit”(đơn vị). Trong game, chiều cao của Nami và độ dài quyền trượng của cô đều có L = 80 units và trọng lực là G =
1500 units/s2. Mật độ của nước trong LoL là 1 Kg /đơn vị3. Nami có thể tạo ra một cơn sóng với H = 40 units, lan truyền với V = 1000 units/s. Cơn sóng gây sát thương tương ứng P = 150 SMPT lên bất kì tướng nào trên đường đi của nó. Sát thương phép ứng với phép đo áp suất: 1 điểm sát thương phép bằng 104kgunit-1.s-1.
Câu hỏi thêm: Liệu Usain Bolt có thể thoát ra khỏi trận Đại Hồng Thủy của Nami bằng vận tốc của mình hay không?”
Nhận thấy tầm ảnh hưởng cực lớn của LMHT, một thầy giáo ở Việt Nam cũng đã mạnh dạn đưa tựa game này vào đề thi Vật Lý lớp 10 như sau:
“Trong khu rừng thần thoại Summoner’s Rift, sau khi trải qua nhiều vòng loại của cuộc thi “Ai chạy nhanh nhất”, trận chung kết diễn ra với sự tranh tài của 3 con vật:
– Chim ưng Quinn. Con này có khả năng bay lượn nhanh và chuyển động thẳng đều với vận tốc 480m/s.
– Tê tê gai Rammus. Con này ban đầu xuất phát và di chuyển đều với vận tốc 400m/s, sau 5 giây Rammus sử dụng phép thuật “Quả Cầu Tốc Độ” và chuyển động đều với vận tốc 550m/s trong quãng đường còn lại.
– Nhân mã Hecarim. Con này xuất phát với vận tốc 360m/s. Sau khi chạy đều trong 2 giây, sử dụng kỹ năng “Vó Ngựa Hủy Diệt” nên chuyển động nhanh dần đều với gia tốc 20m/s.
Biết đoạn đường đua thẳng dài 4800m và các con vật xuất phát cùng thời điểm.
Theo bạn con vật nào đích đầu tiên?”
Lời kết
Thế mới thấy Game đâu đơn giản chỉ là thú vui giải trí mà còn là một nguồn cảm hứng để học hỏi nhiều cái mới. Thế giới những năm gần đây cũng đã dần chấp nhận cộng đồng văn hóa game thủ với những tác phẩm dành riêng cho cộng đồng này như phim điện ảnh Ready Player One của đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg. Nhiều trường đại học chuyên ngành công nghệ trên thế giới cũng bắt đầu hình thành khoa giảng dạy về thiết kế video game.
Thậm chính các trường đại học còn có chính sách ưu đãi cho những game thủ chơi game tốt qua những chính sách học bổng và mở khoa giảng dạy về eSports. Mặc dù hơi viễn vông nhưng nghĩ lại thì cách đây hơn 20 năm đâu có ông game thủ nào nghĩ tới việc game có thể trở thành một cái nghề giúp họ chăm lo được bản thân và gia đình như Esports ngày nay đúng không?
Rõ ràng game có những thế mạnh rất lớn của nó về mặt truyền tải thông điệp đến người chơi nhưng bao năm nay nó bị bỏ quên và không khai thác đúng. Nếu các đơn vị giáo dục chấp nhận gạt bỏ định kiến lỗi thời về mặt trái của game và nghiên cứu cách khai thác thế mạnh về giáo dục của nó thì game sẽ nhanh chóng trở thành một trong những công cụ giáo dục hiệu quả cực mạnh.