Nếu bạn là người Việt Nam chắc sẽ không lạ gì câu “tiền chứ có phải lá mít đâu?” hay với các fan truyện tranh thì quen thuộc với hình ảnh con chồn tinh dùng lá cây phù phép thành tiền bằng ảo thuật. Trong những hoàn cảnh nhất định người ta không dùng tiền giấy mà dùng những vật dụng khác làm đơn vị trao đổi là khá phổ biến. Và các nhà làm game cũng nghĩ ra không ít thứ bẩn bựa để dùng thay tiền trong game, thường là để tăng ý nghĩa của bối cảnh game.
Hãy cùng Mọt lựa ra những thứ vật dụng kỳ lạ, bẩn bựa, khó ngờ nhất để thay tiền trong game nhé!
Răng – Alice: Madness Returns
Vâng, bạn không nghe nhầm đâu, chính là những chiếc răng. Alice: Madness Returns là một tựa game khai thác câu chuyện Alice lạc vào xứ thần tiên nhưng với góc nhìn khi Alice… bị tâm thần. Chính vì vậy mà việc Alice quay trở lại xứ sở thần tiên đã biến thành một cuộc hành trình đầy kinh dị và điên khùng.
Chính đơn vị tiền tệ là những chiếc răng càng tô đậm thêm tính điên khùng của thế giới này. Nhà sản xuất không đưa ra bất cứ giải thích nào về việc chọn răng thay tiền trong game nhưng có một vài dấu hiệu dẫn đến các giả thiết khác nhau của game thủ.
Đầu tiên, đó là đoạn phim đầu game có cảnh Alice bị rụng răng và người chơi suy đoán rằng đó là hành trình Alice tìm lại chiếc răng rụng của mình trong cơn điên loạn và ảo tưởng của bệnh tâm thần. Một lý giải khác là ý nghĩa của việc mất răng trong giấc mơ chính là thước đo sự điên loạn của Alice, vì vậy Alice phải thu lại càng nhiều răng càng tốt để níu kéo lại trạng thái tỉnh táo của mình.
" alt=""
Nhưng dù có lý giải thế nào đi nữa, dùng những chiếc răng làm tiền để trao đổi và nâng cấp là ý tưởng điên loạn và “biến thái” nhất mà Mọt có thể nghĩ đến. Nhưng sau đó, Mọt lại nhớ đến các anh cao to bặm trợn hay đeo lủng lẳng cái răng hổ hay nanh lợn lòi làm biểu tượng sức mạnh của núi rừng… cũng không biến thái lắm nhỉ.
Vòng thánh của thiên thần – Bayonetta
Bayonetta là một nữ phù thủy chuyên đánh nhau với thiên thần, vì vậy việc hạ thủ đám thiên binh này rồi cướp lấy cái vòng trên đầu không cho chúng đầu thai cũng khá hợp lý. Vòng thánh (Halo) này được tích lũy qua các màn đấu và sẽ được Bayonetta dùng để nâng cấp hoặc trao đổi vật phẩm bổ trợ ở chỗ tay thương nhân huyền bí Rodin.
Tay này nói rằng các vòng thánh của thiên thần có giá trị rất lớn ở “nhà” của hắn, vì thế hắn sẵn sàng trao đổi rất nhiều thứ hay ho nếu Bayonetta đi thu gom. Và cái kho vũ khí, trang bị mà gã này sở hữu trông cũng khá là đồ sộ. Vậy tội gì không đi lượm nhặt chút ít để đổi hàng nóng cầm cho oai?
Rodin thực ra là một thiên thần sa ngã, từng là một thiên thần “có số má” được giao quản lý một khu vực trên Paradiso. Tuy nhiên hắn đã bị trục xuất vì tham gia một cuộc binh biến chống lại thiên đàng. Sau một thời gian mất tăm dưới địa ngục, hắn trở lại trần gian mở một quán bar và khi gặp Bayonetta thì gợi ý trao đổi vũ khí, trang bị và nhiều thứ khác để lấy vòng thánh.
Và mấy cái vòng này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến… nhím Sonic.
Nắp chai – Fallout
Khác với 2 ứng của việc thay tiền trong game có vẻ hơi… mạnh bạo ở trên, Fallout lại có cách làm khá là nhẹ nhàng và giống như đùa giỡn. Đơn vị tiền tệ để người chơi trao đổi mua bán trong thế giới hậu tận thế của game này là nắp chai nước ngọt (cap). Nó giống như trò chơi của trẻ con dùng nắp chai để trao đổi đồ với nhau vậy. Và ông nào fan Doraemon chắc không thể không liên tưởng đến tập truyện có bộ sưu tập nắp chai của Nobita nhỉ?
Tuy nhiên xét về thực tế thì đây là một quyết định chính xác vì thế giới hậu tận thế không có máy in tiền và cũng không có một chính phủ thống nhất để quy định tiền tệ. Vì thế nắp chai chính là đồng tiên bền vững hiếm hoi không lo bị lạm phát vì chẳng có ai sản xuất được nắp chai trong hoàn cảnh đó và số lượng của chúng gần như chỉ có giảm (vì hư hỏng) chứ không có tăng.
Chính vì kiểu dùng tiền kỳ lạ này đã sản sinh ra một trò đùa cực vui. Đó là khi Fallout 4 ra mắt, một game thủ đã gửi cho nhà phát triển Bethesda một thùng nắp chai đến vài trăm nắp và yêu cầu được mua đĩa game. Ấn tượng với trò đùa này, Bethesda đã gửi hẳn một bản đĩa đặc biệt tặng cho anh chàng vui tính kia và không quên kèm theo câu nhắc nhở “chỉ lần này thôi nhé!”
Đạn quân dụng – Metro
Cũng là bối cảnh hậu tận thế như Fallout nhưng Metro có lựa chọn “nghiêm túc” và cũng không kém phần thẳng thắn hơn. Đó là dùng đạn quân dụng thay thế cho tiền trong game. Trong thế giới của Metro, sau khi thảm họa hạt nhân toàn cầu diễn ra, con người phải chui xuống hệ thống hầm xe điện sâu dưới lòng đất để tránh phóng xạ. Chính vì vậy các loại súng đạn mà họ có hầu hết là tự chế trong hoàn cảnh thiếu thốn. Từ đó đạn quân dụng được sản xuất trước thảm họa là thứ cực kỳ quý giá cả về độ hiếm lẫn công dụng của nó.
Loại đạn của quân đội này được sử dụng thay cho tiền khi trao đổi các nhu yếu phẩm, mua vũ khí nhưng khi cần thiết bạn cũng có thể nạp nó vào súng AK và bắn kẻ địch. Chính vì là đạn quân dụng nên sát thương tất nhiên sẽ cao hơn các loại đạn tự chế của đám gà mờ. Thế là bạn có khái niệm “đốt tiền” đúng nghĩa đen khi gặp một con boss mạnh nhưng lại hết đạn để đấu.
Mảnh ve chai – Horizon: Zero Dawn
Vẫn là thế giới hậu tận thế, tuy nhiên bối cảnh của Horizon: Zero Dawn khác với những game bên trên và vì thế thứ mà nó dùng thay tiền tệ cũng đặc biệt hơn. Mảnh ve chai bằng kim loại (Metal Shard) có vẻ là một thứ rất phù hợp với bối cảnh của tựa game này.
Thế giới hậu tận thế tràn ngập đám máy móc tự động đi lang thang khắp nơi thì việc giết chúng và thu gom phế liệu về chế tạo các công cụ cần thiết là một điều rất hợp lý. Chính từ nhu cầu này, các mảnh phế liệu trở thành thứ tài nguyên dùng để trao đổi vật phẩm thay cho tiền cũng là một điều không thể bắt bẻ được.
Ngoài việc dùng để buôn bán trao đổi, Metal Shard cũng được dùng trực tiếp làm nguyên liệu rèn chế các thứ trong game. Cũng giống như nhiều game khác khi người ta săn thú để lấy da, nanh, xương về để chế thành công cụ hay vũ khí thô sơ thì Horizon: Zero Dawn đã chọn thứ rất phù hợp với máy móc. Và giờ thì Mọt Leo Cây tui không thể bỏ ra khỏi đầu hình ảnh em Aloy đội cái nón lá chạy chiếc xe đạp đi buôn ve chai.
Blood Echoes – Bloodborne
Nếu tất cả các thứ trên dù có bẩn bựa, kỳ lạ hay hài hước tới đâu thì chúng vẫn là vật chất có thể cầm nắm được. Còn khái niệm Blood Echoes được dùng thay tiền trong game Bloodborne thì lại gây tranh cãi. Nó là thứ mà bạn nhận được sau khi tiêu diệt những kẻ trúng dịch máu độc hoặc các con trùm. Khi chơi bạn thấy có vẻ nó tồn tại dưới dạng những cục máu nhưng khi xem định nghĩa của nó thì lại khác.
Blood Echoes là tiếng vọng từ ý thức của một ai đó. Nó giống như bóng ma là hình ảnh nhạt mờ còn sót lại của một người, Blood Echoes là ý thức rời rạc còn sót lại của một kẻ nhiễm máu độc đã chết. Nghe có vẻ như là một cái gì đó rất trừu tượng và không thể cầm nắm được. Nó cũng giống như Souls (linh hồn) trong Dark Souls nhưng chính vì sự rối rắm cũng như trừu tượng vượt trội hơn hẳn nên Blood Echoes được chọn vào danh sách này thay cho Souls.
Cơ chế hoạt động của Blood Echoes cũng tương tự như Souls, người chơi tiêu diệt quái để có được và chi xài chúng vào các nâng cấp vũ khí hoặc sức mạnh. Nếu chẳng may bị chết, chúng sẽ rơi lại tại chỗ và người chơi phải quay lại để nhặt. Nếu chết lần thứ 2 mà chưa kịp nhặt phần bị rớt thì số Blood Echoes kia sẽ biến mất vĩnh viễn.
Kết
Tiền rốt cục cũng là thứ trung gian để trao đổi các vật phẩm khác với nhau, chính vì vậy chỉ cần thứ đó phổ biến và giá trị thì sẽ có thể dùng làm một loại tiền. Và làng game đã có rất nhiều ý tưởng độc bựa cho “thứ đó” như chúng ta thấy bên trên. Từ vật chất có thể cầm nắm được cho đến thứ trừu tượng đầy mơ hồ, chắc chắn trong thế giới game rộng lớn vẫn còn nhiều loại tiền đặc biệt và khó đỡ, nếu bạn biết về chúng hãy cùng chia sẻ với Mọt nhé!